|
Phần 1: Bước leo thang nguy hiểm ở Tư Chính
Hành động xâm phạm chủ quyền trắng trợn của Bắc Kinh ở bãi Tư Chính thuộc vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế Việt Nam cùng với việc triển khai lực lượng viễn chinh ở quân cảng Sihanoukville của Cambodia cho thấy Trung Quốc đang ngày một dấn sâu hơn những nước cờ nguy hiểm cho an ninh và tự do hàng hải trong khu vực nhằm nỗ lực thay đổi cục diện địa chính trị, quân sự tại Biển Đông bằng các hoạt động khai thác dầu khí kết hợp với sức mạnh áp chế về quân sự.
Xung đột ở bãi Tư Chính thuộc Việt Nam sẽ không dừng lại. Địa chiến lược của khu vực này có vai trò then chốt trong tham vọng “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Thời điểm vàng cho một cuộc xung đột hạn chế với Việt Nam tiến tới ép Hà Nội phải chấp thuận một thỏa thuận “hợp tác chung” tại địa điểm này chính là thời gian chính quyền Donald Trump bận rộn cho mùa bầu cử tiếp theo, khi chảo lửa Iran đang chực sôi trào, cũng như vấn đề Triều Tiên chưa ngã ngũ với nhiều toan tính.
Nếu khả năng này xảy ra, thì tương lai Biển Đông trở thành vùng “nội thủy” của Trung Quốc sẽ diễn ra trong vài năm tới. Điều này là một thảm họa cho không riêng gì Việt Nam mà tất cả các nước đang chia sẻ lợi ích chung tại Biển Đông sẽ đều chịu rủi ro.
Tháng Bảy, 2016, phán quyết của tòa quốc tế PCA phủ nhận những yêu sách không thể chấp nhận và vô căn cứ của Trung Quốc về “đường 9 đoạn”. Nhưng trên thực tế, kể từ sau phán quyết PCA, Trung Quốc đã liên tục đẩy mạnh tiến trình quân sự hóa Biển Đông, gia tăng các hoạt động “xói mòn chủ quyền” của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á một cách hệ thống và liên tục.
Sự nhu nhược và toan tính thiển cận của Hà Nội và Manila trong thời gian dài, cũng như lòng tham vô hạn của Hunsen đã trao cho Trung Quốc rất nhiều cơ hội để dễ dàng chia rẽ một cộng đồng các nước ASEAN thiếu đoàn kết, ngày một củng cố sức mạnh quân sự tại vùng biển chiến lược, bận rộn nhất thế giới.
Trên bàn cờ Biển Đông, Trung Quốc đang nắm thế chủ động và lợi thế “đi trước” so với “tứ giác kim cương” Mỹ – Nhật – Úc – Ấn. 8 năm cầm quyền của Tổng Thống Obama, với sự “rụt rè” đáng ngạc nhiên của người Mỹ ở Biển Đông, thời gian đã đủ cho Trung Quốc hiện đại hóa hạm đội, xây dựng chuỗi đảo nhân tạo – là những vùng đảo chiếm được của Việt Nam vào năm 1974, 1988 ở Hoàng Sa, Trường Sa, xâm chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines 2012, hình thành một hiện trạng cực kỳ bất lợi cho chủ quyền các quốc gia có vùng lãnh hải chồng lấp với yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc.
Có rất nhiều điểm tương đồng giữa những gì đang xảy ra ở Tư Chính, Việt Nam với cuộc xâm lược Ba Lan của Hitler 80 năm trước.
Vào 1 tháng Chín, 1939 quân đội Đức Quốc Xã nổ tiếng súng đầu tiên xâm lược Ba Lan. Các cấu trúc phòng thủ của Ba Lan đã nhanh chóng tan vỡ vì tương quan lực lượng, trình độ kỹ thuật quân sự, vũ khí, chiến thuật quá chênh lệch, bị tấn công cùng lúc bởi cả hai lực lượng hùng mạnh là Đức Quốc Xã và hồng quân Liên Xô – thời gian đầu của Thế Chiến Thứ Hai, Liên Xô và Đức Quốc Xã còn là đồng minh của nhau.
Một lý do khác nữa khiến lực lượng hơn 1 triệu quân Ba Lan sụp đổ nhanh chóng trong vòng 3 tuần lễ là phản ứng chậm chạp của quân đồng minh đã không kịp thời tiếp viện cho Ba Lan vì những toan tính chính trị thiển cận. Sự sụp đổ nhanh chóng của “đại bàng trắng Châu Âu” khiến cho vùng đất chiến lược Trung Âu lọt vào tay Hitler để làm bàn đạp thuận lợi cho các cuộc xâm lược toàn Châu Âu sau đó dễ dàng.
Dường như lịch sử đang lặp lại. Nếu coi Biển Đông là một vùng đồng bằng rộng lớn thì địa chiến lược khu vực này có vai trò quan yếu hơn nhiều so với Ba Lan đối với Châu Âu.
Trong tương lai không xa, khi con kênh đào Kra xuyên qua miền Nam Thái Lan được các tập đoàn Trung Quốc hoàn thành, Bắc Kinh sẽ vẽ lại bản đồ địa kinh tế chính trị toàn bộ Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Khi đó, các lực lượng hải không quân của Trung Quốc đồn trú tại Cambodia, Tư Chính, Trường Sa, Hoàng Sa sẽ kiểm soát những hải trình giá trị nhất thế giới. Đó là một viễn tượng đen tối mà không ai muốn chứng kiến.
Hoạt động khảo sát dầu khí tại khu vực bãi Tư Chính, Việt Nam của nhóm tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 cùng với đội tàu hùng hậu bảo vệ gồm các tàu hải cảnh 12.000 tấn mã hiệu 3901, tàu dân quân biển Qiong Sansah Yu0014, Haijing 37111, Haijing và Zhonguo Haijing 46303, tàu hải giám 3402…, ngay trong thời gian chuyến đi thăm Trung Quốc kéo dài 4 ngày của bà Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân là một toan tính “nhất tiễn hạ song điêu” thâm hiểm của Bắc Kinh.
Cần nhắc lại chuyến đi của bà Nguyễn Thị Kim Ngân từ ngày 8 đến 12 tháng Bảy, 2019 là thay mặt cho ông Nguyễn Phú Trọng vì lý do sức khỏe đã không đi “chầu thiên triều” để báo cáo về kế hoạch đại hội đảng và nhân sự chủ chốt nhiệm kỳ tiếp tới. Việc tái lập lại tình trạng xung đột căng thẳng ở bãi Tư Chính sau khi đã ép Việt Nam hủy bỏ liên doanh với Repsol ở dự án khai thác dầu khí Cá Rồng Đỏ năm 2017 tại thời điểm này có một chủ ý rõ ràng.
Thông điệp mà Bắc Kinh muốn gửi đến người Mỹ từ “phép thử” Tư Chính lần này là Việt Nam đã hoàn toàn chấp thuận “bàn giao” hay đồng ý “hợp tác” với Trung Cộng tại các vùng biển trọng yếu, giàu tài nguyên của mình.
Tuy nhiên, diễn biến ở Tư Chính đã không diễn ra đúng như “kế hoạch”. Phản ứng khá mạnh mẽ của cảnh sát biển và hải quân vùng 2, Việt Nam có lẽ làm cho Trung Quốc bất ngờ. Mặc dù vậy, điều khó hiểu ở đây là “dàn hợp xướng” hơn 800 tờ báo chí trong nước dưới cái đũa chỉ huy của Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương Võ Văn Thưởng và Bộ Trưởng Bộ 4T Nguyễn Mạnh Hùng đã “câm như hến” suốt 18 ngày kể từ động thái quân sự đầu tiên của Trung Quốc bắn thử nghiệm 6 tên lửa ASMB đối hạm loại mới vào hai khu vực riêng rẽ ở vùng biển Trường Sa và 11 ngày sau khi tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 cùng đội tàu bảo vệ tiến vào bãi Tư Chính. Tất cả lãnh đạo cao cấp CSVN đều không hề đả động đến hai chữ húy kỵ “Tư Chính”, ngay cả khi tin tức trên các tờ báo nước ngoài và mạng xã hội đã phổ biến rộng rãi.
Sự xuất hiện “đôi tháng một lần” của ông Tổng Tịch Nguyễn Phú Trọng trong thời điểm này lại là cuộc gặp mặt các cán bộ công đoàn cơ sở với lo ngại trước “thông tin xuyên tạc” của những “thế lực thù địch”. Có vẻ như, điều ông ta lo ngại là những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc năm 2014 có thể lặp lại chứ không phải là chủ quyền quốc gia bị xâm phạm.
Một nguồn tin nội bộ cho biết, lần này, một bộ phận từ phía quân đội và giới chức lãnh đạo phía Nam đã không đồng quan điểm với những chóp bu CSVN và sự việc không diễn ra như Hà Nội mong muốn. Ngày 17 tháng Bảy, 2019, báo “lề phải” của Việt Nam mới lên tiếng chỉ đích danh Trung Quốc là kẻ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Đây cũng là lần hiếm hoi, báo chí trong nước đã được “tháo rọ mõm” khi có loạt bài phản đối hành động “yêu cho roi cho vọt” của người bạn “16 chữ vàng” của Đảng CSVN.
Mặc dù, việc quốc tế hóa những xâm phạm chủ quyền trắng trợn của Trung Quốc tại lãnh hải Việt Nam là biện pháp tự vệ tốt nhất, nhưng xem ra Hà Nội không muốn làm điều này. Trong các cuộc xung đột về lãnh thổ từ sau 1988, Việt Nam luôn là kẻ thua cuộc và chấp nhận thiệt thòi.
Một cụm từ luôn được Bắc Kinh nhắc nhở những “đứa con hoang đàng” là phải “hướng tới tương lai”, “giữ gìn đại cục”. “Đại cục” ở đây không chỉ hàm nghĩa là hòa bình và lợi lộc cho những chóp bu và Đảng CSVN. Đó còn là “tính chính danh” của thể chế – những thỏa thuận bí mật mà lãnh đạo hai đảng cộng sản thỏa thuận với nhau trong quá khứ để đánh đổi lấy lợi quyền cho đảng phái nhưng phương hại quyền lợi và chủ quyền quốc gia nếu bị Bắc Kinh công bố thì sẽ là dấu chấm hết cho Đảng CSVN.
Xem ra, những động thái truyền thông và đấu tranh ngoại giao yếu ớt, muộn màng của Hà Nội chẳng có tác dụng gì đáng kể để ngăn cản một cuộc xâm lược đã được chuẩn bị chu đáo. Tư Chính sẽ là một Gạc Ma thứ 2 nhưng “êm ái” hơn và cái giá phải trả sẽ đau đớn hơn rất nhiều.
25/7/2019
Tân Phong
(còn tiếp)
https://viettan.org/tran-waterloo-cua-hoang-de-tap-buoc-leo-thang-nguy-h...