Truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin, ông Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 26/3, đã "trân trọng mời Tổng thống Putin sớm thăm chính thức Việt Nam" và ông Putin "đã vui vẻ nhận lời".
Putin, một người đã bị Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court - ICC) phát lệnh truy nã từ tháng 3/2023; một người bị nghi ngờ liên quan đến hàng trăm cái chết bí ẩn của các đối thủ chính trị, các nhân vật bất đồng chính kiến, tất cả những ai dám làm khác ý ông ta mà mới đây nhất là cái chết của Yevgeny Prigozhin – tay trùm tổ chức lính đánh thuê Wagner, hay Alexei Navalny– chính trị gia đối lập Nga đang thụ án trong tù; cũng là người vừa “tái đắc cử” chức vụ Tổng thống trong một cuộc bẩu cử bị phương Tây chỉ trích là "giả hiệu" … Việc ông Nguyễn Phú Trọng đánh tiếng mời ông Putin thăm Việt Nam, do đó, đã gây ra sự kinh ngạc lẫn những lời chỉ trích đối với những ai quan tâm đến chính sách ngoại giao, cũng như vận mệnh của đất nước, dân tộc Việt Nam.
Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ngắn với nhà văn, nhà báo Từ Thức, từng là đặc phái viên của Việt Tấn Xã (Việt Nam Cộng Hòa) trong suốt cuộc hội đàm về Việt Nam tại Paris. Sau 1975, cộng tác với nhiều báo, websites tại hải ngoại. Nhà báo Từ Thức hiện sống tại Paris, Pháp.
* Thưa nhà văn, nhà báo Từ Thức. Ông Nguyễn Phú Trọng vừa mời Putin sang thăm Việt Nam và Putin đã nhận lời. Sau khi có vẻ nhích về các nước dân chủ Tây Phương qua việc nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất – đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Nhật, Úc, Việt Nam lại chấp nhận đưa quan hệ hai nước Việt-Trung lên mức “Cùng chung chí hướng, chia sẻ vận mệnh chung” qua chuyến viếng thăm gần đây của Tập Cận Bình. Và bây giờ lại “ve vãn” Nga. Ông nghĩ gì về chuyện này?
Nhà văn, nhà báo Từ Thức:
Đó là chính sách ‘’ngoại giao cây tre’’ của Nguyễn Phú Trọng. Cây tre theo chiều gió, lúc ngả về phe này, lúc ngả về phe kia. Nhưng cây tre có vẻ càng ngày càng ngả về phía Nga, Tàu hơn.
Có nhiều lý do:
1. Ông Trọng là một trong những người cuồng chủ nghĩa Mác Lê cuối cùng ở Việt Nam, thấy gần gũi với những nước có văn hoá Cộng sản hơn là các nước dân chủ.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam nghĩ dù sao cái dù của họ, thế lực che chở cho họ để ngồi trên ngai vàng, vẫn là Bắc Kinh.
3. Các nước độc tài vẫn dễ chơi với nhau, hơn là liên hệ với các nước dân chủ, có những nguyên tắc rắc rối, thí dụ nguyên tắc hạn chế quyền hành của nhà cầm quyền, tôn trọng tự do báo chí vv…
Đó là hiện tượng ngày nay Phi Châu rời bỏ quỹ đạo của Tây Phương, nhất là Pháp, để rơi vào tay Tàu, tay Nga, mặc dầu Tàu và Nga khai thác tài nguyện địa phương còn dã man hơn cả chế độc thuộc địa ngày xưa. Nhưng chơi với Nga, với Tàu, dù chính quyền có tham nhũng, độc đoán tới đâu cũng không ai tò mò, tra hỏi, mà còn được che chở. Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã (trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa)
*Tại sao Việt Nam không thoát khỏi ảnh hưởng của Nga và nhất là Trung Quốc, tại sao ‘’cây tre’’ cuối cùng cũng ngả hẳn về phía này, mặc dù Trung Cộng đang gặp mọi khó khăn, Nga đang lúng túng với cuộc xâm lược Ukraine? Có người nói bởi vì Việt Nam có cái bất hạnh ở sát nách Tàu, phải nương theo để tồn tại?
Nhà văn, nhà báo Từ Thức:
Câu ấy, người ta nhắc đi nhắc lại, như một câu thần chú, để biện minh cho chính sách nô lệ Bắc Kinh. Sự thực, không phải chỉ có Việt Nam sát cạnh Tàu. Nước Tàu chung biên giới với 14 quốc gia, nhưng không phải nước nào cũng là tay sai của Bắc Kinh.
Trường hợp điển hình, độc đáo nhất là Mông Cổ. Trước 1990, khi Nga Xô Viết sụp đổ, Mông Cổ lệ thuộc Nga và Tàu về cả kinh tế tới chính trị. Họ bị điêu đứng bởi những cuộc đàn áp tàn bạo của hai nước này. Sau 1990, họ tìm cách ra khỏi ảnh hưởng của Nga và Tàu, mặc dù lãnh thổ Mông Cổ nằm kẹt ở giữa, phía Bắc là Nga, phía Nam là Tàu. Mông Cổ không có ranh giới với bất cứ nước nào khác, không có biển. Muốn đi tới bất cứ đâu cũng phải đi qua Nga và Tàu. Mặc dầu vậy, họ can đảm và sáng suốt tìm cách bang giao với thế giới dân chủ, từ Hoa Kỳ, tới Âu Châu, Nhật Bản, Ấn Độ, để xây dựng một mô hình xã hội, chính trị khác với 2 nước khổng lồ láng giềng. Ít người Việt biết rằng Mông Cổ ngày nay là một nước dân chủ, với bầu cử minh bạch, báo chí tự do, tam quyền phân lập.
Nếu Mông Cổ xây dựng được dân chủ, thoát khỏ ách Trung Cộng, bất cứ quốc gia nào cũng có thể làm được, nếu quyết tâm coi đó là mục tiêu, là tương lai của đất nước.
Nên nhớ Mông Cổ vẫn được coi như một dân tộc bán khai, dân số lèo tèo hơn 3 triệu người (3.300.000), phải giữ gìn một lãnh thổ mênh mông trên một triệu rưỡi cây số vuông (1.566.000 km2), lớn gấp… 47 lần nước Việt!
* Theo ông, chính sách ngoại giao bất nhất, không minh bạch, dù không che được khuynh hướng theo Tàu, có hậu quả gì cho đất nước?
Nhà văn, nhà báo Từ Thức:
Hậu quả đầu tiên là sẽ hoàn toàn cô độc với các nước láng giềng. Các nước trong vùng, từ Ấn Độ tới Nhật Bản, Úc, Phi càng ngày càng coi Trung Cộng như hiểm hoạ lớn nhất, phải cùng nhau hợp tác để đương đầu. Họ không tin Việt Nam nữa. Hoa Kỳ ngày nay còn hoà hoãn, với hy vọng kéo Việt Nam ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc, sẽ lưu tâm và trừng trị tệ trạng Trung Cộng mượn bình phong Việt Nam, lấy nhãn hiệu Việt Nam để xuất cảng hàng hoá Tàu. Nên biết trong tương lai, chuyện chống sự bành trướng của Tàu sẽ là mục tiêu số một của các cường quốc trên thế giới.
Hà Nội ngày nay lựa một chính sách họ nghĩ là có lợi cho Đảng, bất chấp quyền lợi của đất nước.
Khó tưởng tượng một quốc gia tự trọng đứng ra chào đón Putin, người đã gây ra cuộc chiến tranh đẫm máu ở Ukraine, đang bị Toà Án Hình Sự Quốc Tế (ICC. International Criminal Court) truy nã như một tội phạm chiến tranh.
Chính sách ngoại giao của đảng Cộng sản Việt Nam, do đó, tưởng là khôn ngoan mà là khôn lỏi, tưởng là đa phương nhưng vẫn chọn phe, bất lợi, nguy hiểm, và vẫn tiếp tục đi ngược với thời đại.
* Xin cảm ơn nhà văn, nhà báo Từ Thức.
Song Chi (thực hiện)