Buổi Lễ kỷ niệm 75 năm bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền tại Berlin ngày 10.12.2023

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền là một văn kiện quốc tế quan trọng và phổ quát nhất trong lịch sử thế giới, xác định các quyền lợi của mỗi con người trên căn bản „mọi người sinh ra tự do, bình đẳng về nhân phẩm và quyền lợi“ không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, tài sản, thân phận. Văn kiện quốc tế này đã được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào ngày 10.12.1948 tại Paris Pháp. Văn bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã được 193 nước thành viên Liên Hiệp Quốc phê chuẩn và là nền tảng của các Công Ước quốc tế về nhân quyền cũng như của các hiến pháp và bộ luật quốc gia trên thế giới.

Nhân kỷ niệm 75 năm bàn Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức đã cộng tác với tổ chức quốc tế Ki-Tô Giáo Chống Tra Tấn ACAT (Action by Christians for the Abolition of Torture) cùng tổ chức một buổi lễ trang trọng tại Berlin bao gồm biểu tình tại Brandenburger Tor và liên tôn cầu nguyện hòa bình cho Việt Nam và thế giới tại Evangelisches Kirchenforum.

Trước sự kiện những kẻ độc tài và cực đoan liên tiếp gây tang thương chiến tranh và sử dụng bạo lực đàn áp dân chúng ngày càng hung hăng trên thế giới thì việc nhắc nhở con người phải tuân thủ những điều luật căn bản của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền lại cần thiết hơn bao giờ hết.

Do đó, thể theo lời mời của Ban Tổ Chức đã có rất nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế và các chính trị gia nổi tiếng đã nhận lời tham gia vào buổi biểu tình và cầu nguyện này.

Vào lúc 2 giờ chiều ngày Chủ Nhật 10.12.2023 trời Berlin vẫn còn mưa lất phất nhưng người Việt tỵ nạn Cộng Sản từ Nam Đức, Trung Đức, Bắc Đức và Berlin đã tề tựu đông đủ trước cổng thành Brandenburger Tor. Những lá cờ Vàng xen lẫn với những lá cờ Đức, cờ Ukraine và cờ Liên Minh Âu Châu phấp phới tung bay trong ngọn gió mùa Đông. Chương trình biểu tình được bắt đầu bằng nghi thức chào quốc kỳ bao gồm Quốc Ca Ukraine được hát bởi cô bé Ukraine tên Amellia Anisovych 7 tuổi đã trốn thoát sang Ba Lan cùng với bà ngoại, tiếp theo là quốc Ca Việt Nam, Quốc Ca Đức Quốc và cuối cùng là Quốc Tế Ca Nhân Quyền Human Rights Hymne do Ca Nhạc Sĩ Axel Schullz đàn hát live tại chỗ.


Sau một phút mặc niệm tưởng nhớ những người đã mất hay đang bị hành hạ do các vi phạm Nhân Quyền trên thế giới, ông Trịnh Đỗ Tôn Vinh là người điều hợp buổi biểu tình mời bà Hoàng Thị Mỹ Lâm, chủ tịch Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, và ông Christoph thuộc ban chấp hành ACAT, cùng tuyên bố khai mạc buổi biểu tình. Kế đó, ca nhạc sĩ Axel Schullz đàn ca chung với mọi người bài We shall overcome sôi động để không khí biểu tình thêm phần phấn khích.

Tiếp theo là bài nói chuyện của diễn giả chính là bà luật sư người Nga Maria Krasova và cũng là một nhà chuyên môn về nhân quyền đã từng làm việc cho tổ chức Nhân Quyền Nga Memorial International có văn phòng tại Mạc Tư Khoa. Sau khi cuộc chiến tranh của Putin bùng nổ trên đất Ukraine bà rời Mạc Tư Khoa sang tỵ nạn chính trị tại nước Đức và hiện tại bà phục vụ cho cơ quan cứu giúp khẩn cấp các trẻ em Kindernothilfe tại Berlin. Bà là một phụ nữ tóc vàng nhỏ nhắn xinh xắn nhưng có ý chí và lời lẽ cương quyết đầy nghị lực chống lại các bất công chính trị xã hội.

Xen kẽ trong những bài nói chuyện là phần trình bày âm nhạc của ca nhạc sĩ Axel Schullz và các lời hô hào khẩu hiệu phản đối những vi phạm Nhân Quyền đang diễn ra hàng ngày trên thế giới và tại Việt Nam.

Phần đặc biệt tiếp theo là lời phát biểu đầy nhân ái của Cựu nghị Sĩ Martin Patzel (CDU) Đảng Ki tô Dân Chủ), một người đã về Việt Nam nhiều lần để gặp và ủng hộ các nhà bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam; lời chào của bà Sybille thuộc tổ chức toàn cầu OMCT (Organisation mondiale contre la Torture =SOS-Torture Network) là tổ chức quốc tế bao gồm 200 hiệp hội chống tra tấn và hỗ trợ điều trị bảo vệ các nạn nhân bị tra tấn ;lời phát biểu của Dr. Kamal Sido thuộc tổ chức bảo vệ các dân tộc bị áp bức Gesellschaft für bedrohte Völker GfbV. Ông cũng đưa một số người Kurden gia nhập đoàn biểu tình của để đòi hỏi tự do cho mảnh đất Afrin đang bị cai trị; lời phát biểu của ông Ludger Wehning đến từ Nordrhein-Westfalen thuộc tổ chức chống án tử hình (Initiative gegen Todesstrafe / Abolish the Death Penalty).

Cuối cùng là bài phát biểu hùng hồn về nhân quyền cho Việt Nam và thế giới của Cựu Nghị Sĩ Frank Heinrich (CDU) hiện tại thuộc ban chấp hành của Liên Minh Tin Lành Đức Quốc=Evangelische Allianz Deutschland; ông là một người luôn chung vai sát cánh với những nạn nhân của chế độ Cộng Sản Việt Nam.

Tuy trời mưa gió nhưng ông Cựu Nghị Sĩ Martin Patzel vẫn lạc quan ngỏ lời khuyến khích đoàn biểu tình là thời tiết đã chứng minh cho công cuộc đấu tranh vì nhân quyền không hề dễ dàng và chúng ta phải vượt lên tất cả khó khăn đời thường đó để đạt đến thành công. Hơn thế nữa, cho dù thời tiết không thuận lợi cho cuộc biểu tình ngoài trời nhưng số khách vãng lai tại quảng trường vẫn nườm nượp, trên 300 tờ truyền đơn của ban tổ chức không đủ để phát ra cho khách và rất nhiều người nhận diện được hai vị Nghị Sĩ nổi tiếng nên đã dừng lại nói chuyện và ghi hình với hai ông.

Để kết thúc cuộc biểu tình tất cả mọi người trong đoàn biểu tình đã cùng đứng chung với nhau chụp một tấm hình kỷ niệm.

Sau phần biểu tình mọi người di chuyển về hội trường Evangelisches Kirchenforum để tham dự buổi cầu nguyện hòa bình cho thế giới và Việt Nam do nhiều tôn giáo đảm trách.

Trong hội trường bàn thờ Chúa và bàn thờ Tổ Quốc Việt Nam đã được dựng lên trang nhã và tôn kính; bao quanh là những lá cờ Vàng, cờ Đức, cờ Ukraina, cờ Liên Minh Âu Châu, biểu tượng của Liên Hội và ACAT cũng như hình ảnh của các nạn nhân chế độ Cộng Sản Việt Nam.

Vào lúc 4:30giờ chiều ca nhạc sĩ Axel Schullz dạo nhạc trên phím đàn dương cầm để khởi đầu buổi cầu nguyện. Kế đó, ông Frank Boungart, chủ tịch ACAT, nhân danh ACAT và Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức chào mừng quan khách đại diện nhiều tôn giáo ở các vùng miền quốc gia khác nhau có mặt tại hội trường. Ông cũng ngỏ lời cám ơn đến Evangelisches Forum đã hỗ trợ phòng ốc phương tiện cho buổi cầu nguyện.


Trước hết, Linh Mục Công Giáo Pater Simon Boiser, gốc Phi Luật Tân, được mời lên dâng lời cầu nguyện hòa bình và dâng nến lên bàn thờ Chúa. Tiếp theo, Liên Hội dâng lời cầu nguyện cho Việt Nam và thế giới đồng thời làm lễ cầu an theo nghi thức Phật Giáo, cuối cùng toàn thể người Việt có mặt đồng ca bài Kinh Hòa Bình.

Sau đó, mục sư Tin Lành Peter Fritsch thuộc giáo xứ Frankfurt Oder dâng lời cầu nguyện và dâng nến lần hai. Kế đó là một bài hát Nhân Quyền Sing Human Rights Artikel 3 bằng tiếng Zulu Phi Châu được Axel Schullz đàn hát xen kẽ vào chương trình. Tiếp theo là ông Kamal Sido thuộc GfbV dâng lời cầu nguyện cho Âu Châu, toàn cõi Trung Đông, Ukraine và cả Việt Nam theo thể thức Hồi Giáo bằng ngôn ngữ Kurdisch và Ả Rập. Sau nghi thức dâng nến lần ba là lời cầu nguyện của bà Magdalena Fleischer đại diện ACAT và dâng nến lần thứ tư.

Kết thúc buổi lễ cầu nguyện, ca nhạc sĩ Axel Schullz hát bài Sing Human Rights điều 6 bằng tiếng Anh.

Sau buổi Lễ cầu nguyện là một bữa ăn tối thân mật ấm cúng do nhà hàng Việt Phở từ Hamburg chiêu đãi. Ban văn nghệ gồm ca sĩ Thụy Uyển, nhạc sĩ Cao Thình, ban hợp ca Hamburg và anh Vĩnh Điệp đã cống hiến những bản nhạc đấu tranh cho Nhân Quyền Việt Nam vô cùng xuất sắc.

Buổi sinh hoạt kỷ niệm 75 năm Quốc Tế Nhân Quyền đã kết thúc hoàn mỹ trong niềm hy vọng vào một thế giới hòa bình nhân bản hơn trong tương lai sớm nhất.

Hương Đình Tâm