Phạm Lê Đoan (VNTB)
Chương trình “Tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa” được tái lập tại Nhà thờ Kỳ Đồng, Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn từ nhiệm kỳ Giám Tĩnh 2023 – 2026.
Trong Thư ngỏ của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, linh mục Vincent M. Phạm Cao Quý – Trưởng ban Ủy ban Thăng tiến sự Phát triển con người toàn diện, có đoạn viết:
“Từ nhiệm kỳ Giám Tĩnh 2023 – 2026, Chương trình “Tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa” được Ủy ban Thăng tiến sự Phát triển con người toàn diện thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đảm nhận, và do linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ, CSsR đặc trách.
Ủy ban Thăng tiến sự Phát triển con người toàn diện xác lập kế hoạch Tông đồ và Chương trình hành động trong nhiệm kỳ này gồm bốn lãnh vực:
1) Huấn luyện (Kinh Thánh, Giáo huấn của Giáo hội Công giáo,…);
2) Giáo dục và Nội trú;
3) Xa quê – di dân;
4) Trợ giúp thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa (các nạn nhân chiến tranh trước 1975).
Với bốn lãnh vực cụ thể này, cùng với Giáo hội và những người thiện chí, chúng tôi các linh mục tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam muốn góp phần tích cực trong việc thăng tiến con người toàn diện, vì con người vốn là hình ảnh Thiên Chúa, những nhân vị đầy phẩm giá và tình thương.
Kính thưa quý vị, tiếp nối việc làm tốt đẹp trong những năm qua, nay Mùa Xuân 2024 đang sắp về, chúng tôi sẽ tổ chức Chương trình “Quà Xuân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa: Bên nhau đi nốt cuộc đời!” như là niềm khích lệ và dấu chỉ của lòng yêu mến.
(…) Món quà xuân này tuy bé nhỏ, nhưng chúng ta hy vọng mang đến các ông thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa một chút ấm lòng, đồng thời cũng thể hiện được sự tương thân, tương ái của chúng ta đối với những con người đã một thời hy sinh cho quốc gia và dân tộc”.
Một chút nhắc lại. Sau tháng 4-1975, nếu như các cựu quân nhân quân lực Việt Nam Cộng Hòa phải đi học tập cải tạo, mà cấp tá thường kéo dài ngoài chục năm, thì với những thân phận thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa có cái may mắn là không phải vào các trại cải tạo, song con cái của họ thì chịu chung cảnh với những cựu quân nhân đang “học tập” về “chủ nghĩa lý lịch”.
Dĩ nhiên với “lính chết trận”, thì “chủ nghĩa lý lịch” cũng không buông tha.
Xin trích ra đây lá thư của Nguyễn Mạnh Huy, 4 lần thi đậu mà không được trường nào nhận vào học, chỉ vì lý lịch có cha là sĩ quan chế độ Việt Nam Cộng Hòa chết trận. Huy cùng khóa trung học với người viết bài này:
“Tôi tốt nghiệp cấp III năm 1981 và dự thi vào trường đại học Bách khoa Đà Nẵng đạt số điểm 26,5 điểm (điểm chuẩn 17). Nhưng Ban tuyển sinh tỉnh không cho tôi đi học vì lý do lý lịch. Cha tôi đi lính chết trận năm 1965. Mẹ làm thư ký đánh máy cho Ty thông tin chế độ cũ. Tôi rất buồn, nhưng với ước mơ được vào đại học để có cơ hội rèn luyện kiến thức, góp trí tuệ xây dựng đất nước, tôi đã nộp đơn thi lại lần nữa. Năm đó tôi thi vào trường đại học Nông nghiệp IV và đạt số điểm 22,5 điểm (điểm chuẩn là 16). Nhưng, một lần nữa, tôi cũng không được đi học vì lý lịch như năm trước.
Tôi tha thiết được học tập không phải để sau này làm ông này ông kia có chức có quyền, nhưng vì khả năng và nhiệt tình tuổi trẻ muốn được cống hiến cho đất nước, nhưng động cơ trong sáng đó đã hai lần bị gạt bỏ chỉ vì tôi trót mang một lý lịch của cha mẹ sinh ra tôi.
Tôi bi quan nghĩ rằng đó là số phận nên đành chấp nhận. Sau đó, tôi xin đi làm ở hợp tác xã mộc Đa Hưng Quy Nhơn. Suốt trong 4 năm lao động tôi cố gắng học nghề, đồng thời tôi vẫn không quên ôn tập bài vở với một hy vọng bé nhỏ, có một ngày nào đó, có một sự nới rộng nào đó, tôi sẽ từ người thợ mộc được cắp sách bước vào ngưỡng cửa đại học đã khép lại với tôi từ mấy lâu nay.
Năm nay, tôi đọc báo thấy nhiều vấn đề cần đổi mới trong công tác tuyển sinh, trong đó có việc xét xếp đối tượng và điểm chuẩn. Hy vọng lại bùng lên trong tôi, khát khao được đi học sống lại trong lòng tôi mãnh liệt. Tôi quyết chí thi lại một lần nữa. Tôi xin nghỉ làm và dồn hết tâm trí vào việc luyện thi.
Năm nay tôi thi vào trường đại học Bách Khoa TP.HCM. Tôi đạt số điểm là 22 (điểm chuẩn cho nhóm IV là 20). Tôi thấp thỏm hy vọng. Nhưng tuyệt vọng thay, tôi cũng nhận được câu trả lời như 4 năm về trước…”.
… Là con em của thế hệ cha anh từng tham gia quân đội Việt Nam Cộng Hòa, có người cậu ruột đã chịu thương tích tật nguyền ở hải chiến Hoàng Sa 1974, một người anh thứ chín nằm lại ở mặt trận Kiến Hòa, xin qua bài viết này để cảm tạ đến Chương trình “Tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa” của quý linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, những thiện nguyện viên và mạnh thường quân cùng chung tay.
Bởi cho đến hôm nay, thật sự thì cụm từ “thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa” vẫn đầy nhạy cảm đối với chế độ./.