Trung Quốc khẳng định vị thế của mình đối với lithium, nước Đức chầu rìa

Von Tobias Käufer (WELT)
Nguyễn Xuân Hoài lược dịch
 
Lithium là nguyên liệu không thể thiếu đối với đi lại bằng động cơ điện. Trữ lượng lớn nhất nằm ở Mỹ Latinh. Trung Quốc đã sớm nhận ra điều này và từ lâu đã đảm bảo quyền tiếp cận ở khu vực này. Thủ tướng Đức Olaf Scholz hiện đang đi đến “tam giác lithium”. Nhưng sự thiếu hụt khó có thể bù đắp.

Bộ trưởng Năng lượng Bolivia Franklin Molina tự tin nói trên cổng thông tin địa phương "Correa del Sur": "Đây là tín hiệu khởi đầu cho việc xây dựng hai nhà máy lithium cacbonat". Ông ta đề cập đến hợp đồng với tập đoàn CBC của Trung Quốc, đối tác quốc tế đầu tiên khai thác lithium ở các hồ muối Uyuni và Coipasa. Đây được coi là những „khoản để dành“ lớn nhất thế giới. Nhìn chung, người ta nói về khối lượng đầu tư một tỷ đô la.

Lithium là nguyên liệu không thể thiếu để sản xuất pin cho ô tô điện và điện thoại thông minh. Và trong cuộc đua toàn cầu để tiếp cận cácvùng có trữ lượng lớn Trung Quốc đã thực hiện một chiến lược khôn ngoan rất thành công.

Bất cứ nơi nào có trữ lượng lithium đáng kể trên hành tinh này, Bắc Kinh đều đóng vai trò hàng đầu. Đức, với tư cách là một trong những quốc gia sản xuất ô tô quan trọng nhất trên toàn thế giới, đã bị tụt hậu trong cuộc chạy đua giành nguyên liệu do thiếu quan tâm và thiếu tầm nhìn.

Theo một nghiên cứu gần đây của "Ngân hàng Hoa Kỳ" lithium vẫn là tâm điểm của nhu cầu toàn cầu. Theo đó : “Khi các nhà sản xuất ô tô tung nhiều xe điện ra thị trường hơn, thì pin lithium-ion sẽ ngày càng quan trọng hơn trong tương lai”. Trong bối cảnh đó, việc cung cấp lithium sẽ vẫn rất quan trọng cho đến năm 2050.

Khi bắt đầu sản xuất lithium ở Bolivia, Đức vẫn đang ở vị trí dẫn đầu cho đến vài năm trước. Bộ trưởng kinh tế lúc bấy giờ, Peter Altmaier, đã thành lập một liên doanh Đức-Bolivia cùng với Baden-Württemberg.

Berlin thiếu chiến lược Nam Mỹ

Nhưng sau đó tình hình Bolivia bất ổn về chính trị, biểu tình phản đối chính phủ liên tiếp nổ ra. Tổng thống khi đó là Evo Morales đã bỏ trốn. Sự kết hợp giữa bất ổn địa phương và sự chậm chạp của Đức đã làm cho cánh cửa cơ hội tiếp cận Lithium bị khép lại. Chính phủ mới của Bolivia đã tìm các đối tác mới. Kết quả là Bắc Kinh đã giành được quyền khai thác lithium ở nước này.

Trong chuyến đi đầu tiên tới Nam Mỹ với tư cách là thủ tướng, ông Olaf Scholz tới các nước giầu lithium khác ở Nam Mỹ là Chile và Argentina. Ông thủ tướng phải đánh trống, gõ mõ quảng cáo cho ngành công nghiệp Đức. Cho đến nay Đức chưa tạo được bước đột phá lớn có ý nghĩa quyết định.

Trong những năm gần đây, Berlin đã thiếu một chiến lược Nam Mỹ hấp dẫn, tuy nhiên, do tình hình thị trường thế giới đã thay đổi địa chính trị sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga nay Đức phải xem xét lại hoàn toàn chiến lược Nam Mỹ của mình. Lithium đóng vai trò trung tâm trong việc này.

Cho đến nay người ta biết trong tam giác tam giác lithium Bolivia chiếm (23,7%), Argentina (21,5%) và Chile (11,1%). Bất ổn chính trị ở Bolivia liên tục trì hoãn việc bắt đầu sản xuất, thì Argentina và Chile đã tiến xa hơn nhiều. Hiện tại không có một công ty châu Âu nào trong số mười nhà sản xuất lithium quan trọng nhất trên thế giới, trong đó có ba tập đoàn Trung Quốc, ba Mỹ, ba Úc và một tập đoàn Chile đang hoạt động tại khu tam giác này.

Trong khi các nhà lãnh đạo Đức gần như phớt lờ khu vực Mỹ Latinh giàu tài nguyên trong nhiều năm qua thì Trung Quốc lại lao vào „càn quét“ tài nguyên ở khu vực này. Năm ngoái, tập đoàn Ganfeng Lithium của Trung Quốc đã mua lại công ty Lithea của Argentina, công ty sở hữu quyền đối với hai hồ muối lithium ở Argentina, với giá 962 triệu USD.

Ba tháng trước, tập đoàn Trung Quốc Tibet Summit Resources đã tiết lộ sẽ đầu tư hai tỷ euro vào hai dự án thăm dò lithium ở Argentina. Tại Chile, Trung Quốc đã nắm giữ 24% cổ phần của SQM, nhà sản xuất lithium lớn thứ hai thế giới tính theo vốn hóa thị trường. Tập đoàn khai thác BYD của Trung Quốc đã được trao hợp đồng khai thác 80.000 tấn lithium trên lãnh thổ Chile vào năm 2022.

Việc người Trung Quốc thành công ngay trước mũi nước Mỹ đã khiến Quốc hội Mỹ phải xem xét kỹ hơn chiến lược lithium của Trung Quốc. Các đại biểu cũng được biết rằng Ganfeng Lithium chỉ mới hoàn tất việc tiếp quản công ty Bacanora Lithium của Anh vào tháng 8 năm 2022 với giá khoảng 253 triệu đô la, hiện đang xây dựng mỏ lithium lớn nhất thế giới (8,8 triệu tấn) ở Sa mạc Sonoran của Mexico. Sự hợp tác của Trung Quốc cũng đang phát triển với Australia, nhà sản xuất lithium lớn nhất thế giới.

Ở Đức, chính phủ liên bang đang chịu nhiều áp lực đối với giải pháp lithium. Sau khi bỏ lỡ nhiều cơ hội ký hợp đồng dài hạn ở Nam Mỹ, các chuyên gia Đức chỉ ra các tiềm năng của chính nước Đức. Hiện tại theo kịch bản lạc quan nhất, Đức có thể đáp ứng từ 5 đến 19% nhu cầu lithium cacbonat hàng năm cho việc sản xuất pin"./.