Hàng loạt vi phạm bị bỏ qua trong đợt kiểm định ở Geneva
(Geneva) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng Việt Nam đã đệ trình một hình ảnh rất sai thực tế về hồ sơ nhân quyền tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp Quốc ở Geneva vào ngày 22 tháng Giêng năm 2019. Lời tuyên bố của chính quyền Việt Nam về việc đã thực thi được 175 trong số 182 khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận từ đợt Đánh giá Định kỳ Phổ quát (UPR) năm 2014 rất xa thực tế.
Nhà nước độc đảng Việt Nam hạn chế ngặt nghèo các quyền dân sự và chính trị cơ bản, và đã gia tăng đàn áp mạnh tay đối với các nhà hoạt động và những người bất đồng chính kiến. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, trong Tờ trình Hội đồng Nhân quyền vào tháng Bảy năm 2018 trước đợt UPR của Việt Nam, đã liệt kê chi tiết những cam kết bất thành về cải thiện hồ sơ nhân quyền vì không được chính quyền Việt Nam thực hiện.
“Các nhà lãnh đạo Việt Nam lẽ ra có thể vận dụng phiên kiểm định của Liên hiệp Quốc để thực thi các cải cách về nhân quyền thực sự, nhưng họ lại lún sâu hơn qua việc chối bỏ hồ sơ nhân quyền tồi tệ của mình,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Việt Nam cần nhận thấy rằng, khi chỉ có Trung Quốc là quốc gia duy nhất chúc mừng mình về ‘tiến bộ nhân quyền’ thì hiển nhiên là mình đã phạm quá nhiều sai lầm.”
Tại đợt kiểm định UPR này, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu rằng Việt Nam đảm bảo cho mọi người “quyền bình đẳng trước pháp luật” và được tiếp cận luật sư biện hộ. Nhưng theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, trên thực tế, hệ thống tư pháp là một công cụ đàn áp của chính quyền, quyền tiếp xúc với luật sư và quyền được xét xử công bằng bị hạn chế. Các luật sư bào chữa không có đủ thời gian để chuẩn bị cho các phiên xử có động cơ chính trị và trình bày ý kiến trước tòa. Hầu hết các phiên xử về tội danh an ninh quốc gia chỉ diễn ra trong chưa đầy một ngày, một số vụ thậm chí chỉ vẻn vẹn trong hai tiếng đồng hồ.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã ghi nhận việc bắt giữ tùy tiện đối với ít nhất 63 nhà hoạt động và blogger trong hai năm 2017 và 2018, với vụ gần đây nhất, bắt Nguyễn Văn Viễn, một nhà hoạt động dân chủ, diễn ra chỉ chín ngày trước phiên UPR. Năm 2017, các tòa án đã xử và kết tội ít nhất 15 nhà hoạt động và blogger theo các cáo buộc an ninh quốc gia ngụy tạo, và con số này tăng gần gấp ba lần, lên 42 người, trong năm 2018. Nhiều bản án bị áp ở mức hơn 10 năm tù giam.
Theo luật Việt Nam, nhà cầm quyền có thể từ chối không cho bất cứ ai bị bắt về các tội danh an ninh quốc gia tiếp xúc với luật sư bào chữa vô thời hạn. Ví dụ như, ông Lê Đình Lượng, một nhà hoạt động môi trường, bị bắt vào tháng Bảy năm 2017 và cáo buộc về tội “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân.” Ông bị cấm không được tiếp xúc với luật sư cho tới tận tháng Bảy năm 2018, và một tháng sau đó bị kết án 20 năm tù qua một phiên xử không công bằng. Trong một vụ khác, Nguyễn Danh Dũng, một blogger, đã bị mất tích sau khi bị bắt giữ vào tháng Mười hai năm 2016, dù Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã thưởng 150 triệu đồng (tương đương khoảng sáu ngàn rưởi đô la Mỹ) cho ban chuyên án bắt giữ ông, theo tin tức từ báo chí nhà nước.
Tại phiên kiểm định UPR này, Việt Nam tuyên bố rằng đã tôn trọng và tạo điều kiện thực thi quyền tự do tôn giáo. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng, trên thực tế, quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng bị hạn chế ngặt nghèo ở Việt Nam. Các nhóm tôn giáo không được chính quyền phê duyệt, như các dòng Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo và Phật giáo Hòa Hảo độc lập bị theo dõi, sách nhiễu, đe dọa và đàn áp thô bạo. Các thành viên của những nhóm tôn giáo nói trên có nguy cơ bị hành hung dưới bàn tay công an hoặc côn đồ được cho là có liên hệ với chính quyền, bị bắt giữ tùy tiện và bỏ tù. Nhà cầm quyền gọi các nhóm tôn giáo độc lập, như các nhóm Tin Lành Đề Ga của người Thượng ở vùng Tây Nguyên là “tà đạo,” ép buộc thành viên của các nhóm này phải từ bỏ tín ngưỡng, họ còn bị đấu tố trước công chúng, câu lưu và tra tấn.
Tại phiên UPR này, về lĩnh vực tự do báo chí, Việt Nam phát biểu rằng đã có gần 900 cơ quan báo chí, 60 nhà xuất bản và một đài phát thanh phủ sóng gần như khắp cả nước. Tuy nhiên, họ không nói gì tới việc các cơ quan báo chí truyền thông nói trên không hề độc lập và phải phục vụ như công cụ tuyên truyền của chính quyền hay Đảng Cộng sản.
Chính quyền Việt Nam phát biểu rằng “Việt Nam đã trở thành 1 nước có tốc độ phát triển Internet cao nhất thế giới,” với hơn nửa dân số sử dụng Internet và khoảng 58 triệu tài khoản Facebook, nhưng lại lờ đi thực tế rằng theo luật an ninh mạng mới có hiệu lực, hàng chục triệu người sử dụng internet ở Việt Nam sẽ không có quyền bảo mật riêng tư và có thể bị bắt giữ tùy tiện vì đăng tải thông tin bị chính quyền cho là đe dọa tới an ninh quốc gia.
Tương tự, chính quyền nhấn mạnh rằng ở Việt Nam có “hơn 68.000 đoàn thể và tổ chức” như một bằng chứng rằng người dân được hưởng quyền tự do lập hội, nhưng không ghi chú rằng các đoàn thể và tổ chức nói trên đều do nhà nước hay đảng kiểm soát. Chính quyền thường xuyên đàn áp các tổ chức độc lập, chẳng hạn như Hội Anh em Dân chủ và Liên minh Dân tộc Tự quyết Việt Nam. Nhiều nhà lãnh đạo của các tổ chức đó đã bị bắt giữ tùy tiện, khiến việc hoạt động trở nên khó khăn hoặc bất khả thi.
“Các nhà lãnh đạo Việt Nam thường viện cớ an ninh quốc gia để cố biện minh cho chính sách đàn áp các quyền dân sự và chính trị cơ bản,” ông Robertson nói. “Nhưng hệ thống luật pháp và thực thi pháp luật hà khắc của đất nước này không nhằm bảo vệ an ninh quốc gia mà để bảo vệ sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản.”
Nguồn: Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền