Việt Nam có dám nổ súng nếu Hải Dương 982 được hạ đặt?

Thường Sơn  - (VNTB)|

Hình trên: Giàn khoan Hải Dương Thạch Du 982 |

Từ cuối tháng 9 năm 2019, Trung Quốc đã điều giàn khoan Hải Dương Thạch Du 982 vào Biển Đông - động thái nhái lại hình ảnh của giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào năm 2014 như một cái tát vào mặt Bộ Chính trị Việt Nam. Cùng với Hải Dương 982 là sự hiện diện của tàu cẩu Lam Kình - một trong những tàu cẩu lớn nhất của Trung Quốc - ở Biển Đông.

Đến đầu tháng 10 năm 2019, chính Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phải lần đầu tiên xác nhận Trung Quốc đã điều đến 28 tàu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.  
 
Như vậy, Trung Quốc đã tổ chức khá đầy đủ những cơ phận trong cỗ máy xay nghiền sẵn sàng vận hành của nó: tàu cẩu, giàn khoan và các tàu bảo vệ.
 
Những cơ phận trên là sự tiếp nối cho một ‘tối hậu thư’ từ Trung Quốc: vào ngày 18/9, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc là Cảnh Sảng đã tung ra một tuyên bố chưa từng có: khẳng định Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Trung Quốc và yêu cầu Việt Nam phải ngừng mọi hoạt động khai thác dầu khí ở nơi này.
 
Cho đến lúc này, hầu như đã rõ về ý đồ từ gây hấn đến gây chiến của Trung Quốc tại Bãi Tư Chính. Bắc Kinh không chỉ muốn đóng vai kẻ cướp xông vào nhà người khác để đòi chia tài sản dầu khí theo một tỷ lệ nào đó, chẳng hạn 60 - 40, mà còn muốn chặn đường tiếp cận Mỹ của Nguyễn Phú Trọng hoặc một quan chức nào đó đi Mỹ thay cho Trọng.
 
Nếu phải quỳ mọp chấp nhận phải chia chác nguồn tài nguyên thiên nhiên cuối cùng là dầu khí cho kẻ cướp, đảng cầm quyền ở Việt Nam sẽ mất trắng nhiều tỷ đô la - tiền dùng để nuôi đảng và trả núi nợ nước ngoài ngập đầu đến hơn 100 tỷ USD - chỉ tính riêng cho khối chính phủ.
 
Song tình cảnh của giới chóp bu Việt Nam hiện thời không còn là tiến thoái lưỡng nan trong thế đu dây giữa Trung Quốc và Mỹ, mà đã lâm vào nguy khốn: cho dù Bộ Chính trị Việt Nam có cắn răng ‘cùng hợp tác khai thác dầu khí’ theo tối hậu thư của Ngoại trưởng Trung Quốc là Vương Nghị, chẳng có gì bảo đảm là Trung Quốc sẽ rút các tàu thăm dò và giàn khoan khỏi Biển Đông. Động tác tiếp liền, như một tối hậu thư khác của Trung Quốc, là đòi hỏi Nguyễn Phú Trọng - đích thân quan chức này - phải ‘chầu thiên triều’ trước khi đi Mỹ, hoặc phải tự kết liễu kế hoạch đi Mỹ.
 
Nếu chịu phủ phục trước cả hai yêu cầu trên của Trung Quốc, Việt Nam về thực chất sẽ trở thành một thứ chư hầu không cần tuyên bố của Bắc Kinh.  
 
Tới nay đã tròn ba tháng kể từ ngày Trung Quốc điều tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 và các tàu hộ vệ cho tàu này xâm phạm Bãi Tư Chính như vào chốn vô chủ quyền, nhưng lực lượng cảnh sát biển và hải quân Việt Nam vẫn chưa một lần dám nổ súng cảnh cáo. Trong khi đó, toàn bộ chóp bu Việt Nam từ Nguyễn Phú Trọng trở xuống vẫn kiên định ‘câm như hến’ mà không một lần dám nêu tên Trung Quốc, càng không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy giới ‘văn dốt, võ dát’ này dám kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
 
Cơ hội gần nhất và rõ nhất để tố cáo Trung Quốc đã bị ‘để cho đảng và nhà nước lo’ làm cho trôi tuột là tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York vào cuối tháng 9 năm 2019. Khi đó và với một Nguyễn Phú Trọng ‘không không thấy’, chỉ có Phạm Bình Minh - Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam - đã còn chẳng dám hé môi về cái tên Trung Quốc.