Việt Nam được gì sau chuyến thăm của Bộ trưởng kinh tế Đức?

Ảnh: Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier - Thủ tướng  Nguyễn Xuân Phúc

Thường Sơn - VNTB

 
(VNTB) - Hình như chẳng được gì cả.
 
Sau cuộc gặp giữa thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc với Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier vào chiều ngày 25 tháng 3 năm 2019 tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội, Bộ trưởng Altmaier đã không hề đả động gì đến tương lai phục hồi Quan hệ đối tác chiến lược Đức- Việt, phục hồi các chương trình viện trợ kinh tế cho Việt Nam, cũng không hứa hẹn một từ ngữ nào về ‘sẽ hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy nhanh tiến độ EVFTA’. Thái độ im lặng đầy chủ ý có qua có lại ấy đã một lần nữa mang đến nỗi thất vọng ngập ngụa cho Nguyễn Xuân Phúc nói riêng và Bộ Chính trị của ông ta nói chung.  
Trước cuộc gặp trên, hệ thống tuyên giáo và báo chí nhà nước đã mở một đợt tuyên truyền khấp khởi hy vọng về ‘làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược Việt - Đức’, hay chân thật hơn thì hé môi về ‘phục hồi quan hệ đối tác chiến lược Việt - Đức’, đồng thời ra sức cổ vũ cho tín hiệu bật đèn xanh của Bộ trưởng Đức Peter Altmaier về ‘Đức thúc đẩy sớm ký kết và phê chuẩn EVFTA (Hiệp định thương mại tự do châu Âu - Việt Nam).
 
Nhưng việc chính quyền Việt Nam và dàn dồng ca báo đảng gần như im bặt sau cuộc gặp Nguyễn Xuân Phúc - Peter Altmaier đã cho thấy những hứa hẹn (nếu có) của Phạm Bình Minh khi sang Đức về ‘sẽ trả Trịnh Xuân Thanh’ vẫn chỉ là một thủ thuật ‘hứa cuội’ nhằm câu giờ - mục tiêu khiến cho người Đức mệt mỏi mà phải ‘buông’ vấn đề Trịnh Xuân Thanh và phục hồi quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Thêm một lần nữa Phạm Bình Minh bị mất mặt với Đức, sau khi Bộ Ngoại giao của ông ta đã ‘hứa cuội’ nhiều lần suốt từ những tháng cuối năm 2017 cho đến nay.
 
Việc Bộ trưởng Altmaier đề cập một cách thẳng thừng đến vấn đề Trịnh Xuân Thanh với Thủ tướng Phúc cũng cho thấy phía Đức vẫn kiên định và quyết liệt bảo lưu quan điểm đòi hỏi những kẻ bị tố cáo gây ra vụ bắt cóc Thanh phải tôn trọng tinh thần nhà nước pháp quyền của Đức, chứ không phải Đức tìm cách ‘bảo kê’; cho một quan chức đầy rẫy tì vết tham nhũng như Trịnh Xuân Thanh.
 
Trang Thoibao.de cho biết Bastian Hartig - phóng viên của đài Deutsche Welle tháp tùng phái đoàn Bộ trưởng Altmaier - đã viết trên Twitter: “Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier nói, Chính phủ Đức hy vọng rằng các sự cố đã làm xấu đi mối quan hệ sẽ không lặp lại, đó là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”.
 
Ngoài ra trong một bài tường thuật, phóng viên David Zajonz của đài phát thanh Đức MDR đưa tin, ngoài vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Bộ trưởng Altmaier còn đề cập đến vấn đề nhân quyền trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Trích dịch bài tường thuật (từ phút thứ 1:43):
 
“Tham nhũng cũng là một đề tài lớn. Vấn đề quan trọng nhất trong quan hệ giữa hai nước không phải là kinh tế, mà là vụ bắt cóc ngoạn mục Trịnh Xuân Thanh trên nước Đức bởi mật vụ Việt Nam ở giữa đường phố Berlin. Trịnh Xuân Thanh ngồi tù ở Việt Nam gần 2 năm nay. Hậu quả là một thời kỳ băng giá trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tình hình nhân quyền ở Việt Nam nói chung là xấu”.
 
Trước chuyến đi Việt Nam của Bộ trưởng Altmaier, các Nghị sĩ Quốc hội Liên bang Đức thuộc Đảng Xanh đã yêu cầu Bộ trưởng Altmaier nỗ lực cho nhân quyền. Tại Việt Nam ông Altmaier đã đề cập đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, nói về một giai đoạn khó khăn trong quan hệ giữa hai nước. “Dĩ nhiên tôi cũng đã nói chuyện về những vấn đề giữa hai nước. Nhân quyền đóng một vai trò quyết định trong chính sách của nước Đức, bất kể là nhân quyền ở nước nào. Tôi đã nêu rõ điều đó với đối tác hội đàm“, Bộ trưởng Altmaier nói”…
 
Thêm một lần nữa người Đức bị ‘lừa’ bởi những lời ngon ngọt nhưng chẳng có gì bảo chứng, và đã cử Bộ trưởng Altmaier đến Việt Nam, với kết quả không phải để bàn luận về ‘quan hệ hợp tác song phương’ mà chỉ thuần túy là người truyền đạt thông điệp của phía Đức mà chẳng nhận được phản hồi đáng tích cực nào từ phía Nguyễn Phú Trọng - nhân vật được xem là ‘tác giả’ vụ Trịnh Xuân Thanh.  
 
Và đó cũng là luật nhân quả khi giới chóp bu Việt Nam đã chẳng nhận được món quà nào từ chuyến làm việc của Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier.