Lãnh đạo hai nhà nước CSVN và Trung cộng vừa tuyên bố thành lập nhóm công tác về hợp tác hạ tầng và nhóm công tác về hợp tác tiền tệ, cùng với việc ký một số thỏa thuận hợp tác khác.
Ðó là kết quả ngày làm việc đầu tiên trong chuyến thăm Trung Quốc bốn ngày của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN.
Có đến bốn ủy viên Bộ Chính Trị của Ðảng CSVN là Ðinh Thế Huynh (trưởng ban Tuyên Giáo của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng CSVN), Nguyễn Thị Kim Ngân (phó chủ tịch Quốc Hội Việt Nam), Phùng Quang Thanh (bộ trưởng Quốc Phòng), Trần Ðại Quang (bộ trưởng Công An), tháp tùng ông Trọng.
Có lẽ cần phải nhắc lại rằng, trong quan hệ Việt-Trung, sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc vào các dự án phát triển hạ tầng tại Việt Nam đã từng được nhiều chuyên gia xác định là một vấn nạn nghiêm trọng.
Năm 2011, Ủy Ban Tài Chính và Ngân Sách của Quốc Hội Việt Nam công bố một thống kê, theo đó, các nhà thầu Trung Quốc nắm giữ tới 90% dự án tổng thầu EPC (cách gói tắt các gói thầu tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành hoặc còn được gọi là phương thức “chìa khóa trao tay”), vốn có giá trị nhiều tỷ đô la trong các lĩnh vực dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim,... vì giá bỏ thầu của họ rất thấp. Sau đó, nhà thầu Trung Quốc chỉ thi công cầm chừng rồi đòi gia hạn thời gian thực hiện, kế đó đòi tăng vốn, thậm chí đòi thay đổi các yêu cầu của dự án.
Tuy điều này xảy ra thường xuyên ở khắp mọi nơi, trong một thời gian dài nhưng nhà thầu Trung Quốc vẫn tiếp tục thắng thầu. Tiếp tục có cơ hội đưa công nhân Trung Quốc tràn vào Việt Nam, với lý do cần nhân lực thực hiện các dự án mà họ nhận thầu. Tiếp tục đưa máy móc, thiết bị, vật liệu vào Việt Nam để thi công, bóp chết ngành công nghiệp Việt Nam vì không tiêu thụ được sản phẩm. Chưa kể đó cũng là lý do làm cho nhập siêu từ Trung Quốc tăng liên tục.
Ngoài ra, Việt Nam phải gánh chịu vô số thiệt hại về kinh tế-xã hội do nhà thầu Trung Quốc không hoàn tất dự án đúng hạn hay bỏ dở. Khi hoàn thành thì vì công nghệ và thiết bị tồi, công trình không thể vận hành như thiết kế ban đầu, thành ra cơ sở hạ tầng không bền vững.
Tất cả những lý do vừa kể đã khiến Quốc Hội Việt Nam phải tính đến việc sửa Luật Ðấu Thầu theo hướng, các nhà thầu phải nộp hai bộ hồ sơ riêng biệt. Một về giải pháp kỹ thuật, một về khả năng tài chính. Hồ sơ về giải pháp kỹ thuật sẽ được mở để xem xét trước. Nếu không đạt các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, công nghệ, thiết bị,... nhà thầu dự thầu sẽ bị loại. Các chuyên gia Việt Nam hy vọng, nhờ vậy, nhà thầu Trung Quốc sẽ không còn cơ hội để chen chân chỉ với ưu thế “giá nhận thầu luôn luôn rất rẻ.”
Với bối cảnh như thế, việc phái đoàn Việt Nam do tổng bí thư đảng CSVN đưa sang thăm Trung Quốc, chính thức thòa thuận với Trung Quốc cùng thành lập “Nhóm công tác về hợp tác hạ tầng” trở thành điều vừa khó hiểu, vừa đáng ngại.
Việc chính thức thành lập nhóm công tác về hợp tác tiền tệ cũng khó hiểu và đáng ngại y hệt như vậy.
Hồi đầu năm nay, Hiệp Hội Doanh Nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân Hàng Công Thương của Trung Quốc đề nghị Việt Nam cho phép sử dụng Yuan (Nhân Dân Tệ của Trung Quốc) trong các giao dịch tại Việt Nam.
Ðề nghị đó được xem là một phần trong chuỗi nỗ lực của Trung Quốc nhằm quốc tế hóa Yuan, đưa Yuan thành đơn vị tiền tệ mạnh thứ ba trên thế giới (sau Mỹ kim và Euro). Trung Quốc đã ký kết khoảng 30 hiệp định hoán đổi tiền tệ (SWAP) với Hoa Kỳ, Anh, Úc, New Zealand, Nhật, Mã Lai, Singapore...
Tuy thừa nhận hệ thống hoán đổi tiền tệ giữa Trung Quốc và một số quốc gia sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại-đầu tư giữa Trung Quốc và những quốc gia đó, song ông Cao Sỹ Kiêm, cựu thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, khuyến cáo, chính quyền Việt Nam phải hết sức thận trọng với kiến nghị mà Hiệp Hội Doanh Nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân Hàng Công Thương của Trung Quốc đệ đạt. Tuy vị trí của Yuan trên thị trường tiền tệ quốc tế có cao hơn trước nhưng Yuan chưa mạnh đến mức trở thành loại ngoại tệ được tự do chuyển đổi. Ông Kiêm khuyên nên chờ cho đến khi Yuan có thể chuyển đổi được ra vàng hay Mỹ kim, hay Euro.
Ngoài yếu tố sức mạnh và độ tin cậy của Yuan, theo ông Kiêm, chính quyền Việt Nam phải hết sức thận trọng với đề nghị cho sử dụng Yuan trong thanh toán thương mại tại Việt Nam còn vì nội lực của kinh tế Việt Nam. Ông Kiêm cảnh báo, do ở thế yếu trong quan hệ thương mại, chắc chắn Việt Nam sẽ không có đủ Yuan để thanh toán các hợp đồng nhập cảng và chỉ còn cách vay Yuan của các doanh nghiệp Trung Quốc. Cũng vì vậy, nợ nần sẽ tăng theo đà tăng giá của Yuan. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ lệ thuộc Trung Quốc cả về hàng hóa lẫn tín dụng.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?art...