Lý Sơn|
Ngày Thế Giới Chống Kiểm Duyệt Internet (World Day Against Cyber Censorship) được Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) và Ân Xá Quốc Tế (Amnesty Intarnational) khởi xướng vào ngày 12/3/2008. Kể từ đó hàng năm thế giới chính thức công nhận vào ngày 12/3/2009 trong bối cảnh mạng Internet bị kiểm soát gắt gao tại một số quốc gia và nhiều blogger, nhà báo, phóng viên bị cầm tù vì đã biểu lộ ý kiến của mình về tự do, dân chủ, nhân quyền trên Internet.
Kiểm duyệt Internet là điều mà trong thực tế tại các quốc gia trên thế giới ít nhiều tiến hành vì nhiều lý do. Nó không chỉ riêng ở các quốc gia độc tài, mà cả ở những quốc gia dân chủ. Tuy nhiên tại những quốc gia dân chủ, việc kiểm soát mạng Internet có mục tiêu ngăn chặn việc kích động bạo lực, kỳ thị, phát tán hình ảnh khiêu dâm, khủng bố. Trong khi những quốc gia độc tài, chú trọng việc kiểm soát nhằm ngăn chặn, phong tỏa và thậm chí còn hình sự hóa những thông tin bất lợi cho nhà nước và nhất là những phản biện của các nhà đối kháng.
Để thực hiện Kiểm duyệt Internet, nhà cầm quyền CSVN đã cho thành lập một lực lượng hùng hậu với số nhân viên lên đến 10.000 người có tên là Lực lượng 47 (công an Internet) để sàng lọc những nội dung bị xem là “phản động”, gây nguy hại cho chế độ và đàn áp những ai dám mạnh dạn lên tiếng cổ võ cho tự do, dân chủ.
Vào tháng 7 năm 2006, Tổ Chức RSF đã phát động chiến dịch bình chọn trên mạng về “Kẻ thù của Internet”, liệt kê một số quốc gia từ chủ trương kiểm soát, theo dõi, hạn chế, ngăn cấm sự truy cập Internet đến bắt bớ, giam cầm, kết án những nhà báo, nhà đấu tranh và những người thường dân đang dùng Internet bày tỏ quan điểm một cách ôn hoà vì mục tiêu tự do, dân chủ, nhân quyền, công lý và hoà bình… Kết quả có 13 quốc gia bị xem là “kẻ thù của Internet”, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là Việt Nam mới bắt đầu trở thành kẻ thù Internet từ năm 2006 mà kể từ khi gia nhập vào làng internet vào năm 1997 chế độ CSVN đã là kẻ thù của Internet.
Theo RSF, danh sách các quốc gia được mệnh danh “kẻ thù của Internet” từ đó đến nay có nhiều thay đổi. Có những nước trước đây có tên trong danh sách nhưng nay được lấy ra khỏi như Ai Cập, Tunesia, Myanmar,… Nhưng riêng Việt Nam là một trong số nước vẫn bám trụ trong danh sách này. Và để nâng cấp kiểm soát an ninh mạng, vào tháng 6 năm 2018, CSVN còn tu sửa Luật An ninh mạng (ANM) của Trung cộng để đem về áp dụng cho Việt Nam. Các thiết bị kỹ thuật và hạ tầng an ninh mạng của Việt Nam được Trung cộng thiết kế giúp, sĩ quan an ninh mạng CSVN cũng được Trung cộng đào tạo.
Luật ANM được Quốc hội CSVN thông qua vào sáng ngày 12 tháng 6 năm 2018 với hơn 86% đại biểu đồng ý và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Phần lớn nội dung của Luật An ninh mạng đều rập khuôn theo Trung Cộng. Nó nhằm bảo vệ chế độ, chứ không nhằm bảo vệ người dân. Những điều ghi ra trong luật này hoàn toàn đi ngược lại những quy định chung của bàn Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Nó trực tiếp bịt miệng, ngăn chặn các ý kiến chống đối của người dân.
Luật ANM trao cho Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông quyền ngăn chặn, xoá bỏ các thông tin được cho là “tuyên tuyền chống nhà nước” và quyền yêu cầu các nhà mạng ngưng cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet cho người có các bài viết đó. Buộc người xử dụng Internet cung cấp thông tin cá nhân thực; buộc người xử dụng Internet phải làm theo hướng dẫn về an ninh mạng cũng như để nhà cầm quyền tiến hành các biện pháp an ninh; buộc các hãng Internet nước ngoài đặt cơ quan đại diện và máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng tại Việt Nam.
Cùng thời điểm tháng 6 năm 2018, nhà cầm quyền CSVN còn muốn thông qua dự thảo Luật Đặc khu kinh tế, với âm mưu cho Trung cộng thuê 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đến 99 năm, khiến hàng ngàn người dân tại một số tỉnh thành như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Thuận, Nha Trang, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu… xuống đường biểu tình phản đối hết sức mạnh mẽ Dự thảo Luật Đặc khu kinh tế và Luật An ninh mạng.
Theo một thống kê mới đây cho biết số lượng người sử dung Internet tại Việt Nam vào năm 2018 đã đạt khoảng 64 triệu người. Riêng chỉ ở mạng xã hội Facebook, Việt Nam xếp thứ 7 trong số các quốc gia có người dùng cao nhất với 55 triệu người dùng vào tháng 7/2018 và Việt Nam lọt vào danh sách 10 quốc gia có tỉ lệ người dùng Internet cao nhất. Và theo dự báo đến trước năm 2020, số lượng người dùng mạng Internet Việt Nam sẽ khoảng 76 triệu người, đạt mốc 80% dân số tính đến thời điểm năm 2018.
Vì vậy những cố gắng kiểm soát, ngăn cản, hạn chế của nhà cầm quyền độc tài CSVN đối với Internet chẳng những sẽ không thành công mà còn làm cho sự đối kháng từ những “cư dân mạng” trở nên mãnh liệt hơn. “Cư dân mạng” đã và sẽ sáng tạo cách thức làm thế nào để chống đỡ hữu hiệu việc ngăn chặn, cấm đoán, phong tỏa Internet, và sẵn sàng hướng dẫn người khác cùng vượt qua được hàng rào kiểm soát.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc bộ phận Châu Á của Human Rights Watch ở Bangkok từng cho biết: “Chính phủ [các nước độc tài] đang dành ra khá nhiều nguồn lực và thời gian để ngăn chặn các trang web và tôi nghĩ rằng đó là một phản ứng hoảng loạn. Họ có một số cách ngăn chặn tạm thời, nhưng về lâu dài, sẽ không có hiệu quả, bởi vì người ta vẫn sẽ tìm cách này hay cách khác để có được những tin tức mà họ muốn nghe, muốn biết. Một khi người dân đã được tiếp xúc với Internet và nhận ra rằng sức mạnh thông tin miễn phí hiển hiện ngay trước mắt, thì đó là một cảm giác đặc biệt về sức mạnh trong tay mình.”
Nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg trong một thông báo đầy bất ngờ vào ngày 7/3/2019 đã tuyên bố: “Chúng tôi không xây dựng trung tâm dữ liệu ở những quốc gia có truyền thống vi phạm nhân quyền như quyền riêng tư và quyền tự do biểu đạt.“
Mark Zuckerberg khẳng định “chúng tôi sẵn sàng đánh đổi” các thị trường này để “giữ vững nguyên tắc” tôn trọng quyền riêng tư của người dùng, bất kể “dịch vụ của chúng tôi sẽ bị chặn ở một số nước hoặc chúng tôi sẽ không thể tiếp cận được một số nước khác trong thời gian trước mắt”.
Tuyên bố này đồng nghĩa với việc Facebook có thể có máy chủ đóng vai trò là bộ nhớ đệm ở Việt Nam để lưu dữ liệu không nhạy cảm của người dùng. Đây là kỹ thuật nhằm tăng tốc độ xử lý dữ liệu của Facebook.
Theo VTC, vào thời điểm tháng 12/2017, Facebook đã có khoảng 300 máy chủ đặt tại Việt Nam để “quản lý thông tin”. Dẫn lời một chuyên gia công nghệ, VTC cho biết đây là loại máy chủ “hầu như quốc gia nào cũng có”, nhằm quản lý mọi thao tác hàng ngày của người sử dụng như lịch sử truy cập. Loại máy chủ quan trọng hơn là “máy chủ quản lý dữ liệu cá nhân” thì chỉ có một vài quốc gia trên thế giới có và không có ở Việt Nam. Đây là loại máy chủ có tính bảo mật rất cao.
Trong phiên điều trần tại Uỷ ban Tình báo của Thượng viện Mỹ ngày 5/9/2018, bà Sheryl Sandberg, Phó Chủ tịch Facebook, /khẳng định “chúng tôi không có máy chủ ở Việt Nam và trừ những ngoại lệ rất ít ỏi khi có những mối đe dọa nghiêm trọng xảy ra, chúng tôi không bao giờ cung cấp thông tin cho chính phủ Việt Nam, bao gồm cả thông tin về chính trị.”
Internet đã làm thay đổi tư duy con người và bộ mặt thế giới. Nó đã được nhân loại mặc nhiên công nhận như một phương tiện để con người thực hiện quyền tự do ngôn luận mà Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã minh định là một quyền cơ bản của con người và được lặp lại trong Ðiều 19 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.
Ngày hôm nay Internet đối với hầu hết nhân loại là một phần không thể thiếu. Vì vậy tự do Internet là một Quyền mà nhân loại cần bảo vệ.
Nhân Ngày Thế Giới Chống Kiểm Duyệt Internet 12 tháng 3 hàng năm, chúng ta hãy cùng tham gia lên tiếng với thế giới. Những việc làm cụ thể rất đa dạng và có thể rất đơn giản, như gởi cho người chung quanh địa chỉ những nơi hướng dẫn cách vượt tường lửa, cách xóa dấu chân khi lướt mạng; cùng nhau đăng một hình tượng chung về Tự Do Internet (hình ảnh một con chuột máy tính được giải thoát khỏi móc khóa); đăng tại trang mạng, trang blog của mình một câu về quyền tự do thông tin của con người, v.v…
Cần lắm từng bàn tay của chúng ta góp phần đẩy tới.