- RFI
Sau gần 3 tuần « bặt vô âm tín » đến mức cộng đồng quốc tế phải hỏi « Bành Súy ở đâu? » với hashtag #WhereIsPengShuai, tay vợt nữ nổi tiếng Trung Quốc liên tục « được xuất hiện ». Tuy nhiên, rất dễ nhận ra rằng mọi hình ảnh, sự kiện trong bốn ngày gần đây liên quan đến nhà vô địch đánh đôi Wimbledon 2013 đều được dàn dựng một cách vụng về, có lẽ do Bắc Kinh không dự đoán được phản ứng gay gắt của cộng đồng quốc tế.
Bành Súy « gặp may », theo nhận định của báo Le Monde ngày 22/11. Thực vậy, nếu không có Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh 2022, diễn ra trong chưa đầy ba tháng nữa, cây vợt nữ 35 tuổi có lẽ đã « biệt tăm » như trường hợp nữ diễn viên nổi tiếng Triệu Vy liên quan đến một vụ khác, hoặc phải « nhận lỗi » vì đã « vu khống » như nhiều phụ nữ tố cáo bị quấy rối tình dục trong phong trào #MeToo xuất hiện ở Trung Quốc từ năm 2018.
« Vu khống » vì Bành Súy đã tiết lộ chi tiết « thâm cung bí sử » về mối quan hệ với cựu phó thủ tướng Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli). Trong bức thư ngỏ dài được báo Libération dịch từ ảnh chụp màn hình tài khoản Weibo trước khi bị gỡ xuống và xóa dấu vết, Bành Súy thấy « cần phải nói sự thật » về mối quan hệ của cô với ông Trương Cao Lệ, người đã được vợ tiếp tay, ép cô quan hệ tình dục với ông, biến cô thành người tình, sau đó bỏ rơi cô khi ông được thăng chức, đến thời gian gần đây nối lại quan hệ và rồi lại bỏ rơi cô. Lời lẽ trong thư ngỏ của cô chứa đầy cay đắng và cho thấy phần nào thất vọng và bất lực của cây vợt nữ.
« Nhờ » truyền thông Nhà nước đưa Bành Súy trở lại
Bành Súy là người đầu tiên động đến thượng tầng quyền lực ở Trung Quốc, vì ông Trương Cao Lệ là nhân vật lãnh đạo đứng hàng thứ 7 trong những năm 2013-2018. Và lẽ ra cô có thể bặt vô âm tín mãi mãi nếu không được công luận quốc tế và nhiều tổ chức thể thao, bảo vệ nhân quyền gây áp lực. Bắc Kinh buộc phải hành động, nhưng để cơ quan truyền thông Nhà nước dàn xếp sự trở lại của Bành Súy, mà đối tượng nhắm đến là công luận quốc tế.
Chỉ trong ba ngày, Bành Súy như hồi sinh, với hàng loạt hình ảnh, hoạt động dồn dập, nhưng tất cả đều do truyền thông Nhà nước đăng tải. Ngày 19/11, Bành Súy chúc « Cuối tuần vui vẻ » với ba hình ảnh tươi cười chụp với thú cưng, nhưng lại được tài khoản Shen Shiwei, bị gán nhãn « cơ quan truyền thông trực thuộc Nhà nước Trung Quốc » đăng trên Twitter, trong khi mạng xã hội của Mỹ này bị cấm ở Trung Quốc.
Cùng ngày, tổng biên tập Global Times (Hoàn Cầu Thời Báo) Hồ Tích Tiến đăng hai đoạn video, trong đó một đoạn dài hơn 4 phút ghi lại cảnh Bành Súy đang « ăn tối với huấn luyện viên và những người bạn » trong một nhà hàng ở Bắc Kinh và cô « say sưa » thảo luận với huấn luyện viên trước ống kính quay chính diện. Tiếp theo, chỉ một ngày sau « tiên đoán » của ông Hồ Tích Tiến rằng Bành Súy « sớm » trở lại, thì cây vợt nữ làm khách mời danh dự của vòng chung kết giải quần vợt nhi đồng FILA Kids Junior Tennis Challenger. Hình ảnh hoạt động của cô tại giải này được đăng ngày 21/11 trên tài khoản Weibo của đơn vị tổ chức China Open.
Mượn CIO giập vụ việc
Có thể nói sự trở lại của Bành Súy được cân nhắc từng chi tiết, bị kiểm soát và kiểm duyệt. Và để có độ tin cậy cao hơn, Trung Quốc tổ chức cho Bành Súy một buổi nói chuyện trực tuyến với ông Thomas Bach, chủ tịch Ủy Ban Olympic Quốc tế (CIO). Cô trấn an là được an toàn và không muốn đời tư bị quấy rầy. Nhưng tại sao lại cho nói chuyện với CIO, mà không phải là với Hiệp Hội Quần Vợt Nữ (WTA) hay rộng hơn là Hiệp Hội Quần Vợt Nhà Nghề (ATP) ?
Liệu CIO thật sự tôn trọng đời tư của tay vợt nữ và chỉ hài lòng với việc cô được an toàn mà không hỏi liệu Bành Súy có được tự do không ? Liệu CIO cố tình không hỏi đến vụ cáo buộc tấn công tình dục theo yêu cầu của Bắc Kinh ? Truyền thông phương Tây đều cáo buộc CIO đang tiếp tay cho Bắc Kinh giập vụ tai tiếng. Còn theo tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch), CIO đang tiếp sức cho « tuyên truyền của Nhà nước Trung Quốc ».
Trung Quốc đang chuẩn bị cho Thế Vận Hội mùa đông 2022 trong khi hình ảnh của nước chủ nhà không ngừng xấu đi trong thời gian gần đây, do những cáo buộc vi phạm nhân quyền, dân chủ, trấn áp đối lập. Và vụ Bành Súy xảy ra không đúng thời điểm cho Bắc Kinh, vì trước đó đã có nhiều lời kêu gọi tẩy chay ngoại giao sự kiện thể thao toàn cầu này, từ Mỹ đến Anh và Pháp.
Hiệp Hội Quần Vợt Nữ vẫn tỏ ra tỉnh táo khi tái khẳng định: « Những đoạn video đó không làm thay đổi những yêu cầu của chúng tôi tổ chức một cuộc điều tra đầy đủ, minh bạch và không kiểm duyệt về những cáo buộc xâm hại tình dục, vấn đề làm phát sinh mối quan tâm của chúng tôi ». WTA đã sẵn sàng từ bỏ lợi nhuận ở Trung Quốc khi hủy các giải thi đấu ở quốc gia đông dân nhất thế giới này. Và có lẽ chỉ có lời kêu gọi mạnh mẽ của WTA, cũng như của những tổ chức bảo vệ nhân quyền khác, mới giúp vụ Bành Súy không bị nhấn chìm như phong trào #MeToo ở Trung Quốc.
Xem thêm; - Ủy Ban Olympic Quốc Tế ban “phước lành” cho TQ để nhận chìm vụ Bành Súy?
https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20211123-%E1%BB%A7y-ban...