- Web Viettan|
Bài báo đề ngày 22 tháng Giêng, 2020 của báo Tiền Phong, tiếng nói của Trung Ương Đoàn Thanh Niên Cộng sản HCM mở đầu bằng lời “giáo huấn” của ông Hồ lúc còn sống: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém.”
Dĩ nhiên, các đệ tử cộng sản đời sau rất trân trọng những gì ông Hồ để lại, dù trong đó cái xấu nhiều hơn cái tốt. Còn lời nói của ông Hồ cũng chẳng có gì cao siêu vì sự thành công của các chế độ dân chủ Tây phương trong suốt một thế kỷ qua không bắt nguồn từ những cán bộ lão luyện về lý thuyết chủ nghĩa cộng sản mà ông Hồ học được từ Mạc Tư Khoa.
Mặt khác các nhà lãnh đạo danh tiếng trên thế giới đều hiểu biết thật sâu sắc, muốn phục vụ và xây dựng đất nước thành công phải có cán bộ đầy đủ năng lực, kiến thức, thành tâm, nhất là biết tôn trọng dân chủ. Ngày xưa ông Hồ nhấn mạnh yếu tố cán bộ, nhưng ngày nay cán bộ đảng Cộng Sản chính là nguồn gốc của mọi sự đổ nát và tụt hậu của đất nước Việt Nam. Nguyên do, cán bộ đảng Cộng Sản thay nhau nắm quyền lực thật lớn nhưng không hề thông qua bất cứ một cuộc bầu cử nào có người dân tham dự, lại càng ngày càng thoát ly dân chủ hay nói khác đi họ thực hiện dân chủ trá hình.
Sắp tới đây, vào đầu tháng Giêng, 2021 đại hội 13 của đảng CSVN khai mạc, vấn đề nhân sự trung ương càng làm cho Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tốn nhiều công sức âu lo. Vì chính ông, ngoài chiếc 2 ghế tổng bí thư và chủ tịch nước, còn nắm giữ trong tay “Tiểu ban nhân sự” của đại hội 13. Lần này theo đánh giá của ông Trọng, Tiểu ban Nhân sự có một vai trò vô cùng quan trọng là chuẩn bị nhân sự cho đại hội, một yếu tố đưa đến thành công.
Sẽ có một lớp cán bộ cũ về vườn và một lớp người mới được “đề bạt” vào trung ương, do đó đương nhiên mở ra một cuộc chạy đua giữa các phe phái, điều đã diễn ra từ những kỳ đại hội trước. Lớp cán bộ mới này sẽ được nâng lên từ những “hạt giống đỏ”, được đảng rèn luyện, o bế lâu nay.
Hạt giống đỏ là một từ ngữ của đảng đặt ra để chỉ một giai cấp cộng sản kế thừa, là con em cháu chắt của những đảng viên đang nắm quyền bính tuyệt đối hiện nay. Hạt giống đỏ như tên gọi của nó, chẳng những đỏ từ đầu đến chân mà còn được rèn luyện trong bộ máy chính quyền, các học viện chính trị Mác-Lê, nơi xuất thân của tầng lớp tinh hoa xã hội chủ nghĩa. Ưu thế của các hạt giống đỏ là tương đối còn trẻ, có chỗ dựa vững chắc từ gia đình và được chọn lựa kỹ càng từ các địa phương.
Theo bài báo của Tiền Phong, trong nhiệm kỳ sắp tới, có khoảng 180 hạt giống loại này chọn ra từ con số 250 cán bộ trẻ. Họ đã được địa phương “sát hạch” rèn luyện “đúng quy trình và đã được phê duyệt vào quy hoạch uỷ viên trung ương” hoặc chức vụ bí thư tỉnh uỷ, cấp trưởng các bộ, các ban, các ngành trung ương.
Phải thừa nhận qua một quá trình cầm quyền hơn 70 năm trên đất nước Việt Nam, đảng CSVN đã đào tạo giai cấp kế thừa có bài bản từ chính gia đình, thân nhân đảng viên các cấp. Giai cấp kế thừa này không cần kiến thức, tài năng trong lãnh vực mà họ được bố trí, mà chỉ cần lòng trung thành tuyệt đối với đảng, nói cách khác đảng thực hiện đúng chân lý “hồng hơn chuyên”, cây kim chỉ nam trong vấn đề nhân sự.
Tính liên tục của chế độ mà nền móng là sự cai trị độc tài theo chiều hướng ngày càng siết chặt, khiến người dân bị buộc phải chấp nhận đó là điều hợp lý theo câu “con vua thì được làm vua”.
Tuy nhiên sự thành công của đảng CSVN trong việc rèn luyện, đề bạt hạt giống đỏ vào thành phần lãnh đạo cao cấp không suôn sẻ, tốt đẹp như người ta tưởng. Thử nhìn lại hai khoá trung ương gần đây nhất, rất dễ thấy các hạt giống đỏ của đảng sau thời gian ngắn đứng trong hàng ngũ lãnh đạo, đa số trở thành những “hạt giống thối” từ trong ra ngoài.
Theo thống kê của Ban chỉ đạo trung ương chống tham nhũng, thành tích đốt lò của ông Trọng từ 2016 đến 2019 đã biến gần 70 cán bộ thuộc hàng lãnh đạo thành củi. Chẳng lẽ sau con số 70, đảng đã trở nên trong sạch và vững mạnh với nền độc tài của mình? Mà chuyện đó có lẽ nên gọi là thành tích đánh dẹp của phe tổng bí thư Trọng để đưa người phe mình vào những vị trí béo bở cả về kinh tế lẫn chính trị, hơn là chấn chỉnh nhân sự.
Trong số những hạt giống thối này người ta thấy nổi bật nhất có những Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, hai cựu bộ trưởng Bộ 4T và một số cán bộ cao cấp khác của quân đội và công an, là vai chính trong những vụ án đốt lò. Đây là những hạt giống đỏ được mô tả là sáng giá mà đảng kỳ vọng và bố trí vào những chức vụ quan trọng trong bộ máy cầm quyền, có người leo lên đến uỷ viên Bộ Chính Trị.
Nhưng sau đó họ nhanh chóng rơi vào vòng xoáy của hệ thống tham nhũng, cuối cùng làm củi cho ông Trọng đốt lò. Điều đó cho người ta thấy dù là hột giống đỏ được đảng chọn mặt gởi vàng, khi đạt tới đỉnh cao quyền lực thì lập tức trở thành những “cán bộ vua”. Không mấy chốc họ sa vào những đỉnh cao tối tăm khác đưa đến vành móng ngựa. Vậy phải chăng quy hoạch nhân sự “chiến lược” của đảng đã không thành công và công tác nhân sự với 180 hạt giống đỏ mà ông Trọng và Ban Tổ Chức Trung Ương đang ra sức xây dựng cho nhiệm kỳ tới cũng chỉ là công tác mang tính tuyên truyền nhiều hơn là thực chất.
Cho dù ông Trọng lạc quan tuyên bố, đại hội 13 “là một dịp để ta sàng lọc cán bộ… Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi. Không sợ thiếu cán bộ, không thiếu người tận trung với đảng, tận hiếu với dân”. Sự xứng đáng mà ông Trọng kỳ vọng nơi cán bộ của mình, cũng chính là kỳ vọng lò ông sẽ không thiếu củi đốt.
Ông Trọng có quá lạc quan không khi sự “sàng lọc cán bộ xứng đáng” chỉ là cơ hội loại trừ lẫn nhau và đẩy những thành phần con ông cháu cha vào vị trí cầm quyền để quyền lực cộng sản tồn tại muôn đời. Cũng trong ý chí đó mà một bà phó chủ tịch Thành Hồ trước đây, đã diễn tả việc “con cháu các cụ” nắm quyền cai trị muôn dân bằng những lời lẽ đầy tự hào “Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc”.
Nếu nhìn vào giang sơn của Lê Thanh Hải, một thời làm “vua cán bộ” Thành Hồ thì những Lê Trương Hải Hiếu, Lê Trương Hiền Hoà hay Tất Thành Cang, Nguyễn Hữu Tín được đánh giá là tấm gương soi, là hạnh phúc của dân tộc. Họ được công khai cất nhắc lên hàng lãnh đạo đảng và chính quyền Thành Hồ để điển hình mạnh mẽ nhất cho sự suy thoái đạo đức, và cách mạng biến chất. Đó cũng là trường hợp của hạt giống đỏ Nguyễn Bá Cảnh, con trai của Nguyễn Bá Thanh, người được đàn em ở Đà Nẵng đánh giá là “kiệt xuất”.
Sự thất bại của công tác nhân sự thật ra cũng đã được báo trước bằng Nghị quyết Trung ương 4 khoá 12 ngày 30 Tháng Mười, 2016. Nghị quyết này nêu lên 27 “biểu hiện suy thoái” của cán bộ được phân loại thành 3 nhóm một cách khá thẳng thắn.
Thứ nhất, trong nhóm đầu tiên, 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị sau đây, chỉ lược kê 3 điều quan trọng nhất:
– Phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh;
– Xa rời tôn chỉ, mục đích của đảng, phụ hoạ theo những nhận thức sai lệch, quan điểm sai trái;
– Lười học tập chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh v.v…
Thứ hai, 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức trong đó người ta thấy có:
– Cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, vụ lợi, chỉ lo thu vén cá nhân.
– Cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh quyền tranh chức.
– Kê khai tài sản , thu nhập không trung thực v.v…
Thứ ba, 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong đó có thể ghi nhận:
– Phản bác và phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hố Chí Minh, đòi thực hiện đa nguyên đa đảng.
– Phản bác và phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đòi thực hiện thể chế tam quyền phân lập, phát triển xã hội dân sự.
– Phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối và trực tiếp của đảng đối với lực lượng vũ trang, đòi phi chính trị hoá quân đội và công an v.v…
Như vậy qua Nghị quyết 4 khoá 12, 27 biểu hiện suy thoái của cán bộ chính là 27 cái tội nặng mà hầu hết đảng viên đều mắc phải, không loại trừ những hạt giống đỏ kế thừa của đảng. Với những tội trạng do chính đảng thừa nhận, hầu hết cán bộ trong đảng và chính quyền CSVN xứng đáng để nhân dân luận tội.
Nghị quyết 4 khoá 12 cũng báo hiệu một tương lai không mấy sáng sủa cho đại hội 13, hay nói cách khác, chuyện rèn luyện những “hạt giống đỏ” của đảng chỉ mang tính tuyên truyền mà thôi.
https://viettan.org/ve-chuyen-ren-luyen-nhung-hat-giong-do/