Vấn đề ô nhiễm không khí tại Hà Nội

|

Vụ ô nhiễm không khí tại thủ đô Hà Nội trong những ngày qua đã tạo thành làn sóng quan tâm của dư luận. Mọi người đều chú tâm vào con số 300 của chỉ số AQI (Air Quality Index − Chỉ số chất lượng không khí), lên mức báo động đỏ cũng như nồng độ PM 2.5 (tức bụi mịn) ở mức 215,4 µg/m3, cao gấp 8 lần quy chuẩn quốc gia và 20 lần trung bình năm của Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO).

Dân chúng đổ xô đi mua khẩu trang “xịn” với giá không hề rẻ, từ 500 ngàn (Cambridge Mask) 1 chiếc cho đến loại Vogmask đạt tiêu chuẩn N99 của Viện Khoa Học An Toàn và Vệ Sinh Lao Động Hoa Kỳ (National Institute for Occupational Safety and Health – NIOSH) giá 1,5 triệu/chiếc!

Có 4 nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm nói trên:

Lượng xe lưu thông: Hà Nội có khoảng 9 triệu dân, có 7 triệu xe hai bánh và 1 triệu ô tô, 112 tuyến xe buýt. Điều này đương nhiên ảnh hưởng đến chất lượng không khí, đặc biệt các xe buýt đều khá cũ, xả khói không khác gì xe lửa đầu máy hơi nước.

Quy hoạch đô thị: Đó là do “nhóm lợi ích” trong lĩnh vực xây dựng, trước hết là quy hoạch không hợp lý hoặc quy hoạch bị băm nát theo ý đồ của nhà đầu tư để trục lợi. Đơn cử hai ví dụ trên địa bàn Hà Nội − thành phố xanh “vì hòa bình”.

Khu đô thị mới Trung Hòa – Nhân Chính. Theo dự trù với 8 tòa nhà, cao trung bình 6 −7 tầng. Đến nay, sau gần 20 năm, với nhiều lần điều chỉnh quy hoạch thì ngày nay chỉ 1 km cõng 40 tòa nhà cao tầng. Tính trung bình 20 tầng/tòa thì có nghĩa là “hô biến” từ 56 tầng lên 800 tầng. Giả sử mỗi tầng 5 căn mỗi căn giá trung bình 5 tỉ (năm 2006) thì quả là một số tiền khổng lồ được chia chác cho các nhóm lợi ích.

Một thí dụ khác là Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm thuộc quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội, khởi công năm 1997, diện tích 200 ha với quy mô dân số khoảng 25.000 người. Tuy nhiên, đến nay các khu chung cư cao tầng vẫn đua nhau mọc lên, khiến dân số tăng lên khoảng 70.000 người. So ra bằng một thành phố tầm trung của Pháp. Cứ cho là một gia đình 4 người thì 35.000/4 xấp xỉ 9.000 căn hộ. Cũng là một số tiền khổng lồ.

Nhà máy trong khu dân cư: Theo thống kê sơ khởi Hà Nội có khoảng 500 cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm và cháy nổ trên địa bàn, trong đó có 26 doanh nghiệp mà Sở Tài Nguyên – Môi Trường Hà Nội đã xác định là những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay các cơ sở này vẫn tiếp tục hoạt động.

Vụ hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động cho các cơ sở, nhà máy sản xuất trong khu dân cư đô thị, nhất là khu vực nội thành. Trong vụ cháy Công ty Rạng Đông, có khu vực lượng thủy ngân phát tán đã vượt ngưỡng cho phép đến 30 lần. Theo tính toán có khoảng 15,1 – 27,2 kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường và ảnh hưởng trong phạm vi 500 mét

Khung pháp lý: Hệ thống luật pháp liên quan đến công tác quy hoạch, kiến trúc đô thị chưa chặt chẽ cũng tạo nhiều khe hở để lạm dụng. Luật Quy Hoạch vẫn còn những quy định khá lỏng lẻo để chủ đầu tư lợi dụng xin điều chỉnh quy hoạch nhằm tăng tối đa hóa lợi nhuận và cán bộ công quyền được giao quản lý có thể trục lợi trong quy hoạch, bổ sung quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch, gây thiệt hại không nhỏ cho xã hội, ảnh hưởng đời sống số đông người dân.

Chẳng hạn, theo Điều 20, chỉ cần nêu lý do quy hoạch thời kỳ trước chưa phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực được lập trước đó là có thể xin lập quy hoạch lại. Còn Điều 51 quy định, cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt việc điều chỉnh quy hoạch là có thể điều chỉnh quy hoạch. Quy định như vậy có thể bị lợi dụng để lập, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện.

Một khía cạnh khác là vai trò quản lý của nhà nước còn rất yếu kém. Một tỉnh có hàng triệu dân, hàng nghìn, hàng vạn cơ sở sản xuất mà đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường chỉ có 5-6 người, nơi nào nhiều thì 15 người. Tỉ lệ cán bộ làm công tác quản lý môi trường của chúng ta rõ ràng thuộc loại thấp nhất thế giới.

Hướng giải quyết:

Các lý do đưa đến tình trạng ô nhiễm không khí như hiện nay thì đã rõ. Bao gồm như vừa nêu: 1) Lượng xe lưu thông; 2) Dân cư tập trung; 3) Các nhà máy lẫn lộn trong khu dân cư; 4) Luật pháp lỏng lẻo và lực lượng cán bộ môi trường không đủ (loại ra yếu tố nhũng lạm cho dù nó là quan trọng nhất). Câu hỏi đặt ra là tình trạng này đã có từ 20 năm nay nhưng tại sao không hề thay đổi và theo Bộ “Tài Môi” thì càng ngày càng tệ?

Xét cho cùng, cả 4 nguyên nhân nói trên không phải thuộc dạng “thiên tai” nên con người có thể giải quyết. Vấn đề là phải giải quyết theo thứ tự tương ứng với mức độ từ dễ đến khó.

Giải quyết lượng xe lưu thông chắc chắn là khó nhất vì theo như thống kê thì hầu như mỗi cư dân có 1 chiếc xe, nghĩa là khoảng 20 triệu chiếc đủ loại. Sang đến vấn đề thứ hai (2) và thứ ba (3) thì nó chỉ liên quan đến các chung cư cao tầng và khoảng 500 nhà máy sản xuất đủ loại. Còn mục 4) thì dễ nhất vì liên quan đến thủ tục hành chánh.

Tuy nhiên, vấn đề đã tồn đọng quá lâu và đan xén nhau nên không dễ dàng gỉải quyết từng khâu riêng biệt, chính vì lý do này mà việc xử lý cả 4 nguyên do nói trên đếu khó như nhau vì nó không đơn thuần là những vấn đề kỹ thuật.

Nói cách khác, thử tưởng tượng nếu đùng một cái 20 triệu xe hai bánh biến mất, xe buýt và métro trở thành phương tiện di chuyển chính của người dân Sàigòn và Hà Nội, thì nguồn “thu nhập” của các phường từ các bãi giữ xe lấn chiếm lòng lề đường cũng biến mất , chắc chắn đây là điều không thể xảy ra dù có nằm mơ. Chính vì thế ông Đoàn Ngọc Hải với quyết tâm “treo ấn từ quan nếu không dẹp được lòng, lề đường” cũng chỉ là chuyện nói cho vui.

Bước sang mục 2) cũng thế. Đang từ 8 tòa nhà 7 tầng chuyển sang 40 tòa nhà 20 đến 34 tầng (Khu đô thị Trung Hòa – Nhân chính) hoặc đang từ quy hoạch 25.000 cư dân chuyển sang 70.000 mà chẳng thấy ai bị kỷ luật thì nguyên do ở đâu ai cũng có thể tưởng tượng ra. Mục 3), tức là các nhà máy sản xuất chen chúc trong khu dân cư, xem ra dễ nhất nhưng cho đến ngày hôm nay cũng chưa thực hiện được. Mọi người đang chống mắt xem sau vụ cháy Công ty Rạng Đông mọi chuyện có thay đổi hay không.

Sau cùng, điều 4), điều dễ nhất. Chỉ cần sửa các Điều 20, 51 trong Luật Quy Hoạch để các quan chức bắt buộc phải hỏi ý kiến dân chúng và các chuyên gia trước khi thực hiện một công trình nào đó − nhưng cho đến nay cũng không làm được. Thậm chí có đưa vào luật mà không tôn trọng thì cũng cứ đưa vào cho “có lệ” cũng không làm được. Điều này làm tác giả liên tưởng đến Luật Biểu Tình đã nhiều lần trì hoãn.

Có một lần tác giả trình bày cho một số bạn về ý tưởng cấm xe hai bánh trong hai thành phố lớn nhất nước. Một bài nói chuyện có dẫn chứng và hình ảnh đầy tính thuyết phục. Nghe xong một vị đã đến nói nhỏ rằng: “Anh tưởng chế độ không biết chuyện này à ?” Tôi mãi không quên lời nhận định này và kiểm chứng lại thì thấy đúng. Nhà cầm quyền họ đã từng gởi chuyên gia đi năm châu bốn bể chứ có phải u mê đâu mà không nhận ra. Có điều là họ có muốn giải quyết hay không mà thôi.

Ngay từ năm 1976, nhà nước cộng sản đã kêu gọi kiều bào về giúp nước, vậy mà với hàng trăm ngàn chuyên gia hải ngoại, hàng chục ngàn tiến sĩ trong nước có trình độ rất cao về mọi ngành nghề tại sao đất nước mới chỉ “vượt qua ngưỡng nghèo”, đó là chưa kể cái giá phải trả cực kỳ đắt mà mọi người đã thấy qua vụ ô nhiễm không khí vừa qua (và đây mới chỉ là ô nhiễm không khí, còn ô nhiễm nước, hóa chất và plastic lại là chuyện khác).

Thuế bảo vệ môi trường từ dân và xí nghiệp qua các năm theo thống kê từ FB Le Thu Tra. Ảnh: FB Việt Tân edit

Một lý do khác khiến người dân không thể không đặt ra: Thuế môi trường! Một lít xăng hiện nay phải trả 4.000 đ thuế bảo vệ môi trường. Nhìều địa phương còn trả 10% trên hóa đơn tiền nước hàng tháng. Vị chi từ 2012 đến 6/2019 tổng cộng là 250 nghìn tỷ đồng (hơn 10 tỷ USD). Số tiền khổng lồ này đi về đâu?

Tiến Sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ Tịch Mạng Lưới Không Khí Sạch Việt Nam, cho rằng chính quyền thành phố chưa chuẩn bị sẵn tâm lý đối mặt với những diễn biến xấu của môi trường sống. Theo chuyên gia này, cơ quan chuyên môn của cả 2 thành phố Hà Hội và Sài Gòn vẫn chưa thể dự báo được chính xác chất lượng không khí, chưa thể đưa ra nhận định chính xác nguyên nhân ô nhiễm và chưa có thông tin khuyến cáo cụ thể về việc người dân cần làm gì trong thời điểm này.

Ngoài ra, chính quyền thành phố chưa có mục tiêu giảm ô nhiễm cụ thể theo từng năm, chưa kiểm kê được nguồn phát thải và chưa có chính sách rõ ràng với các nguồn ô nhiễm chính.

Tóm lại, khả năng giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí có thừa, nhưng ý chí và tâm huyết thì là con số không!

“Nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Nghe sao mà chua chát!

Phạm Minh Hoàng