Trung quốc bí mật hợp tác quân sự với Campuchia, nỗi lo cho Việt Nam

 
Thoả thuận về hợp tác quốc phòng giữa Campuchia và Trung đã được ký kết, song những điều khoản cụ thể đã không được tiết lộ. Động thái này ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận, trong bối cảnh trước đó đã xuất hiện nhiều tin đồn về việc chính quyền Campuchia bí mật cho hải quân Trung Quốc sử dụng căn cứ Ream.
 
Thoả thuận hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Campuchia đã được ký hôm 31 Tháng Ba, 2022, bởi tướng Lưu Chấn Lập, Tư lệnh Lục quân Trung Quốc, và tướng Hun Manet, Phó tổng tư lệnh Lục quân Campuchia. Lưu ý rằng, Hun Manet là con trai cả của Thủ tướng Campuchia Hun Sen và đang được người cha dìu dắt lên làm thủ tướng tương lai.
 
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm tuyên bố: "Trung Quốc và Campuchia là hai nước láng giềng thân thiết, cũng là những người bạn son sắt. Những năm gần đây, quan hệ hợp tác thực tế giữa quân đội hai nước ở nhiều lĩnh vực, bao gồm liên lạc chiến lược, tập trận chung, huấn luyện, trao đổi và đào tạo nhân sự, tiếp tục đi vào chiều sâu". Tuy nhiên, ông Ngô Khiêm không công bố chi tiết thỏa thuận.
 
Hồi năm 2019, Mỹ đã lên tiếng chất vấn Campuchia sau khi có thông tin rò rỉ cho thấy giữa nước này và Trung Quốc ký thỏa thuận bí mật cho phép các lực lượng vũ trang của họ độc quyền sử dụng Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia trên Vịnh Thái Lan. Sự việc sau đó leo thang đến mức Mỹ ra lệnh cấm vận và trừng phạt các công ty và cá nhân, trong đó có hai quan chức quốc phòng cấp cao Campuchia.
 
Cho đến ngày 21 Tháng Giêng, 2022, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) lại phát hiện tàu hút cát tại căn cứ hải quân Ream của Campuchia. Nhận định về sự việc, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, cho rằng sự hiện diện quân sự của Trung Quốc là lằn ranh đỏ và sẽ đe dọa đến an ninh của Việt Nam. Thậm chí, theo Tiến sĩ Hiệp thì sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Campuchia sẽ khiến Việt Nam phải nhìn nhận lại chính sách của mình với nước láng giềng phía nam theo hướng tiêu cực.
 
Không chỉ tạo ra nghi vấn ở Quân cảng Ream, Trung Quốc còn gây lo ngại cho Việt Nam lẫn thế giới với dự án xây dựng sân bay khổng lồ ở Dara Sako.
 
“Trong trường hợp xảy ra xung đột, Trung Quốc có thể ‘tung hoành ngang dọc trên bầu trời Việt Nam bằng oanh tạc cơ và chiến đấu cơ, cất cánh từ Dara Sakor và hạ cánh trên các đường băng của Trung Quốc ở Biển Đông, Đá Chữ Thập, Đảo Phú Lâm hoặc Đá Subi, trước khi rời đi”, nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại Drake Long nhận định với tạp chí The Diplomat.
 
Nhìn lại quá khứ, sự thân thiết của Campuchia dàn cho Trung Quốc chưa bao giờ mang lại điều gì tốt đẹp cho Việt Nam. Xin được nhắc lại, tiền lệ của Campuchia vào năm 2012 (với cương vị là chủ tịch ASEAN) và năm 2016 (sau phán quyết của Tòa án trọng tài ở La Hay về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc), Phnom Penh đều có những hành động có lợi cho Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông. Đến năm nay, 2022 khi Campuchia ngồi vào vị trí vị trí chủ tịch ASEAN, nước này tiếp tục làm lợi cho Trung Quốc khi liên tục ngăn cản Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ.
 
Có thể thấy, việc Campuchia hoàn toàn nằm trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc đang tạo ra những thách thức to lớn cho Việt Nam. Về mặt địa lý, Việt Nam đang bị Trung Quốc bao vây từ nhiều hướng, điều này đồng nghĩa với thực tế là an ninh quốc gia của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng.
 
Về phía Trung Quốc thì việc ký thoả thuận quân sự mới với Campuchia xảy ra ngay sau thông tin nước này đang tìm cách để đặt căn cứ hải quân ở quần đảo Salomon trên Thái Bình Dương được đăng tải trên truyền thông. Đây là sân sau của Úc.