- Rfi
Trong cuộc xâm lăng Ukraina của Nga bất ngờ nổi lên một nhân vật vốn rất ít được công luận quốc tế biết tới: Người lãnh đạo các đàm phán của Matxcơva với Kiev. Báo chí Pháp giới thiệu về nhân vật được tổng thống Nga lựa chọn vào vị trí này. Viết lại lịch sử nước Nga, để biện minh cho các tham vọng lãnh thổ của chế độ Putin là nỗ lực chủ yếu từ 20 năm nay của nhân vật đặc biệt này.
Lãnh đạo đoàn đàm phán Nga kể từ ngày 28/02/2022 là một người đàn ông trạc 50 tuổi, mang cặp kính nhỏ, dáng vẻ trí thức. Vladimir Medinski nổi tiếng tại nước Nga. Là bộ trưởng Văn Hoá của chính quyền Putin từ năm 2012 đến 2020, Medinski giờ đây được coi là một trong những cố vấn thân cận của tổng thống Nga.
Vì sao điện Kremlin đưa cựu bộ trưởng Văn Hoá Mendinski vào mặt trận Ngoại Giao ? Trang France Info dẫn lời nhà sử học Alain Blum, nhận thấy ẩn đằng sau quyết định dùng người này có hai lý do. Thứ nhất, điều này cho thấy chính quyền Nga “coi thường” các đàm phán với Ukraina, khi cử một nhân vật không thuộc hàng lãnh đạo cao cấp nhất. Lý do thứ hai, và cũng rất có thể là lý do chính, đó là trưởng đoàn đàm phán Medinski là một đại diện chủ chốt cho ý thức hệ dân tộc Đại Nga, mà chính quyền Putin ráo riết gây dựng từ nhiều năm nay.
Biến lịch sử thành ý thức hệ chính thống
Sử gia Alain Blum, lãnh đạo một trung tâm nghiên cứu về thế giới Nga, Kavkaz và Trung Âu, nhấn mạnh là ông Vladimir Medinski trong một thời gian dài đã được người Nga mệnh danh là “bộ trưởng tuyên truyền lòng yêu nước”. Lý tưởng hoá lịch sử của đế chế Nga, tô hồng thời kỳ Liên Xô toàn trị, “viết lại lịch sử chính thống của nước Nga” là mục tiêu trung tâm của bộ trưởng Văn Hoá Medinski.
Theo sử gia Emilia Koustova, về mặt chính thức, Hiến pháp Nga quy định “không có bất cứ một hệ thức hệ nào có thể được công nhận như ý thức hệ Nhà nước, hay mang tính bắt buộc”. Đây là điều mang lại cho Hiến pháp Nga dáng dấp của một hiến pháp dân chủ. Không trực tiếp thay đổi Hiến pháp, những người dân tộc chủ nghĩa Nga đã biến hồi ức về lịch sử thành một dạng ý thức hệ chính thống của quốc gia.
Để làm được việc này cần phải xây dựng một thứ lịch sử chính thống của nước Nga, xuyên suốt từ thời các đế chế Sa hoàng, qua thời kỳ Liên Xô, cho đến hiện nay. Ông Vladimir Medinski, trước khi trở thành bộ trưởng Văn Hoá, đã cho ra đời những sản phẩm theo hướng này. Từ năm 2006, loạt truyện nhiều kỳ về “Những huyền thoại nước Nga” với Medinski là tác giả, đã bán được hàng trăm nghìn bản. Trong các tác phẩm này, ông Medinsky đã tìm cách lên án nhiều cách nhìn nhận bị cho là bôi xấu nước Nga, con người Nga, khi phơi bày những thói tật như “nạn nghiện rượu, lười biếng, độc ác”, hình ảnh nước Nga, “nhà tù của các dân tộc”.
Tô hồng các thời đế chế Nga
Vladimir Medinski là tác giả của một luận án tiến sĩ, bảo vệ năm 2011, nhan đề “Những mô tả không khách quan của các học giả nước ngoài về lịch sử nước Nga từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII”, có nội dung chính là phê phán những ký sự du hành của người phương Tây trong giai đoạn nói trên, bị tố cáo bôi xấu hình ảnh nước Nga. Năm 2016, giới sử gia và giảng viên đại học châu Âu và Nga đã từng yêu cầu tước bằng tiến sĩ của Medinski, vì luận án bị coi là không chính xác, và đạo văn. Tuy nhiên, bộ trưởng Văn Hoá Medinski rút cục đã giữ được bằng tiến sĩ, nhờ sự ủng hộ của bộ Giáo Dục. Ông Medinski công khai khẳng định mục tiêu của ông khi viết luận án này là nhằm xây dựng một câu chuyện kể về lịch sử quốc gia, vì “lợi ích của nước Nga”. Một mục tiêu rõ ràng mang tính tuyên truyền, chứ không còn vì khoa học.
Theo France Info, tổng thống Nga Vladimir Putin đã phó thác cho tân bộ trưởng Văn Hoá điều hành Tổ chức Nghiên cứu Lịch sử Quân sự Nga. Sử gia Emilia Koustova cho biết, tổ chức được thành lập năm 2012 này có sứ mạng thực thi mục tiêu của điện Kremlin, viết lại toàn bộ một phần lớn Lịch sử nước Nga, đặc biệt là thời kỳ Liên Xô và Thế chiến Hai. Đây là một thời kỳ có vị trí trung tâm trong chủ thuyết về một lịch sử chính thống của nước Nga mà chính quyền Putin muốn tạo lập (2).
Từ tô hồng chế độ Stalin đến khẳng định sứ mạng giải cứu châu Âu
Quan điểm về một lịch sử chính thống của nước Nga như trên xuyên suốt bài diễn văn tuyên chiến với Ukraina của tổng thống Nga, được phát đi rạng sáng ngày 24/02/2022. Sử gia Alexis Berelowitch ghi nhận trong bài diễn văn này toát lên hình ảnh về một nước Nga, một lần nữa đảm nhiệm sứ mạng “giải cứu châu Âu”, như điều mà Liên Xô đã làm trước đây, khi chống lại chế độ phát xít Đức, trước hết với việc tiêu diệt “các thế lực quốc xã” đang nắm quyền tại Ukraina (theo lời lẽ của ông Putin).
Khôi phục hình tượng nhà độc tài Stalin – người chịu trách nhiệm về cái chết của hàng triệu người thậm chí hàng chục triệu người vô tội tại Nga - là một trong những sứ mạng chính của bộ Văn Hoá dưới thời Vladimir Medinski nắm quyền. Stalin được khẳng định như một lãnh đạo vĩ đại của nước Nga từ ông hoàng Riourik, người sáng lập nên đại công quốc Kiev (cuối thế kỷ 9), cho đến tổng thống Putin. Tượng Stalin được phục dựng tại nhiều thành phố Nga những năm gần đây. Chính quyền Nga hiện nay không khẳng định theo tư tưởng Stalin, nhưng việc khôi phục hào quang của Stalin - người đứng đầu Liên Xô trong cuộc chiến tranh chống phát xít - góp phần khẳng định trước hết “tầm vóc vĩ đại của nước Nga”, khẳng định bảng tổng kết “về cơ bản là tích cực” của lịch sử Nga thế kỷ XX.
Một châu Âu đang suy tàn cần đến bàn tay cứu vớt của nước Nga cũng là điều mà Vladimir Medinski, trong thời kỳ lãnh đạo bộ Văn Hoá, đã nỗ lực để phổ biến trong giới tinh hoa Nga. Giới tinh hoa Nga cần nỗ lực trở thành “người gác đền của văn hoá châu Âu, bảo vệ các giá trị Thiên Chúa giáo, nền văn minh thực sự của châu Âu” (báo Kommersant), chống lại những mặt suy đồi của văn hoá châu Âu, cụ thể như với việc thanh lọc các tác phẩm của Shakespeare khỏi dấu vết của ấu dâm, hay loại trừ sắc thái đồng tính trong tác phẩm “Hoàng tử nhỏ” của Saint-Exupéry (3)…
Trưởng đoàn đàm phán Nga: người chủ trương xoá sổ lịch sử Ukraina, nền độc lập Ukraina
Mục tiêu phục dựng lại tầm vóc lịch sử vĩ đại của nước Nga vấp phải một trở lực lớn là Ukraina, quốc gia vốn thuộc Liên Xô, nay càng trở nên gần gũi hơn với phương Tây. Việc Nga thôn tính bán đảo Crimée và ủng hộ phe ly khai vùng Donbass năm 2014, càng khiến Ukraina hướng về phương Tây. Nếu như trong một thời gian đầu sau khi Liên Xô giải thể, nước Nga đứng giữa hai ngả đường, một ngả tiếp tục di sản thời cộng sản, ngả thứ hai là đi theo nền kinh tế tự do phương Tây, rút cuộc xu thế dân tộc chủ nghĩa đã chiến thắng.
Bước ngoặt 2014 khiến xu thế - vốn đã có mầm mống trong đảng Cộng Sản Nga - được đảng Nước Nga Thống Nhất của ông Putin thúc đẩy mạnh. Để khẳng định một nước Đại Nga mới, nước Ukraina láng giềng, cùng chia sẻ một cội rễ lịch sử chung với nước Nga, không thể có quyền độc lập. “Phi phát xít hoá”, “phi quân sự hoá” Nhà nước Ukraina, hay nói cách khác, biến Ukraina thành một quốc gia phụ thuộc vào Nga là một chủ trương mà chính quyền Putin đang nỗ lực tiến hành, với cách mô tả về một lịch sử chính thống mới, đã được bộ trưởng Văn Hoá Vladimir Medinski dày công xác lập. Đây chính là điều mà tổng thống Ukraina cảnh báo: tham vọng của chính quyền Putin là : xoá bỏ lịch sử Ukraina, xoá bỏ quốc gia Ukraina, xoá bỏ tất cả những gì thuộc về Ukraina. Một nước Ukraina mà nhiều người gọi một cách khinh thị là “Tiểu Nga”.
Khi cử làm lãnh đạo đoàn đàm phán nhà tuyên truyền số một của điện Kremlin, trợ thủ hàng đầu của ông Putin trong việc xác lập một ý thức hệ Đại Nga, một người Nga gốc Ukraina, thông điệp của chính quyền Nga có lẽ là hết sức rõ ràng : Điều kiện không thể bác bỏ cho mọi đàm phán chấm dứt chiến tranh là sự đầu hàng của chính quyền Ukraina, của dân tộc Ukraina.
Ghi chú
(*) Bài "Guerre en Ukraine : qui est Vladimir Medinski, ce "négociateur" qui veut réécrire l'histoire de la Grande Russie au côté de Vladimir Poutine ?", France Info, ngày 05/03/2022.
1/ Vladimir Medinski, sinh năm 1970 tại Smila, miền trung Ukraina, được đào tạo tại Học viện Quan hệ Quốc tế nổi tiếng ở Matxcơva. Đầu những năm 1990, làm việc tại sứ quán Nga tại Mỹ, trước khi chuyển sang truyền thông, quan hệ công chúng. Trong thời gian là dân biểu tại Hạ Viện Nga (2007 – 2011), Medinski tham gia uỷ ban “chống bóp méo lịch sử” của Nhà nước.
2/ Giám đốc Cơ quan Lưu trữ Nhà nước Nga, Sergei Mironenko, phải từ chức năm 2016, sau khi tuyên bố phim “28 người đàn ông của Panfilov”, nói về chiến tích của Hồng quân trong trận chiến Matxcơva 1941, dựa trên “huyền thoại”.
3/ Phim Léviathan, của đạo diễn Andreï Zviaguintsev, đoạt giải Oscar năm 2015, để ra mắt tại Nga, đã buộc phải cắt bỏ những đoạn bị coi là "tục tĩu".
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220306-nguoi-giup-putin-...