Manh Kim|
Không chỉ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trở thành “đồng phạm” Trung Quốc (cách nói của Hinnerk Feldwisch-Drentrup trên Foreign Policy 2-4-2020), một số tổ chức quốc tế khác thuộc Liên Hiệp Quốc (UN) cũng đang trở thành “sân sau” của Bắc Kinh. Và không riêng Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus mới trở thành “con tin”, ngay cả Tổng thư ký UN António Guterres dường như cũng bị Bắc Kinh “kề dao vào cổ”.
Bốn trong 15 cơ quan đặc biệt thuộc UN đang nằm dưới sự điều hành của người Trung Quốc: Tổ chức Nông Lương (FAO), Liên đoàn viễn thông quốc tế (ITU), Tổ chức phát triển công nghiệp LHQ (UNIDP) và Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Với đóng góp 12% ngân sách cho UN (so với 8,5% của Nhật), nhiều thứ hai thế giới, Bắc Kinh đang dùng ảnh hưởng tăng dần để thực hiện các mưu đồ địa chính trị dưới danh nghĩa những mục tiêu phát triển bền vững. Từ năm 2007 đến nay, vị trí phó tổng thư ký Cơ quan các vấn đề xã hội và kinh tế LHQ (DESA) luôn thuộc về người Trung Quốc, giúp Bắc Kinh lèo lái được các chương trình phát triển dưới lá cờ UN nhưng thực chất phục vụ lợi ích quốc gia họ, chẳng hạn chương trình Sáng kiến Vành đai-Con đường (BRI).
Thậm chí Tổng thư ký UN António Guterres, tại Diễn đàn Vành đai-Con đường tổ chức năm 2017, cũng nói rằng hệ thống UN luôn sẵn sàng cùng Bắc Kinh đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (The Diplomat 9-4-2020). Vấn đề là ai được gì cho những dự án “phát triển bền vững” này. Không khó để có thể thấy: việc xây Đặc khu kinh tế Kyaukphyu (Myanmar) cùng với cảng nước sâu của nó trong khuôn khổ “phát triển bền vững của thế giới” sẽ giúp Trung Quốc dễ dàng thông ra Ấn Độ Dương mà không cần đi ngang eo biển Malacca. Việc dỡ hàng tại cảng nước sâu này, đặc biệt dầu thô từ Trung Đông, và đưa đến Côn Minh bằng hỏa xa, giúp Trung Quốc bảo đảm yếu tố an ninh năng lượng trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Một trong những hệ quả đặc biệt tai hại từ sự thao túng của Bắc Kinh là vấn đề nhân quyền thế giới không còn là nghị sự quan trọng. Trung Quốc đã gây sức ép để hạn chế sự tham dự các tổ chức nhân quyền tại những sự kiện lớn của UN. Dolkun Isa, chủ tịch Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, đã bị cản trở dự Diễn đàn thường trực UN về các vấn đề cộng đồng người bản địa. Cách đây hai năm (dẫn từ Foreign Policy 26-3-2018), Tổng thư ký UN António Guterres đã lẳng lặng xóa sổ một văn phòng đặc trách nhân quyền, vài tháng sau khi Trung Quốc (cùng Nga cũng như một số nước vốn không thiện cảm với các sứ mạng nhân quyền LHQ) tung ra chiến dịch vận động ủy ban ngân sách UN ngưng cung cấp tài chính cho văn phòng trên (thành lập năm 2014). Cần nhắc lại, trong thời gian Meng Hongwei (Mạnh Hoành Vĩ) ngồi ghế chủ tịch tổ chức Cảnh sát Quốc tế-Interpol (2016-2018), Bắc Kinh đã sử dụng hệ thống “cảnh báo đỏ” của Interpol để truy lùng những “kẻ thù chính trị” của Trung Quốc trốn ở nước ngoài (tháng 1-2020, họ Mạnh bị chính quyền Trung Quốc xử 13 năm-6 tháng tù tội nhận hối lộ)…
Mua chuộc là thủ đoạn quen thuộc trong chiến lược thao túng các tổ chức quốc tế của Trung Quốc. Tháng 2-2019, bốn tháng trước cuộc bầu cử tổng giám đốc Tổ chức Nông Lương (FAO), viên chức ngoại giao cấp cao Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) bay sang Cameroon và tuyên bố Bắc Kinh sẽ xóa khoản nợ 78,4 triệu USD. Ngay tháng sau, ứng cử viên ghế tổng giám đốc FAO, Medi Moungui, người Cameroon, được hậu thuẫn mạnh của Liên đoàn châu Phi, đột ngột rút khỏi cuộc đua. Trung Quốc còn dọa ngưng xuất cảng đến một số nước Nam Mỹ, trong đó có Argentina, Brazil, và Uruguay; nếu họ không ủng hộ ứng cử viên Trung Quốc. Trước cuộc bỏ phiếu, khi nghe tin đồn Trung Quốc yêu cầu quốc gia nào ủng hộ “gà” của Bắc Kinh phải chụp hình lá phiếu để chứng minh rằng họ có bầu cho Trung Quốc, phái đoàn ngoại giao Mỹ và châu Âu đề nghị cấm dùng điện thoại di động và khu vực bỏ phiếu phải có sự giám sát của lực lượng an ninh UN.
Tuy nhiên, với hậu thuẫn Iran cũng như một số nước khác, Trung Quốc phản đối đề nghị trên. Cuối cùng, một thỏa hiệp được đưa ra: điện thoại di động bị “cấm” nhưng… chẳng có ràng buộc nào để thực hiện việc này! Cuối cùng, kết quả, Quật Đông Ngọc (Qu Dongyu) trở thành người Trung Quốc đầu tiên ngồi vị trí lãnh đạo FAO. Tại sao FAO quan trọng đối với Trung Quốc? Kiểm soát được kho lương chẳng khác gì nắm được bao tử kẻ khác. Câu hỏi rằng FAO – dưới lá cờ Trung Quốc, sẽ giúp thế giới xóa đói nghèo hay nuôi những tham vọng chính trị Bắc Kinh – không lâu sau đã có câu trả lời, khi FAO không ngần ngại ủng hộ các chương trình “xóa đói giảm nghèo” tại những quốc gia “đàn em” Trung Quốc.
Một trong những cơ quan mà vài năm gần đây Trung Quốc vận động để giành ghế tổng giám đốc là UNESCO (Tổ chức văn hóa-khoa học-giáo dục LHQ). Năm 2011, sau khi Mỹ cắt 80 triệu USD, khoảng 22% ngân sách UNESCO, Trung Quốc đã nhanh chóng nhảy vào, trong đó có 8 triệu USD cho các chương trình đào tạo giáo viên ở tám nước châu Phi; các công ty Trung Quốc cũng góp hơn 15 triệu USD cho UNESCO; chưa kể 5 triệu USD cho việc tái bản tạp chí The Courier. Từ khi được hỗ trợ tài chính từ Trung Quốc, UNESCO bắt đầu có những chương trình tôn vinh văn hóa Trung Hoa; trong khi chuyên san The Courier trở thành nơi Trung Quốc quảng bá quyền lực mềm. Trợ lý cho bà Tổng giám đốc Audrey Azoulay (người Pháp) hiện là một người Trung Quốc: ông Đường Kiền (Qian Tang).
Nhiều năm hoặc nhiều thập niên nữa, khi tìm hiểu về trận đại dịch 2020, những thế hệ sau sẽ biết gì và hiểu gì khi mà Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch tuyên truyền vu vạ “gắp lửa bỏ tay người” để “phi tang chứng cứ Vũ Hán”, khi mà một tổ chức y tế thế giới như WHO đang gián tiếp giúp Trung Quốc viết lại lịch sử bằng cách bóp méo sự thật?... Những tổ chức quốc tế được mặc định là nơi gìn giữ và duy trì những giá trị nhân loại bây giờ trở nên ít quan tâm hơn về nhân quyền và ít minh bạch hơn về hoạt động. Họ ngày càng giống như những kẻ tòng phạm.
Khi “cài cắm” người vào hàng lang quyền lực quốc tế, Trung Quốc cũng đồng thời đưa “đặc tính Trung Quốc” vào nguyên tắc làm việc của các tổ chức này, dẫn đến hậu quả là những luật lệ và thiết chế tạo nên nền tảng thế giới dân chủ ngày càng bị lung lay. Không chỉ suy yếu, nó thậm chí được thay thế bằng lối hành xử không khác mấy so với cách thức cai trị mà Trung Quốc áp đặt lên đất nước họ. Để Trung Quốc tiếp tục thao túng các tổ chức thế giới chẳng khác gì “nuôi” một hiểm họa đối với tương lai toàn cầu. Điều đó chỉ có thể chặn lại khi thế giới nói chung và các cường quốc nói riêng không lùi vào hậu trường và nhường khoảng trống sân khấu cho Trung Quốc.
Chưa bao giờ mà “vấn đề Trung Quốc” đáng được chú ý bằng lúc này, đặc biệt đối với chính giới Mỹ. Ngày 19-9-2019, thượng nghị sĩ Mỹ Todd Young (Cộng hòa) đã đưa ra dự luật với nội dung yêu cầu giám đốc tình báo quốc gia Hoa Kỳ phải báo cáo Quốc hội về mục đích, tầm mức và cách thức mà Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng lên các tổ chức quốc tế. Dự luật Todd Young được ủng hộ của thượng nghị sĩ Jeff Merkley (Dân chủ). Chưa bao giờ mà thế giới cần tái cấu trúc những thể chế cũ kỹ để lấy lại chỗ đứng cho những giá trị xứng đáng hơn đang bị mai một. Chưa bao giờ, bằng lúc này, mà thế giới cần cân đo lại những lợi ích quốc gia với những giá trị công bằng và nhân bản cho nhân loại thế hệ ngày sau.