Thử tìm hiểu những mắt xích bị đứt trong trận Trường Sa 14/3/1988

Trận Trường Sa ngày 14/3/1988 đã xẩy ra cách đây một phần tư thế kỷ, nhưng cho đến nay, để tìm hiểu thêm về trận đánh này người ta vẫn thấy có những khoảng trống khó hiểu. Quân sự của CSVN có ghi chép một số sự kiện về biến cố này, tuy nhiên với thói quen cố hữu cạo sửa, uốn nắn lịch sử cho mục tiêu tuyên truyền và nắm quyền của đảng, những ghi chép này có thể không hoàn toàn trung thực theo như nghĩa “sử” của nó. Còn đảng CSVN vẫn khoe rằng họ lãnh đạo đất nước đi “từ chiến thắng này sang chiến thắng khác” nhưng hai biến cố lớn và quan trọng là Trường Sa 1988 và trận biên giới phía bắc trước đó lại không được khoe ra và hoàn toàn không được một sử sách nào của họ đề cập đến.

Có lẽ hình ảnh rõ rệt và duy nhất về trận đánh Trường Sa là video tuyên truyền của Trung Cộng được tung trên mạng internet từ năm 2008. Qua đó, người ta thấy những người lính Việt Nam đang lom khom dưới biển, nước ngập tới lưng. Sau mấy tiếng “tả, tả, tả!....” (đánh, tấn công), các súng lớn súng nhỏ trên tàu chiến Trung Cộng thi nhau xả đạn vào những người lính và ba con tàu của Việt Nam. Tường thuật của 9 chiến sĩ VN sống sót trở về đi vào chi tiết và cận cảnh hơn, làm nổi rõ thêm sự tàn bạo của lính Trung Cộng được ghi lại trong video kể trên.

Trên một số diễn đàn Anh ngữ thảo luận về biến cố Trường Sa, người ta đã không khỏi ngạc nhiên về những gì họ thấy được trong video của Trung Cộng. Không ít người gọi đây là “cuộc tàn sát” chứ không thể nào coi là một trận hải chiến theo đúng nghĩa của nó. Từ đó câu hỏi được đặt ra là: “Tại sao phía VN (lãnh đạo VN) lại để những người lính của mình phải chiến đấu trong hoàn cảnh như vậy? Và ai phải chịu trách nhiệm về việc này?”
Đây cũng là câu hỏi được nhiều người VN đặt ra, nhất là vào thời điểm cận kề ngày giỗ của các tử sĩ Trường Sa.

Trước khi thử đi tìm câu trả lời cho câu hỏi vừa kể, thiết tưởng cũng nên biết qua một vài đặc điểm liên quan đến các trận đánh trên biển.

1/ Trên mặt biển mênh mông, ngoại trừ trường hợp thời tiết xấu cản trở tầm nhìn, tầm quan sát trên mặt biển rất xa. Độ xa này tuỳ thuộc theo độ cao của đài chỉ huy chiến hạm. Trong trường hợp thời tiết tốt, tầm quan sát chỉ bị giới hạn bởi độ cong của quả đất (tức là có thể thấy tàu bè khác ở tận chân trời). Ngay cả trường hợp thời tiết xấu hay trong đêm tối thì qua phương tiện radar và bảng “vận chuyển chiến thuật” có sẵn trên các chiến hạm (ra đời sau thế chứ hai), người ta dễ dàng tính toán được chính xác hướng đi và vận tốc tàu địch. Vì vậy, các trận đánh trên mặt biển (không có tàu ngầm tham chiến) thường thì cả hai bên đều thấy và theo dõi nhau từ rất xa, và vì vậy có nhiều thời gian thay đổi vận chuyển (hướng, vận tốc,v.v....), đội hình và chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho việc nổ súng khi tàu địch trong tầm tác xạ.

2/ Các khẩu hải pháo của chiến hạm phần lớn là súng phòng không, sơ tốc lớn (sơ tốc: Vận tốc đầu đạn khi ra khỏi nòng súng) nên có sức công phá mạnh và đạn đạo tương đối thẳng (dễ trúng đích), có nhịp bắn nhanh và tương đối chính xác trong tầm sát hại. Các loại pháo 37 ly, 40 ly được đề cập đến trong trận Trường Sa thuộc loại này. Vì vậy, súng cá nhân với tầm bắn trên 1 cây số và tầm sát thương 200m trở lại không đóng vai trò quan trọng trong một trận chiến trên biển.

3/ Các ổ hải pháo trên chiến hạm không xoay tròn 360 độ được, mà bị giới hạn ở một góc độ nào đó để không hướng và bắn vào đài chỉ huy của chiến hạm mình khi lâm chiến. Do đó, khi tàu neo (hoặc đậu) tùy theo hướng gió và giòng nước, con tàu gần như nằm ở một hướng độ nhất định nào đó. Vì không xoay tròn 360 độ được, khi tàu neo, một vài ụ súng có thể không hướng về phía chiến hạm địch được.

4/ Do đặc tính về không gian và tầm hoạt động rộng lớn và chiến trường trên biển cũng thường ở rất xa căn cứ, đòi hỏi thời gian di chuyển; vì vậy các chiến hạm thường thực hiện những công tác dài ngày theo kế hoạch đã định trước với loại chiến hạm và các khí tài phù hợp cho nhiệm vụ.

5/ Ngoại trừ đang ở trong cuộc chiến với nước thù địch, mọi quyết định lâm trận với một lực lượng ngoại quốc thường đến từ giới chức cao nhất của quốc gia với một số mục tiêu cụ thể. Thí dụ như tổng thống Mỹ quyết định mở các trận chiến ở Trung Đông, thủ tướng Anh với trận Falkland (1982); hoặc Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu với thủ bút ra lệnh hai điểm cho trận chiến Hoàng Sa a/ Kìm chế và đuổi tàu Trung Cộng ra khỏi lãnh hải Việt Nam, b/ Trong tường hợp bất khả kháng thì toàn quyền hành động để bảo vệ chủ quyền đất nước.

Với các điểm khá phổ quát liên quan đến trận chiến trên biển vừa liệt kê ở trên, kiểm điểm lại những gì đã diễn ra ở trận Trường Sa thì dường như tất cả đều có sự bất thường nào đó.

’Trung Quốc là bạn hay thù. Chúng đánh ta, ta có đánh trả không?’ Cấp trên vẫn im lặng hoặc trả lời không rõ ràng.

Trong một bài viết mới đây trên trạng mạng Việt Study (1), tác giả Lê Ngọc Thống đã rất chính xác khi đặt vấn đề: “Trước một kẻ thù to lớn, hung hăng, hiếu chiến, điều quyết định đầu tiên là Hải quân Việt Nam có dám đánh lại chúng hay không? Vì chỉ khi dám đánh mới nghĩ ra cách đánh để thắng.”

Ở trận Trường Sa 1988 tiền đề này gần như không ai đặt ra. Mắt xích lãnh đạo chỉ huy bị đứt ở cấp cao nhất. Trong hồi ức về trận chiến này, dưới bút danh Phạm Trung Trực, một sĩ quan hải quân trong chiến dịch CQ 88 bảo vệ Trường Sa lúc đó đã thuật lại rằng:

“Cuối tháng 2-1988 Hải quân Trung Quốc tăng thêm 4 tàu hộ vệ tên lửa, hộ vệ pháo xuống hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Tình hình trở nên hết sức căng thẳng. Bộ Tư Lệnh hải quân liên tục báo cáo lên trên xin ý kiến chỉ đạo. Một trong những nội dung đề nghị cấp trên giải đáp ngay: Trung Quốc là bạn hay thù. Chúng đánh ta, ta có đánh trả không?

Cấp trên vẫn im lặng hoặc trả lời không rõ ràng.”

Với thái độ vô trách niệm này của hàng lãnh đạo (tức Bộ Chính Trị), các cấp kế tiếp chẳng ai thấy cần thiết phải làm gì thêm, chưa nói đến việc “phải nghĩ ra cách đánh để thắng”. Lãnh đạo như vậy là đã tệ rồi, nhưng thực tế thì còn tệ hơn nhiều. Trên trang mạng AnhBaSam gần đây có đăng vài giòng tin ngắn về lệnh của cấp bộ chỉ huy kế tiếp (tức bộ quốc phòng) trong trận Trường Sa như sau:

Bộ trưởng Quốc Phòng lúc đó là Lê Đức Anh đã ra lệnh cho các chiến sĩ của ta không được nổ súng bắn vào quân TQ tấn công chiếm đảo vì sợ ’bị khiêu khích’. Chỉ một nhóm chiến sỹ đã cưỡng lệnh này và bắn vào kẻ xâm lược.”

Với mệnh lệnh rất rõ ràng và cụ thể như vậy, có lẽ bộ tư lệnh hải quân bị ở vào thế mắc kẹt. Vì vậy, tuy có quyết tâm cao như thành lập bộ chỉ huy tiền phương để giải quyết mọi tình huống, chuyển các phương án chiến đấu phù hợp với tình hình từ “sẵn sàng chiến đấu” vào cuối tháng 10/1987 sang sẵn sàng “chiến đấu cao” vào đầu tháng 3/1988, đưa người và phương tiện ra đảo xây dựng công sự, nhận định xác đáng về vị trí chiến lược của đảo Gạc Ma, v.v... nhưng lại hoàn toàn không có một lực lượng nào để ngăn chặn sự lấn chiếm trong khi Trung Cộng này càng gia tăng cường độ gây hấn; cũng như để yểm trợ và bảo vệ cho các chiến sĩ của mình đang làm nhiệm vụ xác lập chủ quyền đất nước. Cuối cùng, để đối đầu với lực lượng thật hùng hậu của địch, phía hải quân VN chỉ đưa đến chiến trường 3 tàu vận tải với lệnh: ngăn chặn sự lấn chiếm của Trung Quốc bằng cách nhanh chóng xây dựng các cơ sở vật chất trên một số đảo. Điều này cho thấy mệnh lệnh ở trên đã giới hạn quan niệm hành quân của hải quân rất nhiều, dù rằng các cấp chỉ huy hải quân chắc chắn đều biết rõ những đặc điểm chiến đấu trên biển như đã nêu ở trên để có thể thực hiện một phương án tối ưu nào đó, vừa bảo vệ được tối đa các hòn đảo, vừa hạn chế thiệt hại đến mức tối thiểu.

Cũng có thể là do nhân sự và phương tiện chiến đấu hạn chế, nhưng nhiều phần đây có lẽ là cách để các chiến sĩ của ta không có cách nào bắn vào quân Trung cộng tấn công chiếm đảo, để không trái lệnh của bộ trưởng quốc phòng. Bắn vào quân Trung Quốc là điều rất dễ xẩy ra nếu hải quân có một lực lượng chiến đấu đúng nghĩa ở trên mặt biển, vì dù ở thế yếu hơn các chiến sĩ hải quân chắc chắn không cam chịu nhục nhã trước sự gây hấn và lấn chiếm của quân xâm lược.

Cũng vì những mệnh lệnh như trên mà các chiến sĩ ở chiến trường đã hoàn toàn bị bất ngờ khi bị địch bắn xối xả vào lúc tàu đang neo đậu và một phần binh sĩ đang ở dưới biển. Cần nêu ra một vài chi tiết ở đây để có thể thể nhận thấy rằng các chiến sĩ hải quân có khả năng rất cao trong tình thế nguy nan lúc đó. Với quân số tổng cộng tại chỗ của cả HQ 604, 605, và 505 là khoảng hơn 80 người; nhân số này thực ra chưa đủ, hoặc chỉ tròm trèm với cấp số nhân sự cho một dương vận hạm như HQ 505 hoạt động bình thường. Khi súng nổ một số lớn binh sĩ đang ở dưới nước, nhân số còn lại trên tàu hẳn là rất ít ỏi; thế nhưng trong tình huống đó họ đã thực hiện cùng một lúc 3 nhiệm sở trong vòng 28 phút của trận chiến: Nhiệm sở neo (nhổ neo), nhiệm sở tác chiến (chống trả sự tấn công của Trung Quốc), nhiệm sở vận chuyển và ủi bãi. Chính báo cáo của Trung Quốc cho biết họ có 6 người bị tử thương, 21 bị thương, nên có thể tin rằng những thiệt hại này do HQ 505 gây ra cho địch, vì tại chiến trường lúc đó chỉ có chiến hạm này có loại pháo 40 ly và 20 ly, là loại súng có nhịp bắn nhanh, chính xác và tầm sát hại lớn.

Với những phân tích vừa kể, không còn nghi ngờ gì nữa, chính thái độ vô trách nhiệm của cấp lãnh đạo cao nhất, rồi sau đó mệnh lệnh không được bắn vào quân xâm lược là nguyên nhân dẫn đến việc không có một phương án hành quân để bảo vệ các chiến sĩ VN và chống trả lại địch hữu hiệu. Đồng thời cũng đặt các chiến sĩ tại mặt trận vào một tình thế hoàn toàn bất ngờ trước sự hiếu chiến và tàn bạo của kẻ thù. Với những mệnh lệnh không rõ ràng đó của cấp trên, có thể khiến các chiến sĩ tại mặt trận cho rằng tuy xẩy ra sự giành giật các hòn đảo qua lại, nhưng sẽ không có nổ súng (vì mình không được phép bắn vào địch). Như vậy, đã rất rõ ràng ai là người chôn vùi các chiến sĩ Trường Sa.

Thái độ này của giới lãnh đạo CSVN càng thể hiện rõ sau này qua việc bỏ trống sự kiện Trường Sa trong sử sách, cấm các phương tiện truyền thông nhắc nhở, cấm các buổi tổ chức tưởng niệm, thậm chí chữ “anh hùng” trên bia một anh hùng Trần Văn Phương cũng bị đục bỏ. Năm ngoái blogger Mai Thanh Hải đã nghẹn ngào vì khóc cho các chiến sĩ Trường Sa mà cũng bị cấm, còn giáo sư Hà Văn Thịnh thì uất nghẹn:

“Tháng ba
Sao tôi chẳng được quyền kể về các anh?
Lỡ gọi tên có thể là tù tội
Anh dũng hiên ngang bị vùi trong bóng tối
Việt Nam ơi, nhức mỏi đến bao giờ?’
(Trích bài thơ ’Tháng 3, ngày 14, Việt Nam ơi’ )
- - -
(1) Lê Ngọc Thống http://www.viet-studies.info/kinhte/LeNgocThong_DamDanhBietDanh.htm