Sóng thần Covid
Như những cơn sóng thần, làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ hai đổ ập xuống Ấn Độ gây ra một thảm họa dịch tễ nghiêm trọng. Hơn 200 ngàn người chết, riêng trong ngày Chủ Nhật 02/5 đã có hơn 3.400 người thiệt mạng. Đất nước với gần 1,4 tỷ dân, mỗi ngày ghi nhận có hơn 300 ngàn ca nhiễm mới, và đỉnh kỷ lục hơn 400 ngàn cũng vừa vượt qua. Làn sóng dịch bệnh đang lan rộng khắp cả nước và dần tiến sang các vùng nông thôn.
Ấn Độ hỗn loạn như đang trong thời chiến. Không còn tiếng còi xe ô tô inh ỏi giành đường, thay vào đó là tiếng còi hụ xe cứu thương suốt ngày đêm. Bệnh viện và người dân chạy đôn chạy đáo tìm bình dưỡng khí ô-xy, thuốc men… Ngoài phố là những dàn hỏa thiêu lộ thiên sắp thành từng chuỗi, bốc lửa ngày đêm, khói đen nghịt trời do lò thiêu bị quá tải. Đó là những thứ âm thanh, hình ảnh thường nhật tại Ấn Độ lúc này.
Thông tín viên Le Monde còn ghi nhận một chi tiết đáng chú ý: Các tờ báo tại Ấn Độ ngày càng mỏng dần. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, khoảng 150 nhà báo đã chết vì Covid-19.
Lỗi ở Modi ?
Vì đâu nên nỗi ? Trên các trang mạng xã hội, người dân không kiệm lời chỉ trích « sự bất tài tội ác » từ một chính phủ « không phương hướng ». Người dân còn kêu gọi « không có ô-xy, thì không có phiếu bầu » hay « Modi từ chức ».
Ông Palaniappan Chidambaram, cựu bộ trưởng Nội Vụ, nghị sĩ Công Đảng, đối thủ chính trị của đảng BJP cầm quyền hiện nay, liệt kê 4 nguyên nhân chính: Thói kiêu ngạo, tập trung quyền lực thái quá, cố vấn tồi và kế hoạch kém.
Le Monde nhắc lại, vì quá tự tin sau đợt dịch đầu tiên, Narendra Modi đã có những tuyên bố ngạo nghễ như Ấn Độ có đủ khả năng « sản xuất và cung cấp vac-xin cho nhân loại » (Đại Hội Đồng LHQ ngày 26/9/2020).
Tệ hơn nữa tại diễn đàn Davos (tháng Giêng năm 2021) ông còn hùng hồn phát biểu : « Khi đại dịch mới bùng phát, thế giới lo lắng cho Ấn Độ đến mức họ lo ngại một cơn sóng thần lây nhiễm sẽ đổ ập xuống đất nước. Một số chuyên gia còn dự báo là khoảng 700-800 triệu người Ấn Độ sẽ bị nhiễm bệnh và hơn hai triệu người chết vì Covid. Nhưng Ấn Độ không để cho điều đó xảy ra và đã cứu sống cả nhân loại khỏi một thảm họa to lớn. Ngày nay, Ấn Độ gởi vac-xin đến nhiều nước và góp phần phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết cho sự thành công một chiến dịch tiêm ngừa, cứu mạng sống công dân nhiều nước khác ».
Tham vọng mù quáng
Nhưng theo một số nhà phân tích, được Le Monde trích dẫn, một trong những nguyên nhân chính của thảm họa dịch tễ này là do chính những tham vọng cá nhân của thủ tướng Nadrenra Modi. Ham muốn đi vào lịch sử, có thể sánh vai cùng các bậc hiền triết, những gương mặt chính trị tiêu biểu của đất nước đã làm cho ông mù quáng, bỏ qua những lời khuyên can từ giới khoa học.
Từ nhiều tháng nay, ông nỗ lực xây dựng cho mình hình bóng của một bậc hiền triết, với bộ râu dài bạc phơ khiến nhiều nhà quan sát liên tưởng đến hình ảnh nhà thơ Rabindranath Tagore nổi tiếng. Lời lẽ phát biểu của ông vượt ngoài khuôn khổ chính trị, mang đậm hơi hướm giáo điều – tôn giáo.
Chỉ có điều, hình ảnh của nhà hiền triết, cũng như là một người đầy quyền lực đã không giúp thủ tướng Modi kháng cự được với làn sóng dịch thứ hai, đang tàn phá đất nước từ tháng Ba đến nay, nhấn chìm Ấn Độ trong một tấn bi kịch không hồi kết. Sự việc làm lộ rõ những yếu kém to lớn của Ấn Độ, có nguy cơ phá vỡ những tham vọng chính trị và địa chính trị muốn vươn lên thành siêu cường của đất nước, để cạnh tranh với Trung Quốc. Hệ quả nhãn tiền là thất bại ê chề của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử vùng tại bang Tây Bengali.
Mỉa mai thay, Narendra Modi lại đại bại ngay trên chính mảnh đất từng được ví như là « ánh sáng của Ấn Độ », nơi sinh ra những bậc hiền triết, hiền tài của đất nước và nhất là nơi xuất xứ của ông Syama Prasad Mukherjee (1901 – 1953), nhà sáng lập của Bharatiya Jana Sangh, tiền thân của đảng BJP của ông Modi hiện nay./.