Công Lý (Thư 38A)
Xuyên Mộc, 1/3/2015
Các con, cháu thương!
Ăn Tết xong rồi, chúng ta lại trở về với những bài học nha. Lần này chúng ta sẽ nói về đề tài công lý.
Lâu nay có những định nghĩa cho rằng Công lý là pháp luật, làm nhiều người nhầm lẫn Công lý là chốn công đường, là những người cầm cân nẩy mực. Cũng có những người, những chế độ tự nhận mình là đại diện của Công lý để mang lại sự công bằng cho người khác. Những sai lầm như vậy làm cho con người không còn tin vào công lý hoặc tin rằng công lý thuộc về kẻ mạnh, xã hội suy đồi từ những niềm tin như vậy.
Trong thư 24 cậu đã định nghĩa: ”Công lý là lẽ phải, đồng thời cũng là quy luật dẫn tới sự thừa nhận lẽ phải”. Lẽ phải ở đây chính là LẼ PHẢI TUYỆT ĐỐI. LẼ PHẢI CƠ BẢN và LẼ PHẢI THỎA ƯỚC mà chúng ta đã bàn đến nhiều lần. Pháp luật, chốn công đường (tòa án) không phải là công lý. Một cách chính nghĩa, chúng là những công cụ để bảo vệ công lý. Vì vậy trong một xã hội tiến bộ, nếu chúng không hòan thành trách nhiệm này thì sẽ bị thay đổi. Trong những xã hội suy thoái, Lẽ phải không được tôn trọng và bị đánh đồng thành sự phán xét của quyền lực, của đồng tiền. Khi đó thì giả chân lý, phi lý và phi pháp ngự trị, làm suy thoái nhân cách của con người và đạo đức của xã hội. Tức là sự cường quyền lên ngôi và bóp nghẹt chân lý, đạo lý và pháp lý.
Lúc đó người ta thường nói rằng xã hội không còn công lý nữa nên, một cách rất tự nhiên, họ cũng không tin rằng có công lý. Nhưng thực ra công lý luôn tồn tại, nhất là chân lý, tức Lẽ phải tuyệt đối (quy luật và sự thật). Loài người càng tiến bộ thì công lý càng ngự trị trong xã hội. Và ngược lại, công lý càng ngự trị thì xã hội càng tiến bộ. Đây là chu trình hợp quy luật để thúc đẩy sự phát triển xã hội loài người càng văn minh.
— -
2/3/2015
Công lý luôn tồn tại nhưng có ngự trị được hay không là do sự vận động của con người. Ngay trong xã hội đã văn minh, mọi người vẫn phải luôn vận động để bảo vệ công lý và làm cho xã hội tiến càng gần đến điều lý tưởng là “không ai còn phải đi tìm công lý”. Nói công lý ngự trị, có nghĩa là đa số mọi người tin vào công lý và hành động hướng về công lý. Ngược lại thì sự phản công lý sẽ ngự trị.
Vì vậy mà các chế độ cường quyền (độc tài toàn trị…) luôn cố gắng làm cho con người sợ hãi, không dám tin vào công lý mà chỉ còn biết nghe theo sự sai khiến của kẻ cường quyền. Ở những chế độ này, toà án được lập ra để trừng trị những người dân dám tin và bảo vệ công lý.
Nhưng sự đàn áp có tàn bạo đến thế nào đi nữa thì vẫn không thể giết được công lý. Đó là nhờ vào những người dũng cảm chấp nhận thiệt thòi, thậm chí là thiệt mạng để bảo vệ công lý. Lịch sử sẽ mãi mãi ghi danh Bruno, Copecnics, Galileo, Newton,… đã đấu tranh bảo vệ chân lý Nhật tâm bất chấp các tòa án dị giáo luôn sẵn sàng đưa họ lên giàn hỏa.
Nelson Mandela được cả thế giới kính trọng vì độ bền bỉ đấu tranh cho chân lý “Quyền con người là bình đẳng, không phân biệt màu da” bất chấp bản án tù chung thân mà chế độ phân biệt chủng tộc “tặng” cho. 27 năm khắc nghiệt trong tù không thể làm suy suyển niềm tin của ông vào chân lý đó. Khi đã có những con người bền bỉ, có niềm tin sắt đá vào công lý một cách khoa học như thế thì công lý sẽ ngự trị. Tự tin là kẻ thù của sợ hãi, cũng là kẻ thù của những kẻ và chế độ cường quyền. Cho dù chúng có thể làm cho số đông sợ hãi nhưng không bao giờ làm được với tất cả mọi người.
Số ít những người tự tin cho dù phải nằm xuống dưới đao phủ của cường quyền thì niềm tin của họ vẫn được lan truyền còn mạnh mẽ hơn nữa đến những người khác, đến thế hệ sau. Bruno bị thiêu chết trên giàn hỏa nhưng niềm tin nhật tâm của ông vì thế lại càng được biết đến rộng rãi và được phát triển ngày càng vững chắc. Copecnics, Galileo và cuối cùng là Newton – người đã chứng minh một cách khoa học Thuyết Nhật Tâm.
Không còn có thể bác bỏ được nữa, những kẻ “địa tâm” chỉ còn biết cúi đầu trước chân lý khoa học, trước công lý của dư luận – tức sự lên án bằng đạo lý của loài người, mãi bị ô danh trong lịch sử. Mọi quyền lực cao nhất của chủ nghĩa thần quyền cùng với mọi sức mạnh đàn áp tàn bạo nhất của nó đã được dùng để bảo vệ cho giả chân lý địa tâm trong suốt mấy thế kỷ. Nhưng cuối cùng cái thuyết sai trái ấy vẫn sụp đổ nhục nhã. Bảo vệ cho nó chẳng khác gì xịt dầu thơm cho những cái xác chết đang thối rửa dần.
Những câu chuyện thời Stalin ở Liên Xô cậu đã kể cho tụi con cũng tương tự như vậy đó. Sau Hitler thời Thế chiến II, sự tàn bạo của Stalin là không có đối thủ. Bất kỳ ai nói khác với ông ta thì đều có thể bị đàn áp đến chết. Những lới nói của ông ta đều có thể biến thành chân lý, đạo lý và pháp lý tuyệt đối của cả xã hội. Có đến hàng trăm ngàn (có số liệu cho là đến hàng triệu) người đã bị đày ải đến mức phải bỏ mạng vì dám nói khác với ông ta.
Nhưng không vì vậy là LX không còn người dám nói ra và bảo vệ sự thật. Họ đã bằng mọi cách, kể cả trốn ra nước ngoài hoặc ở lại để giữ gìn sự thật, bằng chứng của sự thật để chờ ngày thích hợp. Stalin lúc còn sống tự xây dựng hình ảnh của mình như một vị thánh sống cả về trí tuệ lẫn đạo đức. Khi ông ta chết, hình ảnh ấy được đẩy lên thành một bậc thánh hiền của nhân loại”, đáng được kính trọng hơn cả cha mẹ, ông bà. Nhưng chỉ vài chục năm sau, khi LX sụp đổ, sự thất đã được phơi bày. Những bằng chứng không thể chối cãi đã đưa ông ta trở vể đúng với vị trí của mình – một kẻ đao phủ đáng ô nhục bậc nhất của thế kỷ 20. Giờ đây, không có bất kỳ sự cuồng tín, mê muội nào cứu được hình ảnh của ông ta nữa. Nó chết đầy ô nhục cùng với các chủ thuyết sai trái của ông ta từng được áp đặt là công lý của xã hội. Sự vận động tự do của con người càng mạnh mẽ thì sự ngự trị của các cái phải công lý càng mau kết thúc.
Nhưng tụi con cần lưu ý rằng sự vận động đó phải là sự vận động một cách khoa học hướng đến chân lý. Nếu không nó sẽ chỉ dẫn đến sự thay thế của giả chân lý này bằng giả chân lỳ khác, sự phản công lý này bằng sự phản công lý khác mà thôi. Cậu đã đưa ra nhiều ví dụ về những trường hợp như thế trong các thư 24, 27B. Đó chính là sự thay thế bè phái này bằng bè phái khác mà không hề có sự tôn trọng chân lý khoa học, chỉ là sự thay đổi quan điểm chủ quan khác nhau mà thôi.
Vì vậy mà cậu đã từng viết rằng: “Hướng đến chân lý tức là tin vào Công lý”. Chân lý là Lẽ phải tuyệt đối – là nền tảng của công lý bao gồm cả Lẽ phải cơ bản và Lẽ phải Thỏa ước. Một khi mà sự thật và quy luật – tức chân lý mà không được tôn trọng thì không thể tồn tại đạo lý và pháp lý chính đáng, mà thay vào đó là phi lý và phi pháp. Do đó trong một xã hội suy đồi bị cường quyền áp đặt thì cuộc đấu tranh của những người bảo vệ công lý thường tập trung vào việc làm sáng tỏ sự thật và quy luật một cách khoa học.
Những cuộc đấu tranh thay đổi các đạo lý của Nho giáo gần như vô hiệu trong suốt mấy ngàn năm. ĐCSTQ sau khi nắm quyền đã dùng hết quyền lực nhằm xóa sổ Nho giáo. Việc này diễn ra hơn 30 năm nhưng Nho giáo vẫn tồn tại đến mức mà sau đó chính quyền TQ nhận ra rằng phải lợi dụng nó để cài cắm tư tưởng của mình vào lòng dân. Cuộc đấu tranh của ĐCSTQ không phải nhằm mục đích làm sáng tỏ chân lý mà thực chất cũng chỉ là nhằm áp đặt các chủ thuyết của mình trái với chân lý. Vì vậy mà ĐCSTQ đã phá tất cả những gì khác với mình, trong đó có cả các đạo lý của Nho giáo.
Sự thật và quy luật khách quan không hề được làm sáng tỏ mà còn bị tiếp tục bóp méo, che lấp. Vì thế mà không thể thắng được đạo lý của Nho giáo bất chấp việc pháp lý đã được dùng để đặt Nho giáo ra ngoài vòng pháp luật. Do đó xã hội TQ vẫn thiếu vắng công lý nghiêm trọng.
Còn ở Nhật, cuộc Duy tân Minh trị và những cuộc cách mạng xã hội khác sau đó, không hề nhắm đến mục đích chính là đả phá Nho giáo nhưng cuối cùng thì những đạo lý cổ hủ giáo điều của nó vẫn bị bứng tận gốc. Đó là vì đấy là những cuộc cách mạng suy tưởng hướng đến quy luật: “Quyền con ngườiphải được bảo vệ trên hết” để làm cho con người vận động tự do trong xã hội. Như chúng ta đã phân tích trong đề tài Cơ chế xã hội khoa học, khi xã hội có vận động tự do thì những cái gì không còn phù hợp sẽ tự động bị đào thải nhanh chóng. Đạo lý Nho giáo không thể tránh khỏi sự đào thải này cho dù nó đã ăn sâu vào con người và xã hội Nhật hàng ngàn năm.
— -
3/3/2015
Chân lý còn là sự thật – tức là sự chân xác cả xã hội. Xã hội không thể tốt đẹp nếu được xây dựng dựa trên những niềm tin được tạo nên từ sự dối trá và giả tạo, cũng không thể tốt đẹp nếu có quá nhiều người bị kết tội bởi sự bóp méo sự thật, hoặc quá nhiều người thành công nhờ vào khả năng giả dối. Đó cũng chính là những xã hội thiếu vắng công lý.
Từ ngàn xưa con người đã có ước vọng về sự trung thực, công khai và minh bạch. Nhưng đó vẫn còn là giấc mơ xa vời của đa số dân tộc trên thế giới cho đến tận ngày nay. Sống trung thực là một thử thách nghiệt ngã mà hầu hết đều phải trả giá trong những xã hội mà sự thật chưa ngự trị. Cái giá đó có thể là sự thiệt thòi để giữ lương tâm hoặc bị cắn rứt lương tâm để không bị thiệt thòi. Nhưng điều tệ hại nhất là những kẻ không còn lương tâm lại được khen thưởng trong xã hội như vậy.
Tụi con có nhớ một câu được cho là của Abraham Lincoln viết cho thầy của con mình không: “Hãy dạy cho con tôi luôn dám đứng thẳng người để nói lên và bảo vệ sự thật cho dù mọi người đang chạy theo cỗ xe bè phái”. Lần đầu tiên cậu đọc được câu này lúc đã hơn 30 tuổi và bị tác động rất mạnh. Cậu xấu hổ nhìn lại mình đã từng im lặng trước những hoàn cảnh mà rất đông người đang cùng nhau nói dối, thậm chí đã từng làm ngơ trước những sai trái làm oan uổng những người vô tội.
Tâm lý đám đông khiến người ta cùng hè nhau nói và làm giống nhau những điều đang trở thành xu thế mạnh, chứ không hẳn là họ hành động vì một quyền lợi gì đó cụ thể cho mình. Chỉ có những kẻ láu cá biết lợi dụng tâm lý đó để trục lợi cho mình bất chấp lợi ích của người khác. Cậu hiểu tâm lý ấy nên cũng hiểu rõ sự rủi ro của những người dám chấp nhận rủi ro như tinh thần của Lincoln. Nhưng nếu không có những con người như vậy thì xã hội sẽ mãi chìm ngập trong sự giả dối được biến thành những niềm tin giáo điều, bè phái và được che đậy dưới danh nghĩa lợi ích chung.
Tệ nạn này có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào có con người sinh sống thành xã hội, không phân biệtmàu sắc về chủng tộc hay chế độ, bất chấp thời của chủ nghĩa phong kiến, tư bản hay cộng sản,… Nó chỉ có thể được cải thgiện khi con người có đủ quyền tự do được bảo vệ một cách vững chắc để nói lên và hành động suy nghĩ của chính mình mà không bì quyền lực hoặc sức mạnh của đám đông bức hại. Vì vậy mà “QCN đượic bảo vệ trên hết” cũng chính là cách duy nhấtvà hiệu quả để bảo vệ sự thật – bảo vệ công lý.
Cậu đã đưa ra nhiều ví dụ minh chứng cho khẳng định này trong nhiều thư trước. Tụi con xem lại nha! Đó cũng chính là những nguyên tắc để giữ thái độ cân bằng/khoa học mà cậu muốn tụi con cố gắng tạo cho mình. Nếu ai cũng cho rằng xã hội đang bè phái, chưa có tự do nên tự biện minh cho mình được ủng hộ hoặc im lặng trước sự giả đối và sai trái thì chính mình sẽ nhận lãnh hậu quả của chúng, kể cả những kẻ sẵn sàng bán mình cho quỷ.
Sự chuyển động của thế giới ngày nay đang ngày càng nhanh theo hướng văn minh, không đợi đến sau khi chết thì những sự dối trá mới bị đưa ra ánh sáng. Mà ngay cả chết rồi mà bị báng bổ vẫn là một điều nhục nhã cà con cháu phải gánh chịu. Cậu không ủng hộ cho sự báng bổ cũng như việc làm cho người khác bị sỉ nhục chỉ vì người thân của họ gây ra sai trái. Nhưng bia miệng thế gian thì chẳng ai kiểm soát nổi.
Phải có những người dám chấp nhận rủi ro để bảo vệ sự thật thì sự thật mới dần ngự trị trong xã hội. Nhưng đó cũng phải là những người biết quản trị rủi ro, có thái độ cân bằng và biết dùng khoa học để chứng minh bảo vệ sự thật. Đó còn phải là những người độc lập, không bị quyền lực hoặc sức mạnh của bè phái chi phối, kể cả các bè phái đó là chính đảng. Khó quá phải không ?
Nhưng như cậu đã viết từ đầu: Công lý còn là quy luật dẫn tới sự thừa nhận lẽ phải. Khi hiểu được quy luật này thì những con người đó, dù là số ít nhưng vẫn có thể quy tụ được những nguồn năng lượng từ vũ trụ, từ chân lý, từ những người yêu chuộng sự thật khắp nơi trên thế giới để bảo vệ công lý và đưa công lý lên ngôi. Cậu sẽ viết tiếp về quy luật này trong thư sau nha.
Mấy hôm nay cậu “say mê” ký âm mấy bài hát để gửi về theo đợt thư này, làm quà cho cả nhà vui. Cái này gọi là “ham chơi” phải không? Bye bye tụi con.
Cậu Tám.
Nguồn: Blog Trần Huỳnh Duy Thức