Nguyen Hoang Linh
Bốn ngày trước cuộc tổng tuyển cử Quốc hội Hungary 2022 sẽ diễn ra vào Chủ nhật 3/4, khoảng cách giữa liên minh cầm quyền và phe đối lập được rút ngắn, khiến giới bình luận cho rằng có thể có bất ngờ vào phút cuối. Dịch bệnh diễn ra liên miên trong 2 năm, và cuộc chiến Ukraine bất ngờ bùng nổ là những yếu tố khiến kết quả bầu cứ khó tiên đoán hơn bao giờ hết, cho dù cánh hữu cầm quyền vẫn được coi là có lợi thế.
Lập trường “không giống ai” của nội các Orbán Viktor trong hồ sơ Ukraine sẽ có ảnh hưởng ở mức nào tới lá phiếu người dân, hay là cử tri Hungary vẫn quan tâm hơn tới những vấn đề “cơm áo” như tiết kiệm chi phí điện, ga... do mua được với giá rẻ của Nga, hoặc tin hơn vào những tuyên truyền của giới lãnh đạo dân túy tự xưng là “đứng về lợi ích của dân tộc Hungary”? Đây đều là những câu hỏi mở cho những ngày tới!
1. Hiện tại, cục diện chính trường Hungary ra sao?
Những thăm dò dư luận được tiến hành và công bố mới đây nhất cho thấy liên minh cầm quyền của đương kim Thủ tướng Orbán Viktor hiện vẫn dẫn 2-3% so với tập hợp của 6 chính đảng đối lập mang tên “Đồng lòng vì Hungary”, với ứng viên thủ tướng là ông Márki-Zay Péter, Thị trưởng TP. Hódmezővásárhely. Sự chênh lệch này được xem là tối thiểu từ trước đến nay, và nằm trong giới hạn chính xác của sự thăm dò.
Để đánh giá được điều này, cần nhắc lại rằng phe cầm quyền cánh hữu của Thủ tướng Orbán Viktor đã trải qua 3 nhiệm kỳ liên tục, từ năm 2010, với số ghế áp đảo chiếm tỷ lệ hơn 2/3 trong Quốc hội, khiến họ có thể tự sửa đổi bất cứ điều luật nào - trong đó có Hiến pháp 2012 với gần 10 lần tu chính - theo hướng “bê-tông hóa” quyền lực, hạn chế đáng kể sự hoạt động của phe đối lập và của xã hội dân sự tại Hungary.
Những dịp bầu cử trước, sự áp đảo của cánh hữu mang tính vượt trội, khiến kết quả bỏ phiếu được cho là đã biết trước. Bên cạnh đó, phe đối lập Hung không thống nhất, thường xuyên có những mâu thuẫn nội bộ, và cũng không đưa ra được những gương mặt ứng viên thủ tướng sáng giá, ngõ hầu đối đầu được với ông Orbán Viktor, một chính khách chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm, với bề dày 35 năm trên chính trường.
Ỷ vào thế thượng phong của mình, từ hơn 10 năm nay, Thủ tướng Orbán Viktor không hề trả lời phỏng vấn báo chí độc lập, vì ông đã có trong tay gần một ngàn cơ quan truyền thông thân chính phủ, sẵn sàng đưa tin theo chỉ đạo từ trên xuống, và cả bộ máy truyền thông công ích cũng được vận hành chỉ để phục vụ lợi ích chính quyền - các chính khách đối lập hầu như không bao giờ có dịp xuất hiện trên hệ thống báo chí công.
Liên quan tới các kỳ bầu cử, từ năm 2006 tới nay, ông Orbán Viktor cũng không hề nhận lời tranh luận công khai với các đối thủ, như thông lệ trước đó. Không những thế, từ lâu nay, đội ngũ “dư luận viên” thân chính quyền được đầu tư bởi những nguồn kinh phí mờ ám, đã tiến hành những chiến dịch bôi nhọ các chính khách đối lập và định hướng dư luận bằng các quảng cáo trả tiền nhiều tới mức kỷ lục trên nhiều mạng xã hội.
Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài, và cuộc chiến Ukraine bất ngờ bùng nổ dường như đã khiến khoảng cách giữa phe cầm quyền và đối lập được rút ngắn, và cuộc chạy đua vào Quốc hội trở nên bỏ ngỏ. Cư dân thủ đô và các đô thị lớn hướng về phe đối lập nhiều hơn, trong khi tại nông thôn và giới cao niên, tỷ lệ ủng hộ cánh hữu cầm quyền vẫn đáng kể. Những ngày cuối sẽ là cuộc chạy đua nước rút để dành phiếu bầu.
2. Phe đối lập có khả năng tới đâu trong nỗ lực thay thế liên minh cánh hữu, và họ sẽ làm gì trong những ngày cuối?
Đường lối dân túy của nội các Orbán Viktor, theo hướng “vẽ ra” những kẻ thù rồi xuất hiện trong vai trò những anh hùng bảo vệ lợi ích dân tộc, có vẻ như đã thắng thế trong 12 năm qua, khi một bộ phận không nhỏ cử tri Hungary tin vào điều đó. Liên miên có những “cuộc chiến” - chống lại di dân, chống lại Brussels, chống dịch Covid-19, chống lạm phát... - mà chính quyền Hung công bố hàng ngày, “vì lợi ích của nhân dân”.
Đó là lý do khiến ứng viên của liên minh đối lập Márki-Zay Péter vẫn hy vọng có một cuộc “đấu khẩu” công khai với Thủ tướng Orbán Viktor trong vài ngày cuối, để thuyết phục các cử tri bi quan hoặc chưa biết bỏ phiếu cho ai, rằng đảng cầm quyền FIDESZ (Liên đoàn Thanh niên Dân chủ) thật ra chưa hề chiến thắng ai trong 12 năm qua, và họ cũng không có chương trình gì ngoài những phương pháp “ngu xuẩn và ác độc”.
Điều này xem ra ít có cơ hội, và do ít có khả năng tiếp cận người dân qua các kênh truyền thông chính thức, việc thuyết phục 200-250 ngàn cử tri thụ động đối với phe đối lập để có thể giành thắng lợi là điều không dễ, trong khi FIDESZ với mọi lợi thế trong tay chỉ cần tác động tới 100-150 ngàn cử tri. Tuy nhiên, các thăm dò cho thấy có một tỷ lệ không nhỏ cử tri sẽ bỏ phiếu theo ảnh hưởng của các yếu tố nhất thời, bất định.
Những yếu tố đó, có thể là về mặt đối ngoại, khi mạng Direkt36 vừa tung ra phóng sự điều tra cho thấy giới hecker Nga từ lâu nay đã xâm nhập hệ thống máy tính của Bộ Ngoại giao Hung, đọc được hết những trao đổi thư từ nội bộ và tiếp cận được những bí mật quốc gia Hung. Cần nói thêm là Hungary được xem là quốc gia thân Nga nhất, trong các hồ sơ năng lượng, vaccine và mới đây là cuộc chiến xâm lược Ukraine.
Không những thế, phe đối lập còn cho rằng, với sự tấn công và xâm nhập mạng như vậy, Nga còn tiếp cận được các dữ liệu của Liên Âu và NATO từ nhiều năm nay, và tình báo Nga trong thực tế “tự tiện ra vào” hệ thống tin học của Bộ Ngoại giao Hung. Chỉ riêng sự bất lực này - và khả năng Nga căn thiệp vào bầu cử ở Hung, như ở Hoa Kỳ và nhiều nơi khác- đã đủ lý do để phải thay chính quyền, theo kêu gọi của phe đối lập.
Lựa chọn Nga, Trung Quốc... hay Châu Âu, độc tài hay dân chủ, v.v... cũng là một yếu tố được liên minh đối lập nhấn mạnh khi tranh cử, cho dù tới nay kết quả đạt được chưa quá thuyết phục trước bộ máy tuyên truyền của chính quyền. Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine đã làm thay đổi tất cả, chưa rõ theo hướng nào, nhưng cũng khiến cuộc đua vào Quốc hội trở nên cân sức và mang tính “mở” hơn, đặc biệt trong vài ngày cuối.
3. Vậy quan điểm “dị biệt” về vấn đề Ukraine của nội các Hungary có ảnh hưởng ra sao tới những diễn biến của quá trình tranh cử?
Chủ trương chỉ hỗ trợ nhân đạo chứ không tiến hành bất cứ hoạt động quân sự nào từ đất Hungary qua Ukraine, và không tẩy chay Nga về mặt năng lượng với lý do phải đặt lợi ích dân Hung, nước Hung lên trên hết, Budapest cho rằng chiến tranh là vấn đề riêng giữa Nga và Ukraine, mà Hungary phải tránh bằng mọi giá, vì không có sự liên quan, không đủ khả năng và tiềm lực để làm bất cứ điều gì, mặc cho ai muốn nói gì thì nói.
Vận dụng quan điểm ấy vào tranh cử, phe cầm quyền “vu” cho liên minh đối lập là nếu lên cầm quyền, họ sẽ cử lính Hung tham chiến, máu của người Hung sẽ đổ ở nước ngoài cho một tranh giành mà Hung không liên quan, và viễn cảnh nền kinh tế Hung sẽ suy sụp lập tức nếu không có nguồn năng lượng từ Nga, vốn chiếm một tỷ lệ rất đáng kể đối với Hung. Tuyên truyền ấy không phải là không có tác động đến nhiều cử tri Hung.
Ở một khía cạnh khác, cũng trong dịp này, sự lệ thuộc quá mức trong ngoại giao Hungary vào Nga cũng có thể gây phản cảm với một bộ phận cử tri vẫn còn nhớ những “ân oán” trong lịch sử Hungary, khi nước này là kẻ chiến bại trước bạo lực của Nga - Xô-viết. Phải chăng chính quyền Hungary đã quên quá khứ nhanh đến thế, câu hỏi thường trực từ các cấp ngoại giao của Ukraine có thể là nỗi ám ảnh với nhiều người dân Hung.
Mâu thuẫn giữa Hungary và Ukraine lên tới đỉnh điểm khi Tổng thống Zelensky trong các phát biểu chính thức đã dành rất nhiều thời gian để chỉ trích đường lối thân Nga của Budapest, và sau đó, Ngoại trưởng Hung Szijjártó Péter đáp trả bằng khẳng định rằng ứng viên Márki-Zay Péter đã “thỏa thuận” với ông Zelensky, nếu đối lập Hung thắng cử, nước Hung sẽ “tham chiến” (báo chí Hung cho rằng điều này hoàn toàn vô cơ sở).
Ngoại giao Ukraine đã phê phán rất gay gắt phía Hungary, rằng việc kiếm thêm phiếu bầu bằng cách kéo Ukraine đang trong hoạn nạn vào cuộc, là điều “vô đạo đức”, và “xét cho cùng, lịch sử và nhân dân Hung sẽ phán xét những hành vi này của giới chính khách”. “Hãy từ bỏ thái độ gần gũi quá mức với Nga, và nhận ra một thực tế là sẽ không có hòa bình và an ninh ở Hungary nếu thiếu vắng hòa bình và an ninh của Ukraine”.
Khó đánh giá được tác động của cuộc đấu khẩu dữ dội này tới các lá phiếu, nhưng một thực tế là một cuộc biểu tình lớn đã được triệu tập vào thứ Bảy, một ngày trước bầu cử, để ủng hộ nền độc lập của Ukraine, phản đối chiến tranh xâm lược của Nga và lên án thái độ thân Nga, “bội phản” của chính quyền, như lời kêu gọi: “Không thể để thế giới đánh đồng nước Hung, dân Hung với quan điểm đáng hổ thẹn của Orbán Viktor”.
Tất cả những yếu tố này có đủ hay không cho một biến cố “động trời”, là phe đối lập sẽ chiến thắng trước phe cầm quyền cánh hữu tại vị từ 12 năm nay, câu trả lời tất nhiên chỉ có thể xác quyết vào đêm 3/4 tới!
Tổng tuyển cử quốc hội Hungary đột ngột gây cấn dưới bóng cuộc chiến Ukraine
30.03.2022