Thùy Dương - RFI
Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới cách nay không lâu công bố dự báo về tăng trưởng kinh tế ở châu Á. Tình hình được đánh giá là chưa từng có kể từ 40 năm qua, theo đó Trung Quốc không còn là đầu tàu kinh tế châu Á. Đông Nam Á và Ấn Độ đang vươn lên mạnh mẽ thế chỗ Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều nước châu Á khác bị tác động do suy thoái kinh tế toàn cầu và khủng hoảng năng lượng, không chống đỡ nổi và chìm vào khủng hoảng.
Để đánh giá liệu tình hình mới này chỉ là tạm thời hay không, cần biết những suy tính của Tập Cận Bình và xem Trung Quốc liệu có thể có thể quay trở lại chủ nghĩa thực dụng hay không. Trên đây là những nhận định của chuyên gia Hubert Testard trên trang mạng châu Á, Asialyst, ngày 29/10/2022. RFI giới thiệu bài viết.
Theo dự báo hồi tháng 10 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc sẽ không vượt quá 3,2%, còn Ngân hàng Thế giới đưa ra con số 2,8%. Các số liệu tăng trưởng kinh tế quý ba mà Trung Quốc công bố là 3%. Đây cũng chính là mức tăng trưởng toàn cầu, có nghĩa là vào năm 2022 Trung Quốc không còn trong giai đoạn vượt trội về kinh tế, điều Trung Quốc chưa từng trải qua từ kể năm 1976, dưới thời Mao Trạch Đông.
Đối với năm 2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới cũng dự báo là Trung Quốc chỉ đạt mức tăng thưởng thấp, khoảng 4,5%. Trái lại, Đông Nam Á và Ấn Độ chứng tỏ có khả năng hồi phục trong khi tăng trưởng kinh tế thế giới đang chậm lại.
Sự sụt giảm kéo dài của kinh tế Trung Quốc
Mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc hiện được Quỹ tiền tệ Quốc tế ước tính là 4,5% cho đến năm 2027, thấp hơn nửa điểm so với các dự báo trước đây. Đó chưa phải là hồi kết của xu hướng Trung Quốc phát triển nhanh hơn các nước khác, nhưng cũng không cách là bao. Lý do chính là từ nội bộ Trung Quốc. Bắc Kinh đã 2 lần tự bắn vào chân mình khi thực hiện chính sách Zero Covid (khiến kinh tế Trung Quốc phải trả giá rất đắt, mất 1-2% GDP hiện tại) và từ năm 2020 đã đột ngột thắt chặt điều kiện tài trợ cho lĩnh vực bất động sản. Một số công ty bất động sản không thể trụ được, niềm tin của các gia đình bị tổn hại lâu dài : tất cả các chỉ số bất động sản không ngừng xấu đi.
Chính phủ Trung Quốc có thể đảo ngược 2 chính sách này. Liên quan đến đại dịch thì dễ thay đổi hơn, nhưng đối với lĩnh vực bất động sản thì sẽ khó hơn vì sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới khôi phục lại được niềm tin của người dân. Tuy nhiên, Tập Cận Bình không muốn điều đó, và sau Đại Hội đảng Cộng Sản lần thứ 20, quyền lực của ông trong nước đang mạnh hơn bao giờ hết.
Ông Tập đã rất rõ ràng về việc duy trì chính sách Zero Covid mà ông cho rằng vẫn phù hợp. Về chính sách bất động sản thì cũng tương tự, với suy nghĩ bong bóng bất động sản rồi sẽ xẹp xuống. Vì thế, các chính sách hỗ trợ lĩnh vực bất động sản chủ yếu là của chính quyền các tỉnh. Chính quyền trung ương Bắc Kinh sẽ không giải cứu các công ty bất động sản gặp khó khăn. Do đó, khủng hoảng bất động sản sẽ tác động nặng nề lên tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong vài năm.
Ngoài các vấn đề ngắn hạn, một số vấn đề dài hạn khác cũng đang tích tụ lại. Dân số ngày càng giảm mạnh, cạnh tranh công nghệ với phương Tây sẽ gây tác hại nặng nề và việc ưu tiên tuyệt đối được dành cho khu vực công rất có thể sẽ có tác động tiêu cực đến năng suất (chênh lệch năng suất giữa khu vực công và tư nhân đã tăng đáng kể ở Trung Quốc trong những năm gần đây). Đối với đảng Cộng Sản Trung Quốc, tăng trưởng không còn là ưu tiên duy nhất : Tăng trưởng hiện giờ bị đặt sau an ninh quốc gia và cuộc đấu giành vị trí lãnh đạo thế giới.
Mức tăng trưởng tốt của Đông Nam Á
Các nước chính ở Đông Nam Á hồi đầu năm nay đã trải qua giai đoạn hồi phục nhanh chóng, sau năm 2021 khó khăn do đại dịch. Có chính sách tiêm chủng tốt, đặt cược vào việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch, các nước này đã biết cách tranh thủ nhu cầu thế giới trong quý một, đồng thời tái thúc đẩy tiêu dùng trong nước và thu lợi do một phần khách du lịch quốc tế trở lại. Các nước xuất khẩu ròng năng lượng - đặc biệt là Indonesia và Malaysia - đã tận dụng tối đa việc năng lượng tăng giá.
Chiến tranh Ukraina và kinh tế toàn cầu chững lại kể từ quý 2/2022 đã khiến mức tăng GDP tại khu vực Đông Nam Á sụt giảm 1 điểm, tuy nhiên điều này không khiến mức tăng trưởng hàng năm chệch đi so với tốc độ tăng trưởng của những năm trước. Theo Ngân hàng Thế giới, 3 quốc gia đứng đầu về tốc độ tăng trưởng mạnh trong năm 2022 là Việt Nam (7,2%), Philippines (6,5%) và Malaysia (6,4%). Tiếp theo là Indonesia với 5,1%, phù hợp với mức tăng trưởng tiềm năng. Ngay cả Thái Lan cũng khởi sắc ở mức 3,1%, nhờ sự trở lại của du khách quốc tế, dù vẫn khiêm tốn ở mức 40% so với trước đại dịch. Dự báo cho năm 2023 gần như vẫn tương đương như dự báo cho năm 2022.
“Hiệu ứng bắt kịp” (các nền kinh tế nghèo hơn có xu hướng phát triển nhanh hơn và bắt kịp các nước giàu hơn) vẫn tiếp diễn trong năm 2022 với sự năng động. Ngân hàng Thế giới nhắc lại rằng kinh tế Đông Nam Á đã bị tác động mạnh do đại dịch trong năm 2020 và 2021. Cuối năm 2021, Indonesia và Malaysia đã khôi phục lại được mức GDP như trước khủng hoảng. Năm nay, Philippines, Thái Lan và Cam Bốt cũng đang đạt được điều này. Chỉ có Việt Nam là duy trì được mức tăng trưởng nhẹ trong năm 2020 và 2021, và đến năm nay thì quay trở lại mức tăng trưởng cao lịch sử.
Lạm phát ở Đông Nam Á nhẹ hơn ở Tây phương. Chỉ số giá tiêu dùng ở Indonesia, Malaysia và Việt Nam là dưới ngưỡng 5%, và tỉ lệ này ở Thái Lan, Philippines vẫn thấp hơn so với khu vực đồng euro. Kết quả này phần nào là do, chẳng hạn ở Pháp, trợ cấp nhiều cho tiêu thụ lương thực thực phẩm và năng lượng.
Các lĩnh vực dễ bị tác động chắc chắn liên quan đến tài chính, bởi vì sự tăng giá của đồng đô la và mức lãi suất của Mỹ gây áp lực đối với tỷ giá hối đoái và các chính sách tiền tệ quốc gia. Nhưng nghịch lý là chính đồng tiền của các nước phát triển ở châu Á (đồng yen Nhật, won Hàn Quốc và đô la Đài Loan) lại chịu cú sốc lớn nhất do khoảng cách giữa lãi suất chỉ đạo của Ngân hàng trung ương của các nước này và Ngân hàng trung ương Mỹ ngày càng tăng. Tại hầu hết các nước ASEAN, tiền tệ mất giá dưới 10% so với đồng đô la Mỹ, thâm hụt tài khoản vãng lai vừa phải và nguồn dự trữ ngoại hối vững chắc. Không ai lo ngại tái diễn khủng hoảng tài chính vốn dĩ đã tàn phá Đông Nam Á hồi năm 1997 - 1998.
Sức dẻo dai bền bỉ của Ấn Độ
Chịu tác hại nặng nề do đại dịch vào năm 2020, GDP giảm 7,6%, nhưng kinh tế Ấn Độ đã phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021 (+ 8,7%), và các dự báo hồi đầu năm nay cũng tích cực như vậy. Thế nhưng, cú sốc từ cuộc chiến Ukraina là rất nghiêm trọng đối với một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng như Ấn Độ.
Theo dự báo Quỹ Tiền tệ Quốc tế đưa ra hồi tháng 10, mức tăng trưởng của Ấn Độ sẽ chỉ là 6,8%. Dù sụt 2 điểm, nhưng tăng trưởng của Ấn Độ vẫn năng động và lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế 50 năm qua, tăng trưởng của Ấn Độ được dự báo cao gấp đôi so với Trung Quốc. Dòng vốn chảy ra từ Ấn Độ chỉ ở mức vừa phải, đồng rupi của Ấn Độ giảm giá 12% trong 3 quý đầu năm, chỉ bằng một nửa so với mức sụt giảm của đồng yen Nhật, nhưng cái giá phải trả là dự trữ ngoại hối của Ấn Độ giảm đáng kể. Áp lực lạm phát ở Ấn Độ cao hơn so với Đông Nam Á (chỉ số giá tiêu dùng ở Ấn Độ tăng 7%) và đặc biệt là giá lương thực thực phẩm, gây nhiều ảnh hưởng đến nhóm dân cư nghèo nhất.
Các dự báo cho năm 2023 vẫn khá lạc quan cho Ấn Độ, với mức tăng trưởng dự kiến đạt 6-7%. “Sản xuất tại Ấn Độ” thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, một số đầu tư ban đầu dành cho Trung Quốc nay chuyển hướng sang Ấn Độ, tiêu biểu là gần đây công ty Foxconn đã quyết định cho lắp ráp điện thoại iPhone 14 tại Chennai, Ấn Độ. Sự đảo chiều về năng động kinh tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc, vốn dĩ được chờ đợi trong vô vọng từ lâu nay, dường như cuối cùng cũng đã diễn ra.
Khủng hoảng tại một số nước
Ngoài Trung Quốc, vẫn có vài nước đang phát triển ở châu Á gặp khủng hoảng. Chẳng hạn Sri Lanka và Pakistan ở Nam Á, Miến Điện và Lào ở Đông Nam Á, Mông Cổ ở Đông Á, Kazakhstan ở Trung Á. Các quốc gia này đều đang có mức lạm phát trên 15% trong năm 2022 (tỉ lệ này lên tới 60% ở Sri Lanka), đồng tiền giảm giá nhanh so với đồng đô la (36% đối với đồng rupi Pakistan) và các nước phải nhanh chóng thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó, một số nước suy thoái sâu, chẳng hạn Sri Lanka (-8,7% vào năm 2022) hoặc đạt mức tăng trưởng rất thấp.
Lý do của những cuộc khủng hoảng này rất khác nhau : quản lý yếu kém và tình hình rối loạn chính trị ở Sri Lanka, lũ lụt nghiêm trọng ở Pakistan, nội chiến ở Miến Điện, cú sốc kép tại Mông Cổ do chiến tranh Ukraina và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng Trung Quốc, khủng hoảng nợ và cú sốc lạm phát ở Lào, căng thẳng chính trị và hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế Nga đối với Kazakhstan.
Nói tóm lại, toàn cảnh kinh tế năm 2022 của các nước đang phát triển ở châu Á là chưa từng có. Việc Trung Quốc không còn là động lực không phá vỡ đà tiến của châu Á, và sự năng động của dòng chảy thương mại đang được tái tạo lại tại châu lục, vì cả những lý do kinh tế và địa chính trị. Tuy nhiên, sẽ cần phải đợi thêm một vài năm nữa mới có thể đánh giá xem những sự chuyển đổi này mang tính hệ thống hay chỉ là tạm thời.