Ba Sàm lược dịch
Niềm tự hào về hạm đội Biển Đen đáng sợ của Nga đã bị hạ gục ngày hôm qua bằng một trong những hoạt động tinh xảo nhất của cuộc chiến.
Các chỉ huy Ukraine đã phá hủy tàu chiến Moskva khổng lồ bằng cách sử dụng máy bay không người lái để đánh lạc hướng hệ thống phòng thủ của Nga và cho phép tên lửa lướt trên mặt nước tấn công.
Các cảm biến bảo vệ của con tàu tuần dương nặng 12.500 tấn dường như không thấy tên lửa Neptune đang bay tới, vì chúng đang theo dõi những chiếc máy bay không người lái TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ.
Chiến công đã cung cấp một động lực lớn về tinh thần cho Kyiv, đồng thời giáng một đòn mạnh vào hải quân của Vladimir Putin, khi hai tên lửa đã lao vào mạn trái của soái hạm Moskva dài 200m, làm nó rung chuyển dữ dội và gây ra một vụ nổ thảm khốc cùng những đám cháy lớn.
Khi những đám lửa bừng sáng trên Biển Đen đầy bão tố, 510 thủy thủ đoàn của con tàu điên cuồng leo lên xuồng cứu sinh và bỏ chạy.
Cuộc tấn công bất ngờ diễn ra lúc 2 giờ sáng ngày hôm qua, khi tàu chiến Moskva, chiến hạm “chỉ huy và kiểm soát” chính của Nga, cách Odessa 60 dặm về phía nam.
Thuyền trưởng và các sĩ quan phòng không của con tàu được cho là đang theo dõi các máy bay nhử mồi TB2, không hề biết rằng một cặp tên lửa chống hạm Neptune R360, do Ukraine sản xuất, đang hướng về phía mình, sau khi được phóng từ một khẩu đội pháo trên bờ biển.
Các tên lửa, mỗi quả nặng một tấn và có tầm bắn 170 hải lý, đã tiếp cận tàu Moskva ở mực nước biển. Di chuyển ở đường bay thấp như vậy trong vùng biển động có nghĩa là chúng rất khó theo dõi.
Đêm qua, các quan chức phương Tây cho biết các báo cáo của Ukraine về hoạt động này là ‘đáng tin cậy‘ và cuộc tấn công đã chứng tỏ khả năng tấn công vào người Nga ở những khu vực mà họ tin rằng mình bất khả xâm phạm.
Một quan chức nhận xét: “Vụ việc thể hiện một tổn thất to lớn khác về uy tín của Nga. Chúng lại được chứng minh là rất dễ bị tấn công.
“Đây là một câu hỏi về năng lực. Đây được cho là một quân đội đã tự hiện đại hóa trong thập kỷ qua.
“Người Ukraine đã sử dụng trí tưởng tượng của họ và tỏ ra rất tháo vát. Họ có thể hành động nhanh chóng để gây ảnh hưởng đến các lực lượng của Nga.”
Các quan chức phương Tây cũng bác bỏ lời bào chữa của Nga về vụ việc, sau khi các quan chức Moscow cho rằng chỉ có một đám cháy trên tàu Moskva, dẫn đến vụ nổ một lượng lớn đạn dược.
Sau cuộc tấn công, chiếc tuần dương hạm già cỗi – được đưa ra biển lần đầu tiên vào năm 1979 – được kéo về phía Crimea. Tình báo Mỹ cho biết nó vẫn đang bốc cháy.
Nó dự kiến sẽ bị xóa sổ vì các nhà máy đóng tàu của Nga không thể hoạt động do các lệnh trừng phạt quốc tế. Nhưng đêm qua, Bộ Quốc phòng Nga cho biết tàu Moskva trên thực tế đã chìm “trong khi được kéo đi giữa một cơn bão”, hãng thông tấn Tass của nhà nước đưa tin.
Xét về mặt khí tài quân sự, vụ chiến hạm Moskva là tổn thất lớn nhất đối với các lực lượng vũ trang của Nga kể từ khi chiến tranh nổ ra.
Nó cũng được hiểu là một trong những chiến hạm lớn nhất bị tiêu diệt trong chiến đấu kể từ Thế chiến II. Việc nó bị loại khỏi vòng chiến đấu cũng mang tính biểu tượng cao đối với Ukraine, sau một sự cố xảy ra vào ngày đầu tiên của cuộc chiến, vốn được ví von ngắn gọn là cuộc đấu tranh giữa “David và Goliath“.
Đó là vào ngày 24 tháng 2, tàu Moskva, hùng vĩ cả về quy mô và vũ khí, đã tiếp cận Đảo Rắn, một địa điểm nhỏ ngoài khơi bờ biển phía nam của Ukraine, được bảo vệ bởi chỉ 13 binh sĩ.
Khi thuyền trưởng yêu cầu họ đầu hàng và đe dọa sẽ ném bom nếu không hạ vũ khí, người Ukraine đã phát thanh lời phản đối nổi tiếng: “Này chiến hạm Nga, ĐM mày cút đi.”
Cuộc phản kích cực kỳ phức tạp của ngày hôm qua diễn ra chỉ vài giờ sau khi Hoa Kỳ thừa nhận rằng họ đang cung cấp ‘hỗ trợ tình báo trực tiếp‘ để cho phép nhắm mục tiêu chính xác vào các vị trí của quân Nga.
Đây cũng là đỉnh điểm của một hoạt động thu thập thông tin tình báo kéo dài mà báo Daily Mail đã tìm hiểu, đã tiết lộ rằng con tàu này đang hoạt động trong khu vực được các nguồn tin mô tả như là ‘sơ đồ có thể dự đoán được‘ ở Tây Bắc Biển Đen và thường không có tàu hộ tống.
Theo thông lệ, các tàu tuần dương lớn, đặc biệt là các tàu cao tốc, được đi kèm với các tàu khu trục nhỏ để cung cấp một tấm là chắn bảo vệ.
Nhưng có lẽ vì cho rằng họ có thể hoạt động mà không bị trừng phạt, nên các chỉ huy Nga đã lơ là trong việc canh gác cho tàu Moskva. Vụ việc được cho là sẽ khiến các chỉ huy hải quân Nga cảnh giác hơn khi hoạt động gần bờ biển phía nam của Ukraine.
Hải quân Hoàng gia Anh đã huấn luyện các đối tác Ukraine trong những năm gần đây để cải thiện các tiêu chuẩn chiến đấu. Nhưng các quan chức Vương quốc Anh đã từ chối bất kỳ gợi ý nào về khả năng Anh có thể được cho là tham gia vào hoạt động này.
Ukraine đã thiết kế và sản xuất tên lửa Neptune được sử dụng trong cuộc tấn công. Trớ trêu thay, nó lại dựa trên một thiết kế của Nga.
Tối qua, chuyên gia về tàu chiến, Jonathan Bentham, từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết: “Đang nghiên cứu giả định tàu Moskva bị tên lửa chống hạm bắn trúng, điều này đặt ra câu hỏi về khả năng hoạt động của các tàu tuần dương lớp Slava và tình trạng của hải quân Nga khi nhìn rộng hơn.
“Về lý thuyết, khả năng phòng không của con tàu phải cung cấp đủ vỏ bọc để tránh bị tên lửa cận âm (subsonic missile) như Neptune bắn trúng.
“Nếu như chiếc tàu nổi này, lớn thứ ba trong hạm đội – sau tàu Đô đốc Kuznetsov và Piotr Velikiy – thiếu những khả năng này, thì liệu nó còn thiếu những gì nữa?”./.