Sự thuần phục của Đức đối với Nga

Tác giả: Matthew Karnitschnig
Người dịch: Hoàng Vy (Diễn Đàn Khai Phóng)
 
DĐKP: Từ hơn 15 năm qua, chính sách đối ngoại của Đức đối với Nga, đứng đầu là Angela Merkel, là “đối thoại”, “hợp tác”. Điều này một mặt gây cản trở cho nhiều chính sách của EU chống lại Nga, mặt khác làm cho Putin chủ quan tin rằng Đức có thể làm vai trò “con ngựa thành Troy” khi EU chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Một sai lầm lịch sử. May thay, Đức đã quay ngược 180 độ và đứng vào khối đoàn kết lớn ở phương Tây. Hy vọng Đức sẽ nghiêm chỉnh rút kinh nghiệm để xem xét lại chính sách đối ngoại của mình trong tương lai, với Nga và cả với Trung Quốc.
 
Thực tế là hành vi độc đoán của Nga đã được dung túng ở châu Âu bấy lâu nay cũng có liên quan đến nước Đức. Nếu nhìn vào 15 năm qua, không có quốc gia nào tha thứ cho Putin nhiều như Đức. Đó là sự thật về một thất bại lịch sử.
 
Khi Matxcơva xâm chiếm Gruzia vào mùa thu năm 2008, giới thượng lưu chính trị và kinh doanh Đức đã tập trung tại Đại sứ quán Nga ở thủ đô Berlin để tham dự một buổi dạ tiệc xa hoa với trứng cá caviar, rượu sâm banh và âm nhạc. “Nga không có gì phải sợ từ Berlin”, một vị khách nói. “Nước Nga nằm trong số bạn bè.” Đối với Đức, bữa tiệc này không bao giờ dừng lại.
 
Từ việc xâm lược Gruzia đến sáp nhập Crimea, bắn rơi chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines qua Ukraine và đầu độc Alexei Navalny, nước Đức luôn luôn tìm được một lý do để tha thứ cho người bạn phương Đông của mình. Như Giám đốc điều hành lúc đó của BASF, Eggert Voscherau, đã nói với những vị khách nhiệt tình của bữa tiệc rằng hòa bình không thể đạt được “thông qua việc khai trừ”.
 
Thái độ này – vốn là chính sách không chính thức của Đức đối với Nga kể từ đó – đã giúp mở đường cho Vladimir Putin xâm chiếm Ukraine ngày nay. Và nhiều người lo sợ rằng có thể dẫn đến sự sụp đổ của kiến ​​trúc an ninh châu Âu sau Chiến tranh Lạnh.
 
Chỉ sau khi Putin chính thức công nhận các khu vực ly khai Donetsk và Luhansk của Ukraine và điều động thêm quân, Đức mới tuyên bố sẽ tạm thời không cấp giấy phép hoạt động cho đường ống dẫn khí Nord Stream 2. Nhưng điều đó là quá ít và cũng là quá muộn.
 
NHÌN VỀ PHÍA ĐÔNG
 
Thảm họa ở Ukraine có nhiều người cha đỡ đầu. Trong nhiều năm, Hoa Kỳ không muốn tin rằng Putin thực sự nguy hiểm đến vậy; Vương quốc Anh quan tâm đến việc thu hút sự giàu có của các nhà tài phiệt hơn là hỏi xem tiền đó đến từ đâu. Nhưng người ta không nên ảo tưởng: không quốc gia nào khác cố gắng hạ thấp và tha thứ cho những vi phạm của Nga hơn Đức.
 
Người ta biện giải rằng, lòng trung thành này (giống như nhiều thứ khác ở Đức ngày nay) có nguồn gốc sâu xa với cảm giác tội lỗi chiến tranh trong thế chiến II. Tuy nhiên, nếu quả thực đó là lý do, thì Đức còn nợ Ukraine và Belarus hơn nhiều – những quốc gia đã mất nhiều công dân hơn trong cuộc chiến với Đức, mối nợ mà hầu như ta không thấy trong văn hóa tưởng nhớ tập thể ở Cộng hòa Liên bang ngày nay.
 
Sự thật thì Đức thích làm ăn với Nga. Như Giám đốc điều hành BASF đã nhận xét tại buổi tiệc mùa thu năm 2008, “nước Nga giàu năng lượng” và “nước Đức giàu công nghệ” là một phối hợp tuyệt vời. Ngoài cựu Thủ tướng Gerhard Schröder, buổi dạ tiệc còn thu hút nhiều tầng lớp tinh hoa của Đức, từ huyền thoại bóng đá Franz Beckenbauer đến các nguyên thủ quốc gia và giám đốc của Porsche.
 
Tại sao chúng ta để cho một hoặc hai cuộc tấn công nhỏ làm hỏng không khí chung? Trong mọi trường hợp, các công ty sản xuất vũ khí của Đức càng không có lý do gì để làm như vậy. Đối với Putin, bài học quan trọng từ Gruzia là quân đội Nga không đủ năng lực như mong đợi. Kết quả là, ông ta bắt đầu hiện đại hóa quân đội với sự giúp đỡ của người Đức.
 
Một dự án gây tranh cãi đặc biệt là việc bán các hệ thống mô phỏng tác chiến với giá 100 triệu euro. Sau áp lực từ các đồng minh, chính phủ Đức cuối cùng đã hủy bỏ thỏa thuận – sau khi 95% thiết bị đã được chuyển giao!
 
Ngay cả sau khi Putin sáp nhập Crimea và châm ngòi cho cuộc chiến ở miền đông Ukraine, Berlin vẫn không sẵn sàng cùng Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow. Đức chỉ đồng ý sau khi gần 300 người dân vô tội thiệt mạng khi chiếc máy bay dân sự MH17 bị bắn hạ.
 
Ngay cả sau đó, Đức vẫn tiếp tục trao niềm tin cho Putin. Bất chấp những khuyến cáo được lặp đi lặp lại rằng ông ta không đáng tin cậy – dù với vai trò của Nga trong việc tàn phá Syria hay vụ ám sát một thủ lĩnh phiến quân Chechnya giữa ban ngày ở trung tâm Berlin.
 
Quyết định của Putin trong tuần này về việc xé bỏ các Nghị định thư Minsk – dự thảo kế hoạch chấm dứt chiến tranh ở miền đông Ukraine mà phần lớn do Đức đàm phán – là nhằm loại bỏ những tuyên bố rằng ông đã bác bỏ lời kêu gọi “đối thoại” của Berlin (những lời được đưa ra bởi cựu Thủ tướng Liên bang Angela Merkel và Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier của bà, hiện là Tổng thống Liên bang, đã được lặp đi lặp lại như một câu thần chú trong nhiều năm) đã từng được xem xét rất nghiêm túc.
 
Putin chỉ chơi trò câu giờ. Với giá dầu tăng cao, kho dự trữ tài chính của Nga đầy ắp và sức mạnh của quân đội, ông được trang bị đầy đủ để thực hiện mục tiêu đưa nước Nga tiến sâu hơn vào vùng ảnh hưởng của phương Tây.
 
Mặt khác, đối với nhiều người Đức, có một thủ phạm khác gây ra cuộc khủng hoảng Ukraine: NATO. Huyền thoại cho rằng, Washington hứa với Nga sẽ không mở rộng NATO về phía đông là kiến thức phổ biến ở Đức. Điều này phần lớn là do công chúng Đức thường xuyên nghe thấy điều này trên truyền hình công cộng.
 
Tiếp tục sự cân bằng sai lệch được truyền thông Đức phổ biến về chủ đề Nga, các thành viên của Đảng Cánh tả (Linke), hậu thân của Đảng Cộng sản Đông Đức, thường được mời làm khách về chủ đề Ukraine, mặc dù đảng Tả này nhận được ít hơn năm phần trăm phiếu bầu trong cuộc bầu cử liên bang vừa qua.
 
“NATO đã tự bành trướng chứ không phải Nga”, Sevim Dagdelen, một nhân vật hàng đầu cánh tả, cho biết trên TV tuần trước. Sahra Wagenknecht, một trong những thành viên nổi bật nhất của Cánh tả, đã làm theo vài ngày sau đó trong một chương trình nổi tiếng vào Chủ nhật, cáo buộc Mỹ sử dụng luận điệu “gây hấn” để “kích động” một cuộc xâm lược.
 
Mặc dù hết sức sơ đẳng đối với một nhà quan sát sáng suốt để thấy những tuyên bố như vậy là vô lý, nhưng việc lặp lại liên tục trước hàng triệu khán giả đã tạo nên cái nêm nâng sự chú ý của dư luận Đức. Và Putin đã sử dụng điều đó để hoàn thành Nord Stream 2 và gieo rắc nghi ngờ về liên minh của Đức với Hoa Kỳ.
 
Ví dụ, hơn một nửa số người Đức không muốn Ukraine gia nhập NATO trong tương lai gần. Và chỉ trong tháng trước, 2/3 người Đức đã bỏ phiếu ủng hộ việc cho phép vận hành Nord Stream 2. Một trong những người góp phần chính trong việc tạo ra cái nêm này là Sigmar Gabriel, cựu lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội, người từng là Bộ trưởng Kinh tế và Ngoại giao trong nội các của Thủ tướng Merkel.
 
“Tôi luôn là người ủng hộ dự án vì tôi cũng tin tưởng vào lợi ích hòa bình trong chính sách kinh tế”, Gabriel nói trong một cuộc phỏng vấn với Deutschlandfunk hôm thứ tư. “Câu hỏi đặt ra cho tôi và bà Merkel là liệu chúng tôi có quá lạc quan hay không.” Đối với Putin, dường như câu trả lời đã rõ, một lần và mãi mãi. Tuy nhiên, liệu Đức có từ bỏ lập trường rộng lượng đối với Nga hay không lại là một vấn đề khác.
 
Trong tuần này, nhiều người đã tập trung trước đại sứ quán Nga ở Berlin để phản đối việc Nga xâm lược Ukraine. Không thấy Gabriel và những vị khách đã có mặt tại dạ tiệc trong đại sứ quán năm 2008.
 
Bài báo này lần đầu tiên xuất hiện trên ấn phẩm đối tác của WELT “Politico” với tiêu đề „How Germany helped blaze Putin’s path into Ukraine“. (Đức đã giúp khai quang con đường của Putin vào Ukraine như thế nào).
Bản dịch từ tiếng Anh của Jessica Wagener: Russland: Deutschlands Unterwerfung./.