Cuối ngày 11 tháng 5 năm 1960, trong thành phố Buenos Aires, thủ đô của Argentina, ông Ricardo Klement đi tuyến xe buýt quen thuộc từ chỗ làm về nhà, 2 tháng trước ông còn mang về nhà bó hoa tặng vợ kỉ niệm 25 năm ngày cưới, người vợ và các con đang chờ ông về ăn tối.
Vừa bước xuống xe, một người đứng bên đường gọi ông lại hỏi xin thuốc lá, vừa đút tay vào túi lấy gói thuốc lá thì ông bị 2 người khác lao tới ôm chặt, ông Ricardo Klement chống trả quyết liệt, người thứ 3 xuất hiện đánh ông ngất xỉu và họ mang ông lên ô tô phóng đi.
Chiếc xe đi vào 1 ngôi nhà ở nơi vắng vẻ, ông Ricardo Klement bị khám xét và thẩm tra, nhóm bắt cóc rất vui mừng khi biết đã bắt đúng người.
Vài ngày sau, “tình cờ” có một chuyến bay của chính phủ Israel sang Argentina, khi chiếc máy bay trở về Israel, trong đoàn người trở về có một người phải dìu lên máy bay vì nhậu xỉn, trên người ông toàn mùi rượu.
Ngày 23 tháng 5 thủ tướng Israel Ben Gurion tuyên bố trước Quốc hội đã bắt được Adolf Eichmann, toàn thể hội trường vỗ tay, vui mừng.
Người đàn ông xuống xe buýt bị bắt cóc về Israel chính là Adolf Eichmann, vì sao y lại bị bắt về như vậy?
Adolf Eichmann là người Đức, tham gia Đảng Quốc xã, năm 1941 y tham gia lập kế hoạch và bắt bớ người Do Thái ở châu Âu đưa vào các trại tập trung và giết chết bằng hơi độc, dưới sự tổ chức của y, khoảng 500 ngàn người Do Thái đã bị giết chết.
Sau khi phát xít Đức thua trận, trung tá Eichmann bị truy nã gắt gao nhưng y vẫn biệt tăm suốt hơn 10 năm, y bí mật bỏ trốn sang Argentina với họ tên và lí lịch giả, sống bình yên bên vợ con, do con trai kể lai lịch y với bạn gái, y bị tình báo Israel tìm ra và bắt cóc mang về.
Năm 1961 Adolf Eichmann được đưa ra xét xử tại tòa án Jerusalem, nhiều người nghĩ rằng kẻ tham gia giết chết hàng trăm ngàn người sẽ có vấn đề về thần kinh và không bình thường, chính phủ Israel cử sáu chuyên gia tâm lý tìm hiểu về Eichmann và họ đều không tìm thấy bất cứ một trục trặc tâm lý nào, dù là nhỏ nhất.
Bào chữa cho tội ác của mình, Eichmann đã bình thản tự cho bản thân là vô tội, ông không trực tiếp giết ai, những gì ông làm đơn giản chỉ là thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, pháp luật nước Đức khi đó cho phép và ông được xã hội lúc đó vinh danh.
Lời bào chữa của Eichmann cho thấy điều khủng khiếp trong chế độ độc tài toàn trị là cái ác bị tầm thường hoá, cái ác không phải là kẻ trực tiếp giết người mà chỉ là người sĩ quan an ninh mẫn cán nghĩ rằng mình đang phục vụ đất nước nhưng hoá ra anh ta đang phục vụ chế độ xấu xa, là nhà báo năng nổ phục vụ nhân dân nhưng hoá ra là kẻ tuyên truyền tô vẽ cho chế độ tồi tệ, là một giáo viên dạy học sinh sùng bái lãnh tụ khi lãnh tụ đó đưa cả dân tộc đi sai hướng, lao vào hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác...
Điều đáng thương là họ không nhận ra mình phục vụ cho chế độ độc tài, chế độ đó tước đi những quyền con người cơ bản của chính họ và con cháu như quyền bầu cử, quyền tự do ngôn luận, quyền được xét xử công bằng…
Trong đất nước độc tài, bảo vệ chế độ được vinh danh như một phẩm hạnh, điều đó dường như làm cho Eichmann không ý thức được mình làm điều ác, y khẳng định mình là nạn nhân.
Sau 9 tháng xét xử, Adolf Eichmann bị kết án tử hình với hình thức treo cổ, những giây phút cuối cùng y hoàn toàn tỉnh táo, y bước năm mươi bước từ buồng giam đến phòng tử hình một cách bình tĩnh với dáng người thẳng, hai tay bị còng đằng sau. Dưới giá treo cổ, y hoàn toàn chủ động và sẵn sàng, sau khi tắt thở, xác Eichmann được hỏa táng và tro đem rải xuống biển Địa Trung Hải.
Tường thuật phiên toà có một người phụ nữ gốc Do Thái tên là Hannah Arendt, bà sinh ra ở Đức, năm 1941 phải bỏ trốn sang Mĩ khi Đảng Quốc xã đàn áp người Do Thái, năm 1961 bà sang Israel viết bài tường thuật phiên toà xử Eichmann, các bài viết của bà được tập hợp lại thành cuốn sách “Eichmann ở Jerusalem – Báo cáo về sự tầm thường của cái Ác”, xuất bản năm 1963.
Chúng ta vẫn quen nghĩ rằng cái ác là một cái gì đó thật ghê gớm và những kẻ phạm tội ác là những kẻ khác xa với người bình thường. Nhưng trong tác phẩm của mình, Hannah Arendt lý giải hành động của Eichmann không phải do những thú tính, cũng không phải do sự cuồng tín vào lý tưởng Quốc xã hay chủ nghĩa bài Do Thái. Eichmann không tỏ ra ghét người Do Thái, thậm chí còn có một số bạn bè là người Do Thái. Y tham gia đội quân SS của phát xít Đức hoàn toàn là một sự tình cờ và để có việc làm chứ không phải do yêu thích lý tưởng Quốc xã, trong công việc, y chưa trực tiếp giết bất cứ ai.
Kẻ được mệnh danh là “tên đồ tể của châu Âu” này tham gia giết 500 ngàn người Do Thái là một công dân Đức bình thường, một công chức tuân thủ pháp luật, một người chồng, người cha tốt, người hàng xóm thân thiện cởi mở.
Theo Hannah Arendt, tội ác của Eichmann, cũng như của rất nhiều tên tội phạm phát xít khác, bắt nguồn từ sự tuân thủ mệnh lệnh cấp trên và những điều luật vô đạo đức của một chế độ độc tài. Tội ác đó càng trở nên trầm trọng hơn bởi sự tán đồng hay bàng quan của rất nhiều người dân bình thường trong xã hội.
Cuối cùng, Hannah Arendt vẫn luôn tin rằng con người có thể chọn cách nói không với cái Ác, thay vì việc chấp nhận biến mình thành một công cụ của chế độ, hoặc trở thành một kẻ ngoài cuộc “mũ ni che tai” mặc cho cái ác hoành hành.
Tác phẩm “Eichmann in Jerusalem” nhanh chóng trở thành kinh điển và là một trong những kiệt tác chính trị-đạo đức học trong thế kỷ 20.
Hannah Arendt là một nữ triết gia nổi tiếng nhưng ít được biết đến ở Việt Nam, hy vọng thời gian tới cuốn sách quan trọng nhất của bà: “The Origins of Totalitarianism” (Nguồn gốc của chủ nghĩa độc tài toàn trị) sẽ được dịch ra tiếng Việt và phát hành.
Copy từ FB FB Pep Phnt- fb Chu Vĩnh Hải