”...thảm hoạ môi trường liên quan đến thuỷ ngân luôn diễn ra một cách khủng khiếp nhất, ví dụ thảm họa tại vùng vịnh Minamata của Nhật Bản với bệnh Minamata do công ty Chisso thải ra kinh hoàng không kém thảm họa hạt nhân ở Hiroshima. Rất nhiều người chết sớm, nhiều đứa trẻ dị tật, không có khả năng nhận thức… ra đời...”
Đỗ Cao Cường|
Nhiều báo, đài trong nước nghĩ rằng tôi chỉ là cái máy đưa tin nên họ để tôi một mình đi gặp các quan lớn, tướng tá… nhưng thực ra không phải vậy, khi gặp nhiều quan chức tôi có nói với họ rằng họ đang ăn chung thực phẩm, uống chung nguồn nước, thở chung bầu không khí ô nhiễm với dân làng, ngậm miệng ăn tiền là tội ác, chế độ nào rồi cũng sẽ qua đi nhưng con cháu chúng ta chỉ có một.
Tôi có nói với họ rằng nếu là người biết nghĩ (chứ không phải con ông cháu cha chạy bằng chạy chức tước đoạt cơ hội của người khác) thì trước khi khởi công xây dựng một nhà máy, hay một cụm công nghiệp nào đó, họ phải tính toán được khoảng cách an toàn giữa khu dân cư và nhà máy rồi mới nghĩ tới việc xây dựng.
Đôi khi, một chi tiết nhỏ cũng đủ khiến hàng triệu người Việt Nam còn sống đến bây giờ, chứ không phải chết trong đau đớn, người thân lâm cảnh nợ nần, túng quẫn, nạn nhân phải uống thuốc ung thư giả của VN Pharma - nơi em chồng bà bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm việc cho nó, và đến giờ này bà ấy vẫn bình yên, con trai bà Tiến thì mới được bổ nhiệm làm viện phó viện Pasteur TP.HCM ngày hôm qua như một lời thách đố dành cho những thân phận cam chịu ngành y cùng con dân nước Việt.
Rạng Đông - có ý nghĩa là bình minh, khi mặt trời chưa mọc những bóng đèn được thắp sáng muôn nơi để xua tan màn đêm tăm tối, nhưng thực tế không phải vậy.
Sau chuyến đi dài ngày qua nhiều tỉnh thành tôi có ghé thăm công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội. Vài người dân ở đây cho tôi biết họ được khám chữa bệnh miễn phí nhưng rất qua loa, họ muốn kiện, họ không hề hài lòng như lời ông chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói "dân không bức xúc gì".
Cuộc sống bị đảo lộn, nhiều người bỏ làm đi sơ tán, một số ở lại hít thuỷ ngân sống tạm qua ngày. Cùng những thân phận khốn khổ ấy là những phận người nhập cư nghèo khổ không biết bấu víu vào đâu. Ngọc Diệp, một giáo viên ở trọ sát cạnh công ty Rạng Đông cho tôi biết cô ấy đã đóng tiền nhà trước 3 tháng, bây giờ không biết đi đâu, về đâu.
Có một tội ác không thể tha thứ là thay vì kêu gọi sơ tán khẩn cấp, đền bù, khắc phục thảm hoạ, lãnh đạo công ty Rạng Đông lại quả quyết là họ dùng amalgam thay thế thủy ngân lỏng. Cho đến khi Tổng cục Môi trường khẳng định Công ty Rạng Đông dối trá, Rạng Đông đã thừa nhận dùng thủy ngân lỏng trong 480.000 sản phẩm đèn huỳnh quang thì sự thật mới vỡ lở, nhiều người dân sơ tán thì cũng đã muộn rồi.
Trong quá khứ, thảm hoạ môi trường liên quan đến thuỷ ngân luôn diễn ra một cách khủng khiếp nhất, ví dụ thảm họa tại vùng vịnh Minamata của Nhật Bản với bệnh Minamata do công ty Chisso thải ra kinh hoàng không kém thảm họa hạt nhân ở Hiroshima. Rất nhiều người chết sớm, nhiều đứa trẻ dị tật, không có khả năng nhận thức… ra đời.
Hà Nội rồi cũng sẽ như vậy, không chết trong ngày một ngày hai nhưng thuỷ ngân đã ngấm vào cơ thể của rất nhiều người, nguồn nước, bám vào thực phẩm, các loại động thực vật… không chỉ trong quận Thanh Xuân.
Rồi trong tương lai không xa, lại có thêm nhiều người chết trẻ, bại liệt, những hình hài dị dạng, mù, điếc… ra đời.
Gần đây, Hà Nội liên tục được giới khoa học công bố là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, vượt xa cả Bắc Kinh. Quận Thanh Xuân không chỉ có nhà máy Rạng Đông nằm sát nhà dân, Quận Thanh Xuân còn có nhiều nhà máy gây ô nhiễm nằm giữa khu dân cư như công ty Thuốc lá Thăng Long vẫn ngày đêm xả khói, bay thẳng vào phổi các nhà khoa học cho tới các em sinh viên khoa Sinh học trường Đại học Khoa học Tự nhiên...
Nói chung, cái chết đã được báo trước, có chuyển nhà ra chỗ khác thì cũng đã muộn rồi.