Quan điểm của Việt Tân về chuyến thăm Trung quốc của Tổng bí thư csvn Nguyễn Phú Trọng

Ông Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau khi Tập Cận Bình làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba, cho thấy vai trò quan trọng của Trung Quốc trong chính sách đối ngoại “đu dây" của Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
Trung Quốc đang giúp CSVN giữ quyền lực cai trị, họ cũng đã lợi dụng sự gắn bó về ý thức hệ cộng sản để giữ Việt Nam trong vòng kiểm soát. Vì vậy Tập Cận Bình sẽ tận dụng dịp ông Nguyễn Phú Trọng sang thăm để gây sức ép, lôi kéo CSVN gắn bó hơn với Trung Quốc và ngăn cản Hà Nội xích lại gần Mỹ.
 
Trong những năm cầm quyền của Tập Cận Bình, Trung Quốc liên tục có những hành động đe doạ lợi ích và an ninh của Việt Nam. Có thể kể đến: quân sự hoá các đảo nhân tạo, hạ đặt giàn khoan HD - 981, ép Việt Nam từ bỏ khai thác ở mỏ Cá Voi Xanh, bao vây Bãi Tư Chính, ban hành Luật Hải cảnh. Kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc sâu vào Trung Quốc với việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, chèn ép nông sản xuất khẩu và các dự án đầu tư đội vốn đầy tai tiếng.
 
Trong tương lai, Đảng Việt Tân nhận định Trung Quốc tiếp tục cứng rắn cướp đoạt chủ quyền của Việt Nam, dù quan hệ giữa hai đảng cộng sản có tốt đẹp đến đâu. Trung Quốc sẽ cậy sức mạnh quân sự để vi phạm luật pháp quốc tế, quân sự hoá các đảo nhân tạo, đe doạ tính mạng ngư dân Việt Nam và cản trở tự do hàng hải. Trước những tham vọng và dã tâm đến từ Trung Quốc, Đảng Việt Tân phản đối thái độ mềm yếu và thụ động của giới lãnh đạo CSVN hiện nay. Việt Tân cho rằng:
 
Thứ nhất: Việt Nam cần phải chủ động và cứng rắn trước những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh. Trong suốt thời gian cầm quyền, ông Nguyễn Phú Trọng chưa bao giờ lên án Trung Quốc dù quân đội nước này nhiều lần gây hấn, giết hại ngư dân Việt Nam. Thực tế cho thấy thái độ quá nhún nhường, tránh mất lòng Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng và bộ máy lãnh đạo CSVN không hiệu quả trong việc bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia.
 
Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm đảo và nước này còn đang tiếp tục đe doạ đánh chiếm hơn 20 tiền đồn khác ở Biển Đông. Đã đến lúc Việt Nam cần khởi kiện Trung Quốc ra Toà án Quốc tế, dù không có chế tài nào có thể ép buộc Trung Quốc phải thi hành bản án. Tuy nhiên, pháp luật quốc tế vẫn có sức mạnh ý nghĩa và Bắc Kinh không thể bất chấp công lý. Bởi lẽ các định chế quốc tế vẫn tồn tại và uy tín của nước này chắc chắn sẽ sụt giảm.
 
Thứ hai: Đảng Cộng sản Việt Nam cần chấm dứt tình trạng ngoại giao “đu dây”. Suốt nhiều năm qua, nhà cầm quyền Hà Nội luôn duy trì chính sách ngoại giao “đu dây" giữa Mỹ và Trung Quốc để tận dụng các chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, chiến lược này không thể duy trì lâu dài trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt.
 
Cuộc chiến tại Ukraine là bằng chứng cho thấy chính sách ngoại giao “đu dây" của Việt Nam đã lỗi thời. Trong đó, những lá phiếu trắng của nhà cầm quyền Việt Nam trở nên lạc lõng trước phần đông còn lại của thế giới và phản ánh sự vô trách nhiệm của Hà Nội trước vấn đề chung của nhân loại.
 
Thứ ba: Việt Nam cần nhanh chóng thoát khỏi vòng kiềm toả, lệ thuộc đến từ Trung Quốc bằng cách tăng cường đa phương hoá hợp tác kinh tế, chính trị, quân sự, công nghệ và ngoại giao. Sự lệ thuộc về kinh tế sẽ kéo theo sự lệ thuộc vào chính trị, rời xa Trung Quốc để hoà nhập với thế giới văn minh không chỉ tạo tư thế độc lập cho Việt Nam, còn giúp tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao tiêu chuẩn sản xuất hàng hoá.
 
Trên hết, nhà cầm quyền CSVN cần phải thật sự theo đuổi chính sách “dân giàu, nước mạnh”, nghĩa là tôn trọng nhân quyền, dân chủ. Có như vậy mới huy động được sự đoàn kết và sức mạnh toàn dân tộc bảo vệ đất nước trước nguy cơ xâm lược của thế lực ngoại bang.

Ban biên tập Việt Tân