Phỏng vấn Kỹ Sư Đỗ Hoàng Điềm, Chủ Tịch Đảng Việt Tân

WESTMINSTER - Trong những ngày vừa qua dư luận trong và ngoài nước ghi nhận một số sự kiện nổi bật tại Việt Nam, trong đó có việc nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam gia tăng bắt bớ, đàn áp những nhà đấu tranh dân chủ và việc bị Trung Cộng ép phải ngưng hợp đồng khai thác dầu khí với công ty dầu Repsol của Tây Ban Nha dù Việt Nam đã ký với họ. Vào lúc 2 giờ chiều thứ Năm, ngày 3 tháng 8, 2017, Viễn Đông đã phỏng vấn ông Điềm về hai sự kiện vừa nêu. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn của chúng tôi:

Kỹ sư Đỗ Hoàng Điềm, Chủ Tịch Đảng Việt Tân tại tòa soạn nhật báo Viễn Đông ngày thứ Năm, 3 tháng 8, 2017. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Viễn Đông: Gần đây nhà cầm quyền CSVN gia tăng bắt bớ, đàn áp những nhà đấu tranh dân chủ, những người bất đồng chính kiến. Ông có thể cho biết lý do tại sao?

Ô. Đỗ Hoàng Điềm: Thực sự, nếu chúng ta nhìn kỹ lại trong vòng 18 tháng qua, nếu lấy mốc điểm tháng 12, 2015 khi nhà cầm quyền CSVN bắt LS Nguyễn Văn Đài và cô Lê Thu Hà thì tính từ ngày 15 tháng 12 cho đến bây giờ là 18 tháng thì tổng số người bị họ bắt trên dưới hai mươi mấy người. Những người họ bắt đa số có tiếng tăm như chị Cấn Thị Thêu, chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, chị Trần Thị Nga và rất nhiều anh em dân chủ nữa bị bắt.

Trong tuần qua họ bắt thêm năm người là ông Lê Đình Lượng ở Nghệ An, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, ký giả Trương Minh Đức, ông Nguyễn Bắc Truyền và anh Phạm Văn Trội đều là những người cột trụ trong Hội Anh Em Dân Chủ. Có thể nói đợt bắt bớ kỳ này được coi là đợt bắt bớ nặng nề nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Sự bắt bớ này có lẽ có hai lý do: Lý do đầu tiên là nhà cầm quyền CSVN nhìn thấy trong lúc này chính phủ của Tổng Thống Trump nói hẳn ra miệng là ông không quan tâm những chuyện khác trên thế giới mà để thời gian lo vấn đề nội trị ở Mỹ, thành thử nhà cầm quyền CSVN cũng nghĩ rằng đây là cái khung thời gian thuận lợi cho họ để họ gia tăng đàn áp, bắt bớ vì lúc này thế giới không quan tâm lắm về vấn đề nhân quyền như mọi khi.

Thứ hai, chúng ta thấy rõ, mấy năm gần đây, sự phát triển về vấn đề dân chủ ở trong nước vẫn tiếp tục đi tới, và với những biến cố xảy ra gần đây từ sau vụ Formosa hồi năm ngoái và gần đây là cái vụ khoan dầu Biển Đông, nhà cầm quyền CSVN rất ngại sự bất mãn của quần chúng nên nhiều phần họ bắt những người hay nhóm nào mà họ nghĩ có khả năng tác động quần chúng cao thì họ bắt nhóm đó trước.

Một số họ quy kết cho vi phạm điều này điều kia trong bộ luật hình sự hay ghép cho tội “Tuyên truyền chống phá xã hội chủ nghĩa,” nhưng gần đây họ quy kết cho LS Nguyễn Văn Đài, ông Lê Đình Lượng, MS Nguyễn Trung Tôn là vi phạm điều 79 âm mưu lật đổ chính quyền. Rõ ràng đây là sự nâng cấp đàn áp những ai mà họ nghĩ có khả năng tác động quần chúng vì họ rất sợ sự phản kháng của người dân liên quan đến biển Đông

VĐ: Biết rõ âm mưu trên của nhà cầm quyền CSVN, Đảng Việt Tân do ông lãnh đạo có kế hoạch gì để ngăn chặn sự gia tăng bắt bớ đàn áp người dân trong nước?

Ông Điềm: Bây giờ chúng ta có hai việc, nghe qua thì như có sự tách bạch ra nhưng thật sự nó có sự liên kết với nhau. Về vấn đề Biển Đông, nhà cầm quyền CSVN phải buộc công ty Repsol của Tây Ban Nha ngưng không khoan dầu ở bãi Tư Chính nữa. Cho đến giờ phút này phía nhà cầm quyền CSVN vẫn giữ im lặng. Họ hoàn toàn không lên tiếng xác nhận điều này, cho thấy họ đã tuân lệnh Trung Cộng và không biết họ còn hứa hẹn gì với Trung Cộng nữa.

Theo nhiều nguồn tin cho biết, họ hứa với Trung quốc là sẽ không bao giờ khoan dầu ở bãi Tư Chính nữa. Đây là sự thiệt hại rất lớn cho chủ quyền của đất nước và quyền lợi của dân tộc VN. Chính vì họ biết đây là sự nhượng bộ quá lớn nên họ không dám công khai bạch hóa chuyện này, vì sợ nó sẽ tạo ra làn sóng phản đối, căm phẫn của người dân. Do đó, chúng tôi quan niệm là chúng ta phải quảng bá việc này một cách rộng rãi, không những ở trong nước mà còn đối với quốc tế nữa về thái độ quá yếu hèn của nhà cầm quyền CSVN đối với Trung quốc.

Việc thứ hai như chúng tôi vừa trình bày, là sự gia tăng bắt bớ. Sự bắt bớ này là họ cảm thấy có những cá nhân hay tổ chức mà họ nghĩ có khả năng tạo tác động quần chúng nhất là vấn đề Biển Đông. Do đó, chúng tôi nghĩ rằng chúng ta phải làm sao quảng bá với quốc tế. Tuy Hoa Kỳ lúc này còn đang đối phó với nhiều vấn đề nội bộ nhưng còn nhiều tổ chức khác như Liên Hiệp Quốc, như Khối Liên Âu. Rất nhiều nước khác họ sẽ lên tiếng ủng hộ cho vấn đề dân chủ hóa nếu chúng ta đẩy mạnh nỗ lực quảng bá cho quốc tế.

Cộng Đồng người Việt hải ngoại có khả năng gia tăng áp lực bằng cách phản kháng với những Tòa Đại Sứ, Lãnh Sự Việt Cộng nơi mình đang sinh sống và chính giới của nước mình đang ở, để có thể làm áp lực với CSVN. Chúng ta cũng có thể hỗ trợ anh em dân chủ trong nước về mặt pháp lý. Tóm lại, chúng ta có khá nhiều việc cần làm ngay để giải tỏa áp lực cho những người anh em dân chủ trong nước, đặc biệt những người vừa bị bắt.

VĐ: Việc Việt Nam đã ký hợp đồng với công ty dầu khí Repsol của Tây Ban Nha, nay họ buộc phải tuân lệnh Trung Cộng hủy bỏ hợp đồng. Hệ lụy sẽ ra sao thưa ông?

Ông Điềm: Việt Nam hiện có ba ký kết về khai thác dầu hỏa ở ngoài khơi, một là ký kết với công ty Repsol của Tây Ban Nha mà chúng ta đang nói tới, một ký kết thứ hai với công ty Vitas của Ấn Độ, và ký kết thứ ba với công ty Esson Mobil của Mỹ. Cho đến giờ phút này chỉ có ký kết với Tây Ban Nha là đang gặp trở ngại.
Công ty Repsol vừa khoan thì giữa tháng Sáu tướng Phạm Trường Long là Phó Chính Ủy Trung Ương Trung Cộng trong một chuyến công du Âu Châu có ghé Tây Ban Nha về vấn đề này. Sau đó, chúng ta biết tướng Phạm Trường Long đến Hà Nội có buổi viếng thăm chính thức VN, nhưng buổi viếng thăm đó bị cắt ngắn, thay vì ba ngày thì chỉ có một ngày, và lúc đó đã có dư luận cho biết Trung Cộng gây áp lực VN. Đầu tháng Bảy, công ty Repsol tuyên bố họ đã khám phá được cái mỏ khí đốt rất lớn tại lô 36 mà họ đang khoan , trị giá 1 tỷ đô-la, thì lập tức nhà cầm quyền CS Trung Hoa triệu tập Đại Sứ Việt Cộng ở Bắc Kinh để áp lực và tuyên bố nếu không ngưng khai thác dầu họ sẽ tấn công quân sự quần đảo Hoàng Sa.

Đó là diễn tiến chúng ta biết nhưng nhà cầm quyền CSVN không hề lên tiếng. Cho đến ngày 24 tháng 7 Bộ Chính Trị Đảng CSVN họp khẩn và tuyên bố ngưng khoan. Công ty Repsol ngày hôm nay [3 tháng 8] mới lên tiếng chính thức xác nhận có bị yêu cầu ngưng. Vậy câu hỏi nhà cầm quyền CSVN có phải bồi thường không? Câu trả lời là nếu Repsol không tiến hành khai thác được nữa thì phía VN phải bồi thường, vì Repsol đã bỏ ra 300 triệu cho dự án này rồi. Bên cạnh đó, tương lai VN khó chiêu dụ các tập đoàn dầu hỏa khác đến để khai thác, vì làm ăn với VN nguy hiểm quá!

VĐ: Phải chăng vào thời điểm này, VN mới dùng con bài Trịnh Xuân Thanh để làm cho người dân quên đi việc bị Trung Cộng ép phải yêu cầu Repsol của Tây Ban Nha ngưng khoan dầu, thưa ông?

Ông Điềm: Theo tôi “Không”. Cái việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức bây giờ chính phủ Đức đang phản ứng rất mạnh. Phải nói ngay, chỉ có những chế độ độc tài, bất chấp luật lệ quốc tế như Bắc Triều Tiên ám sát người anh của Kim Joung Un ở Mã Lai thì chỉ có CSVN mới làm cái việc bắt cóc người giữa thanh thiên bạch nhật tại Đức, và theo chúng tôi nghĩ đây là cả một cái chuỗi để họ thanh toán nội bộ nhau. Chúng ta biết vào Đại Hội Đảng vào tháng 2, 2016 liên minh Đinh Thế Huynh và Nguyễn Phú Trọng đã thành công trong việc hạ bệ Nguyễn Tấn Dũng và đẩy Nguyễn Tấn Dũng đi, nhưng tay chân của Nguyễn Tấn Dũng còn nằm đầy trong chính quyền nên trong vòng 18 tháng qua, phe Trọng liên tục chận đánh những vây cánh của Nguyễn Tấn Dũng, như chúng ta thấy họ loại Đinh La Thăng, và mới đây nhất là Trầm Bê, đó là cái chuỗi thanh toán nội bộ.

Cho nên dù có chuyện Biển Đông hay không, trước sau gì họ cũng phải giải quyết cái vụ này. Tuy nhiên, vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh lúc này nó cũng có một tác dụng phụ như ông nói, phần nào đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề mà CSVN đang muốn dấu nhẹm cái việc bị Trung Cộng bắt ép buộc phải ngừng khai thác dầu trên vùng chủ quyền của mình.

VĐ: Liệu Nguyễn Tấn Dũng với những vây cánh còn đang tại chức trong chính quyền và quân đội, liệu ông ta có chịu để bị phe Nguyễn Phú Trọng trói chân tay?

Ông Điềm: Những gì xảy ra trong 18 tháng qua cho thấy phe Nguyễn Tấn Dũng đang thất thế. Rõ ràng Nguyễn Tấn Dũng đã cố gắng đến phút chót trụ lại trong cái đại hội vừa rồi nhưng không thành công và bị đẩy đi. Suốt thời gian qua, vây cánh bị cắt từ từ nên Nguyễn Tấn Dũng hiện nay đang bị cô lập nên tôi nghĩ xác xuất Nguyễn Tấn Dũng phản công lại là rất thấp.

VĐ: Trong vụ Trịnh Xuân Thanh, trước khi bị bắt cóc về VN, ông ta đã khai ra rất nhiều chuyện tham nhũng có liên quan đến cả Nguyễn Phú Trọng. Theo ông, liệu Nguyễn Phú Trọng có để yên cho Trịnh Xuân Thanh cung khai trước dư luận trong những ngày sắp tới?

Ông Điềm: Việc CSVN bằng mọi cách phải bắt cho bằng được Trịnh Xuân Thanh cho thấy họ rất sợ những gì Trịnh Xuân Thanh sẽ nói ra, nên tôi không ngạc nhiên khi thấy Trịnh Xuân Thanh sẽ giữ im lặng trong những ngày tới.

VĐ: Là một người lãnh đạo tổ chức chính trị, ông có nhận định gì về tương lai VN trong những ngày sắp tới?

Ông Điềm: Sự bắt bớ của nhà cầm quyền CSVN trong những ngày qua quả là sự bắt bớ nặng nề nhất so với sự bắt bớ cách nay đúng 10 năm khi họ bắt cha Lý và một số đông người bất đồng chính kiến trong năm 2007, nhưng chúng ta thấy phong trào dân chủ ở VN 10 năm trước còn yếu hơn bây giờ nhiều, vậy mà vẫn vượt qua được và càng ngày càng mạnh mẽ hơn nên tôi lạc quan tin rằng phong trào dân chủ ở VN sẽ vượt qua được như chúng ta đã vượt qua được 10 năm trước.

Điều thứ hai, chúng ta thấy rõ những năm qua khả năng kiểm soát xã hội của đảng CSVN đã giảm sút rõ rệt. Vì trong 10 năm qua sự phát triển về truyền thông nhất là Facebook, càng ngày càng thực sự phá tung bức màn bưng bít thông tin cho phép người dân VN chúng ta có điều kiện truy cập thông tin để được tụ tập mặc dù tụ tập trên mạng. Cách nay 10 năm, người sử dụng Facebook ở VN chưa tới 1 triệu người, nay tăng lên gần 40 triệu người, thật là sự tăng trưởng khủng khiếp, cho chúng ta thấy cái sự kiểm sóat của chính quyền CSVN, và chúng ta có quyền tin rằng chính quyền CSVN ngày càng mất dần sự tin tưởng của người dân trong nước và quốc tế. Phong trào dân chủ càng ngày càng lớn mạnh hơn nữa và cán cân sức mạnh dân chủ đang chuyển dần về phía người dân VN, và chính quyền CSVN đang mất dần sự kiểm soát.

VĐ: Cám ơn kỹ sư Đỗ Hoàng Điềm đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn của chúng tôi.

Ông Điềm: Cám ơn Ban Giám Đốc nhật báo Viễn Đông và cám ơn anh.

* nguồn: http://www.viendongdaily.com/phong-van-ky-su-do-hoang-diem-…