Phản Cảm

Nói thật, tôi thấy báo chí nhà nước tuyên truyền rầm rộ việc các cụ bà 80-90 tuổi nhịn ăn, những em bé đập heo đất để ủng hộ chống dịch cúm viêm phổi Vũ Hán mà thấy buồn. Buồn vì nó có chi đó mỉa mai và phản cảm.
Dịch cúm và những hậu quả to lớn của nó đã tác động đến mọi người dân, đặc biệt những người lao động nghèo được xem là tầng lớp bị tổn thương nhiều nhất, bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Thật xúc động khi nhìn những người chạy xe ôm, grab, người nghèo vô gia cư ngày ngày đến các điểm phát cơm từ thiện với những bước đi thất thểu và xiêu vẹo, chưa biết ngày mai sẽ ra sao... Chẳng ai biết rằng bao giờ dịch cúm mới bị khống chế, lòng từ tâm của những mạnh thường quân kéo dài được bao lâu? Sẽ còn bao nhiêu mảnh đời bất hạnh nổi trôi cùng sự phát tán của con virus quái ác?
Kêu gọi lòng từ thiện là cần thiết, nhưng đừng xoáy vào những cụ già, những em bé, những đối tượng lẽ ra được xã hội ưu ái, dành cho những gì tốt đẹp nhất lúc bình thường huống chi là trong những ngày dịch giã này! Thật xấu hổ, những “điển hình” được báo chí lăng xê đã bị dân mạng vạch trần đó chỉ là những sản phẩm tuyên truyền, rất xa sự thật ngoài đời. Cụ bà sống neo đơn không nơi nương tựa mà vàng đeo đầy mình, còn em bé có hơn trăm triệu bỏ heo đất có lẽ không thuộc con em tầng lớp cần lao!
Theo tôi, nếu cần tuyên truyền báo chí nên viết về những người giàu có, dư ăn sẵn để, lúc này chính là lúc quý vị cần mở hầu bao, phát tâm giúp đỡ người nghèo, cũng là lúc người giàu bày tỏ sự tri ân cuộc đời đã giúp họ, cho họ những cơ hội...
Đằng này, dù là sản phẩm của tuyên truyền nhưng có vẻ như đang tác dụng ngược, nhiều người đặt câu hỏi: sao các cụ già các em bé lại giàu lòng nhân ái vậy mà không thấy ông bà quan chức nào bỏ ra một ít của cải lâu nay vơ vét được để tạo nguồn lực cùng chính phủ chống dịch? Người dân đều biết rằng, dù được gọi là đầy tớ, là công bộc của dân nhưng ai cũng nhà cao cửa rộng, giàu có sung túc, có người mỗi ngày hút vài ba điếu xì gà mỗi điếu trên chục triệu, nhưng có ai bỏ ra một đồng cắc nào gọi là bố thí?
Nhìn những người dân, những doanh nhân dù đang khốn khó vẫn lai láng tình người, không ồn ào náo động, họ âm thầm chia sẻ với đồng bào mình trong những thời khắc cùng cực này càng thấy day dứt khi nghĩ về cái sự trớ trêu của cuộc đời...

*****

Phi lộ: Khi tôi viết tút “Phản cảm”, có người còm hỏi tôi đã làm gì cho Tổ quốc mà xói mói, bắt bẻ người khác. Ý là chỉ trích bọn quan chức tham nhũng không chịu bỏ cùa tiền ra để cùng chính phủ chống dịch. Tôi xin trả lời: Khoan nói chuyện làm từ thiện, chỉ riêng việc ngăn chặn tuyên truyền phản cảm tôi đã làm từ hơn 30 năm trước.
Tút này rút từ “Chuyện nghề” chưa xuất bản của tôi...

 

LẠI NÓI VỀ TUYÊN TRUYỀN PHẢN CẢM

Năm 1987, sau khi tốt nghiệp khoa ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Huế tôi được nhận vào làm việc tại báo Bình Trị Thiên. Công việc đầu tiên của tôi là làm biên tập. Chẳng phải mình tài cán gì mà có lẽ hồi ấy anh em giỏi nghề ra trường trước tôi thích làm phóng viên hơn. Tôi làm việc dưới sự điều hành và dìu dắt của anh Nguyễn Tân Dân (bút danh của anh là Trần Đàn). Tôi phải dùng từ dìu dắt vì đây là công việc quá mới mẻ với tôi, chưa bao giờ làm, còn viết báo thì tôi đã được đăng một số bài trước đó. Nói về nghiệp vụ biên tập thì anh Dân đã thuộc giới thượng thừa, rất tận tâm với công việc, tận tình chỉ vẽ anh em trẻ, nhưng tính cách thì rất lãng tử, nghệ sĩ.

Hôm đó tôi nhận được từ tay anh Dân một bài viết của một cộng tác viên từ Vĩnh Linh, Quảng Trị gửi vào (trụ sở báo BTT đặt ở số 2 Phùng Hưng, Huế), tôi còn nhớ đầu đề bài viết theo dạng “gương người tốt việc tốt”: CHÁY NHÀ NHƯNG VẪN DẠY... chuyện lâu quá rồi tôi chỉ nhớ mang máng, đại loại là có một thầy giáo cấp hai, nhà gần trường, đang dạy thì có người chạy đến báo nhà đang cháy, (hồi đó nhà chỉ tranh tre nứa lá, chẳng mấy ai có nhà xây), mọi người đang cứu chữa, vợ nhờ người chạy sang báo thầy phải về gấp. Nhưng vì yêu nghề, vì đang giảng bài dở, thầy không về mà tiếp tục giảng nốt cho xong, khi hết tiết thầy về thì ngôi nhà cũng như toàn bộ tài sản chỉ còn là đống tro tàn...

Tôi đọc đi đọc lại bài viết, nói chung văn phong mướt mát, trôi chảy, có vẻ tác giả là người đã từng viết báo, chắc là cộng tác viên lâu năm. Về nội dung bài viết, thoạt đầu tôi có chút xúc động, cảm phục nhưng càng đọc càng thấy có điều gì không ổn. Nhiều câu hỏi loé lên trong đầu tôi, cha ông mình hay nói, “sống cái nhà, thác cái mồ”, với người Việt mình nhà còn gọi là mái ấm, tổ ấm. Từ ghép nước nhà có hai thành tố “nước” và “nhà” để chỉ Tổ quốc thiêng liêng... nói chung mái nhà là vô cùng quan trọng với con người, từ yêu nhà, yêu gia đình mới có tình yêu đồng bào, Tổ quốc. Do đó khi đọc bài viết này trong tôi gợn gợn lên một điều không thật, nếu không nói đó là một sự là lạnh lùng, nhẫn tâm!

Vì vậy, tôi đem việc này trao đổi với anh Nguyễn Tân Dân, anh đọc bài viết một cách cẩn trọng và đồng ý với tôi, không đăng lên báo một tấm gương người tốt việc tốt!
Chuyện cũng đơn giản vậy và mau chóng trôi qua đi, không ai nhớ làm gì vì bị cuốn theo biết bao công việc bộn bề của một toà soạn báo tỉnh thuộc loại tỉnh to của cả nước lúc bấy giờ.

Thế rồi một ngày khá lâu sau đó, chú Phạm Xuân Thích Tổng biên tập cho gọi bộ phận toà soạn lên làm việc. Chú Thích là một lãnh đạo báo rất giỏi nghiệp vụ, và thích đối thoại, có chuyện chi chú cũng ba mặt một lời giải quyết rất thấu tình đạt lý, anh em dưới quyền chú rất ngại nhưng hết sức nể phục, đúng hơn là “tâm phục khẩu phục”. Hôm đó anh Dân đi vắng, chỉ mình tôi lên gặp lãnh đạo. Tôi vào phòng chú, thấy một người tầm thước, đeo kính trắng ngồi đó vẻ mặt khá căng thẳng. Sau vài câu mở đầu, tôi biết ông chính là tác giả của bài viết “Cháy nhà nhưng vẫn dạy...”. Không biết ông có việc gì ghé toà soạn hay băng bộ từ Vĩnh Linh vô Huế để hỏi cho ra nhẽ vì sao “bài báo hay và chân thực vậy”- theo như lời ông, mà không được đăng. Chờ ông nói xong, chú Thích chỉ sang tôi, yêu cầu “giải trình”.

Với tính cách thẳng thắn, tôi trình bày toàn bộ suy nghĩ của mình về bài viết cũng như đã trao đổi với thư ký toà soạn và được anh Dân ủng hộ. Và nói thêm, “cháu nghĩ cái nhà mình mà mình không biết quý thì thử hỏi những tài sản của người khác, của xã hội có ý nghĩa gì? Không thương bản thân mình thì cũng phải thương vợ con chứ? (xin mở ngoặc lúc đó tôi chưa có vợ con gì nhé)... Cháu thấy nếu đăng bài này lên báo sẽ không có tác dụng giáo dục!

Nghe tôi trình bày xong, chú Thích im lặng một lúc rồi gật gù, “rứa à, rứa à, tui không biết nơi tề. Tr. nói đúng đó. Chao ui, chi lạ rứa, anh viết về mình à, tui không ngờ nơi tề, anh viết chi lạ rứa...”
Tôi thấy mặt ông khách đuỗn ra. Và biết thêm chính ông là tác giả bài viết khen ngợi mình dưới một bút danh khác...

Sau đó trong một cuộc họp chuyên môn, chú Thích đã khen tôi dám để lại không đăng lên báo một bài viết tuyên truyền phản cảm! Chuyện này chắc anh Tân Dân và một số anh em toà soạn báo Dân- Bình Trị Thiên vẫn còn nhớ!

Đức Truật Hoàng