Lê Tây Sơn (SGN)
Ngày 3 Tháng Hai 2023, trên bầu trời tiểu bang South Carolina, một máy bay chiến đấu F-22 Raptor cất cánh từ Căn cứ Không quân Langley thuộc tiểu bang Virginia đã “tiêu diệt gọn” khinh khí cầu do thám Trung Quốc bằng hỏa tiễn không đối không AIM-9. Đây là một trong số lần hiếm hoi nó xuất kích. F-22 Raptor được đánh giá là “chiếc máy bay tuyệt vời”, đến mức Mỹ không bán F-22 Raptor cho bất kỳ quốc gia nào…
Bất khả chiến bại
Là máy bay tàng hình thế hệ thứ 5, F-22 tích hợp một số công nghệ đáng kinh ngạc. Đạt tốc độ siêu thanh với khả năng cơ động cao, F-22 Raptor được xem là vũ khí không chiến tốt nhất thế giới. Nhưng nó cũng là máy bay rất kỳ lạ ở một số khía cạnh. Dù là máy bay “đáng gờm” nhất trong tác chiến trên không, nhưng Ngũ Giác Đài quyết định chỉ mua 186 F22 Raptor trong 750 chiếc dự tính ban đầu. Ngoài ra, Quốc hội cũng ngăn chặn bất kỳ người mua tiềm năng nào, cấm công ty Lockheed Martin (nơi sản xuất F-22 Raptor) bán nó cho nước ngoài.
Ra mắt vào năm 2005 để thay thế thế hệ F-15 Eagle già nua, F-22 Raptor được kỳ vọng sẽ trở thành máy bay không chiến thế hệ của Mỹ đến tận thập niên 2040. Đa chức năng, F-22 Raptor là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 đầu tiên cất cánh. Nó kết hợp một số công nghệ tiên tiến nhất, như có các cảm biến để “nhận thức tình huống chiến trường trong thời gian thực”.
Khung máy bay cơ động cao, có thể bay ở tốc độ siêu thanh mà không cần sử dụng động cơ đốt sau. Điều làm cho F-22 trở nên “bất khả chiến bại” trong một trận không chiến (dogfight) là khả năng véc-tơ lực đẩy (thrust vectoring capabilities) của nó. Hai động cơ của máy bay với các vòi được thiết kế đặc biệt ở hai đầu có thể di chuyển trên mặt phẳng thẳng đứng để tạo lực đẩy 70,000 pound theo một hướng ngay cả khi máy bay đang bay về hướng khác.
Nhờ vậy, F-22 Raptor có thể thực hiện một số màn nhào lộn ấn tượng và tận dụng góc tấn công cực khó trong một trận không chiến. Về các loại vũ khí đạn dược mang theo, F-22 Raptor cũng khá linh hoạt. Để tuần tra chiến đấu trên không, nó được trang bị hai hỏa tiễn không đối không tầm nhiệt AIM-9 Sidewinder và sáu hỏa tiễn dẫn đường bằng radar AIM-120 AMRAAM. Trong nhiệm vụ hỗ trợ trên không hoặc tấn công chính xác, F-22 Raptor có thể mang theo hai quả bom lớn JDAM GBU-32 nặng 1,000 pound hoặc tám quả bom nhỏ 250 pound, ngoài bộ đôi AIM-9 và AIM-120 nói ở trên. Ngoài ra, khẩu pháo M61A2 20 ly với 480 viên đạn cũng là một đối thủ đáng sợ trong các trận không chiến.
Điều quan trọng không kém, F-22 Raptor có thể chất đầy đủ các hỏa lực nói trên trong ba khoang vũ khí mà không phải “hy sinh” bất kỳ khả năng tàng hình nào bên ngoài; lợi hại hơn nhiều so với máy bay chiến đấu tàng hình F-35 chỉ có thể mang theo bốn vũ khí trong hai khoang bên trong. Với trần bay (độ cao tối đa) 50,000 feet và tầm bay gần 1,900 dặm (hai thùng nhiên liệu bên ngoài hạn chế phần nào khả năng tàng hình của nó), F-22 Raptor có thể bay với tốc độ trên Mach 2.
Tại sao Ngũ Giác Đài ngưng chương trình F-22 Raptor?
Tuy nhiên, bất chấp những ưu điểm “không thể nghi ngờ” của máy bay, chương trình F-22 Raptor chỉ tồn tại một thời gian ngắn. Như trong nhiều trường hợp, cái chết của nó liên quan đến quyết định của con người.
Hay nói rõ hơn, F-22 Raptor là một chiếc máy bay “xui xẻo”. Được thử thách đầu tiên tại chiến trường Afghanistan và Iraq, nó gần như lạc lõng vì không có nhiều việc để làm, không có kẻ thù xứng tầm để chiến đấu. Khi Ngũ Giác Đài đổ hàng ngàn tỷ đôla vào cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu (Global War on Terror-GWOT), ưu thế trên không và các thuộc tính tàng hình của F-22 gần như không có giá trị gì trước các kẻ thù “đồng phục còn không có” chứ nói gì đến máy bay chiến đấu dã chiến, máy bay chiến đấu tiên tiến, hệ thống hỏa tiễn đối không hoặc radar.
Nếu lợi ích sẽ chứng minh cho ngân sách thì các mối đe dọa hiện hữu sẽ xác định lợi ích. Không có lợi ích nên F-22 Raptor không có ngân sách sản xuất, biến nó thành một trong những máy bay “xui xẻo” nhất mọi thời! Nó có những khả năng phi thường nhưng chỉ được đối mặt với những kẻ thù hầu như không đủ tiềm lực để thử nghiệm công nghệ mới, dù nước Mỹ không thiếu kẻ thù.
Trong 186 chiếc F-22 Raptor được giao cho Không Lực Hoa Kỳ, chỉ có khoảng 130 chiếc từng cất cánh. Kết quả, máy bay đang đối mặt với nguy cơ… “tuyệt chủng”! Hiện chỉ còn ít hơn 100 chiếc F-22 trong tư thế sẵn chiến đấu. Mỗi khi một chiếc Raptor bay, nó sẽ sớm về hưu hơn vì thiếu phụ tùng thay thế. Năm 2011, chiếc Raptor cuối cùng đã lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất của Lockheed Martin và công ty phải cắt giảm nhân công để dồn vào chương trình sản xuất F-35.
Suốt nhiều năm, Israel, Nhật Bản và Úc nhiều lần đề nghị Ngũ Giác Đài bán F-22 Raptor, nhưng lần nào họ cũng bị từ chối. Thậm chí năm 1998, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu thông qua một luật sửa đổi cấm bán F-22 Raptor cho nước ngoài. Không giống như phần lớn máy bay quân sự của Mỹ, F-22 Raptor không bao giờ được thiết kế để xuất khẩu.
Nó có các công nghệ được phân loại mật và được sản xuất thông qua những phương pháp sản xuất tiên tiến nhất mà Mỹ không bao giờ muốn để lộ. Cho đến nay, Mỹ vẫn là nước dẫn đầu thế giới về công nghệ hàng không tàng hình. Trung Quốc và Nga luôn âm mưu đánh cắp công nghệ Mỹ để thúc đẩy công nghiệp hàng không tư nhân và quân sự và họ đã nhiều lần thành công mà đáng chú ý nhất là việc Trung Quốc dùng gián điệp mạng và nội gián để có được các bản thiết kế F-35, F-22 và C-130 vào năm 2016 – SandBoxx cho biết.
Một vấn đề khác, xuất khẩu máy bay quân sự của Mỹ đã gây nguy hiểm cho chính Mỹ trong quá khứ nên giờ đây Mỹ rất thận trọng. Iran vẫn đang bay những chiếc F-14 Tomcat do Mỹ sản xuất mà Quốc vương bị lật đổ Shah đã mua trước cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979; trong khi quốc gia Venezuela độc tài đang bảo vệ bầu trời của họ bằng những chiếc F-16 do Mỹ sản xuất mà họ mua vào thập niên 1980. Máy bay chiến đấu J-10 hiện đại của Trung Quốc chủ yếu dựa vào F-16 của Mỹ sau khi Mỹ xuất khẩu chúng cho Israel (khi chương trình máy bay chiến đấu Lavi bị giải thể, Israel đã bán những công nghệ đó cho Trung Quốc!).