Nhạc sĩ Tuấn Khanh -
|Hơn 120 năm trước, trong một xã hội nước Pháp còn lắm nhiễu nhương, nhà văn Emile Zola (1840-1902) đã từng mượn tờ báo L’Aurore để viết lá thư ngỏ gửi tổng thống Félix Faure và cho cả toàn dân Pháp, nhằm tố cáo một sự cấu kết giữa tòa án và quân đội để kết tội tù chung thân đối với một sĩ quan là Alfred Dreyfus.
Lá thư đó, nằm ở trang nhất, có tiêu đề J’Accuse! (tôi tố cáo) đã dấy lên một làn sóng phẫn nộ trong dân chúng về tình trạng ghép đặt tội trạng tùy tiện, sự đồi bại của giới cầm quyền và công an, quân đội khi chà đạp lên luật pháp và con người. Ở vị trí là một nhà văn, chỉ có cây bút, Emile Zola đã ra mặt thách thức cả quân đội và ngành tư pháp, kêu gọi họ trả lại công lý cho người bị hại. J’Accuse! vào năm 1898 trở thành bài học công chính, danh dự và quyền tự do ngôn luận cho chỉ cho nước Pháp, mà nhiều quốc gia khác, trăm năm về sau.
Từ vụ án bất minh và bi thảm đối với ông Lê Đình Kình vào ngày 9/1/2020 tại Đồng Tâm, nhà văn Nguyên Ngọc cũng mượn ý của Emile Zola, đưa ra lá thư của mình, có tên Tôi Tố Cáo, nhằm đánh động lại sự kiện, yêu cầu nhà cầm quyền phải có một thái độ đúng của một nhà nước, phải cho điều tra việc giết hại một công dân 84 tuổi ngay tại nhà của ông ta.
Lá thư của nhà văn Nguyên Ngọc được đưa ra vào ngày 4/2/2020, trong bối cảnh xã hội rối ren vì dịch bệnh, nhằm không để cho những kẻ giết người có thể tránh né được tòa án của nhân dân. Không những vậy, ông còn nhắn gửi “Là công dân Việt Nam, là nhà văn Việt Nam, tôi tố cáo tội ác trời không dung đất không tha này trước toàn dân Việt Nam và thế giới. Tôi thiết tha kêu gọi mọi bậc trí giả trong nước và trên thế giới cùng mọi người có lương tri lên án tội ác man dại này và ngăn chặn nó có thể tái diễn bất cứ ở đâu”.
Trong cuộc trò chuyện kỷ niệm một tháng, ngày thảm nạn Đồng Tâm, nhà văn Nguyên Ngọc đã gửi chút tâm tình, giải thích về những lý do buộc ông phải viết lá thư này.
Trên đất nước này rõ ràng đã có một vụ án giết ông Lê Đình Kình. Một mặt người ta đang cố để mọi thứ chìm dần, một mặt thì lại vu cáo ông ấy là kẻ ác. Nhưng việc tấn công vào làng Đồng Tâm lại không hề có một căn cứ pháp lý nào cả. Báo chí nhà nước thì đồng loạt đặt tên ông Kình cầm đầu nhóm phiến loạn, nhóm khủng bố… nhưng lại không có một cơ quan pháp luật nào khẳng định điều đó. Điều đó cho thấy 3000 cảnh sát cơ động không thể tổ chức tấn công và giết người từ những dư luận linh tinh, từ những tin đồn.
Đã vậy 3 lần giải thích của Bộ Công An đều cho thấy cuộc tấn công vào thôn Hoành không hề có lệnh của tòa án, viện kiểm sát hay công an… vậy thì phải chăng mục đích cuộc tấn công đó chỉ để nhằm giết người có chủ đích? Kịch bản của cuộc tấn công cho thấy rõ: họ cô lập mọi gia đình chung quanh nhà ông Kình, dùng thuốc nổ phá cửa, tấn công bắt người và tra tấn, và giết.
Người ta tìm thấy một cái bao đầy quần áo đầy máu, mà chúng dùng để lau dọn phi tang vụ tra tấn. Sau đó chúng dùng súng bắn vào ông. Cái phát súng bắn vào tim đó – tôi là bộ đội, tôi biết rõ – vết thương cho thấy phát súng đó bắn gọn, bắn rất gần, kê thẳng vào ngực mà bắn. Vết đạn sắc gọn, không nở toét ra như bắn từ xa. Họ còn bắn thêm vào đầu, bắn vào chân.
Đó là lý do tôi nói rằng đã có một vụ án giết công dân.
Điều đáng nói là 3 lần thông báo của Bộ Công an, nhằm giải thích cho vụ thảm sát này, đều là nội dung bất nhất. Lần đầu họ nói đang xây tường ở đồng Sênh thì bị lực lượng của ông Kình tấn công nên đã xung đột, và ông Kình chết tại đồng Sênh. Lần thứ hai, họ nói là đi tuần vào làng thì bị tấn công, và ông Kình chết. Lần thứ ba thì đến ông tướng công an Lương Tam Quang, mới nói thật là ông Kình bị giết chết tại nhà. Tất cả những chuyện này, rõ là ám muội.
Đó là chưa nói vụ 3 người công an chết khi tấn công vào thôn Hoành, mà đến giờ này chỉ nghe đổ lỗi chứ không có một cuộc điều tra nào xừng đáng với cái chết của họ.
Theo tôi, không cần biết như thế nào, vì có một vụ án làm chấn động dư luận nên chính quyền phải mở một cuộc điều tra minh bạch và công khai về vụ án này.
Trước đây đã có nhiều lần các nhóm nhân sĩ trí thức lên tiếng, cùng ký thư… ông cũng đã có tham gia, vào vì sao, lần này lại là một mình ông?
Tôi lấy danh nghĩa của một công dân, và là một nhà văn để lên tiếng, tương tự như Emile Zola với J’Acusse. Giữa tình hình truyền thông nhà nước đang đơm đặt và bẻ cong ý nghĩa về sự sát hại cụ Lê Đình Kình, tôi mong là lời tố cáo của tôi một lần nữa sẽ khuấy động được dư luận nhìn lại sự kiện này. Tôi cũng hy vọng giới nhân sĩ trí thức Việt Nam, với lương tâm của mình, cũng sẽ cùng hợp sức kêu gọi nhà nước phải mở một cuộc điều tra rõ ràng, độc lập và minh bạch trước tội ác này.
Sự kiện chấn động này khiến dư luận hoang mang. Người ta nói với nhau không hiểu vì sao một việc làm càn quấy ở cấp nhà nước lại có thể diễn ra như vậy. Liệu đây có là hành động sai lầm của riêng một cá nhân hay một nhóm người không?
Có rất nhiều thứ để người dân suy đoán từ sự kiện này. Người ta bàn tán khắp nơi, rằng lệnh này của ông Trọng hay của ông Phúc, hay của ông Tô Lâm? Có người nói ông Trọng không biết gì, bị đưa thông tin một chiều nên làm theo sự sắp xếp nào đó. Có người nói ông Phúc ba phải nên theo mà không đánh giá hết tình hình… Nhưng tôi không muốn bàn đến những chuyện như vậy. Mọi thứ lúc này cần là sự kiện đúng và rõ ràng từ nhà nước đưa ra cho người dân, chứ người dân thì không thể xác định chân dung nhà nước bằng những tin đồn.
Tôi chỉ xác nhận rằng trên đất nước này đã xảy ra một vụ án tàn bạo mà không có dựa trên bất kỳ chứng cứ pháp lý gì cả. Cần phải có điều tra, phải có tòa án. Tôi muốn gửi lời tố cáo của mình đến người dân Việt Nam và cả thế giới. Mọi thứ không thể đi qua và trở thành hợp lý từ tuyên truyền một chiều. Đất nước này cần phải có luật pháp.