Hàng chục nghìn người dân Sri Lanka đồng lòng nỗi dậy phế truất giới lãnh đạo bất tài, tham nhũng. Trong suốt nhiều năm, đất nước Sri Lanka được điều hành bởi hệ thống quan chức chỉ chăm chỉ vun vén đặc lợi và làm chư hầu cho Trung Quốc.
Sri Lanka đang rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từng thấy. 22 triệu dân của nước này thường phải chịu cảnh mất điện kéo dài đến 12 giờ, tình trạng khan hiếm nghiêm trọng thực phẩm, nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu khác. Lạm phát đạt mức kỷ lục 53,6 % vào Tháng Sáu, 2022, và có thể tiếp tục tăng thêm, đẩy giá cả hàng hoá cao vượt khả năng thanh toán của người dân.
Giọt nước tràn ly, hôm 9 Tháng Bảy, 2022, hàng chục nghìn người dân Sri Lanka đổ ra đường biểu tình và chiếm Phủ Tổng thống ở Thủ đô Colombo. Những người biểu tình thậm chí đã phóng hỏa nhà riêng của Thủ tướng Wickremesinghe. Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã phải bỏ trốn và đang ẩn náu ở địa điểm bí mật.
Không ít các chuyên gia tin rằng chiến lược "ngoại giao bẫy nợ" của Trung Quốc là tác nhân quan trọng dẫn đến cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc liên tục cung cấp các khoản vay khổng lồ cho Sri Lanka để tạo đòn bẩy chính trị. Đến khi Sri Lanka thiếu khả năng chi trả, Trung Quốc dễ dàng chi phối.
Một trong những dự án đẩy Sri Lanka đến bờ vực khủng hoảng đó là các vụ vỡ nợ đối với các khoản vay liên quan đến cơ sở hạ tầng của Trung Quốc. Đặc biệt là khoản vay đầu tư dự án xây dựng cảng Hambantota.
Ngân hàng Exim Trung Quốc đã đầu tư 1 tỷ USD cho Sri Lanka xây dựng cảng Hambantota. Tuy nhiên, trung bình mỗi ngày hải cảng này chỉ tiếp nhận 1 tàu, thảm hại tới nỗi mà Hambantota bị đặt biệt danh là “hải cảng trống vắng nhất thế giới”. Nguồn thu không có nên chính quyền Sri Lanka không thể trả nợ cho Trung Quốc. Giữa lúc hoạt động thua lỗ, Sri Lanka đã giao lại cho Trung Quốc trong 99 năm. Từ đó, hàng loạt tàu quân sự Trung Quốc đã đến neo đậu ở các cảng Sri Lanka.
Mặc dù đã phải gán nợ cảng biển Hambantota, Sri Lanka vẫn ngập chìm trong nợ Trung Quốc, khoảng 8 tỷ USD. Ngân sách vốn đã cạn kiệt, nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, Sri Lanka này phải trả tới 2 tỷ USD tiền lãi. Trong khi đó, thu ngân sách cả nước chỉ vẻn vẹn 5 tỷ USD. Thậm chí, hãng tin Reuter cho biết trong năm 2019 Sri Lanka phải trả Trung Quốc hơn 4 tỷ USD tiền lãi.
Năm 2013, Trung Quốc công bố sáng kiến “Vành đai và Con đường” 1.000 tỷ USD với những dự án hạ tầng lớn ở Nam Á và châu Phi. Chương trình này đang đẩy các quốc gia chìm ngập trong hố sâu nợ nần. Có thể kể đến các quốc gia bị biến thành con nợ mất khả năng chi trả của Trung Quốc, như: Kenya, Uganda, Zambia, Ethiopia, Pakistan, Djibouti, Angola, Zimbabwe, Namibia,... Hầu hết các khoản cho vay của Trung Quốc rất mù mờ, không được công khai cụ thể.
Đến nay, đang có quá nhiều bài học đắng cay khiến không ít quốc gia đang phải chùn tay trước các khoản vay đến từ Trung Quốc. Trong đó, Tanzania hủy hợp đồng vay Trung Quốc 7,6 tỷ USD để xây tuyến đường sắt dài 2.200 km, Bangladesh hủy dự án xây đường cao tốc 2 tỷ USD do một công ty nhà nước Trung Quốc thực hiện, Malaysia xem xét lại các dự án 20 tỷ USD vay từ Trung Quốc do chính phủ nhiệm kỳ trước, Philippines cũng báo động vì nguy cơ vay nợ Trung Quốc và mất quyền kiểm soát tài sản quốc gia.
"Sử dụng công cụ kinh tế để thúc đẩy lợi ích địa chính trị chiến lược là tuyệt chiêu của Trung Quốc”, chuyên gia phân tích Ấn Độ Chellaney nhận định.
Ngô Đồng