Nếu tôi được mời ‘gặp’ ông Nguyễn Phú Trọng…

Chân Trời Mới Media|

Nếu tôi được mời ‘gặp’ ông Nguyễn Phú Trọng, tôi có sẽ nhận lời hay không (một câu hỏi hoàn toàn mang tính giả tưởng)?

Câu trả lời tùy thuộc vào các yếu tố: ai mời? trên tư cách gì? trong bối cảnh nào?

1. Nếu ông Nguyễn Phú Trọng (NPT) mời tôi trên tư cách là lãnh đạo của Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ và muốn gặp “thần dân” hải ngoại thì dứt khoát là không!

Có  nhiều lý do. Thứ nhất, ông NPT không phải là đại diện cho đất nước Việt Nam vì chưa bao giờ được người dân bầu lên; ông chỉ là đại diện và lãnh đạo của đảng CSVN. Thứ hai, ông NPT và chế độ của ông không những lạc hậu mà còn phi nhân bản, đi ngược với lòng dân và đang hủy hoại đất nước. Thứ ba, gặp gỡ bất cứ người Việt nào ở hải ngoại cũng chỉ là cơ hội để ông tuyên truyền với quốc tế và người dân trong nước là ông và chế độ CSVN được mọi người chấp nhận,  đồng thời khỏa lấp đi bộ mặt vi phạm nhân quyền và độc tài của chế độ.

2. Nếu chính phủ Mỹ mời tôi tham dự trong một buổi sinh hoạt mà ông Trọng là “thượng khách,” còn tôi chỉ là một trong những vị khách bình thường như bao người khác, thì tôi sẽ từ chối vì không muốn mình là bung xung nâng cao tầm quan trọng của người lãnh đạo thể chế độc tài, độc hại, sai lầm và không chính thống này.

Tuy nhiên… có thể tôi sẽ tham dự và “gặp” ông NPT giống như kiểu tôi “gặp” ông Phan Văn Khải mà tôi đã kể ra cách đây vài hôm (xin mời xem bài “Tôi ‘gặp’ Phan Văn Khải khi còn làm thủ tướng”)

3. Nếu chính phủ Mỹ mời tôi tham dự trong cương vị là một nhà hoạt động dân chủ để trình bày về quan điểm của tôi, hay trong tư cách đại diện cho cộng đồng người Việt hải ngoại (và tôi được cộng đồng tín nhiệm sau khi đã bàn thảo với các vị lãnh đạo cộng đồng và các tổ chức), và buổi gặp giữa tôi và ông Trọng là một buổi họp báo hoặc buổi họp mở rộng cho quần chúng, có truyền thông đưa tin, tôi sẽ nhận lời vì đây sẽ là cơ hội tốt để tôi nói lên tiếng nói của đồng bào tôi trực tiếp với người không bao giờ chịu lắng nghe tiếng nói của người dân – những chủ nhân chính thức của đất nước.

Nhưng tôi biết là ông Trọng sẽ không bao giờ “dám” tham dự một buổi họp báo hay trao đổi thẳng thắn như vậy bởi ông quen đàn áp những tiếng nói khác biệt dù chân thành, xây dựng và đúng đến đâu đi chăng nữa. Bằng chứng hiển nhiên là những tiếng nói can trường, chính trực này hiện đều đang bị cầm tù trong nước.

4. Nếu (và đây là một chữ nếu to tướng) ông Trọng mời tôi như là một tham dự viên “bình đẳng” trong một buổi họp báo hay thảo luận mà (giả sử) tôi có đủ các dữ kiện và cam kết là tôi sẽ được đối xử bình đẳng và tôn trọng khi phát biểu ý kiến của mình dù khác biệt với ông, tôi sẽ nhận lời. Tuy nhiên, tôi biết chuyện này sẽ chẳng bao giờ xảy ra, trừ phi:  a/ Nội tình đảng CSVN sắp sụp hay chế độ ruỗng nát, vỡ nợ tan tành; hoặc b/ Người biểu tình ở Việt Nam đông và kiên trì không khác gì biển người ở Hong Kong bây giờ.

Còn nếu có người lạc quan hy vọng rằng sau khi bị đột quỵ, trực diện với lẽ vô thường, có thể ông Trọng đã đổi thay, “lòng chợt từ bi bất ngờ” và thực tâm muốn thay đổi. Vậy thì ông hãy chứng minh thực tâm của mình bằng cách ra lệnh thả hết các tù nhân lương tâm trong nước đi, hãy đối thoại với người dân, với các nhà dân chủ quốc nội đi. Ông mà thực hiện được những bước đột phá tuyệt vời nhưng thực chất lại rất đơn giản và hợp lý hợp tình này, thì quả ông rất xứng đáng đi vào lịch sử dân tộc như một Gorbachev Việt Nam để đất nước có cơ hội chuyển sang một giai đoạn mới an bình, tự do, hạnh phúc.

Lúc đó, chắc chắn ông Trọng sẽ được sống những ngày cuối đời thật an lành, thanh thản, và biết đâu sức khỏe của ông chẳng hồi phục hoàn toàn. Một thể chế tự do nhân bản không chủ trương trả thù và mở ra các nhà tù “cải tạo,” mà coi việc hòa hợp hòa giải dân tộc là một nỗ lực cần thiết trong tiến trình xây dựng và hàn gắn vết thương của dân tộc.

Tôi cũng mong những chia sẻ này sẽ đem đến cho chúng ta, những người Việt yêu nước và yêu tự do, dân chủ, đang mong muốn một tương lai sáng lạn cho đất nước – dù đang sống ở quê nhà hay hải ngoại, những điểm đồng thuận sau đây:

1/ Việc gặp gỡ đại diện của một chế độ độc tài mà dân tộc chúng ta đang muốn xóa bỏ không luôn có nghĩa là ta bị lợi dụng, hay bất lợi cho dân tộc; cũng không có nghĩa là quy hàng, hay hòa hợp hòa giải với độc tài; mà tùy là chúng ta đứng ở vị thế mạnh hay yếu so với đối thủ, biết khai dụng tình thế, và luôn cần được soi sáng bằng quyền lợi đường dài của dân tộc trong lúc thương lượng để khỏi sập bẫy kẻ gian.

2/ Trong đấu tranh “bất bạo động” (BBĐ), ngồi vào bàn “thương nghị” với đối thủ là tiến trình phải trải qua trừ phi ta đủ mạnh để dứt điểm độc tài nhanh chóng bằng một cuộc “tổng nổi dậy toàn dân” như ở Serbia, Tunisia… Độc tài chỉ ngồi vào bàn thương lượng khi họ bị áp lực nặng nề, tức là đang ở vào thế yếu. Ta cần khai dụng thế yếu này để nhấn tới dứt điểm bằng một cuộc tổng tuyển cử tự do mà chắc chắn là họ sẽ thua. Kinh nghiệm của Ba Lan và các quốc gia Đông Âu 30 năm trước, hay của Burma mới đây đã cho thấy sự hữu hiệu của bước thương nghị này trong tiến trình đấu tranh BBĐ mà Tiến sĩ Gene Sharp đã nghiên cứu và đúc kết dựa trên thực tế đấu tranh của nhân loại.

3/ Cũng có khi ta phải chấp nhận ngồi vào bàn hội nghị để mua thời gian hầu củng cố lực lượng, nhưng phải luôn vững tin vào thế tất thắng của toàn dân và chính nghĩa dân tộc cũng như kiên định trong lập trường tranh đấu để đạt tới mục đích sau cùng. Nếu vì kinh nghiệm đau thương trong quá khứ mà ta cứ cho rằng ngồi vào bàn hội nghị hay thương lượng là ta sẽ bị đối thủ lừa, tức là ta đã mất đi niềm tự tin và tinh thần chủ động, đã quên đi sức mạnh trí tuệ của tập thể dân tộc.

Tóm lại, đấu tranh BBĐ là một cuộc đấu trí với đối thủ gian ác, mưu hiểm và bạo lực. Chúng ta cần phải tin tưởng vào nhau (những người yêu nước biết đặt quyền lợi của dân tộc lên trên quyền lợi của cá nhân, phe nhóm và đảng phái), tin vào những người mà chúng ta cắt cử làm đại diện ngồi vào bàn thương nghị. Nhân sự đại diện cho lực lượng dân tộc phải là người có bản lãnh và được tôi luyện với trí tuệ tập thể để đạt được mục tiêu sau cùng là “giải phóng Việt Nam” khỏi ách độc tài, nhưng với cái tâm nhân từ và dũng cảm để chọn lựa hướng giải quyết ít tổn thất và có lợi nhất cho dân tộc.

15/9/2019

TS Trần Diệu Chân