Vượt trên ngưỡng nguy hiểm!
Vào đầu tháng 10/2015, lần đầu tiên xuất hiện một báo cáo đáng giá lương tâm từ phía Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ kế hoạch đầu tư) về nợ công, khác hẳn thái độ cực kỳ ‘ngoan ngoãn’ của bộ này trước đây.
Báo cáo này ‘tính toán lại’ nợ công năm 2014: nếu tính thêm chi phí dự phòng nợ bất khả kháng là 5% nợ công trong nước thì sẽ là 66,4% GDP, chênh lệch tới 6,5 điểm phần trăm so với mức nợ công 59,9% GDP đã được các báo cáo của Chính phủ công bố.
Tỷ lệ mới về nợ công đã hiển nhiên vượt hơn ngưỡng nguy hiểm 65%.
Thế nhưng trong nhiều báo cáo gửi tới các kỳ họp Quốc hội trong những năm gần đây, Chính phủ đều khẳng định nợ công vẫn ở mức an toàn. Một số chuyên gia ‘phản biện trung thành’ đã được xuất hiện trên truyền thông để trấn an giới phản biện độc lập và dân chúng khi cho rằng chẳng có gì đáng lo ngại về nợ công quốc gia.
Xu thế vay mượn ODA cũng vì thế càng trở nên ‘ăn của dân không chừa thứ gì’. Không chỉ dự án sân bay Long Thành 15 tỷ USD mà cả dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam cũng đang ngấp nghé con số 55 tỷ USD, chỉ chực chờ đổ ập lên đầu dân chúng núi nợ truyền kiếp không biết bao nhiêu đời con cháu.
Để có được con số nợ công trung thực hơn, Bộ kế hoạch đầu tư đã thay đổi cách tính, bổ sung 3 tiêu chí là nợ Ngân hàng Nhà nước, nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và nợ của tổ chức bảo hiểm và an sinh xã hội. Đây cũng là những tiêu chí không nằm trong Luật Quản lý nợ công 2009. Thế nhưng những tiêu chí này, đặc biệt là nợ của DNNN, lại là tiêu chuẩn bắt buộc của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Cần nhắc lại, từ năm 2011, một số chuyên gia phản biện độc lập đã báo động về tình hình nợ công quốc gia của VN. Ông Vũ Quang Việt, nguyên vụ trưởng tài khoản quốc gia, Cục thống kê của Liên hiệp quốc, đã tính toán số nợ của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước để từ đó đưa ra tỷ lệ nợ công quốc gia trên GDP lên đến 106%.
Chỉ đến năm 2014, vài chuyên gia và quan chức nhà nước mới chịu thừa nhận nợ công quốc gia có thể lên đến 98% GDP, tức ‘làm ra 100 đồng đã phải dành đến 98 đồng để trả nợ’.
Trong khi đó, giới lãnh đạo chính phủ vẫn cố ép tỷ lệ này chỉ ở mức 50-55% GDP.
Vào tháng 8/2015, khác với những lần trước khi thông báo về tình hình nợ công quốc gia được dẫn nguồn từ Chính phủ hoặc thậm chí cơ quan tuyên giáo, báo giới nhà nước lại đồng loạt phát tin ‘Việt Nam là quốc gia có rủi ro nợ công lớn nhất khu vực Đông Nam Á’ và ‘được’ Ngân hàng Bank of America (Mỹ) xếp hạng rủi ro thứ 12 trên thế giới.
‘Việt Nam không bao giờ vỡ nợ công’ thuộc loại tuyên bố ‘ấn tượng’ vô trách nhiệm nhất của giới quan chức VN cách đây không lâu. Thế nhưng đã quá chán ngán trước tình cảnh dối trá bất tận về thực trạng nợ công, nợ xấu, cộng thêm đòi hỏi ngày càng lớn về minh bạch tài chính ngân sách, báo chí nhà nước chỉ còn chờ những tổ chức phân tích tài chính có uy tín như Bank of America phát thông tin là lập tức xé rào dẫn lại.
Với con số nợ công mới 66,4%/GDP mà Bộ kế hoạch đầu tư đưa ra, kỳ họp quốc hội VN vào tháng 11/2015 sẽ có thể sôi động hơn chứ không thuần một chiều như trước đây. Có khả năng một số dân biểu sẽ phản bác báo cáo của Chính phủ và những dự án vay ODA với dự toán ‘theo kiểu ‘’giết sống’’ dân nghèo.
Tình hình nợ công tiếp tục dấn sâu vào vùng nguy hiểm cũng đang là hiện tượng tiếp biến mà rất có thể sẽ làm cho nền kinh tế VN lao vào vùng phá sản trong ít năm tới - không khác mấy trường hợp Achentina năm 2001.
Đáy minh bạch - đỉnh tham nhũng
Trên một bình diện khác, vào đầu tháng 9/2015, Tổ chức Đối tác Ngân sách quốc tế công bố Chỉ số công khai ngân sách mở của VN năm 2015 chỉ là 18 điểm trên thang điểm 100, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 45 điểm. Chỉ số này thậm chí còn thấp hơn một điểm so với xếp hạng năm 2014.
Vụ việc quá đáng xấu hổ trên phải có căn nguyên của nó. Vào tháng 12/2014, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2014 (CPI 2014): VN đạt 31/100 điểm, đứng thứ 119 trên bảng xếp hạng toàn cầu và thứ 18 trên tổng số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trong số chín quốc gia Đông Nam Á được đánh giá năm 2014, VN đứng thứ 6, chỉ xếp hạng trên Lào, Campuchia, và Myanmar. Trong lúc điểm số của VN không thay đổi trong một bảng xếp hạng về tham nhũng hàng năm, nhiều quốc gia láng giềng lại đang cải thiện kết quả CPI của họ.
Mức độ thiếu công khai, minh bạch về ngân sách VN luôn đứng gần chót bảng xếp hạng lại không gây ngạc nhiên với nhiều người, trong đó có Trưởng đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA), ông Mori Mutsuya. Trong nỗ lực tìm kiếm thông tin về ngân sách để phục vụ cho nghiên cứu gần đây về nợ công, nợ trong nước, nợ nước ngoài của VN mà JICA quan tâm, ông đã không khỏi thất vọng. Các số liệu ngân sách nhà nước mà Bộ Tài chính thường công khai trên cổng thông tin điện tử đã không thể hiện được gì nhiều.
Ở cấp địa phương, vấn đề công khai, minh bạch ngân sách còn tồi tệ hơn nhiều. Một khảo sát gần đây với hơn 1.100 người dân tại năm tỉnh là Bắc Giang, Hòa Bình, Nam Định, Quảng Trị và Bà Rịa - Vũng Tàu của năm tổ chức xã hội dưới sự bảo trợ của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho thấy điều đó.
Kết quả tham vấn tại Bắc Giang cho thấy, hơn 43% người dân được hỏi không biết rằng ngân sách được chi cho phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng và đảm bảo hoạt động của bộ máy nhà nước; tới hơn 63% số người được hỏi không biết rằng ngân sách được chi trả nợ của nhà nước và chi viện trợ. Trong khi đó, có gần 43% người dân ở các tỉnh Hòa Bình, Quảng Trị, Vũng Tàu và Nam Định cho biết họ có nghe hoặc có nhìn thấy báo cáo thu - chi ngân sách của xã nhưng không nhớ hoặc không hiểu được những thông tin này.
Đặc biệt, chi đầu tư xây dựng cơ bản - thường chênh lệch tới 50% so với dự toán, vượt xa so với hướng dẫn về thông lệ tốt là duy trì chênh lệch chi tiêu ở mức không quá 5% dự toán. Bình quân các tỉnh miền núi phía Bắc chi cao hơn dự toán đến 42%, các tỉnh ở Tây Nguyên chi cao hơn 35%. Còn tại khu vực Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long, mức chi bình quân cao hơn lần lượt là 7% và 9%.
Nhân nào quả nấy. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 đã vọt lên 6,6% GDP, từ mức 5,3% GDP được phê duyệt trước đó.
Bản dự thảo đầu tiên của Luật Ngân sách nhà nước từng có điều khoản xử lý trách nhiệm cá nhân của những người chi tiêu sai NSNN. Tuy nhiên, nội dung này không còn xuất hiện trong luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp trước.
Hiển nhiên Tổ chức Minh bạch Quốc tế chẳng thiếu cơ sở khi cho rằng Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng của Việt Nam không thay đổi trong ba năm liên tiếp (2012- 2014), và tham nhũng trong khu vực công vẫn là một vấn đề nghiêm trọng của quốc gia.
Quy luật nghịch đảo cuối cùng đã được giới báo chí nhà nước thừa nhận: thu chi ngân sách càng kém minh bạch, tham nhũng càng ngập ngụa, nợ công càng rủi ro. Song nếu phải chờ cho đến khi Chính phủ VN phải thú nhận về hậu quả này, thì e rằng sẽ quá trễ để cứu vãn nền kinh tế chỉ còn da bọc xương.
Ai và cơ quan nào có thể khoan đến xương tủy sự thật về nợ xấu và nợ công, từ đây đến đại hội 12 của đảng cầm quyền?
Phạm Chí Dũng
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?art...