Cuộc chiến xâm lược Ukraine của Putin. Ảnh: Business Today
Việt Tân
-Bối cảnh
Ngày 24 tháng Hai, 2022, Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình nước Nga vào buổi sáng hôm đó, ông Putin gọi cuộc xâm lăng Ukraine là một “chiến dịch đặc biệt” nhằm “phi hạt nhân hóa” và “phi quân sự hóa” Ukraine, để chống lại chủ nghĩa “dân tộc cực đoan,” “tân phát xít,” mà ông cho là mối đe dọa đối với Nga. Cũng theo ông Putin thì cuộc chiến đó còn để “bảo vệ số dân nói tiếng Nga” ở khu vực phía đông Donbass, vốn đã phải chịu sự “diệt chủng” kể từ năm 2014 (sic).
Ngoài ra, ông Putin còn liên kết cuộc xâm lược Ukraine với Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Hoa Kỳ lãnh đạo, với ý định ngăn chặn NATO mở rộng hơn nữa về biên giới phía tây của Nga, đặc biệt là Ukraine lúc đó đang xin được gia nhập khối NATO.
Trong khi đó Ukraine và phương Tây nói rằng, cuộc xâm lược của Putin chỉ đơn thuần là một cuộc xâm chiếm đất của chủ nghĩa đế quốc.
Nga dự trù cuộc xâm lăng đó sẽ kéo dài một tuần để Nga chiếm thủ đô Kyiv và dựng lên một nhà nước bù nhìn thân Nga ở đó. Nhưng đến nay cuộc chiến đã sắp bước sang năm thứ hai. Mọi dự định vừa kể của Putin đều tan tành theo mây khói.
Một vài diễn tiến quan trọng của cuộc chiến theo thời gian
Ngay khi chiến tranh nổ ra, Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky cam kết Ukraine sẽ chống lại cuộc xâm lăng của Nga. Chính phủ Ukraine ban bố tình trạng thiết quân luật và yêu cầu người dân Ukraine cầm vũ khí.
Khởi đầu cuộc xâm lược, khoảng 200.000 lính Nga tấn công vào Ukraine từ phía Bắc, phía Đông và phía Nam.
Trong tháng đầu tiên của cuộc chiến, quân Nga gây áp lực mạnh mẽ trên các thành phố lớn nhất của Ukraine, bao gồm cả thủ đô Kyiv. Họ nhanh chóng chiếm được một loạt những thành phố ở miền đông, miền nam và đông nam của Ukraine trước sự kháng cự mãnh liệt của quân dân Ukraine.
Đến cuối tháng Ba, các cuộc phản công của quân đội Ukraine đã đẩy lùi các đơn vị Nga ở phía bắc và phía nam, chiếm lại một số khu vực. Tại một vài nơi được tái chiếm, như tại Bucha ngoại ô của Kyiv, nguời ta đã thấy sự tàn bạo của quân Nga đối với dân chúng Ukraine như giết chóc, tra tấn, hãm hiếp, và cướp bóc của cải. Trong chuyến thăm Bucha vào tháng Tư, ông Karim Khan, Công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế, đã mô tả những nơi đó là “hiện trường của tội ác.”
Trong khi đó tại Nga, để dập tắt những cuộc biểu tình phản đối chiến tranh của Nga tại Ukraine, hoặc để ngăn chặn việc người Nga đưa tin về sự thật của trận chiến, ngày 4 tháng Ba, ông Putin đưa ra đạo luật bỏ tù 15 năm những ai đưa tin tức được gọi là “thất thiệt” về cuộc chiến, nhưng bị Putin cho là “tin giả.”
Đến tháng Sáu, 2022, sau những trận chiến ác liệt, quân Nga đã kiểm soát được 1/5 lãnh thổ Ukraine, bao gồm thành phố Kherson ở phía Nam nối liền lên vùng Donetsk, và Luhansk ven biên giới Nga.
Đầu tháng Chín, các lực lượng Ukraine đã “dương đông kích tây” qua việc tấn công mạnh vào Kherson, lôi kéo sự chú ý của Nga ở đây, nhưng quân Ukraine bất thần tấn công vào miền đông bắc, nơi quân Nga thưa thớt hơn, và nhanh chóng chiếm lại 1/10 lãnh thổ bị Nga chiếm đóng ở tỉnh Kharkiv và thị trấn Izyum.
Sự tái chiếm vừa kể của Ukraine khiến ông Putin phải ra lệnh động viên thêm 300.000 quân vào ngày 21 tháng Chín. Lệnh động viên của ông Putin đã tạo nên một làn sóng người Nga chạy khỏi nước để tránh bị bắt đi lính.
Đến cuối tháng Chín, Moscow đơn phương sáp nhập bốn vùng lãnh thổ bị chiếm đóng một phần của Ukraine là Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhia vào nước Nga. Sự sáp nhập này không được thế giới thừa nhận.
Đến giữa tháng Mười Một, sau những cuộc tấn công dữ dội, quân đội Ukraine đã tái chiếm phần phía tây sông Dnipro cuả tỉnh Kherson; Kherson là thành phố lớn phía nam của Ukraine đã bị mất vào tay quân Nga từ đầu cuộc chiến. Lúc đó ông Putin đã tuyên bố Nga sẽ quyết tâm chiếm giữ thành phố này để dùng xưởng đóng tàu trên sông Dnipro.
Từ đó đến nay, hai bên đã đã đụng độ nhau những trận chiến đẫm máu, để giành quyền kiểm soát lãnh thổ ở Donbass, bao gồm các vùng Donetsk và Luhansk.
Không chiến thắng được trên chiến trường, từ tháng Mười, 2022 đến nay, gần như hàng ngày, Nga dùng hỏa tiễn và máy bay không người lái (drone) tấn công vào các khu dân cư, đặc biệt là vào hạ tầng năng lượng quan trọng, tại các thành phố của Ukraine, như là một phần của cuộc chiến. Dù những cuộc tấn công đó bị coi là vi phạm luật chiến tranh.
Về chính trị
Trong cuộc xâm lăng của Nga, đã có 3 lần Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết chống lại Nga.
1/ Ngày 2 tháng 3 năm 2022, một nghị quyết chống lại sự xâm lược Ukarine của Nga, được 141 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 35 phiếu trắng.
2/ Ngày 7 tháng 4 năm 2022, nghị quyết loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, được 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống, 1 phiếu trắng.
3/ Ngày 12 tháng 10 năm 2022, nghị quyết KHÔNG công nhận 4 vùng của Ukraine bị Nga sáp nhập vào nước Nga, được 143 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 35 phiếu trắng.
Dân tị nạn chiến tranh
Theo Liên Hiệp Quốc, đã có hơn 12 triệu người Ukraine được cho là đã rời bỏ nhà cửa kể từ khi cuộc chiến xảy ra.
Hơn 5,6 triệu người đã rời đi sang các nước láng giềng trong khối EU và Canada. 6,5 triệu người khác được cho là phải di dời ngay bên trong chính đất nước Ukraine.
Trước khi xảy ra cuộc chiến xâm lăng do Nga tiến hành, trong tổng số hơn 43 triệu dân Ukraine, thì có 37 triệu người sống tại những vùng do chính quyền Kyiv kiểm soát.
EU và Canada đã cấp cho những người Ukraine chạy trốn khỏi cuộc chiến, quyền được ở lại và làm việc. Riêng trên 27 quốc gia thành viên của EU thời gian tỵ nạn là ba năm.
Những người tỵ nạn nhận được phúc lợi xã hội cũng như nhà ở, điều trị y tế và học hành.
Ảnh hưởng quân sự của cuộc xâm lăng
1/ Trước đây, hai quốc gia Bắc Âu (Thuỵ Điển, Phần Lan) là những nước trung lập. Họ tự phát triển vũ khí tinh xảo, hay mua vũ khí tiên tiến để tự bảo vệ. Từ khi cuộc xâm lăng Ukraine của Nga diễn ra, hai quốc gia này đều xin gia nhập NATO.
2/ Chuyên gia Ấn Độ Hemant Adlakha, trong bài viết ngày 20/1/2023 cho rằng, cuộc xâm lăng Đài Loan mà Trung Quốc dự tính, sẽ không diễn ra trong những năm trước mặt. Nga và Ukraine “núi liền núi, sông liền sông,” mà cường quốc quân sự Nga cũng không thể thắng được, nếu vẫn có sự trợ giúp của Tây Phương. Như vậy, cuộc tiến quân của Trung Quốc vượt eo biển 160 km để đánh chiếm Đài Loan (có sự trợ giúp của Hoa Kỳ , Nhật Bản) là điều rất khó thực hiện trong những năm sắp tới.
Cuộc chiến trong những ngày sắp tới
Hiện nay băng tuyết và bùn lầy khiến quân hai bên không mở được những cuộc tấn công lớn. Tuy nhiên, theo giới quân sự thì quân Ukraine vẫn dùng những hỏa tiễn tầm xa HIMARS đánh vào các trại lính và kho vũ khí của Nga, khiến quân Nga phải rút lui nhiều cứ điểm ra xa mặt trận để tránh các hỏa tiễn. Quân đội Ukraine cũng mở những cuộc xung kích nhắm vào các vùng phía đông nam. Trong khi đó Nga lo gia tăng quân số.
Ukraine vẫn xin vũ khí mới từ các nước đồng minh. Theo hãng tin Reuters, tháng 1 năm 2023, Hoa Kỳ đã gửi cho Ukraine những xe quân sự Strykers có gắn súng máy và súng phóng lựu đạn cùng các loại bom cỡ nhỏ “GLSDB” điều khiển bằng GPS có tầm bắn xa 151 km. Loại “bom cỡ nhỏ” GLSDB thực ra là loại bom 250 pound (113 kg). Với tầm bắn đó, các vùng Nga tạm chiếm ở phía đông Ukraine, toàn thể bán đảo Crimea và cây cầu từ Nga nối đến bán đảo đó đều nằm trong tầm bắn của GLSDB.
Đến mùa xuân này, các loại xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất cũng sẵn sàng cho quân Ukraine sử dụng.
Với các chiến cụ mới đó, tình hình chiến tranh Ukraine trong năm sắp tới có thể sẽ lạc quan hơn. Tuy nhiên, vấn nạn Nga bắn hỏa tiễn và máy bay không người lái để khủng bố dân cư và phá hủy hạ tầng cơ sở của Ukraine vẫn là điều không ngăn chặn được.
Tạm kết
Cuộc chiến xâm lược Ukraine của Putin hoàn toàn thảm bại. Ông Putin không những không đạt mục tiêu quân sự là khống chế được Ukraine mà còn thất bại cả mục tiêu chính trị là bị thế giới lên án và cô lập. Putin hiện chỉ còn dựa vào Trung Quốc, Iran, Bắc Triều Tiên và Belarus để tìm kiếm sự hậu thuẫn, nhưng trước áp lực mạnh mẽ của Hoa Kỳ và các quốc gia Phương Tây, Trung Quốc và Iran – tuy vẫn bày tỏ thân thiện với Putin – nhưng rất è dè đáp ứng những sự cầu cứu của Nga vì sợ thế giới cô lập và trừng phạt.
Chưa ai biết cuộc chiến Ukraine sẽ kết thúc ra sao nhưng sau một năm chiến đấu dũng cảm, chính người dân Ukraine đã thắp sáng niềm tin vào tương lai của tự do dân chủ toàn cầu.
Lê Vĩnh