Paulus Lê Sơn – Web Việt Tân|
Trong thuật ngữ Y học có cụm từ chết lâm sàng để chỉ về việc chấm dứt lưu thông máu và hơi thở, hai tiêu chí cần thiết để duy trì sự sống của con người và nhiều sinh vật khác. Người dân Việt Nam đang chìm sâu trong cõi chết bởi vô số lý do. Trong đó có hai điều đang hiện hữu thường nhật trong cuộc sống ngày nay, đó là ô nhiễm không khí và hệ sinh thái nước.
Theo con số thống kê của tổ chức Y Tế Thế Giới thì ô nhiễm không khí đã gây ra 4,2 triệu đứa trẻ tử vong hàng năm, trong đó gần 60% do đau tim và đột quỵ. Ô nhiễm không khí còn dẫn đến tử vong do tắc nghẽn phổi mãn tính (18%), nhiễm trùng phổi (18%) và ung thư phổi (6%). Nó làm giảm tuổi thọ của con người ít nhất là 2 năm.
Các nghiên cứu cũng cho thấy việc sống trong phạm vi 2 cây số xung quanh khu vực ô nhiễm có thể gia tăng nguy cơ phát triển bệnh tim và một số hệ lụy nguy hiểm khác.
Những ngày vừa qua, tại Hà Nội và Sài Gòn đã rơi vào tình trạng ô nhiễm không khí hết sức nghiêm trọng kéo dài nhiều ngày liên tục.
Hôm 1 tháng Mười, theo ông Nguyễn Văn Tài, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Môi Trường nhận định nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội ở mức cao nhất trong 5 năm qua. Ông Tài khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp nên hạn chế ra bên ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời. Tuy nhiên ông này không đề cập đến bất cứ giải pháp kiểm soát hay xử lý ô nhiễm không khí.
Trên trang BBC tiếng Việt dẫn số liệu của tổ chức Y Tế Thế Giới với tỉ lệ tử vong tại Việt Nam vì tình trạng ô nhiễm không khí khá cao. Cụ thể, theo số liệu (WHO, tháng Năm, 2018), có hơn 60.000 người tử vong năm 2016 do bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và viêm phổi ở Việt Nam đều có liên quan tới ô nhiễm không khí.
Các con số thống kê về mức độ ô nhiễm tại Việt Nam không còn dừng ở mức báo động, mà đó là thực trạng đang hiện hữu, và người dân thì phải gánh chịu, trong khi phía nhà cầm quyền lại không đưa ra được bất cứ một giải pháp nào để giảm thiểu hoặc ngăn chặn nó.
“Dù không phải nhất thế giới thì cũng là thành phố ô nhiễm rồi. Ô nhiễm nước, không khí, thực phẩm, đạo đức, quan chức,… điều đáng cười là chính phủ chỉ nói nhưng không đưa ra bất cứ động thái nào để giảm thiểu nó!” Đó là một bình luận đầy mỉa mai nhưng hết sức chính xác của một độc giả trên Facebook BBC News tiếng Việt.
Ô nhiễm nguồn nước, kết quả quan trắc mới nhất về chất lượng nước mặt sông Đồng Nai cho thấy chất lượng môi trường nước đang bị ô nhiễm nặng với nhiều thông số vượt quy chuẩn và khó đạt mục đích cấp nước sinh hoạt.
Hàng loạt sông, suối vào “danh sách” ô nhiễm, không chỉ sông Đồng Nai, hiện nay, hàng loạt sông, suối trên địa bàn tỉnh cũng đang bị ô nhiễm. Đó là những gì báo chí mô tả về nguồn nước ngày 4 tháng Mười tại tỉnh này.
Một câu hỏi đặt ra là ai đang bảo vệ cuộc sống của chúng ta? – Chính chúng ta cần phải bảo vệ môi trường sống là bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cho xã hội, cho đất nước và đó chính là bảo vệ tương lai, gia đình và dân tộc chúng ta. Muốn cho tương lai khỏe mạnh thì hiện tại cần có không khí trong lành, chúng ta đã làm được chưa?
Vậy ai đang phá nát môi trường sinh thái, không khí trong lành của người dân Việt. Chắc hẳn chúng ta chưa quên vụ Formosa xả thải độc ra biển miền Trung năm 2016. Người dân Việt rất phẫn uất trước hành động phá hoại hệ sinh thái môi trường biển tại miền Trung của Formosa. Và chúng ta đã hành động quyết liệt để ngăn chặn nó. Nhưng ngược lại thì nhà cầm quyền lại ra sức bảo vệ Formosa và quyết tâm chống lại người dân bằng những cuộc đàn áp đẫm máu, bằng những cuộc bắt bớ và bỏ tù hàng chục người.
Người dân lên tiếng đòi hỏi nhà cầm quyền phải có trách nhiệm trong việc điều hành, quản trị đất nước khiến cho ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho cả hiện tại và tương lai đất nước là điều hết sức cần thiết hơn bao giờ hết.
Chúng ta càng im lặng thì kẻ sát nhân thầm lặng càng siết chặt chúng ta vào trong khung gỗ tang tóc và chết chóc.
Chúng ta đừng để chúng ta phải chết mòn chết héo trên chính hơi thở, chính mạch nước của chúng ta. Chúng ta đáng được sống hạnh phúc, sống vui, khỏe trong một môi trường trong lành. Nơi mà ở đó không có thực phẩm bẩn, không có quan chức tham nhũng, đạo đức xã hội suy đồi bị triệt tiêu, nguồn mạch sự sống được phun trào từ dòng nước trong sạch.
Portland, OR 6/10/2019
Paulus Lê Sơn