Làm từ thiện bằng đồng tiền bẩn có đáng tôn vinh?

Đây là vấn đề được đặt ra trong đại án MobiFone mua AVG.
 
Bằng thủ đoạn móc ngoặc, hối lộ, Phạm Nhật Vũ đã làm thiệt hại cho nhà nước 8500 tỉ đồng, trong đó, riêng y kiếm lợi bất chính trong thương vụ này là 5850 tỉ đồng. Thế nhưng y chỉ bị kết án 3 năm tù giam. Một trong những lý do để tòa giảm mức án cho Vũ là y có nhiều hoạt động từ thiện, đóng góp cho hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Việc này đã gây ra nhiều phản đối của dư luận xã hội.
Không nói thì ai cũng biết, số tiền mà Vũ đã bỏ ra làm từ thiện là từ những nguồn thu lợi bất chính, ví dụ số tiền 5850 tỉ đồng vừa nhắc.
 
Hoạt động từ thiện là nếp văn hóa đẹp, thời nào cũng có, quốc gia nào cũng có. Nó duy trì, khơi dậy tình yêu thương con người qua những việc làm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, đóng góp xây dựng quê hương...

Tuy nhiên, không phải là hoạt động từ thiện nào cũng xuất phát từ mục đích tử tế.
 

*
Thở nhỏ, theo mẹ ra chợ, tôi hay đứng xem ăn mày. Những bà nông dân lam lũ, ra chợ bán mớ rau, củ khoai nhưng cũng bỏ vào cái mê nón rách của anh què lê ở chợ năm xu, một hào, có khi chỉ 1, 2 xu. Cũng có người bỏ vào một củ khoai đã luộc chín. Có những người nông dân từ các huyện đói kém hơn xuống quê tôi ăn xin rong. Họ vào tận từng nhà kêu chúng em đói quá. Khiêm nhường xưng em vì họ biết thân phận của mình chứ họ cũng ngang tuổi bố mẹ tôi. Chúng tôi phải cho họ của khoai hay củ dong riềng mà mẹ cho để dành ăn giữa buổi. Sau này, những hình ảnh ấy cứ ám ảnh tôi mãi. Quê tôi hồi ấy, nhà ai cũng thiếu đói, chúng tôi đói suốt ngày, ăn khoai trừ cơm mà vẫn đói. Vậy mà ăn mày vẫn kiếm sống được. Khi ấy, tôi chưa có khái niệm gì về việc thiện, về lòng hảo tâm. Lớn lên tôi mới biết đến những cụm từ “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Những việc làm từ thiện ấy rõ ràng xuất phát từ tấm lòng thương yêu đồng loại, chẳng cần ai biết đến và cũng chẳng nghĩ nhằm tích đức gì cả mà chỉ để cho thanh thản cõi lòng.
 
Càng về sau, hoạt động từ thiện quy mô hơn. Ở vùng quê nào cũng có những người con đi làm ăn xa ở các tỉnh khác hoặc ở hải ngoại. Họ làm ăn gặp may mắn nên có của ăn của để và họ có nhu cầu chia sẻ, giúp đỡ người thân và giúp quê hương. Quê hương tuy nghèo khó nhưng đấy là nơi họ sinh ra và lớn lên cũng trong nghèo khó nhưng đầy ắp những kỷ niệm nên họ muốn có những việc làm trả nghĩa cho quê hương. Có người bỏ tiền ra làm cho thôn con đường bê tông, có người cúng chùa làng quả chuông hay xây hoặc tu bổ một hạng mục nào đó. Mỗi lần tôi về quê, đều đi qua cây cầu bê tông dài rộng ở đầu huyện, bắc qua con sông cái nghe nói của một Việt kiều nào đó ở Canada bỏ tiền ra xây.
 
Đó là làm từ thiện bằng tâm thiện.
 
*
 
Từ thiện nay không như từ thiện xưa. Đi lễ chùa, có đặt những hòm công đức, không bỏ hay bỏ ít bỏ nhiều chẳng ai để ý. Người công đức cũng chẳng cần ai biết đến. Rồi đến lúc, nhà chùa đón được ý khách, qui định ai công đức tối thiểu ở mức nào thì được cấp một cái giấy chứng nhận. Việc công đức ở chùa mất ý nghĩa dần từ đấy.
 
Trong vụ AVG, thấy báo chí nói, người nhà Phạm Nhật Vũ đi khắp nơi để xin xác nhận số tiền mình đã từ thiện, cung cấp cho tòa để được giảm tội.
 

Những năm gần đây, nếu để ý thì sẽ thấy, những người có chức quyền, giàu có tham gia làm từ thiện ngày càng đông. Một ông quan cấp huyện cấp tỉnh hoặc cao hơn, một ông giám đốc, một bà kế toán khi làm việc thì hưởng lương nhà nước, thường là mươi, mười lăm triệu/tháng nhưng khi về hưu có tài sản hàng trăm tỉ. Số này bỏ tiền ra làm từ thiện cũng khá hào phóng nhưng thử hỏi khối tài sản khổng lồ mà họ có được ở đâu ra nếu không tham nhũng?

Giải thích hiện tượng này như thế nào?
 
Dù khó lý giải bằng khoa học nhưng người ta đều tin vào luật nhân quả. Nhiều khi luật này báo ứng đến hãi hùng làm cả người vô thần cũng phải dè chừng. Hẳn nhiều người đã biết cái chết đến của 3 người từng tham gia vào quá trình điều tra, xét xử vụ án Hồ Duy Hải mà dư luận cho là vụ án oan.
 
Ngày càng nhiều quan chức và những người giàu có hay đến viếng chùa và bỏ tiền cúng phật. Có người sau khi về hưu chuyên tham gia các hoạt động của phật giáo, chăm chỉ ngồi thiền như muốn quên đi quá khứ. Tôi cho rằng tâm lý của nhiều người trong số ấy là mong lấy thiện trừ đi ác vì hơn ai hết, họ là người biết rõ nhất việc làm thất đức của họ.
 
Có điều lạ là nhiều người giàu có, sẵn sàng bỏ tiền ra làm từ thiện nhưng giúp anh em, cha mẹ nghèo lại là chuyện vô cùng khó khăn. Có lẽ họ cho rằng Phật mới giúp được họ xóa được tội lỗi, tránh được quả báo chứ còn người thường thì không.
 
Vì vậy sinh ra tâm lý, vừa tham nhũng vừa làm từ thiện để được giảm tội vì lo trời phạt, thậm chí còn tính đến việc nếu bị phát giác sẽ được tòa giảm tội như trường hợp Phạm Nhật Vũ.
 
Việc làm từ thiện mà được giảm án là chuyện vừa xảy ra trong vụ AVG vì những người xử là những con người, họ cũng có bản năng, dục vọng của con người. Nhưng nếu cúng chùa mà giảm được tội, không bị quả báo, chẳng lẽ họ cho rằng, Phật cũng tiêu thụ của gian hay nhận hối lộ như băng đảng của họ?
 
Không có chuyện cứ việc làm điều ác, cứ việc tham nhũng rồi trích từ đó ra một phần làm từ thiện để yên tâm hưởng phần còn lại mong tránh được quả báo. Làm từ thiện kiểu đó không có gì đáng ca ngợi hay tôn vinh và cũng không tránh được luật nhân quả.  Việc từ thiện chỉ có ý nghĩa và đáng hoan nghênh khi dùng những đồng tiền chân chính của mình.

http://ntuongthuy.blogspot.com/2020/01/lam-tu-thien-bang-ong-tien-ban-co...