Khi người Việt “chấp nhận ở tù” ở Anh

Những ngôi nhà cao tầng khang trang ở xã Đô Thành (Yên Thành) được xây dựng từ nguồn xuất khẩu lao động.
An Viên - (VNTB)|

 “Nạn nhân” nhưng không phải nạn nhân, và người Việt chấp nhận “ở tù” nơi xứ người.

Chấp nhận cả cái… chết
 
Di chuyển bằng hộ chiếu giả, xâm nhập bất hợp pháp vào Anh, xóa bỏ toàn bộ giấy tờ có liên quan, và chịu cảnh sống chui nhủi. Nhiều những người Việt tại vùng đất cách mạng Thanh – Nghệ - Tĩnh chấp nhận “ly hương”, “chết”, và “không tổ quốc” để có thể trở thành “người rơm” (trồng cần sa) tại Anh Quốc.
 
Họ là “nạn nhân” của đường dây trồng cần sa một cách… tự nguyện. Vì mong muốn lớn nhất: đổi đời.
 
Bị lạm dụng thể chất và tình dục, những rủi ro trên đường đi và làm việc đều được những “người rơm” chấp thuận.
 
Anh Quốc vẫn là quốc gia trọng điểm của nạn di cư bất hợp pháp, và Việt Nam là “nguồn xuất khẩu” như thế.
 
39 người đã chết, phần nhiều hoặc nhiều hơn thế đã chết trong một container đông lạnh. Nhưng khao khát “trời Tây” và nguồn tiền lớn gửi về cho gia đình là điều lớn hơn cả cái chết, khi họ bắt đầu chấp nhận chuyển tiền cho môi giới.
 
Kết hôn giả, giả mạo tỵ nạn, hay nhiều những phương cách mà giá khởi đầu ở mức 30.000 bảng Anh để có thể hiện diện tại Anh Quốc.
 
Trang aljazeera trong một bài viết ngày 29/10 [1] đã liên lạc được với một thiếu niên 17 tuổi và đang làm việc tại một trang trại cần sa ở Ilford, phía đông London.
 
“Nông trại” là một ngôi nhà bậc thang ở ngoại ô, nhưng bị lấp đầy bởi cây cần sa. Nguồn điện được sử dụng để “nuôi dưỡng” cần sa trong hầm tối được “ăn cắp” bằng những thủ tịch khéo léo.
 
“Người rơm 17 tuổi” không được rời khỏi nhà, không nói được tiếng Anh, bị tịch thu hộ chiếu, ngủ dưới nệm cầu thang suốt thời gian làm việc. Ở nơi đó, giá trị cây cần sa cao hơn mạng sống.
 
“Ở trong nhà giống như ở trong tù”, thiếu niên 17 nói. Và “ước mơ”, ngày nào đó đủ tiền sẽ  rời “nông trại”.
 
Kiều hối… máu và nước mắt
 
“Tiền gửi về gia đình” để mua ô tô mới, xe máy và cải tạo nhà. Đó là động lực và là cách mà nhiều người dân ở vùng đất cách mạng tâm niệm đã góp phần không nhỏ vào kiều hối của ba tỉnh này nói riêng và Việt Nam nói chung.
 
25 triệu bảng Anh (tương đương 713 tỷ đồng Việt Nam) là số tiền mà băng đảng trồng cần sa người Việt gồm 21 người đã gửi về Việt Nam, trong một phiên tòa diễn ra ngày 27/9 [2].
 
Băng đảng xã hội đen người Việt hình thành ngay trong lòng những nước Tây Âu, và nhiều trong số đó làm chủ ngành thương mại cần sa trị giá đến 2,6 tỷ bảng Anh/ năm.
 
Một báo cáo của tổ chức Anti-Slavery International, ECPAT UK và Pacific Links Foundation cho biết, hơn 3.100 người lớn và trẻ em Việt Nam được xác định là nạn nhân buôn người tiềm năng trong giai đoạn 2009 - 2018.
 
Xã Đô Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), là xã “giàu có bậc nhất Nghệ An”, và nguồn tiền phần lớn đến từ “mưa sinh trời Âu” gửi về.
 
Báo Nghệ An ngày 21/3/2019 trong một bài báo với tiêu đề “Quê lúa Nghệ An mỗi năm nhận 200 triệu USD kiều hối".
 
Thuộc tính vùng đất cách mạng duy trì nguyên tắc, khi “làm ăn được” thì “anh em, họ hàng cùng xuất ngoại”. Con số mà người lao động trẻ gửi về mỗi năm cho mỗi hộ gia đình tại vùng quê giàu có này trung bình ở mức 1,5 tỷ đồng/ năm. Nơi đây có hơn 300 tỷ phú với số tiền trên 10 tỷ đồng và xã đã đạt chuẩn “nông thôn mới” vào năm 2018.
 
Xuất khẩu và lao động
 
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu trong một bài viết liên quan đến vụ người Việt chết tại trời Âu nhận định rằng, khi nào còn xuất khẩu lao động thì còn vượt biên bất hợp pháp. Thực ra quan điểm này là “hẹp hòi”, vì bất kỳ một quốc gia nào cũng có lao động di cư dưới nhiều hình thức khác nhau.
 
Cũng chính vì vậy mà Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) đã có hẳn nhiều công ước (Công ước 97, Công ước 143) liên quan đến người lao động di cư, trong đó thiết lập các điều liên quan đến lương bổng, giờ làm, đòi hỏi tuổi tối thiểu, an toàn lao động và sức khỏe, cũng như quyền tự do rời khỏi lao động ép buộc hoặc cưỡng bức.
 
Về mặt kinh tế, xuất khẩu lao động không chỉ đơn thuần là đem lại nguồn tiền kiều hối, mà còn thay đổi cuộc sống gia đình ở quê và nâng cao tay nghề của người lao động Việt.
 
Do đó, vấn đề ở đây chính là chính quyền địa phương cần siết chặt đối với các loại hình lao động bất hợp pháp, điều diễn ra ở nhiều năm và ở nhiều tỉnh thành. Bởi nguồn lao động bất hợp pháp gắn với các loại hình lao động bất hợp pháp đem lại nguồn thu còn cao hơn rất nhiều lần so với lao động hợp pháp. Và thực tế cho thấy, chính quyền các tỉnh, đặc biệt là Thanh-Nghệ-Tĩnh thiếu sát sâu trong rà soát hiện tượng lao động chui xảy ra trong nhiều năm qua, mà chỉ quan tâm đến nguồn “kiều hối” chuyển về. Thế nên mới có chuyện, khi sự kiện 39 người xảy ra thì UBND tỉnh Nghệ An mới ban hành văn bản đề nghị “các địa phương thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ các đơn vị tuyển dụng lao động hoạt động trên địa bàn để phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm trên lĩnh vực này”.
 
Trong khi chính quyền còn chưa “sâu sát” trong tình hình lao động và cả tạo việc làm cho người lao động tại quê hương, thì nhiều những người “lũ lượt ra đi, bán mình” với khát vọng đổi đời, trả nợ.
 
Do đó, dừng phán xét, trách móc, thóa mạ người đã chết. Bởi đó là một thảm kịch của người Việt, thảm kịch của thời kỳ mà khốn khó đã khiến người ta ly hương, đất không còn lành để chim có thể đậu. Chúng ta người Việt dựa vào nhau và cảm thông cho họ: những cảnh đời khốn khổ biệt ly.
 
Chú thích