Im lặng là đồng lõa với tội ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Ewelina U. Ochab. (Ảnh qua Forbes)

Minh Nhật biên dịch

Ngày 2/5 vừa qua, tờ Forbes đăng tải một bài bình luận của Ewelina U. Ochab, một nhà hoạt động nhân quyền chuyên nghiên cứu về nạn diệt chủng tại nhiều nơi, từng đệ trình hơn 30 báo cáo cho Liên Hợp Quốc, và là tác giả của chuỗi bài viết trên Forbes về tội ác thu hoạch tạng của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Nhân ngày tự do báo chí thế giới 3/5, Ewelina U. Ochab đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý tới thực trạng nhân quyền và tự do ngôn luận tại Trung Quốc. Dưới đây là bản dịch toàn văn bài viết, bản gốc xem tại đây.

“Rồi họ tới bắt tôi – và không còn ai để mà lên tiếng cho tôi nữa”. Đó là những lời thơ nổi tiếng mà Martin Niemoller sử dụng để lên án sự thờ ơ của chúng ta trước cái ác, bởi vì im lặng cũng là đồng lõa với tội ác. Những lời thơ này ra đời trong Thế chiến thứ 2 nhưng giờ đây vẫn còn nguyên giá trị. Chúng vẫn đúng đối với tình trạng vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.

Trong nhiều năm, các nhà bảo vệ nhân quyền và các nhà báo quốc tế đã gióng hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc. Họ đã cảnh báo về hoạt động thu hoạch nội tạng từ người tập Pháp Luân Công. Tuy nhiên, vì không có thi thể để làm chứng, nên không ai lắng nghe. Họ cũng đã cảnh báo về những cái gọi là “trại cải giáo” và cưỡng bức lao động đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Tuy nhiên, vì bằng chứng không đủ sức nặng nên đã bị xem nhẹ. Rồi, họ cảnh báo về đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc vào thời điểm nó vừa chớm bùng phát, và đưa tin về các chuyên gia y tế đột nhiên mất tích sau khi lên tiếng về đại dịch. Tuy nhiên, chúng ta lại tiếp tục nghi ngờ, và để cho chính quyền Trung Quốc lợi dụng. Giờ đây, chính quyền ấy đã cấm rất nhiều nhà báo đến Trung Quốc.

Có ít nhất 13 nhà báo của các hãng thông tấn New York Times, Washington Post và Wall Street Journal đã bị trục xuất khỏi Trung Quốc trong một đợt đàn áp các hãng thông tấn nước ngoài. Để biện minh cho hành động chưa từng có này, chính quyền Trung Quốc nói đây là hành động đáp trả quy định chặt chẽ hơn của Mỹ đối với truyền thông Trung Quốc – vì nghi ngờ Trung Quốc đã lợi dụng truyền thông để gia tăng tuyên truyền trên đất Mỹ. Cả hai quốc gia đang có những động thái leo thang trong trò đổ lỗi đại dịch COVID-19 (khi Trung Quốc cho rằng virus có nguồn gốc từ Mỹ chứ không phải từ thành phố Vũ Hán).

Chưa xét đến cuộc chiến COVID-19 giữa Mỹ và Trung Quốc, thì việc trục xuất các nhà báo khỏi Trung Quốc là một việc đáng để lưu tâm. Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến cái cách Trung Quốc thao túng các hãng tin để đưa tin sai sự thật như thế nào. Chẳng hạn, việc giam giữ quy mô lớn gần một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, hòng xóa sạch bản sắc tôn giáo của họ, được khoác lên lớp vỏ “trại giáo dục cải tạo”.Trong những tháng gần đây, chúng ta đã chứng kiến ​​việc đàn áp thông tin quan trọng đã dẫn đến sự lây lan của COVID-19 trên toàn thế giới, khiến cuộc sống của hàng triệu người gặp nguy hiểm, khiến hơn 240.000 người trên toàn thế giới tử vong (tính đến 2/5/2020) và khiến nền kinh tế bị tàn phá. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, António Guterres, nói: “Đại dịch COVID-19 lan rộng cũng dẫn đến một đại dịch thứ hai, đó chính là đại dịch sai lệch thông tin, từ những lời khuyên về sức khỏe có hại cho sức khỏe, đến các thuyết âm mưu lộn xộn. Báo chí cần cung cấp thuốc giải độc: những tin tức và phân tích thực tế, khoa học, và đã được xác minh.”

Vào ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5, chúng ta phải: “tôn vinh các nguyên tắc cơ bản của tự do báo chí; đánh giá tình hình tự do báo chí trên thế giới; bảo vệ tính độc lập của truyền thông; và bày tỏ sự kính trọng với các nhà báo đã mất đi sinh mạng khi đang làm nhiệm vụ của mình” và nhận ra sự đóng góp quan trọng của các nhà báo trong việc đưa tin về các vụ vi phạm nhân quyền và các sự kiện có ảnh hưởng tới cuộc sống của chúng ta, bằng cách này hay cách khác.

Hơn bao giờ hết, chúng ta cần một nền báo chí độc lập và có trách nhiệm. Hơn bao giờ hết, chúng ta có thể thấy việc đàn áp thông tin sẽ ảnh hưởng tới tất cả người dân trên thế giới. Hơn bao giờ hết, chúng ta có thể thấy nếu không có được nền báo chí tự do và có trách nhiệm, chúng ta sẽ không thể làm được gì để bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta.

M.N.

Nguồn: trithuc.net

****

Ngày 24/3 là một ngày Quốc tế khá đặc biệt: Quốc tế cho Quyền được biết sự thật đối với các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và cho Nhân phẩm của nạn nhân (International Day for the Right to the Truth Concerning Gross Human Rights Violations and for the Dignity of Victims). Đây là dịp thế giới kỷ niệm ký ức kinh hoàng của các nạn nhân bị vi phạm nhân quyền nghiêm trọng (như trong các cuộc diệt chủng), và đồng thời là dịp để biểu dương tầm quan trọng của công lý và sự thật.

Quyền được biết sự thật về các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng là một quyền con người cơ bản, đã được quốc tế công nhận là quyền “không thể bị tổn hại và không thể bị giới hạn”. Và vì thế, “đi đến cùng sự thật là cách duy nhất để công lý có thể được thực hiện”, chuyên gia nghiên cứu diệt chủng Ewelina U. Ochab chia sẻ trong bài viết được đăng tải trên Forbes với tựa đề “Will We Get To The Bottom Of The Truth On Forced Organ Removal In China?” (Tạm dịch: Liệu chúng ta có đi tới tận cùng của sự thật về việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức tại Trung Quốc?).

Là một nhà hoạt động nhân quyền, nghiên cứu về nạn diệt chủng tại nhiều nơi và là tác giả của hơn 30 báo cáo cho Liên Hợp Quốc, Ewelina U. Ochab đã theo dõi vấn đề thu hoạch nội tạng cưỡng bức tại Trung Quốc trong thời gian gần đây với một series bài viết về vấn đề này trên tờ Forbes.

Ngày 16/10/2018, bà Ewelina U. Ochab lần đầu đề cập tới việc chính quyền Trung Quốc thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm trên tờ Forbes qua bài viết “Thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc và những câu hỏi cần lời giải“, trong đó đề cập tới và đặt ra câu hỏi về việc cộng đồng quốc tế sẽ ngăn chặn và phản ứng như thế nào trước nạn thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm do chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn.

Cũng trong bài viết này, bà Ewelina U. Ochab đề cập tới Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc. Đây là tòa án được chủ tọa bởi ngài Geoffrey Nice, luật sư Anh Quốc uy tín, từng tham gia vào nhiều tòa án độc lập quốc tế, hoạt động trong Tòa án Hình sự Quốc tế và tư vấn luật miễn phí (pro bono) cho các nhóm nạn nhân khác nhau.

Theo dòng sự kiện đó, đầu tháng 12/2018, ngài Geoffrey Nice tuyên bố trong phán quyết tạm thời:

“Chúng tôi chắc chắn không chút hoài nghi rằng tại Trung Quốc, việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm đã được thực hiện trên quy mô lớn, trong một thời gian dài, dẫn tới số lượng nạn nhân rất lớn.”

1 tháng sau đó, ngày 8/1/2019, trong bài viết “How Chinese Doctors Who Harvest Organs Get Away With Murder” (Tạm dịch: Các bác sĩ Trung Quốc thu hoạch nội tạng có thoát tội giết người?) chuyên gia nghiên cứu diệt chủng Ewelina U. Ochab tiếp tục dẫn báo cáo của tổ chức Thế giới điều tra cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG). Trong báo cáo này có bằng chứng ghi âm 17 cuộc gọi tới 12 bệnh viện khác nhau, tại các thành phố lớn thuộc 11 tỉnh thành của Trung Quốc, bao gồm: Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Yên Đài, Trịnh Châu, Hàng Châu, Trường Sa, Nam Kinh, Tương Nhã, Quảng Châu và Quảng Tây. Các cuộc gọi đều là tới cấp giám đốc hoặc chủ tịch của các bệnh viện ghép tạng.

Đáng chú ý, trong các bằng chứng ghi âm này, khi được hỏi về việc bệnh viện có sử dụng nội tạng của người tập Pháp Luân Công để cấy ghép hay không, các nhân vật quan trọng này đều trả lời khẳng định là có. Đồng thời họ đều khẳng định việc cấy ghép tạng có thể thực hiện trong vòng 1-2 tuần, một thời gian không thể có nếu so sánh với thời gian chờ đợi 1-2 năm trong giới y học ghép tạng quốc tế.

Trong bài viết này, bà Ewelina U. Ochab cũng tiết lộ thêm nguyên nhân chính dẫn tới việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ không thể tổ chức một tòa án đối với tội ác thu hoạch nội tạng do chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn. Theo đó, Trung Quốc là 1 trong 5 thành viên có quyền phủ quyết (veto right) trong Hội đồng Bảo an. Chính vì vậy, một tòa án độc lập như của luật sư Geoffrey Nice là cần thiết.

Trong bài viết mới nhất của mình đăng ngày 21/3/2019, bà Ewelina U. Ochab tiếp tục dẫn các nghiên cứu khác nhau của các luật sư và nhà điều tra, chỉ ra sự chênh lệch về số liệu ghép tạng được chính quyền Trung Quốc công bố và số liệu thực tế. Theo đó, trong khi Trung Quốc công bố rằng hàng năm họ thực hiện 10.000 ca ghép tạng thì thực tế, các nhà điều tra đã cho thấy có từ 60.000 đến 100.000 ca ghép tạng hàng năm được thực hiện tại Trung Quốc. Hơn nữa, các nhà điều tra cũng chỉ ra rằng hầu hết nội tạng được cấy ghép là được lấy trái phép và cưỡng bức từ nhiều nhóm tù nhân lương tâm, bị bắt giữ chỉ vì tín ngưỡng của họ, bao gồm nhóm khí công Pháp Luân Công, nhóm Phật giáo Tây Tạng, nhóm Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, và nhóm Cơ đốc giáo không đăng ký với chính quyền.

Bà Ewelina U. Ochab cũng nhấn mạnh rằng bên cạnh việc thu hoạch nội tạng của những người này, chính quyền Trung Quốc còn lạm dụng và tra tấn những tù nhân lương tâm này. Và trong khi việc buôn bán nội tạng người trên thế giới có thể dẫn đến việc nạn nhân mất đi cơ quan nội tạng mà không bị thiệt mạng, thì việc thu hoạch nội tạng có tổ chức cao do chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn sẽ dẫn đến việc nạn nhân thiệt mạng do mất đi các cơ quan nội tạng thiết yếu. Vì thế, bà Ewelina U. Ochab cho rằng tội ác này không nên gọi là thu hoạch nội tạng, mà nên gọi là giết người bằng cách thu hoạch nội tạng.

Hiện tại đã có nhiều tổ chức và quốc gia lên tiếng đối với tội ác này, bao gồm nghị viện châu Âu, Mỹ, Canada, v.v.. Mới đây nhất, vào 5/3/2019, nghị viện Anh đã tiếp tục chú ý tới vấn đề này và sẽ bàn luận về nó vào ngày 26/3 này (xem thêm kiến nghị tại Hạ Viện Anh tại đây).

Bà Ewelina U. Ochab cho rằng việc tội ác thu hoạch nội tạng bị chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn sẽ khiến cho con đường đến với toàn bộ sự thật trở nên khó khăn, tuy nhiên thế giới vẫn phải điều tra đến cùng. Đó cũng là vì tôn chỉ của ngày Quốc tế 24/3, vì sự thật, và vì nhân phẩm của những nạn nhân đã khuất.

Minh Nhật