HAI CHUYỆN TÀO LAO VÀ VÌ SAO BỐN NGÀN NĂM VẪN KHÔNG CHỊU LỚN?

NHÂN VỤ THẢ CÁ CHÉP Ở HỒ GƯƠM, ĐĂNG LẠI

Fb Pham Nguyen Truong

TÀO LAO 1. Ông công ông táo là câu chuyện của những người nông dân dái chấm tro kể cho nhau nghe quanh bếp lửa, tưởng đến thời complet cà vạt thì sẽ trôi vào dĩ vãng hay người ta sẽ nhắc lại câu chuyện đó như một trò vui, giải trí như lễ Halloween bên trời Tây. Nhưng không phải. Câu chuyện kể cho con trẻ ngày nào, với ông táo chỉ mặc áo, không mặc quần và con cá chép tưởng tượng (một con cái mại bằng cái lạt cũng chén ngay, làm gì có cá mà thả), thì nay những người đàn ông đi xế hộp, giày da bóng loáng.., những người đàn bà đeo túi ngàn đô… lại coi là chuyện thật, giả vờ thành tâm đi mua cá và thả cá với ước mong sang năm làm ăn phát tài bằng năm bằng mười năm ngoái.

Chỉ nhìn vào cách người ta đối xử với cá là đã thấy tâm lí mì ăn liền trong chuyện này rồi. Thứ nhất, đa số đấy là những con cá cảnh được nuôi ở chỗ có máy xục không khí, thả vào ao hồ ô nhiễm sống sao nổi? Thứ hai, người thả bên này bờ, góc này hồ.. thì bờ bên kia hay góc hồ.. kia có người bắt lại. Nếu có ông công ông táo thật thì các ngài sẽ “xử” mấy người mua xe rởm, những người “xơi” hay “quay vòng” xế đỏ của các ngài như thế nào?

Giá đừng làm chuyện tào lao như thế mà biến câu chuyện mua vui của những người nông dân bán khai thành phong trào làm giàu nguồn lợi thủy sản: Có những cơ sở nuôi các chép thật, rồi mang ra bờ sông, bờ hồ…, nhưng phải là những nơi cá có thể sống được, và mỗi người mua một hai con, thả một cách cận thận xuống nước, thì hay biết mấy.

TÀO LAO 2. Chuyện tấm cám với cái kết cục quá tàn nhẫn đã bị nhiều người lên án và hình như đã được viết lại. Chuyện đó không nói nữa. Nhưng chuyện này thì rất đáng nói. Đất nước mang tiếng là theo đạo Phật hơn một ngàn năm rồi mà thế hệ nào cũng kể cho nhau nghe: Tấm khóc… Bụt hiện lên… Trong khi ai học Phật pháp cũng phải hiểu ngay rằng Phật là người đã giác ngộ được sự kiện rằng đời là khổ và Ngài chỉ cho chúng sinh con đường thoát khổ, chứ Ngài không cứu giúp được ai. Muốn thoát khổ thì phải tu và ai tu người đó chứng. Không thể tu hộ, không thể cầu xin, không thể mua bán được sự giác ngộ. Tóm lại, tu cũng như ăn cơm, ai ăn người đó no, không thể đưa cơm cho người khác ăn mà mình no, cũng không thể mua cái no của người khác, kể cả của Phật.

Câu chuyện thả cá chép để cầu xin, cũng như câu chuyện người tốt ngồi khóc được Phật giúp cho thấy cái não trạng dựa dẫm, dựa vào may rủi, trong khi muốn giỏi, muốn giàu thì phải suy nghĩ bằng cái đầu và làm việc bằng hai bàn tay của mình, chứ không thể ngồi chờ sung rụng được. Vì vậy mà nói rằng đấy là hai chuyện tào lao và cũng là lí do 4.000 năm mà không chịu lớn.