Các diễn giả tham gia hội thảo “Tự Do Internet tại Việt Nam,” tại đài truyền hình SBTN, Garden Grove, Nam California. Ảnh: Lâm Hoài Thạch/ Người Việt
“Tự Do Internet tại Việt Nam,” qua hình thức Internet Freedom Roundtable (Bàn tròn Tự do Internet), do các thành viên Mạng Lưới Đồng Hành và Thanh Niên Phan Bội Châu Hải Ngoại tổ chức vào chiều Thứ Bảy, 20 Tháng Năm, tại đài truyền hình SBTN, Garden Grove, là một diễn đàn giúp giới trẻ trong nước đấu tranh.
Tiến Sĩ Duyên Bùi, thành viên ban tổ chức, cho biết: “Tôi là một trong những thành viên của Mạng Lưới Đồng Hành, cùng nhiều đoàn thể thanh niên Việt Nam tại hải ngoại khác, ủng hộ sự đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam. Đồng tổ chức với chúng tôi hôm nay có Đoàn Thanh Niên Phan Bội Châu, Nam California. Đặc biệt buổi tổ chức này là hoàn toàn bàn luận về Tự Do Internet tại Việt Nam.”
“Chúng tôi luôn nhắm đến giới trẻ từ bậc trung học đến đại học, để họ có thể hiểu biết thêm về tình hình của Việt Nam như thế nào. Nhưng lâu rồi chúng tôi chưa được gặp lại nhau, kể từ đại dịch COVID-19 bùng phát cho đến bây giờ. Vì thế, đây cũng là cơ hội cho giới trẻ hải ngoại được gặp nhau để bàn luận về đề tài này,” cô Duyên Bùi cho biết thêm.
Một số diễn giả nêu lên những trở ngại của những nhà đấu tranh ở trong nước gặp phải. Các diễn giả đưa ra những ý kiến, nhằm có thể tránh khỏi sự để ý của nhân viên kiểm soát, theo dõi những hành vi mà những nhà đấu tranh từ hải ngoại về nước để hoạt động, đồng thời cũng nêu lên một vài phương pháp để giúp cho những người đấu tranh trong nước tránh được sự bắt bớ của nhà cầm quyền CSVN.
Diễn giả TS Duyên Bùi phát biểu tại hội thảo “Tự Do Internet tại Việt Nam.” Ảnh: Lâm Hoài Thạch/Người Việt
Luật Sư Nguyễn Văn Đài là nạn nhân của sự đàn áp đó từ trong nước cho đến khi ông được định cư tại nước Đức. Ông là một diễn giả của hội thảo.
Ông kể: “Năm 2020, chính quyền độc tài CSVN đã gây áp lực với chính phủ Đức. Phía Việt Nam yêu cầu Đức phải có biện pháp để tôi không được sử dụng mạng xã hội lên án chính quyền CSVN vi phạm nhân quyền và cổ xúy cho tự do và dân chủ tại Việt Nam. Nhưng chính phủ Đức đã từ chối.”
“Sau đó, chính quyền Việt Nam đã kích động những người ủng hộ họ để đe dọa tôi. Năm 2021, một người Việt ở Na Uy đã treo giải thưởng $100,000 cho ai giết được tôi. Kết quả, cảnh sát Đức đã khởi tố vụ án và yêu cầu cảnh sát Na Uy thẩm vấn người này. Viện Công Tố Đức đang điều tra, vì hằng ngày, tôi nhận được hàng chục tin nhắn bình luận đe dọa từ Việt Nam,” Luật Sư Đài nói thêm.
Diễn giả Chris Nguyễn phát biểu. Ảnh: Lâm Hoài Thạch/Người Việt
Nói về sự bất đồng chính kiến trên các mạng xã hội, Luật Sư Nguyễn Văn Đài cho biết: “Chính quyền độc tài CSVN coi truyền thông có ý nghĩa quyết định tới sự tồn vong của họ. Bởi vậy chính quyền này đã độc quyền truyền thông như truyền hình, phát thanh, các loại hình báo chí, và cấm phát hành báo chí tư nhân.”
“Họ có nhiều cơ quan để quản lý và giám sát các cơ quan truyền thông, gồm có Ban Tuyên Giáo Trung Ương, Bộ Thông Tin và Truyền Thông, Cục An Ninh Mạng của Bộ Công An, và Cục Tác Chiến An Ninh Mạng của Bộ Quốc Phòng,” Luật Sư Đài cho biết thêm.
Theo Luật Sư Đài, từ khi có mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter,… thì chính quyền CSVN không còn được độc quyền tuyệt đối trên truyền thông. Bởi vậy, năm 2018, họ đã ban hành luật an ninh mạng để kiểm soát các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội và người dân. Trong bốn năm qua, chính quyền CSVN đã thực hiện nhiều biện pháp và hình thức khác nhau để đàn áp những người đối lập ở trong và ngoài nước sử dụng mạng xã hội.
Anh Tâm Đoàn, thành viên ban tổ chức. Ảnh: Lâm Hoài Thạch/Người Việt
Theo diễn giả Duyên Bùi, “Giới trẻ ở hải ngoại thì dễ dàng chia sẻ những ý kiến của mình trên Internet để đấu tranh, nếu cần. Nhưng ở Việt Nam thì các nhà đấu tranh trên mạng luôn bị nhà cầm quyền Cộng Sản kiểm soát, đàn áp hoặc bắt bớ. Vì thế, những nhà đấu tranh trẻ ở hải ngoại có thể giúp đỡ những người đấu tranh trong nước qua nhiều hình thức, từ dễ dàng cho đến khó khăn.”
Anh Tâm Đoàn, thành viên ban tổ chức, nói: “Tôi tham gia vào tổ chức Mạng Lưới Đồng Hành và Đoàn Thanh Niên Phan Bội Châu để học được thêm về lịch sử và văn hóa Việt Nam, đồng thời cùng tiếp tay với các anh chị em giới trẻ trong nước đang đấu tranh cho Việt Nam có nhân quyền, tự do và dân chủ.”
Thành viên ban tổ chức hội thảo “Tự Do Internet tại Việt Nam.” Ảnh: Lâm Hoài Thạch/Người Việt
Ông Minh Nguyễn, một người tham dự, nói: “Giới trẻ ở hải ngoại đã thực hiện phong trào rất quan trọng, đó là đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam trong lãnh vực truyền thông trên Internet. Thế hệ của những bậc lớn tuổi tại hải ngoại từng tranh đấu để giới trẻ noi theo, nhưng có lẽ vì thời gian không cho phép chúng ta tiếp tục lâu dài, nên giới trẻ Việt Nam từ trong nước cũng như ở hải ngoại tiếp tục đấu tranh, đó là điều mà các con em của chúng ta cần phải làm.”
Cô Thanh Lan, cư dân Anaheim, nói: “Giới trẻ Việt Nam không có tiếng nói mạnh mẽ khi họ muốn phát biểu những ý kiến cá nhân của họ, nhất là vấn đề nhạy cảm đối với chính quyền hiện tại trong nước đàn áp rất mạnh bạo sự đấu tranh này. Điều này rất là bất công đối với giới trẻ trong nước. Hy vọng buổi hội thảo này sẽ có nhiều lợi ích cho sự tranh đấu của tuổi trẻ trong nước.”
Vợ chồng ông Minh Nguyễn tham dự hội thảo “Tự Do Internet tại Việt Nam” tổ chức tại đài truyền hình SBTN, Garden Grove. Ảnh: Lâm Hoài Thạch/Người Việt
Nhạc sĩ Trúc Hồ, Tổng giám đốc đài truyền hình SBTN, nơi giúp cho buổi hội thảo này được loan tải trên toàn thế giới, nói: “SBTN lúc nào cũng chủ trương giúp giới trẻ Việt Nam, vì họ là tương lai của sự trường tồn của cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại. Không riêng chúng tôi, mà cả cộng đồng người Việt hải ngoại phải yểm trợ cho giới trẻ được thành công về việc tranh đấu vì quê hương, dân tộc Việt Nam.”
Sau phần hội luận, các diễn giả giải đáp những câu hỏi của đồng hương đến dự.
Lâm Hoài Thạch
Nguồn: Người Việt