VRNs (27.03.2014) -Sài Gòn- Gần 500 tham dự viên của các tổ chức xã hội dân sự, các kỹ sư, các nhà hoạt động nhân quyền, các công ty phần mềm nổi tiếng trên thế giới và đại diện chính phủ của hơn 40 quốc gia đã nhóm họp tại Manila, Philippines từ ngày 24-25/3 trong Hội Nghị RightsCon năm nay, nhằm cổ võ cho tự do Internet và tự do ngôn luận trong khu vực Đông Nam Á.
Mục đích của Hội nghị nhằm đưa ra những phương cách bảo vệ tự do ngôn luận và quyền sử dụng cho người dùng internet.
Hội nghị lần này do công ty Access đứng ra tổ chức chính và đồng tổ chức có công ty EngageMedia và Foundation Media Alternatives.
Trong bối cảnh thời đại kỹ thuật số và xã hội dân sự đang phát triển, Hội Nghị RightsCon hướng đến các mục tiêu sau:
. Hướng dẫn và trợ giúp quyền cho những người sử dụng internet đặc biệt trong bối cảnh Đông Nam Á là vùng xã hội dân sự chưa phát triển cao, cách riêng tại Việt Nam.
. Hội nghị RightsCon tạo cơ hội cho các tổ chức dân sự bày tỏ ý kiến và chia sẻ câu chuyện của mình với các tham dự viên khác, nhờ đó thế giới biết rõ hơn tình hình về tự do ngôn luận trong đất nước của mình.
. Về phía các công ty phần mềm thế giới sẽ biết rõ hơn về những thách đố mà họ phải đối mặt, nhờ đó họ sẽ cải tiến những sản phẩm của mình để đáp ứng những nhu cầu cho người sử dụng.
. Các tổ chức nhân quyền và trợ giúp luật pháp hướng dẫn và hỗ trợ cho những nhà hoạt động dân sự trong khu vực của mình.
. Cuối cùng Hội Nghị đề ra các chiến lược hợp tác giữa các nhóm với nhau trong khu vực để hướng đến một xã hội dân chủ và bảo đảm quyền cho người sử dụng internet hơn .
Trong số tham dự viên đến từ Việt Nam có đại diện của tổ chức dân sự “Bầu Bí Tương Thân”; Hội Anh Em Dân Chủ và Truyền Thông Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Ngoài ra trong nhóm người Việt lưu tâm đến tình hình tự do ngôn luận tại Việt Nam còn có đại diện của Việt Tân, đài RFA, Chân Trời Mới….
Trong gần 100 đề tài khác nhau liên quan đến tực do ngôn luận và tự do internet có phần trình bày của nhóm Việt Nam về đề tài “Dân Báo Việt Nam”. Trong phần này bà Libby Liu, Tổng Giám Đốc Đài Á Châu Tự Do, là người điều phối chính. Đại diện truyền thông Chúa Cứu Thế Việt Nam, Lm Giuse Trương Hoàng Vũ trình bày tổng quát về sứ mạng truyền thông của website: chuacuuthe.com. Sứ mạng loan báo Tin Mừng là sứ mạng ưu tiên của trang web này. Trong khi thi hành sứ mạng ấy, trang web liên đới với những hoạt động của xã hội dân sự và là tiếng nói vừa trung thực vừa đa chiều nhằm phát triển một xã hội lành mạnh, giúp phát triển nhân quyền và tôn trọng phẩm giá con người. Tuy nhiên khó khăn mà trang web này đối mặt là người sử dụng rất khó truy cập để tiếp cận thông tin.
Ngoài ra tổ chức dân sự “Bầu Bí Tương Thân”, nhóm Anh em Dân Chủ cũng đã chia sẻ câu chuyện của mình về những khó khăn trong khi hoạt động. Ông David Kaye, Đặc Phái Viên Liên Hiệp Quốc về Tự Do Nhân Quyền có trụ sở chính tại Thụy sĩ đã lắng nghe và thấu hiểu về tình hình tự do nhân quyền tại VN, cũng như những khó khăn mà các anh em này đã gặp phải. Với tư cách là đặc phái viên LHQ về tự do nhân quyền, ông rất muốn đến VN để đàm phán với Chính Phủ VN về tự do nhân quyền nhưng phía VN chưa có lời mời chính thức.
Các tổ chức tham dự Hội Nghị RightsCon hứa sẽ giải đáp và khắc phục cho chúng ta về những vấn đề sau:
Làm sao để giữ bí mật thông tin khi trao đổi với nhau trên internet?
Đây là một khó khăn cho giới hoạt động nhân quyền chưa có cơ hội được tiếp nhận những khóa học về kỹ thuật bảo mật internet. Ông Gary Garriott, Giám đốc của tổ chức Internews, một tổ chức chuyên bảo mật thông tin, có trụ sở đặt tại Washington, DC hứa sẽ hỗ trợ những khóa học cho những người hoạt động nhân quyền tại Việt Nam nhằm bảo đảm khá tuyệt đối những thông tin trao đổi với nhau trong giới hoạt động thông qua phần mền bảo mật Martus. Đây là một phần mềm ưu việt nhất hiện nay nhằm bảo vệ những thông tin cách tuyệt đối khi được chia sẻ cho nhau dựa trên nguyên lý “hai chìa khóa”. Đây là một cơ hội cho những người đang hoạt động nhân quyền muốn trao đổi thông tin cho nhau trong một đất nước mà những thông tin dễ dàng bị kiểm soát. Chúng ta có thể liên lạc với ông để được hướng dẫn và trợ giúp qua địa chỉ email: [email protected] hoặc skype: ggarriott
Làm sao biết được thông tin của mình đã bị kiểm soát và cách nào để khắc phục?
Ông Damar Juniarto, giám đốc công ty Safenet (bảo mật Internet) có trụ sở đặt tại Jakata, Indonesia sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho những ai muốn học hỏi thêm vấn đề này. Chúng ta có thể truy cập vào website của công ty (web: id.safenetvoice.org) để tìm hiểu, hoặc liên lạc trực tiếp với anh kỹ sư Duren Tiga Ray qua địa chỉ email [email protected] để được hướng dẫn.
Về mặt pháp lý trong việc thông tin của chúng ta bị đánh cắp trên internet thì sao?
Chúng ta có thể nhờ đến những tổ chức trên thế giới bảo vệ cho chúng ta về mặt luật pháp. Ông Peter Noorlander hiện là Giám đốc điều hành tổ chức Media Legal Defence Initiative, một tổ chức chuyên hỗ trợ pháp lý cho hoạt động truyền thông có trụ sở chính đặt tại London. Nếu thông tin của chúng ta bị đánh cắp, chúng ta có thể nhờ đến luật pháp quốc tế lên tiếng bảo vệ cho chúng ta. Chúng ta có thể liên lạc trực tiếp với ông qua địa chỉ email: [email protected] hoặc nói chuyện trực tuyến qua địa chỉ skype: peter.noorlander.mldi
Pv. VRNs
Theo chuacuuthe.com