Zur Veranstaltung des Bundesverbandes der Vietnamesischen Flüchtlinge in Deutschland e.V. anlässlich des 40. Jahrestages der Besetzung Südvietnams.
Grußwort der Bundesministerin der Verteidigung, Dr. Ursula von der Leyen; Grußwort von Rainer Eppelmann, Vorstandsvorsitzender der Bundesstiftung zur Aufarbeitung der SED-Diktatur; Grußwort von Frau Vera Lengsfeld, frühere Stasi-Tochter, ehemalige DDR-Bürgerrechtlerin und Bundestagsabgeordnete, Trägerin des Bundesverdienstkreuzes; Grußwort von Frau Ulrike Poppe, Beauftragte des Landes Brandenburg zur Aufarbeitung der Folgen der kommunistischen Diktatur; Grußwort von Hr. Pfr. Bernhard Stief, Trägerkreis der Leipziger Friedensgebetsgruppen, Nikolaikirche.
Grußwort der Bundesministerin der Verteidigung, Dr. Ursula von der Leyen:
Lời chào mừng của Dr. Ursula von der Leyen, Bộ Trưởng Quốc Phòng CHLB Đức
Thế kỷ 20 là thế kỷ của chiến tranh và đàn áp chính trị, thế kỷ của chạy loạn và xua đuổi. Sau Đệ Nhị Thế Chiến Âu Châu đã thành công trong việc giữ hòa bình tại đây, mặc dù bị đe dọa bởi chiến tranh lạnh, song những nơi khác trên thế giới vẫn còn xảy ra nhiều xung đột bằng vũ khí với biết bao nạn nhân và những tàn phá. Cho dù tiếng súng đã im nhưng những cảnh khốn cùng vẫn chưa chấm dứt.
Do đó nên từ giữa thập niên 1970 người Âu Châu phải học thêm một từ mới: Boatpeople. Người ta hiểu rất nhanh cái gì nằm sau danh từ này: một tấn bi kịch không thể tưởng tượng được; hàng trăm ngàn người từ Việt Nam, Campuchia đã chạy trốn sự bắt bớ, sự theo dõi và kỳ thị có hệ thống ở Đông Nam Á. Vì thiếu những phương thức chạy trốn khác nên đa số vượt biên bằng đường biển. Trên những chiếc ghe, con thuyền đủ loại lớn nhỏ nhiều gia đình đã chọn con đường nguy hiểm này để đi tìm tự do. Tình trạng thật là bi đát. Cả chục ngàn người chết. Còn những người vào được đất liền hoặc được cứu vớt thì thường đứng trước một con số không vì nhiều nước láng giềng không thể hoặc không muốn nhận người tỵ nạn.
Cha tôi, Ernst Albrecht, trong thòi gian này là Thủ Tướng tiểu bang Niedersachen. Ông đã rất xúc động khi nhìn thấy những hình ảnh của những chiếc ghe vượt biên. Đối với cha tôi đó là một bổn phận nhân đạo và là trách nhiệm của một người Kitô hữu khi ông đứng ra giúp đỡ những người này để mang lại cho họ một quê hương mới.
Ngày 03.12.1978 chiếc máy bay đầu tiên với những người đàn ông, đàn bà, con nít đưọc cứu đã hạ cánh ở phi trường Hannover-Langenhagen. Đó là những người tỵ nạn đợt đầu tiên và sau đó tỗng cộng gần 40.000 người đã được mang vào nước Đức.
Những câu nói của cha tôi trong ngày 03.12.1978 để chào mừng những người tỵ nạn đầu tiên này thật là cảm động. Cho tới giờ những câu này vẫn còn giá trị, khi mà đề tài „chạy loạn và xua đuổi“ là đề tài chính trong tin tức hằng ngày. Cha tôi đã nói:
„Chúng tôi biết và cảm nhận được những nỗi đau và những khó nhọc họ đã phải trải qua. Bây giờ họ đã đến được một đất nước mà họ không còn bị đàn áp nữa. Họ có thể sống tự do trong một nước không có chiến tranh. Chúng ta biết ơn vì chúng ta được sống trong hòa bình. Họ đã đến được một nước mà trong đó không ai phải sợ thiếu thốn; thiếu thốn về mặt vật chất.“
Cha tôi nói tiếp: „Họ đã đến một nước mà nơi đó họ không phải sợ hãi nữa, song họ có thể bắt đầu một cuộc sống mới với lòng dũng cảm và sự vững tin vào tương lai.“
Với niềm tin và lòng dũng cảm xây dựng một cuộc sống mới – Quý vị đã đạt được điều này. Những người tỵ nạn hồi đó hiện nay là những người đồng hương được trọng vọng và là những người hàng xóm tốt. Họ là một phần tử quan trọng không thể thiếu được trong cộng đồng chúng ta; khi tới đây với hai bàn tay trắng vậy mà sau chục năm với những cố gắng và nỗ lực quý vị đã gầy dựng cho mình và cho các con mình một cuộc sống mới. Thật là đáng phục !
Những thành công này - Những thành công của quý vị đã mang lại cho cha tôi tràn đầy niềm vui. Quý vị hãy nên hãnh diện về những gì quý vị đã đạt được.
Hôm nay chúng ta hãy cùng hồi tưởng lại quá khứ. Chúng ta hãy tưởng nhớ tới những người đã bỏ mình trên con đường vượt biên. Số phận họ nhắc nhở chúng ta không được nhắm mắt làm ngơ trước chiến tranh, trước bất công và bạo lực trong thế giới này. Chúng ta cũng nhớ đến trong niềm hân hoan là rất nhiều người đã được cứu vớt - Sự cứu vớt của chính quý vị; cứu vớt để đưa đến sư bắt đầu của một cuộc sống mới.
Ngọc-Hòa chuyển ngữ
________________________________________________
Grußwort von Rainer Eppelmann, Vorstandsvorsitzender der Bundesstiftung zur Aufarbeitung der SED-Diktatur:
Thư ngỏ của ông Rainer Eppelmann, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Cơ Quan Liên Bang điều nghiên về chế độ độc tài đảng trị SED (Sozialistische Einheitspartei Deutschlands: Đảng Xã Hội Thống Nhất Đức Quốc)
Nhân buổi lễ tưởng niệm 40 năm Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam tổ chức´ngày 25 tháng 4 năm 2015 tại hội trường St. Aloysius, Berlin.
Kính thưa quý vị,
Kính thưa quý thành viên và thân hữu của Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức thân mến,
vào mùa Thu năm 1989 tại Cộng Hòa Dân Chủ Đức (CHDCĐ) một thời kỳ gần như khó tin đã bắt đầu. Chỉ trong vòng vài tháng chế độ độc tài đảng trị Cộng Sản SED, một chế độ trong suốt 40 năm tưởng chừng như không thể lay chuyển được, đã hoàn toàn sụp đổ dưới sức ép của phong trào đối lập và những người biểu tình bất bạo động. Tất cả xảy ra thật nhanh: Vào mùa Hè 1989 một làn sóng rất lớn người chạy trốn qua Hung-Gia-Lợi (Ungarn) và sứ quán Đức ở Prag; bắt đầu mùa Thu là những cuộc biểu tình lớn tại CHDCĐ; kế đến ông Erich Honecker bị lật đổ và sau cùng là sự sụp đổ của bức tường Bá Linh. Những hình ảnh và những cuốn phim quay cảnh vui mừng khôn tả của người dân trong đêm định mệnh 09.11.1989 đã đi khắp thế giới như một biến cố chưa từng có trước đó. Vận tốc của những biến cố liên tục và lôi cuốn này đến duy nhất từ người dân CHDCĐ và ý chí của họ muốn thay đổi tận gốc rễ thể chế chính trị - Đảng Cộng Sản Đông Đức SED đã không còn gì để chống trả lại những người trước đây là thuộc cấp của họ. Ngay cả sau khi bức tường Berlin sụp đổ, những sự việc vẫn diễn ra với một tốc độ vũ bão: Hội nghị bàn tròn khắp đất nước, tấn công các trung tâm của công an mật vụ, bầu cử nghị viện nhân dân tự do đầu tiên, và rốt cuộc là biến cố mà nhiều người hằng mong mỏi đợi chờ: Thống Nhất Đức-Quốc. Đêm mùng 03 tháng 10 năm 1990 ở cổng thành Brandenburger Tor tại Berlin cũng như những nơi khác hàng mấy trăm ngàn người đã ăn mừng biến cố chấm dứt chia đôi đất nước như một ngày hội lớn của dân tộc. Ngày 03 tháng 10 đánh dấu điểm cuối thành công của một cuộc cách mạng bất bạo động chưa từng có trong lịch sử nước Đức, và cũng là một cuộc khởi hành của nước Đức đi vào thống nhất trong dân chủ, tự do và hòa bình cùng với sự đồng tâm của các nước láng giềng Âu Châu.
Năm 2015 này chúng ta mừng 25 năm thống nhất Đức-Quốc. Chúng ta chia xẻ niềm vui này với hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới đã sinh sống tại nước Đức từ rất lâu hoặc mới đây vì nhiều nguyên do khác nhau. Nhiều người đồng hương mới của chúng ta là những người tỵ nạn vì chiến tranh, vì bạo lực và bị đàn áp vì khác chính kiến. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thống nhất đất nước tôi cảm thấy điều quan trọng cần nhắc nhở là trên thế giới vẫn còn nhiều nước nằm dưới sự kềm kẹp của các chế độ độc tài và độc quyền đàn áp những khát vọng tự do và dân chủ của người dân. Đáng tiếc Việt Nam cũng thuộc về trường hợp này. Một nước, xét theo địa dư mặc dầu xa Đức Quốc, nhưng lại rất gần gũi với chúng ta, vì ngay tại Berlin này, hiện có rất nhiều người có nguồn gốc Việt Nam đang sinh sống.
Là một người đấu tranh cho quyền công dân ở Đông Đức, người đã được cùng đóng góp để đưa đến sự sụp đổ của chế độ độc tài Cộng Sản cũng như đưa đến tiến trình dân chủ hóa tại Đông Đức và thống nhất nước Đức, hôm nay tôi xin phép được chia xẻ với quý vị một kinh nghiệm như sau:
Chế độ độc tài tự nó đối nghịch lại với bản tính tự nhiên của con người là yêu mến tự do, và nó không thể tồn tại mãi mãi, cho dù chúng ta cảm thấy như vậy sau mấy chục năm. Có ngày các chế độ này sẽ sụp đổ. Lịch sử của phe đối lập chống lại chế độ độc tài cộng sản tại Đức cho chúng ta thấy rằng, mặc dầu nhà cầm quyền có cố gắng hết sức nhưng không thể dập tắt được hoàn toàn những tư tưởng và nỗ lực đòi dân chủ và nhân quyền; và khi những điều kiện chính trị trong nước và quốc tế thuận lợi thì nó sẽ tạo thành một lực rất mạnh và tự đi con đường mà không ai có thể ngăn cản được. Và khi những dấu hiện thay đổi ở Đông Á Châu và Việt Nam xuất hiện thì mặc dù sau nhiều năm sống dưới chế độ độc tài, người dân vẫn sẽ tạo được điểm quy tụ cho phong trào đòi tự do dân chủ.
Nhân dịp này tôi không những chỉ xin gửi đến lời chào nồng nhiệt, song còn muốn đặc biệt cảm ơn Liên Hội Người Việr Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức về những nỗ lực và xin hết lòng khuyến khích các thành viên tiếp tục tranh đấu cho một tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam!
Ngọc-Hòa chuyển ngữ
_________________________________________________________
Grußwort von Frau Vera Lengsfeld, frühere Stasi-Tochter, ehemalige DDR-Bürgerrechtlerin und Bundestagsabgeordnete, Trägerin des Bundesverdienstkreuzes
Thư ngỏ của bà Vera Lengsfeld
Con gái của công an mật vụ Stasi Đông Đức, một người đấu tranh cho dân quyền và là cựu dân biểu Quốc Hội Đức, người được nhận huy chương Bội Tinh Liên Bang, nhân buổi lễ tưởng niệm 40 năm Quốc-Hận do Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức tổ chức vào ngày 25.04.2015 tại Berlin
Kính thưa quý vị,
mặc dù Việt Nam và Đức Quốc vì lý do khoảng cách địa dư không có chung một lịch sử mật thiết, nhưng hai nước liên kết với nhau một cách rất tích cực: Những số phận cá nhân là khởi điểm bắt đầu của những mối tương giao này, trong nhiều trường hợp không những chỉ biến đổi thành tích cực song còn đưa đến những nối kết đa dạng giữa hai dân tộc.
Những lối sống khác biệt của những thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam và những người thợ khách Việt Nam thời Đông Đức cũ cho ta nhìn thấy những khía cạnh khác nhau trong mối tương giao Đức-Việt.
Chiến tranh Việt Nam đã để lại ảnh hưởng nhiều nhất tại Tây Đức vào thập niên 1970 trong giới tốt nghiệp đại học. Trong thời gian này ý thức về tầm quan trọng của một tiến trình hòa bình được kết tụ. Và theo cái nhìn của tôi thì cảm tình nghiêng quá nhiều về phía Cộng Sản.
Hiện tượng này đáng tiếc lại xảy ra một lần nữa trong cuốn phim nói về chiến tranh Việt Nam mới được đài Arte cho chiếu, mà bạn đồng nghiệp của tôi, ông Röhl tả rất đúng như sau:
„Der Vietnamkrieg. Gesichter einer Tragödie“ („Chiến tranh Việt Nam. Những khuôn mặt của một bi kịch“) là tựa đề về một cái nhìn của „quái nhân một mắt“ đối với chiến tranh Việt Nam lần thứ hai (đó là chiến tranh mà quân đội Mỹ đóng vai côn đồ). Nếu cuốn phim này không được sản xuất trong các phòng thâu phim dưới quyền chỉ đạo của cơ quan tuyên truyền Hà Nội, thì đài WDR đáng có quyền đòi Hà Nội phụ thêm tiền tài trợ cho những phí tổn.“
Dầu vậy, tinh thần tương trợ được dành cho những người tỵ nạn Việt Nam đã là một dấu hiệu rất mạnh in sâu một cách tích cực vào những cuộc biện luận trong xã hội mà không lệ thuộc vào lập trường đánh giá chính trị về chiến tranh Việt Nam.
Ngay ở nước Đức, trong lúc đề tài „Đức Quốc - một quốc gia di dân“ đã phải được mang ra bàn thảo tỉ mỉ, thì „Boatpeople“ đã đạt được chức năng là tấm gương: Họ đã hội nhập vào thể chế dân chủ ở đây, chủ động tham gia vào đời sống xã hội và tạo những mối giây liên lạc với Đông Nam Á. Tôi xin cảm ơn quý vị về khía cạnh này.
Tôi cũng đã hân hạnh được làm quen với những người đại diện của thế hệ thứ hai, mà theo nhận xét của tôi, họ cũng hội nhập rất tốt vào xã hội, trong những vai trò chẳng hạn như là thông dịch viên, kỹ sư hay chuyên viên về điện toán.
Chỉ còn điều duy nhất là chúc cho những cộng đồng người Việt tìm gặp nhau nhiều hơn. Những người thợ khách Việt Nam qua Đông Đức dưới chế độ Cộng Sản SED cũng không có một cuộc sống đơn giản, thêm vào đó chính sách ngăn chia sai lầm của chế độ dường như vẫn còn ảnh hưởng tiêu cực cho tới nay. Điều đó đáng tiếc và nên được chữa lành.
Ngoài ra, tôi cũng muốn nhắc tới một nhóm người ở Việt Nam cần sự liên đới của chúng ta: Đó là những người tranh đấu cho nhân quyền, tự do, quốc gia lập hiến và dân chủ. Tôi xin đơn cử một số phận điển hình là Lê Quốc Quân, một luật sư và là một Blooger, bị bắt sau khi dám nói rõ quan điểm của mình và đã bị bỏ tù sau một phiên tòa mờ ám. Con trai tôi, tiến sĩ Philipp Lengsfeld trong vai trò dân biểu quốc hội liên bang, đã đứng ra bảo hộ cho Lê Quốc Quân trong khuôn khổ chương trình: „Dân biểu bảo vệ dân biểu“, để mang trường hợp này ra công luận.
Tôi tin chắc rằng, tất cả chúng ta đều mong ước, thể chế cộng sản hiện nay ở Việt Nam sẽ bị thay đổi tận gốc rễ và bị loại bỏ. Ở nước Đức tiếp theo thể chế Đức Quốc Xã bất chính là chế độ bất công Đông Đức. Mãi tới khi chế độ này bị dẹp bỏ thì tình hình đất nước chia đôi mới kết thúc. Sau 40 năm truyền thống dân chủ ở miền Nam Việt Nam bị chấm dứt, đã đến lúc cả nước Việt Nam phải trở thành một quốc-gia tự do cho mọi người dân của họ. Tôi thường rất thận trọng khi dùng nước Đức làm gương cho đủ mọi chuyện, song tôi nghĩ, những quyền tự do mà chúng ta cùng hưởng ở Đức Quốc: Tự do phát biểu, tự do biểu tình, tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do lập đảng và hội đoàn, bầu cử tự do, tự do khảo cứu, tự do lập hãng xưởng, tự do thành lập các công đoàn… tất cả những tự do này là nhân quyền mà tại Việt Nam cũng phải có giá trị. Những ai tranh đấu cho những quyền này, dù ở Việt Nam hay Âu Châu đều được tôi cảm phục, đồng tình và nâng đỡ.
Ngọc Hòa chuyển ngữ
_________________________________________________
Grußwort von Frau Ulrike Poppe, Beauftragte des Landes Brandenburg zur Aufarbeitung der Folgen der kommunistischen Diktatur
Thư chào mừng của bà Ulrike Poppe, Ủy viên Khắc phục hậu quả chế độ độc tài cộng sản của tiểu bang Brandenburg
Kính thưa quý vị,
tôi xin chân thành cảm ơn quý vị đã có nhã ý mời tôi tới nói chuyện nhân dịp 40 năm miền Nam bị chiếm đóng. Đáng tiếc hiện nay tôi không ở trong nước nên chỉ có thể gửi đến quý vị thư ngỏ này.
40 năm - chế độ Cộng Sản Đông Đức cũng chỉ tồn tại được 40 năm . 40 năm dài người dân Đông Đức đã phải chịu đựng những kẻ tự xưng là „nhà cầm quyền“, những kẻ đã cướp đi của người dân quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí và tự do thông tin. Không được có Đảng đối lập. Mặc dù vậy trong những năm đó vẫn luôn có những người đứng lên chống lại chính quyền. Ý niệm về tự do quyết định, về một nền chính trị ổn định, nhân quyền phải được chính quyền và xã hội tôn trọng và bảo vệ… luôn được gìn giữ một cách sống động. Một số người đã phải trả giá rất cao cho lý tưởng này. Chúng tôi được biết là ở Việt Nam những người đấu tranh cho nhân quyền cũng bị bắt bớ và cầm tù. Tuy nhiên những tiếng nói đòi tự do dân chủ ở Việt Nam cũng không hề câm nín. Thật là một điều tốt đẹp khi mà quý vị ở hải ngoại tiếp tay với đồng hương ở trong nước đòi hỏi những quyền tự do căn bản.
Trước mùa Thu năm 1989 không có nhiều người ở Đông Đức đứng lên chống lại chính quyền; song những người này đã không ngừng hy vọng vào một tiến trình dân chủ hóa, bởi vì họ luôn nhận được những dấu hiệu hỗ trợ từ bên ngoài. 40 năm là một thời gian dài; và chúng tôi đã cần rất nhiều kiên nhẫn cho đến khi những điều kiện đưa đến thay đổi chính quyền được chín mùi. Cái may mắn của chúng tôi là đã đạt được điều này trong bất bạo động. Ở nhiều nơi trên thế giới hiện vẫn có những tranh chấp bằng bạo lực với biết bao khổ đau. Cuộc cách mạng ở Trung Đông Âu là ví dụ điển hình cho ta thấy: một sự thay đổi chính quyền bằng phương thức bất bạo động cho dù trong những thể chế độc tài với những vũ khí tối tân vẫn có thể thành tựu. Ở một vài nước này đại diện của chế độ cũ và chế độ dân chủ mới đã ngồi lại với nhau , được gọi là „Hội Nghị Bàn Tròn“, để cùng nhau bàn về hướng đi kế tiếp cho đất nước. Phe đối lập và các thành viên của họ nên được mang vào cách làm việc dân chủ. Điều đó nói lên tính đặc biệt của „dân chủ“; có nghĩa là mọi nhóm khác nhau, ngay cả các thành phần đối lập đều có chỗ đứng, nếu như họ sẵn sàng tôn trọng nhau. Đối với người Đức chúng tôi thì tiến trình dân chủ hóa ở Đông Đức đã đưa đến sự thống nhất nước Đức, mà năm nay chúng tôi ăn mừng 25 năm. Sự kiện chấm dứt tình trạng đất nước bị chia đôi đối với đa số người Đức là những giây phút hạnh phúc lịch sử. Mặt khác, không phải tất cả những mong đợi về một chính phủ dân chủ và công bằng xã hội đều được đáp ứng. Trong tiến trình thay đổi này cũng có những thất vọng và những người thua cuộc. Nhưng niềm hy vọng là trong một thể chế dân chủ thì người dân được phép phê bình và „sửa lưng“ chính phủ, và người ta luôn tìm kiếm những cách giải quyết để đưa đến một sự quân bình về quyền lợi.
Tôi xin kính chúc toàn thể quý vị luôn giữ được lòng can đảm, để cùng với tất cả các lực lượng yêu chuộng tự do trong nước tranh đấu cho một tiến trình thay đổi dân chủ bất bạo động tại Việt Nam.
Ngọc-Hòa chuyển ngữ
_______________________________________________________
Grußwort von Hr. Pfr. Bernhard Stief, Trägerkreis der Leipziger Friedensgebetsgruppen, Nikolaikirche:
Thư ngỏ nhân ngày tưởng niệm 40 năm quân đội Cộng Sản chiếm đóng miền Nam Việt Nam
Các bạn Việt Nam, anh chị em thân mến,
Thay mặt nhóm „cầu nguyện cho hoà bình“ ở Leipzig tôi xin gửi lời chào đến quý vị nhân ngày Quốc Hận, ngày 30 tháng tư. Các đây đúng 40 năm cuộc chiến Việt Nam với đầy tổn thất đã chấm dứt với sự chiến thắng của phía Bắc Việt và đưa đến thống nhất đất nước dưới sự cầm quyền của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Những gì xảy ra sau đó không phải là hòa bình song là sự tái diễn của bạo lực ngay đối với người dân mình. Những mối đe dọa nguy hiểm của các trại tù cải tạo, tra tấn và xử tử đã làm cho gần hai triệu người phải bỏ nước ra đi. Danh từ „Boatpeople“ từ đó đã in vào tâm não của loài người. Với từ ngữ này người ta liên tưởng đến hình ảnh những người tỵ nạn; họ chấp nhận mọi khó nhọc, rủi ro và nguy hiểm để tìm sự giúp đỡ và bảo vệ tại hải ngoại. Rất nhiều người đã không đạt được mục tiêu họ mong muốn. Những tấn bi kịch xảy ra trên biển Đông trong thời gian này cho chúng ta mường tượng ra được những sự khủng khiếp mà quý vị cũng như những đồng hương của quý vị đã phải trải qua.
Ngày hôm nay quý vị tưởng nhớ đến các thân nhân đã bỏ mình trên biển cả và cũng tưởng nhớ đến vô số nạn nhân đã và đang lên án chế độ Cộng Sản. Với một tâm trạng buồn vui lẫn lộn quý vị nhìn về Việt Nam và hy vọng sự thay đổi ngày càng lớn mạnh để đưa tới dân chủ, để đưa người dân tới tự do, công bình và một tương lai tốt đẹp hơn.
Chúng tôi, nhóm „cầu nguyện cho hòa bình“ xin được chia xẻ với quý vị những kinh nghiệm về cầu nguyện; nó đã trở thành „nguồn sức mạnh“ cho chúng tôi ở Leipzig. Những buổi cầu nguyện ở nhà thờ Nikolai (Nikolaikirche) vào mỗi ngày thứ hai lúc 17 giờ kể từ năm 1982 trở đi đã đóng góp một phần quan trọng trong „cuộc cách mạng bất bạo động“ (Friedliche Revolution) vào năm 1989. Chúng tôi cảm nhận rằng những lời cầu nguyện của chúng tôi có sức mạnh làm phá tung những gông xiềng và đưa đến tự do, bởi vì Thiên Chúa nghe những tiếng kêu la, van nài và cầu xin của chúng ta. Trong bài giảng trên núi của Chúa Giêsu có câu: „Phúc cho ai hiền lành vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa“. (Matthêu 5, 9). Câu này nhắc nhở cho chúng ta thấy rằng bạo lực không phải là phương tiện để giải quyết vấn đề. Sau cuộc cách mạng bất bạo động và sau khi nước Đức thống nhất chúng tôi vẫn tiếp tục cầu nguyện, vì trong thế giới vẫn còn rất nhiều khốn khó.
Cùng với quý vị, những người Việt hiện đang sinh sống ở nước Đức, chúng ta cầu nguyện cho hòa bình, tự do và phi bạo lực giữa loài người chúng ta. Vào ngày 30 tháng 4 này chúng tôi đặc biệt nhớ đến Việt Nam, cầu xin sự chữa lành các vết thương, sự tha thứ và lòng can đảm cho một tiến trình dân chủ hóa.
Thay mặt nhóm „cầu nguyện cho hòa bình“ thân ái kính chào
Leipzig, ngày 22 tháng 4 năm 2015
Mục sư Bernhard Stief, Nikolaikirche Leipzig
Ngọc-Hòa chuyển ngữ