Dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương là đòn ‘diễn biến hòa bình’ của Hoa Kỳ

Chân Trời Mới Media (Thanh Thảo): Trong cuộc họp báo cùng với ông Trần Đại Quang, Chủ tịch nước vào ngày 23 Tháng Năm tại Hà Nội, Tổng thống Obama đã công bố Hoa Kỳ chính thức bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với CSVN. Mặc dù Tổng thống Obama nhấn mạnh rằng việc bán vũ khí phải đi kèm theo các yêu cầu liên quan đến vấn đề nhân quyền, nhưng dư luận cho rằng Hoa Kỳ đã nhượng bộ thay vì trừng phạt Hà Nội do những hành động vi phạm nhân quyền trầm trọng trong thời gian qua.

Phải chăng Hoa Kỳ vì nhu cầu xoay trục về Á Châu nên đã bỏ qua áp lực về nhân quyền để mở ra cơ hội cho CSVN hợp tác với Hoa Kỳ về Biển Đông? Để tìm hiểu thêm vấn đề này, chúng tôi xin mời quý vị theo dõi phần nhận định sau đây của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân trong chương trình hôm nay.

https://www.spreaker.com/user/ctmoi/d-b-c-m-v-n-vu-khi-sat-th-ng-la-don-...

Thanh Thảo: Kính chào ông Lý Thái Hùng. Thưa ông đánh giá ra sao về việc Tổng thống Obama bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí trong chuyến viếng thăm Việt Nam 3 ngày, từ 23 đến 25 tháng 5, vừa qua?

Lý Thái Hùng: Trước hết, ta cần coi đây là món quà mà Tổng thống Obama đã mang đến cho lãnh đạo CSVN trong chuyến viếng thăm Việt Nam lần này.

Nói cách khác, việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí của Hoa Kỳ đã giúp cho Hà Nội giải quyết hai sức ép cùng một lúc. Đó là tâm lý bị thế giới phương Tây – cụ thể là Hoa Kỳ – cô lập từ những hệ quả của quá khứ kéo dài hơn 4 thập niên và tâm lý bị lệ thuộc vào qũy đạo Bắc Kinh nếu không chứng tỏ khả năng có thể mua được vũ khí của Hoa Kỳ để gọi là phòng thủ.

Vì là món quà, nên việc bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí đã đáp ứng được sự mong chờ từ bấy lâu nay của lãnh đạo CSVN. Tuy nhiên, về lâu dài sự kiện này mang lại nhiều lợi ích cho nước Mỹ.

Thứ nhất, CSVN sẽ phải lệ thuộc nhiều hơn vào nước Mỹ khi sử dụng những vũ khí mang tính chiến lược, không chỉ về mặt kỹ thuật mà cả quan điểm về phòng thủ và tác chiến. Sự kiện này sẽ khiến cho một bộ phận của quân đội CSVN không những phải mở rộng các quan hệ, mà còn chịu ảnh hưởng về chiến thuật lẫn chiến lược của Hoa Kỳ.

Thứ hai, Hoa Kỳ vẫn duy trì những điều kiện về nhân quyền và các yêu cầu nghiêm ngặt khác trong những đàm phán mua bán các loại vũ khí chiến lược, nên Hoa Kỳ vẫn tạo được sức ép lên Hà Nội về các hành vi đàn áp nhân quyền.

Tuy nhiên, điều đáng nói là Hoa Kỳ đã chọn thời điểm hậu Đại Hội đảng CSVN kỳ 12 để dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí là một đòn “diễn biến hòa bình”, khi nội bộ CSVN đang bị phân hóa giữa hai xu thế thoát Trung và bám Trung hiện nay.

Trong bối cảnh đó, Hoa Kỳ thay vì dùng đòn “cô lập” đã chuyển sang thế “lôi kéo” qua việc tháo bỏ lệnh cấm bán vũ khí, mục tiêu nhắm vào nội tình quân đội – vốn là xương sống của chế độ CSVN – để tác động.

Điều này đã phản ảnh khá rõ trong phần phát biểu của Tổng thống Obama trong lúc họp báo. Đó là việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vào lúc này thể hiện sự mong muốn của Hoa Kỳ giúp Việt Nam tiếp cận các loại thiết bị và vũ khí đang cần để bảo vệ đất nước.

Nói tóm lại, việc Tổng thống Obama tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí vào lúc này, trên tổng thể giúp xóa bỏ tâm lý cô lập của Hà Nội, nhưng thực chất là để lôi kéo một thành phần muốn thoát Trung chống lại các áp lực của Trung Cộng. Vì thế đây là đòn “diễn biến hòa bình” theo cách nghĩ nghi ngại của lãnh đạo CSVN trong nhiều năm qua.

Thanh Thảo: Ông Obama nói rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm vận là muốn giúp CSVN tiếp cận các loại vũ khí của Hoa Kỳ, nhưng chủ trương của CSVN là duy trì tình hữu nghị với láng giềng phương Bắc. Như vậy thì CSVN mua vũ khí để làm gì, thưa ông?

Lý Thái Hùng: Khi công bố bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí, ông Obama nói rằng đây không phải là động lực nhắm vào Trung Quốc. Bình thường ra, ông Obama không cần phải nói như vậy. Rõ ràng là Trung Quốc rất quan tâm và lo ngại những quan hệ ngày một gần gũi giữa Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn.

Chính trong bối cảnh đó, khi ông Obama nói rằng dỡ bỏ lệnh cấm vận là Hoa Kỳ muốn giúp CSVN tiếp cận các loại vũ khí đang cần để bảo vệ đất nước, nhằm ám chỉ là để bảo vệ trước hành động bá quyền của Bắc Kinh.

Từ trước đến nay, CSVN bám vào chủ trương 3 không: không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia, nhằm tránh né các cuộc đối đầu với Bắc Kinh.

Hiện nay, tuy khuynh hướng bám Trung vẫn còn mạnh trong thượng tầng lãnh đạo; nhưng chính sự bành trướng quân sự ngày một gia tăng mạnh trên Biển Đông của Bắc Kinh gần đây đã đẩy Hà Nội rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan về chủ trương 3 không nói trên.

Hoa Kỳ nhìn thấy sự lúng túng nói trên của Hà Nội và cũng đang cần sự hợp tác của CSVN trong việc phòng thủ Biển Đông, nên việc giúp cho quân đội CSVN tiếp cận các loại vũ khí của Hoa Kỳ là một nhu cầu chiến thuật đáp ứng cho cả hai phía.

Nói cách khác, việc CSVN mua được vũ khí của Hoa Kỳ sẽ buộc Hà Nội phải có những hành xử tích cực hơn trong việc cộng tác với Hoa Kỳ và các quốc gia Phi Luật Tân, Nhật Bản trong việc kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc.

Thanh Thảo: Qua sự kiện Hoa Kỳ bãi bỏ cấm bán vũ khí, ông nhận định ra sao về mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và CSVN trong những giai đoạn tới?

Lý Thái Hùng: Khác với hai vị tổng thống tiền nhiệm là Bill Clinton đến thăm Việt Nam vào năm 2000 và George W. Bush thăm vào năm 2006 đặt nặng tầm quan hệ về kinh tế và tháo gỡ những tồn đọng của quá khứ, Tổng thống Obama đến thăm Việt Nam vào lúc hai phía có cùng mối quan tâm về phòng thủ Biển Đông trước sự bành trướng của Bắc Kinh. Trong khi đó thì quan hệ kinh tế đã gia tăng gấp 100 lần.

Thông điệp mà ông Obama mang đến cho Hà Nội lần này là hướng đến tương lai. Trong đó Hoa Thịnh Đốn muốn giúp cho CSVN tiếp cận các vũ khí chiến lược của Hoa Kỳ cho nhu cầu phòng thủ; nhưng sẽ tiếp tục lên tiếng về nhân quyền nhằm thúc đẩy xã hội Việt Nam xác định được các quyền phổ cập như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp để phát triển.

Qua thông điệp này, ta thấy là ông Obama có mang đến một ngọn gió thay đổi trong việc thách đố lãnh đạo Hà Nội về chính sách Biển Đông và những cải thiện tình trạng tồi tệ về nhân quyền.

Hà Nội sẽ mua vũ khí nào của Hoa Kỳ và ứng phó vấn đề Biển Đông ra sao vẫn còn là đề tài thảo luận trong thời gian tới; nhưng về tình trạng vi phạm nhân quyền của Hà Nội, Tổng thống Obama đã chứng kiến tận mắt trong chuyến đi này, khi có bốn nhà hoạt động xã hội mà ông Obama muốn mời đến thảo luận hôm 24/5 đã bị an ninh ngăn chận, gồm Nhà báo Đoan Trang, Luật sư Hà Huy Sơn, Tiến sĩ Nguyễn Quang A và Blogger Thảo Teresa.

Rõ ràng là quan hệ CSVN và Hoa Kỳ khó có thể hướng đến tương lai, khi mà chính CSVN vẫn còn lo ngại “diễn biến hòa bình” từ phía Hoa Kỳ và nhất là tìm cách ngăn chận những hoạt động của các cá nhân đang góp phần vào sự phát triển xã hội tự do, dân chủ và tiến bộ.

Do đó, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và CSVN sẽ tiến triển ra sao còn tùy vào thái độ và ứng xử của lãnh đạo Hà Nội nhiều hơn là từ phía Hoa Kỳ.

Thanh Thảo: Cảm ơn ông Lý Thái Hùng.