BERLIN - Dân biểu Frank Heinrich (đảng CDU/CSU) đã nêu ra trường hợp cô Đỗ Thị Minh Hạnh trong bài phát biểu của ông trong phiên họp Quốc hội Liên bang Đức ngày 03.12.2015.
Trong đó ông kể rõ về vụ công an Việt Nam hành hung dã man cô Đỗ Thị Minh Hạnh:
“Mới tuần rồi tôi nhận được tin cô Minh Hạnh với tư cách là thành viên của công đoàn độc lập "Lao Động Việt"- đã bị bắt giữ cùng với một đồng nghiệp vì can tội tham gia buổi gặp gỡ và trò chuyện với công nhân của một doanh nghiệp Nam Hàn... Lực lượng công an đã giải tán cuộc họp mặt này và bắt giữ cô Minh Hạnh cùng với đồng nghiệp Trương Minh Đức. Họ bị giam giữ đến sáng ngày hôm sau và đã bị công an đánh đập tàn nhẫn. Cô Minh Hạnh với thương tích ở đầu và mắt đã phải vào bệnh viện chữa trị. Cho đến hôm nay cô vẫn còn bị rối loạn thị giác.”
Bài phát biểu của nghị sĩ Frank Heinrich cũng đề cập đến những điểm quan trọng của Nghị quyết "Tăng cường việc bảo vệ cho Người Bảo Vệ Nhân Quyền trên toàn thế giới". Cùng ngày 03.12.2015 Nghị quyết này đã được Quốc hội Liên bang Đức thông qua với đa số phiếu (đảng cánh tả Die Linke bỏ phiếu trắng). Trong tương lai những Người Bảo Vệ Nhân Quyền ở trong nước VN có thể cũng được che chở bởi Nghị quyết này.
Dưới đây là bản dịch bài phát biểu của nghị sĩ Frank Heinrich (thuộc đảng CDU/CSU và là thành viên trong Uỷ ban Nhân quyền Quốc hội Đức):
Kính thưa bà Chủ tịch, Quý đồng nghiệp và Quý dự thính viên!
Chúng ta đã định trước rằng, nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền sẽ khởi đầu trong tuần tới, hôm nay chúng ta đệ trình một Nghị quyết về những Nhà Bảo Vệ Nhân Quyền và sự bảo vệ họ.
Tương tự như những nghị sĩ khác, hôm nay tôi muốn giới thiệu cho quí vị một vài Người Bảo Vệ Nhân Quyền:
Một trong những người đó là cô Đỗ Thị Minh Hạnh. Năm ngoái tôi đã có dịp gặp cô Minh Hạnh hai lần. Một lần - như trong tấm ảnh này - gặp tại văn phòng của tôi ở Berlin. Trong thời gian này một vài nghị sĩ cũng đã gặp cô Minh Hạnh. Nghị sĩ Brand là người đỡ đầu cho cô (chú thích của người dịch: Nghị sĩ Brand là chủ tịch Uỷ ban Nhân quyền Quốc hội Đức). Bảy tháng trước đó tôi đã phải đi đến nhà tù ở Hà Nội để thăm cô Minh Hạnh; chuyện này một vài nghị sĩ đã kể qua. Vào thời điểm đó cô Minh Hạnh là một nhà hoạt động công đoàn và bị bắt giam. Cô và vài ba chục người Việt khác là những nạn nhân của việc bắt giam tùy tiện được LHQ nêu đích danh và yêu cầu trả tự do.
Một thời gian ngắn sau chuyến thăm viếng của tôi, cô Minh Hạnh được phóng thích vô điều kiện. Cô ta được khuyến cáo rằng, nếu một khi đi ra nước ngoài thì ở lại đó đừng về. Đó là điều ràng buộc duy nhất. Tháng 11 năm ngoái cô Minh Hạnh đã có dịp đi sang Đức và đến thăm chúng tôi. Nhân đó đã có tấm ảnh này được chụp trong văn phòng của tôi.
Mới tuần rồi tôi nhận được tin cô Minh Hạnh - với tư cách là thành viên của công đoàn độc lập "Lao Động Việt" - đã bị bắt giữ cùng với một đồng nghiệp vì can tội tham gia buổi gặp gỡ và trò chuyện với công nhân của một doanh nghiệp Nam Hàn về vấn đề không trả lương (chú thích của người dịch: chính xác là vấn đề đền bù cho công nhân bị sa thải) và quyền lợi của công nhân. Lực lượng công an đã giải tán cuộc họp mặt này và bắt giữ cô Minh Hạnh cùng với đồng nghiệp Trương Minh Đức. Họ bị giam giữ đến sáng ngày hôm sau và đã bị công an đánh đập tàn nhẫn. Cô Minh Hạnh với thương tích ở đầu và mắt đã phải vào bệnh viện chữa trị. Cho đến hôm nay cô vẫn còn bị rối loạn thị giác.
(…) (nghị sĩ Heinrich kể tiếp về hai Người Bảo vệ Nhân quyền ở Aserbaidschan và Bahrain)
Chúng ta sẽ nhớ ra nhiều tên tuổi và gương mặt khác. Đó là những người không ngại mọi đe dọa về thân thể và tâm lý để dấn thân cải thiện tình trạng nhân quyền tại đất nước họ, và như cô Minh Hạnh, mặc dù có cơ hội ở lại nước ngoài, nhưng cô đã trở về quê hương để cải thiện tình trạng cơ cấu ở đó.
(tiếng vỗ tay của các nghị sĩ đảng CDU/CSU)
Để rồi bây giờ cô lại phải nhận lãnh một sự trừng phạt.
Ông Rasul Jafarov là người mời tôi đến thăm. Khi gặp tôi, ông nói ông có thể bị bắt vào bất cứ lúc nào. Hồi đó ông có liên quan đến Giải Ca nhạc Âu Châu (European Song Contest). Việc bảo vệ cho những con người can đảm này là một công tác quan trọng trong chính sách nhân quyền của chúng ta. Vì thế không phải chỉ hôm nay chúng ta mới có cuộc thảo luận đặt trọng tâm về vấn đề này mà năm tới Uỷ ban Nhân quyền và Cứu trợ Nhân đạo của Quốc hội Đức cũng sẽ đặt trọng tâm vào việc bảo vệ cho những Người Bảo vệ Nhân quyền. Uỷ ban sẽ viếng thăm những Người Bảo vệ Nhân quyền và mạnh mẽ đưa đề nghị cho các đại sứ Đức và đại sứ các quốc gia liên hệ.
(Tiếng vỗ tay của các nghị sĩ đảng CDU/CSU, đảng SPD và đảng Xanh/Bündnis90)
Như trong thí dụ về Bahrain nhiều quốc gia hiện thiếu các cơ chế pháp trị. Ít khi chúng ta thấy các tội ác bị điều tra ra và thủ phạm bị trừng phạt. Do đó tôi cám ơn các tổ chức đã dấn thân vào việc này. Ngay tại Đức chúng ta cũng có những người dấn thân trong các tổ chức đó. Giống như các nhà chính trị chúng tôi tìm cách bày tỏ tình liên đới, tôi yêu cầu Quí vị viết thư và tranh đấu để mang ánh sáng đến các trường hợp đơn lẻ và tạo hy vọng cho họ.
Trong nghị quyết được đệ trình, chúng ta yêu cầu Chính phủ Liên bang hãy sử dụng mọi phương tiện ngoại giao như có thể có được để hành động chống lại việc hình sự hóa các tổ chức phi chính phủ và các Nhà Bảo Vệ Nhân Quyền bất bạo động, và để hỗ trợ các tổ chức dấn thân bảo vệ các Nhà Bảo Vệ Nhân Quyền.
Là nghị sĩ, như vừa kể, thí dụ chúng ta có thể nhận đỡ đầu cho một Người Bảo Vệ Nhân Quyền. Chúng ta có thể ký tên trên các Thỉnh nguyện thư. Quý vị cũng có thể làm với tư cách là một công dân, là một cá nhân. Chúng ta có thể đến quan sát những phiên toà xét xử. Vâng, ở điểm này chúng ta phải kêu gọi -như là nghị sĩ Schwabe đã lưu ý trước đây- có thêm nhiều nghị sĩ hơn nữa sẵn sàng đứng ra làm người đỡ đầu cho những quan sát viên để soi sáng tình trạng nhân quyền.
Chúng ta phải thông tin cho các Người Bảo Vệ Nhân Quyền biết rõ hơn nữa về những quyền của họ và các khả năng bảo vệ. Họ cần phải biết, họ có thể nhận được những sự giúp đỡ nào từ đất nước chúng ta, nơi mà chúng ta thực sự có tự do, và họ có thể cầu cứu ở người nào khi cần thiết .
Để kết thúc phát biểu tôi xin nói rằng, chúng ta với tư cách cá nhân có thể dấn thân giúp nhiều Người Bảo vệ Nhân quyền. Về phần mình, tôi đã quyết định tiếp tục hỗ trợ những người như cô Minh Hạnh, đến thăm họ trong nhà tù khi có dịp, khích lệ họ bằng thư từ, nói với họ rằng họ không bị lãng quên.
Bất cứ cương vị nào, nơi nào, thời điểm nào mà điều kiện cho phép tôi sẽ luôn đóng góp một phần nhỏ vào công việc làm sáng tỏ những bất công mà họ phải gánh chịu. Nhưng mà chúng ta cũng nên thực hiện việc này trên cương vị là Quốc hội và Chính phủ.
Tôi xin cảm ơn quí vị đã lắng nghe.
(Tiếng vỗ tay của các nghị sĩ đảng CDU/CSU, đảng SPD và đảng Xanh/Bündnis90).
Bản dịch: Đăng Hà (Danlambao)