Dân Biểu Chris Hayes hôm 24 Tháng 11, 2016 đã bày tỏ mối quan ngại trước Quốc Hội Úc Châu về trường hợp ba nhà hoạt động nhân quyền là Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Luật Sư Nguyễn Văn Đài và Bà Cấn Thị Thêu.
Trong bài phát biểu, ông Hayes đã cập nhật thông tin về những bất công mà ba nhà hoạt động này đang gánh chịu trong lao tù như không được gặp luật sư, gặp gia đình hay chăm sóc sức khỏe.
Ông cho rằng loạt bắt giữ Bà Như Quỳnh, Luật Sư Đài và Bà Thêu cùng với những trường hợp bắt bớ khác chỉ vì họ thực thi quyền con người là “chỉ dấu của một chính quyền đang xiết chặt quyền tự do của người dân”.
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Luật Sư Nguyễn Văn Đài và Bà Cấn Thị Thêu
***
Sau đây là nguyên văn bài phát biểu của Dân Biểu Chris Hayes:
Phát biểu của Dân Biểu Chris Hayes trước Quốc Hội Úc về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam
24 Tháng 11, 2016
Tôi xin phép được trình bày trước Quốc hội về một loạt vi phạm nhân quyền tại Việt Nam trong việc bắt giữ ba người hoạt động và blogger nổi tiếng: Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Ông Nguyễn Văn Đài, và Bà Cấn Thị Thêu.
Tôi được thông tin là bà Quỳnh bị bắt giữ vào ngày 10 Tháng 10 vừa qua vì lên tiếng bảo vệ các nạn nhân của thảm họa môi trường gây ra nạn cá chết hàng loạt vào đầu năm nay. Những biểu ngữ hỗ trợ cho nạn nhân được nhà cầm quyền địa phương dùng làm bằng chứng để buộc tội bà là tuyên truyền chống phá nhà nước theo Điều 88 của Bộ Luật Hình Sự. Bà Quỳnh là người đồng sáng lập Mạng Lưới Bloggers Việt Nam, và là một blogger nổi tiếng với bút danh Mẹ Nấm và thường đăng tải những bài viết về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Trong suốt năm nay, bà đã viết nhiều về vụ nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh thải chất độc ra biển làm cá chết hàng loạt trong bốn tỉnh miền Trung. Bà Quỳnh hiện đang bị giam giữ và không được phép gặp luật sự, gặp gia đình hay được chăm sóc sức khoẻ. Báo nhà nước đưa tin là bà sẽ bị khởi tố về việc dùng Facebook để loan tải và chia sẻ bài vở chỉ trích nhà nước.
Về vấn đề của luật sư nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Văn Đài, tôi được biết là ông vẫn chưa có ngày xét xử mặc dầu bị bắt giữ hồi Tháng 12 năm ngoái. Ông Đài cũng bị buộc tội tương tự với Điều 88. Tôi có dịp tiếp xúc với vợ của ông, Bà Vũ Minh Khánh khi bà đến thăm nước Úc hồi đầu năm nay. Bà đã không được phép gặp chồng kể từ khi ông bị bắt, và ông Đài cũng không được gặp luật sư. Bà Khánh cũng bị giữ lại ở phi trường Nội Bài, Hà Nội, khi bà quay trở lại Việt Nam. Ông Đài bị bắt giữ khi trên đường đến gặp phái đoàn Liên Minh Châu Âu có mặt tại Việt Nam để dự cuộc đối thoại nhân quyền song phương trong ngày hôm trước. Ông đã từng bị cầm tù bốn năm vì những hoạt động nhân quyền và đã thực hiện nhiều buổi huấn luyện tại Việt Nam về Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và luật hiến pháp. Là người đồng sáng lập Hội Anh Em Dân Chủ và Trung Tâm Nhân Quyền Việt Nam, ông bị hành hung vào tuần lễ trước khi bị bắt khi thực hiện các khóa nhân quyền tại Nghệ An. Người đồng sự với ông là cô Lê Thu Hà cũng bị bắt giữ và thẩm vấn cùng với ông.
Gần đây nhất, tôi được tin là một nhà hoạt động dân oan được nhiều người biết, bà Cấn Thị Thêu, bị kết án tù 20 tháng với tội danh gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 của luật hình sự. Bà Thêu tích cực hỗ trợ cho giới phụ nữ ở vùng nông thôn và lên tiếng phản đối thảm họa môi trường do Formosa gây ra và việc bắt giữ luật sư Nguyễn Văn Đài. Đây là lần thứ nhì bà bị bắt giữ vì những hoạt động cho dân oan. Trước đó bà bị án tù 15 tháng vào năm 2014. Trong phiên xử, con trai của bà là Trịnh Bá Phương và những người hỗ trợ khác bị công an đuổi ra khỏi tòa. Sức khỏe của bà Thêu hiện là mối quan tâm, nhất là sau khi bà tuyệt thực nhiều lần từ sau khi bị bắt. Ông Phương, con trai của bà, không được trại tù cho phép gửi thuốc men vào cho mẹ. Bà không được gặp gia đình kể từ khi bị bắt vào Tháng 6 năm nay. Tôi được tin là phiên tòa phúc thẩm sẽ diễn ra vào ngày 30 Tháng 11 sắp tới. Tôi kêu gọi nhà chức trách hãy thả ngay và vô điều kiện nhà hoạt động nhân quyền này.
Loạt bắt giữ tùy tiện này, cùng với trường hợp những người khác bị bắt giữ chỉ vì thực thi quyền làm người căn bản, là chỉ dấu của một chính quyền đang xiết chặt quyền tự do của người dân. Sắp đến Ngày Quốc Tế Nhân Quyền và với bổn phận của nước Úc với các hiệp ước nhân quyền quốc tế, tôi cho rằng chúng ta có trách nhiệm về mặt đạo đức để lên tiếng phản đối những vi phạm nhân quyền xảy ra ở bất cứ nơi đâu.