Chuyện phiếm hè phố Sài Gòn: khi Đảng ‘xài’ người của Dân

 
Ghi bên bàn cà phê buổi sớm ở ngã ba Bờ Băng, gần bến phà Cần Giờ.
Nguyễn Hồng Phúc - (VNTB)

- Báo chí đăng, sáng 19-10, ông Phạm Minh Chính - ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Tổ chức Trung ương - đã triển khai các quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ tại Tỉnh ủy Khánh Hòa. Theo đó, ông Nguyễn Khắc Định - ủy viên Trung ương Đảng, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - tham gia Tỉnh ủy, Ban thường vụ Tỉnh ủy và giữ chức bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2015-2020.

 
 
“Đảng cài người, giờ Đảng rút ra!”
 
Ông Nguyễn Tri T., một nhà báo chuyên trách mảng nông nghiệp, hiện đã nghỉ hưu, nói rằng nếu căn cứ theo Luật Tổ chức Quốc hội thì việc ‘phân công’ như từ dùng trong quyết định về trường hợp của ông Nguyễn Khắc Định, là chuyện Đảng tự cho mình quyền đứng trên mọi quyền lực Hiến định.
 
“Đảng cài người, giờ Đảng rút ra, vậy thôi. Định là đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021, thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa. Đường công danh của Định lận đận. Thời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì Định làm trợ lý cho Ba Dũng. Tháng ba năm 2014, Ba Dũng đưa Định về Sài Gòn để ngồi vào ghế phó bí thư Thành ủy TP.HCM, nhưng bộ sậu của bí thư Hai Nhựt Lê Thanh Hải đã đá văng Định về lại Hà Nội.
 
Định có lý lịch về học vấn không rõ ràng, ghi có học hàm tiến sĩ luật nhưng không rõ học ở đâu, chuyên ngành gì?. Là đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, nhưng Định không làm việc lẫn sinh sống tại đây, mà lớn lên và sống ở khu nhà Cục Cảnh sát hình sự, Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
 
Dài dòng như vậy để thấy rằng xứ mình nhiều khi cử tri cũng nhắm mắt bầu đại cho rồi, vì không có tranh cử nên chẳng ai có thể cân đo đong đếm được thực lực, tài năng về những ông bà nghị sĩ. Mọi chuyện có Đảng và Nhà nước lo rồi mà!”.
 
Nhà báo Nguyễn Tri T., nhận xét về một chuyện cũ rích, không nói thì ai cũng biết. Cũng theo ông nhà báo đã nghỉ hưu này, nếu để ý các vụ việc tham nhũng từ vụn vặt đến ‘hàng khủng’, tất cả đều là đảng viên. 
 
“Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn là dân cộng sản gộc, chuyên rao giảng tuyên huấn không thua kém chút nào với Nguyễn Phú Trọng. Hay như Đinh La Thăng, ông ấy còn thể hiện sự quyết đoán rất bôn-sê-vích của người cộng sản trong công việc… Tôi nghĩ rằng ở đây là vấn đề năng lực thực sự của cá nhân ra sao. 
 
Trong chiến tranh, có thể một gã thiến heo mới học lớp 7 trong nền giáo dục thuộc địa, có thể đứng lên dựng cờ khởi nghĩa rồi sau đó thành công thần. Nhưng trong thời bình, quản trị quốc gia phải từ năng lực thực sự về kiến thức, có sự cạnh tranh tử tế chứ không phải lại tiếp tục kiểu Bộ Chính trị phân công như họ từng phân công Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Đinh La Thăng, Lê Thanh Hải…”.
 
Nhà báo Nguyễn Tri T., biện giải và cho rằng cần sòng phẳng nếu từ Đảng đã viết hoa, thì từ Dân cũng phải viết hoa trong quyền lực.
 
Quyền lực của Dân: làm gì có!
 
Bà Nguyễn Thị H., một cô giáo dạy Ngữ Văn đã nghỉ hưu, nguyên hiệu phó một trường cấp 3 ở huyện nông thôn ngoại thành Sài Gòn, nói rằng về mặt văn bản ngữ nghĩa tiếng Việt thì động từ ‘phân công’ đồng nghĩa với ‘cắt cử’, diễn tả chuyện giao cho ai đó trách nhiệm và quyền hạn để thực hiện công việc nào đó. 
 
Phía có quyền lực phân công cũng cung cấp những phương tiện, nguồn lực cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người được phân công hoàn thành công việc.
 
“Dĩ nhiên là phân công công việc có thể là phân công tại vị trí công việc hiện tại, hoặc thuyên chuyển, thăng chức hoặc kể cả giáng chức. Về lý thuyết quản trị mà tôi được học lúc làm hiệu phó, thì nguyên tắc giao việc phải thỏa mãn ít nhất các nội dung sau: Đúng người, đúng việc, đúng năng lực, đúng thời điểm; Rõ ràng, công khai, minh bạch; Công bằng, hợp lý; Có công tác giám sát; Yêu cầu báo cáo, phản hồi kết quả.
 
Với tư cách một cử tri, tôi nghĩ rằng sắp tới đây nếu lại có những kỳ bầu cử cho nhiệm kỳ mới của Đảng và Nhà nước, hãy áp dụng phổ thông đầu phiếu, và cử tri chúng tôi phải được quyền đòi hỏi buộc các ứng viên trình bày mạch lạc, mang tính thuyết phục về mô tả công việc, so sánh với bảng đánh giá năng lực, hoặc đánh giá thành tích mà các ứng viên đó muốn nhận được lá phiếu của cử tri.
 
Nếu vẫn giữ nguyên kiểu bầu cử như thời gian qua, tôi nghĩ vừa tốn kém ngân sách quốc gia, mất thời gian nghỉ ngơi của dân chúng, và phí phạm thời gian lao động của hệ thống công chức nhà nước cho chuyện Đảng cử - Đảng phân công, còn lá phiếu cử tri thì dừng lại ở ý nghĩa là một mỹ từ. 
 
Quyền lực của người dân dường như chỉ đúng trong câu khẩu hiệu hay được treo mấy lúc Nhà nước xuống xã, ấp để thu tiền thuế nông nghiệp: Nộp thuế theo quy định của pháp luật là nghĩa vụ và quyền lợi của mọi tổ chức cá nhân”. Cô giáo Nguyễn Thị H., nhận xét.