Lê Bá Vận
Người dân Việt Nam đang trải nghiệm làm thân phận những con cừu xấu số
Lý lẽ của kẻ mạnh là hơn cả. Chúng ta sẽ chứng minh lát đây.
“La raison du plus fort est la meilleure, Nous l’allons montrer tout à l’heure”
(Le loup et l’agneau, ‘The wolf and the lamb’ – Jean de La Fontaine 1621-1695).
———-
Nhà thơ ngụ ngôn Pháp La Fontaine, thế kỷ 17 kể chuyện con chó sói và con cừu non, học sinh tiểu học lớp lớn, thời Pháp bảo hộ đều thuộc lòng bài này và thường đưa lên diễn kịch, tiếng Pháp, có khi tiếng Việt, vào dịp các lễ và phát phần thưởng cuối năm học. Cừu non, tiếng Pháp ‘agneau’ là một bé cừu giống đực, dưới một năm tuổi.
Nhà thơ kể chuyện đại khái như sau : một con chó sói đang lúc đói bắt gặp một chú cừu non uống nước ở bờ suối.
Sói toan vồ ngay ăn thịt song nghĩ lại nên hài tội bé cừu trước rồi ăn thịt sau, khỏi mang tiếng ỷ mạnh hiếp yếu, lại được dư luận khen nhân từ đạo đức.
La Fontaine đưa ra bài luân lý của ngụ ngôn qua 2 câu thơ bắt đầu : “Lý lẽ kẻ mạnh là hơn cả, chúng ta sẽ chứng minh lát đây”.
Nhân dân Việt Nam lại càng thấm thía lý lẽ này nhất vì họ đang trải nghiệm làm thân phận những con cừu xấu số.
Trước năm 1975, mấy đứa con tôi còn nhỏ, thỉnh thoảng tôi cũng kể chuyện cổ tích cho chúng nghe. Chuyện con sói và con cừu non của La Fontaine là một và chúng rất thích thú vì tôi biết thay đổi thêm thắt đôi chút để câu khách.
Mấy chục năm sau tôi lại có dịp kể chuyện sói cừu này cho thế hệ cháu, tuy nhiên lần này trong bối cảnh mới, tôi lại xen vào chuyện thời sự tào lao và mấy đứa cháu mê mẩn nghe sững như muốn tiếp thu trọn câu chuyện, được kể màu mè như sau :
—-
“Một Cừu Non (CN) bé tí mò ra bờ suối, đang uống nước thì một Con Sói (CS) to lớn từ bờ suối phía trên xuất hiện gầm gừ dữ tợn, nhe nanh giơ vuốt như muốn vồ ăn thịt nó.
CN run sợ : – Thưa cán bộ công an (CN nghĩ CS là Công an kinh tế hoặc hình sự), con ra suối uống nước, có làm gì tội tình trái phép mà cán bộ muốn bắt ăn thịt con?
CS quát nạt : – Oắt con, ai bảo mày không có tội à! mày nhiều tội lắm, Mày quậy nước đục ngầu khiến tao uống phải nước bẩn.
– Thưa cán bộ bớt giận, cán bộ uống nước ở trên dòng suối, con uống phía dưới xa thì làm sao dơ bẩn nước uống của cán bộ được? CN bớt sợ, lễ phép trả lời.
– Chính mày làm bẩn nước, đừng chối, CS nổi giận gắt lên. À! đúng rồi tao còn biết suốt năm ngoái mày nói xấu lãnh đạo tham nhũng, bịa đặt tao đánh đập nhân dân. Tội mày cho đi tù học tâp cải tạo lút mùa, chết bỏ xác.
‘Si nhi bất úy hổ’, trẻ ngu không sợ cọp, CN liều lĩnh bắt bẻ :
– Thưa cán bộ năm ngoái con còn nằm trong bụng mẹ, chưa đẻ thì làm sao con nói xấu ai được”? Hiện giờ con cũng còn bú thêm, từ sau Tết này.
– Không mày thì anh mày, chị mày!
– Con là con đầu, không có anh, chị.
– Vậy thì một đứa nào đó trong dòng họ nhà mày.
Tao còn lạ gì chúng mày phản động, thế lực thù địch, diễn tiến hòa bình, vào nét, phây búc, mạng xã hội, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, vi phạm các điều 79, 258 và 331 luật hình sự, mưu toan lật đổ chính quyền cách mạng.
Tao còn đang điều tra chúng mày a dua dinh líu đến vụ án tên tiến sĩ luật dạy trường Luật và đồng bọn tại Sài Gòn phạm luật 331, mới ngày 24 tháng 2 này.
Liệu hồn! Chủ tịch nước mới bầu là thạc sĩ Mác-Lê, tuyên giáo gộc, xem cừu là cừu địch.
CS theo thói quen nghề nghiệp, xổ nho ‘chi hồ giả dã’ một tràng dài bài bản nói có vần, có lớp lang đâu vào đó, buôc tội cung cách tòa án nhân dân ra phết.
Không để CN kịp nghe, kịp hiểu, kịp thở, CS dồn dập đay nghiến :
– Chúng mày có kiêng nể gì tao. Bầy chó giữ cừu, lũ chăn cừu chúng mày luôn tìm đuổi đánh tao, người ta nói cho tao biết,
Riêng mày ai cho phép ra suối này uống nước, xâm phạm tài sản Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ [sic], lại hỗn láo với tao. Tao phải trị tội.
Đó là chi tiết lời buộc tội mạnh mẽ cuối cùng, CS chấm dứt ngay đối thoại với bản án đã định trước, vồ tới cắn cổ bé cừu lôi vào rừng, ăn thịt.
“La raison du plus fort est la meilleure”, luật CS, ‘còn Đảng còn mình’, luật rừng thời trung cổ bịt mồm khóa miệng, ‘cưỡng từ đoại lý’, dùng võ lực giải quyết.
Khéo thay vở kịch này cũng đang được luân diễn tại sân khấu nước Việt Nam CNXH.
Theo bản báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế “Việt Nam là một trong những nhà tù tích cực nhất trong việc giam giữ các nhà hoạt động ôn hòa tại Đông Nam Á”.[21]
Họ là những “tù nhân lương tâm” còn đang bị giam giữ tại nhiều nhà tù trên khắp Việt Nam, trong đó có nhiều nhà báo, Facebooker, các nhân vật tôn giáo, và các nhà hoạt động vì dân chủ và quyền đất đai. Theo công bố của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền hiện có 253 người đang bị bắt giữ, tuy nhiên con số thực có thể còn cao hơn. (Thứ Năm 04/07/2022).
Ở các nước tự do, tiên tiến không bao giờ có dù lâ nửa người tù nhân lương tâm.
Cũng bị đánh đập, bắt bớ, giam giữ số lớn dân oan khiếu nại đất đai bị cưỡng đoạt.
Nhớ lại miền Nam giàu có sau ngày 30/4/1975 như cừu xén trụi lông, được CS giải phóng của cải, tài sản ti vi, tủ lạnh, máy móc lớn nhỏ, radio, đồng hồ, quạt máy, xe đạp, xe gắn máy, xe hơi, sữa hộp, thuốc men, vải vóc, mỹ phẩm… “đồ tế nhuyễn của riêng tây, sạch sành sanh vét …”, thượng vàng hạ cám, lớp lớp chở ra miền Bắc bần sản.
Người thì bị trù dập, giải phóng hộ khẩu, đẩy ra biển cả, bố trí đi kinh tế mới lao động sử dụng cuốc cày đổi nghề, để lại nhà cao cửa rộng được giải phóng tiếp thu, hoặc đi trại tù cải tạo học tập đổi đời thành lũ cừu non thật sự sống dở chết dở với đám quản giáo quyền uy.
Tội nghiệp mấy đứa cháu tôi chuyện đời xưa mà tưởng thật thiếu đường khóc hu hu.
Tuy nhiên đó là nghiệp mệnh. Con người trong xã hội, theo nghiên cứu, có thể chia thành 2 thành phần chính: sói và cừu.
Cừu sinh ra để làm nạn nhân của sói, để được an phận và để phục vụ sói theo bản năng sinh tồn. Loài cừu thể hiện hiệu ứng bầy đàn, là hội chứng đàn cừu, xu hướng đám đông… bắt chước nhau, được các chế độ độc tài tận tình khai thác.
Cứ xem xã hội Việt Nam hiện đại rập khuôn, phục tùng một bề thì biết./.