Tượng bán thân của Alexander Pushkin
Cù Tuấn dịch từ The Economist.
Tại một nhà máy tái chế ở ngoại ô Kiev, cách nơi xảy ra vụ rơi máy bay trực thăng khiến 14 người thiệt mạng (trong đó có bộ trưởng Nội vụ Ukraine) một tuần trước đó một quãng lái xe ngắn, một nhóm công nhân phân loại, hầu hết là phụ nữ trung niên, đang xé toạc hàng trăm cuốn sách tiếng Nga. Trang bìa cuốn “Thời thơ ấu, thời niên thiếu và tuổi trẻ” của Tolstoy, bị bỏ vào một túi rác và chỉ vài ngày nữa là có thể được tái chế thành một cái nắp đậy cốc cà phê hoặc một hộp đựng trứng. Các trang của cuốn tiểu thuyết này, cuối cùng sẽ trở thành giấy trắng để in những cuốn sách khác, bằng tiếng Ukraine, hoặc được chuyển đổi thành các cuộn giấy vệ sinh rẻ tiền. Tiếp theo là tuyển tập các bài thơ của Mayakovsky. Sau đó là sách giáo khoa vật lý của Liên Xô. Rồi đến tiểu sử của Pushkin và Dostoevsky. Và cứ như thế.
Phản ứng dữ dội chống lại văn hóa Nga ở Ukraine đã gia tăng kể từ năm 2014, khi Nga chiếm đóng Donbas và Crimea. Nhưng cuộc xâm lược vô cớ của Nga vào Ukraine, cùng với những nỗi kinh hoàng mà quân đội nước này gây ra, đã khiến nước này rơi vào tình trạng điên cuồng chống Nga. Phi Nga hóa chủ yếu là một quá trình từ dưới lên hoặc là vấn đề sở thích cá nhân, trái ngược với chính sách của chính phủ. Hàng triệu người Ukraine tiếp tục nói tiếng Nga mà không bị phân biệt đối xử. Nhưng chính quyền địa phương ở nhiều nơi trên đất nước đang thay đổi tên đường phố và kéo đổ các bức tượng của Nga và Liên Xô.
Tại Uzhhorod, thủ phủ của tỉnh Transcarpathia phía tây, những ngôi sao màu đỏ đã bị gỡ khỏi bia mộ của những người lính Liên Xô đã ngã xuống. Tượng bán thân của Alexander Pushkin đã biến mất khỏi hàng chục thị trấn. Ở Odessa, một bức tượng lớn của Catherine Đại đế, nữ hoàng Nga thế kỷ 18, người đã thành lập thành phố, đã bị gỡ xuống và đóng hộp vào cuối tháng 12 và hiện đang phủ bụi trong tầng hầm của bảo tàng mỹ thuật thành phố này. Vào ngày 27 tháng 1, Học viện Kyiv-Mohyla, một trong những trường đại học lâu đời nhất của Kyiv, tuyên bố cấm nói tiếng Nga trong trường, mặc dù giám đốc của trường này sau đó đã rút lại và nói rằng lệnh cấm trên sẽ không được thi hành.
Việc phi Nga hóa cũng đã ảnh hưởng đến văn học. Syayvo, một hiệu sách ở Kyiv, đã đóng cửa khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược. Khi nó mở cửa trở lại ba tháng sau đó, ban quản lý và một số khách hàng đã nảy ra ý tưởng hô hào dân chúng để thu thập sách bằng tiếng Nga, tái chế chúng và quyên góp số tiền thu được cho một tổ chức từ thiện mua quần áo và thiết bị cho quân đội Ukraine. Kể từ tháng 7, khách hàng đã mang đến 60 tấn sách.
Nga, quốc gia kiểm soát phần lớn Ukraine từ thế kỷ 17 và Liên Xô, quốc gia mà Ukraine là một phần cho đến năm 1991, đã nhiều lần đàn áp ngôn ngữ và văn hóa Ukraine. Việc Nga hóa đạt đến đỉnh điểm dưới thời Alexander II, một sa hoàng ở thế kỷ 19, người đã cấm giảng dạy, xuất bản sách và dàn dựng các vở kịch bằng tiếng Ukraina.
Vladimir Putin, Sa hoàng thời hiện đại của Nga, đã phủ nhận sự tồn tại của một nền văn hóa Ukraine riêng biệt. Các lực lượng chiếm đóng của Nga ở miền đông và miền nam Ukraine đã lên kế hoạch phá hủy nền văn hóa này. Truy cập vào các trang web tin tức Ukraine đã bị chặn. Địa danh đã được thay đổi và cách viết tiếng Nga đã thay thế tiếng Ukraina. Tại thành phố Mariupol bị tàn phá, quân chiếm đóng đã phá bỏ một đài tưởng niệm các nạn nhân của Holodomor, nạn đói mà Liên Xô đã gây ra cho Ukraine vào những năm 1930 và đã giết chết hàng triệu người. Các trường học tại Mariupol hiện buộc phải tuân theo chương trình giảng dạy của Nga. Vô số người Ukraine bị nghi ngờ có liên hệ với chính phủ ở Kiev đã bị vây bắt và lạm dụng. Một số đã bị bắn chết.
Kết quả, ít nhất là ở phần còn lại của Ukraine, không hoàn toàn giống như những gì ông Putin đã nghĩ. Theo một nghiên cứu, gần đây nhất là vào mùa hè năm 2021, 41% người Ukraine đồng ý với quan điểm rằng Ukraine và Nga là cùng một dân tộc. Đến mùa xuân năm ngoái, sau khi Nga xâm lược, con số này đã giảm mạnh xuống còn 8%.
Hầu hết người Ukraine ủng hộ ý tưởng thay đổi các địa danh của Liên Xô hoặc Nga. Liệu các nhà văn Nga bị chôn vùi một hoặc hai thế kỷ trước có nên trả giá cho những tội ác chiến tranh ngày nay hay không là một câu hỏi gây chia rẽ hơn nhiều. Giống như nhiều người Ukraine bị tổn thương bởi chiến tranh, Vasyl, đang tìm kiếm một cuốn tiểu thuyết mới tại hiệu sách Syayvo, cho biết ông và vợ, những người lớn lên ở Nga, đã quyết định ngừng nói tiếng Nga. Anh nói: “Nó làm tôi đau tai.” Nhưng anh cũng cho rằng văn chương không nên có giới hạn, và việc biến sách tiếng Nga thành bột giấy là một bước đi quá xa. “Điều này khiến tôi nhớ đến Mussolini,” anh nói, tỏ ra không bị thuyết phục bởi lập luận của ông Dyak rằng việc tái chế sách không giống như việc đốt chúng. “Sách là sách.”
Andrey Kurkov, có lẽ là nhà văn đương đại nổi tiếng nhất Ukraine, sinh ra ở Nga và viết bằng tiếng Nga. “Tôi hiểu cảm xúc của họ,” ông nói, nhưng nói thêm rằng một số trí thức Ukraine đang sử dụng quá trình phi Nga hóa để nâng cao uy tín về tình yêu nước của chính họ. Ông biết những cuốn sách của mình có thể sẽ không được xuất bản bằng tiếng Nga tại Ukraine cho đến sau chiến tranh. Ông nói: “Phản ứng đối với mọi thứ liên quan đến Nga là cực kỳ tiêu cực và hung hăng”. Nhưng trong khi các nhà văn viết tiếng Nga có thể bị phớt lờ ở một số vùng của Ukraine, thì ở những nơi khác, nơi tiếng Nga thống trị, ông nói, họ “không thể bị loại bỏ”.