Chân dung cựu Phó Thủ tướng Đức Philipp Roesler.
Nhân ngày nước Đức (Cộng hòa Liên bang Đức) thống nhất, ngày 3 tháng 10 năm 1990, nói chuyện chưa thống nhất với một cựu Phó Thủ tướng Đức “gốc Việt”, rằng ông ta có phải là người Việt gốc hay không?
Nhiều lúc nhìn ảnh chân dung cựu Phó Thủ tướng Đức, ông Philipp Rösler, “gốc Việt”, chúng tôi, những người Việt “original” sinh sống ở Đức thường chạnh lòng thắc mắc, nghi ngờ tự hỏi: Trông ông ta châu Á thì trăm phần trăm rồi. Sóc Trăng, một tỉnh của miền Nam Việt Nam cũng trăm phần trăm luôn. Nhưng chắc gì đã là người Việt, cái bản tính ấy với khuôn mặt này? Thậm chí số nhiều bảo trông hao hao giống Ấn Độ, số ít hơn nói giống Campuchia, số còn lại thì hoài nghi.
Nếu cứ đi tìm thông tin về ông ta từ các nguồn, cả báo Đức, nhưng chủ yếu báo chí trong nước thì viết na ná giống nhau. Đại để, có một cặp vợ chồng người lính Đức nhận ông ta từ lúc 9 tháng tuổi ở một trại mồ côi, hay cô nhi viện gì đó tại Sóc Trăng, miền Tây Nam bộ năm 1973, thời khói lửa binh đao Việt Nam Cộng hòa. Rất có thể cha đẻ của đứa nhỏ Philipp Rösler là lính đánh thuê Á châu? Bởi vì lúc ấy lính đánh thuê có gốc châu Á, bao gồm Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Úc, New Zealand, Vương quốc Lào, Cộng hòa Khmer sau này là Quốc vương Campuchia, cùng lính châu Âu vào miền Nam nước Việt tham chiến cũng không phải ít. Bố nuôi người Tây Đức của ông ta là một minh chứng. Trừ phụ nữ Việt là dân bản địa thì không nói, nhưng ở vùng Sóc Trăng khi đó còn có phụ nữ Hoa kiều, Khmer, Thái Lan, Lào, Miến Điện… Chắc gì cha của đứa trẻ quan hệ với phụ nữ Việt.
Nếu cái điều “chắc gì” đó xẩy ra thật, thì ông Philipp Roesler rất có lý khi không bao giờ ta thấy ông ấy nhận mình là người “gốc Việt” ở bất cứ nơi nào ông được hỏi. Cũng đúng thôi, bởi trong con người ông hoàn toàn không có dòng máu Việt. Chẳng qua ông ta được đưa từ Nam Việt về Đức, trong khi chính mồm ta cứ bù lu bù loa ông ấy “gốc Việt”. Cái trại mồ côi này khi đó không chỉ riêng trẻ Việt mà còn có trẻ Miên, trẻ Lào và trẻ châu Á… Nghĩa là bọn chúng được thu gom từ nhiều nơi gộp lại, được các nữ tu sĩ, bà phước, bà xơ cưu mang chăm bẵm.
ợ chồng người lính Đức đưa đứa trẻ 9 tháng tuổi trở về Đức ngay sau khi xin được và tất nhiên đứa bé đã mang tên họ hoàn toàn Đức – Philipp Rösler. Chứ không có kiểu tên họ nửa Tây nửa ta, họ Đức tên Việt hay họ Việt tên Đức. Được dạy dỗ từ ấu thơ trong môi trường ưu việt ở một quốc gia vào bậc nhất nhân loại, tới lúc trưởng thành, rất danh giá. Đó là nỗ lực học tập phấn đấu tự chính bản thân ông ta vươn lên. Phải nói thật đáng khâm phục. Tốt nghiệp Trường Đại học Y Hannover, một trong những trung tâm y tế đại học hàng đầu thế giới. Trước khi trở thành chính trị gia, ông từng là một bác sĩ phẫu thuật tim.
Năm 1999, ông thực tập Y khoa tại Bệnh viện Các lực lượng vũ trang Liên Bang ở Hamburg. Năm 2002, ở tuổi 29 ông làm lễ thành hôn với bà Wiebke Lauterbach, cũng là một bác sĩ. Cùng năm đó, ông nhận bằng tiến sĩ Y khoa tại Đại học Y Hannover. Bốn năm sau ông bà sinh đôi hai cô con gái. Năm 2009, khi 36 tuổi Philipp Roesler lọt vào hàng Bộ trưởng Bộ Y tế, vị Bộ trưởng trẻ nhất trong lịch sử nước Đức hiện đại. Năm 2011, ở độ tuổi 38, ông được bầu làm Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (Freie Demokratische Partei – viết tắt FDP). Đồng thời được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ Đức. Đây là chức vụ cao nhất trong cuộc đời làm chính trị của ông, dẫu thời gian không dài.
Tháng 9 năm 2013, Rösler chính thức từ chức Chủ tịch đảng, sau khi đảng (FDP) của ông lần đầu tiên với kỷ lục số phiếu thấp nhất mà lịch sử đảng này chưa từng có. Đồng nghĩa với việc thôi chức vụ Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ Đức. Cũng từ đây ông giã biệt sự nghiệp chính trị ngắn ngủi của mình.
Trong các bài viết và phỏng vấn cựu Phó Thủ tướng Đức “gốc Việt” Philipp Roesler, phải lấy tạp chí Spiegel (Tấm gương), một tuần san tin tức nổi tiếng của Đức đã từng phỏng vấn ông ta thì mới thấy ông này luôn khẳng định rằng ông là người Đức gốc Á châu, chứ chưa bao giờ nhận mình là người Việt Nam. Tôi nhắc lại từ “chưa bao giờ”. Ông ta không nói được một chữ tiếng Việt nào chứ đừng nói là một câu. Ông cũng không muốn học tiếng Việt. Chỉ khi vợ ông, bà Wiebke Roesler vận động thuyết phục ông tìm về cội nguồn, thì lúc đó ông mới miễn cưỡng trở về Việt Nam lần đầu tiên năm 2006 ở tuổi 33. Mà lần đầu ấy ông ta cũng không tìm về địa danh Sóc Trăng, thời thơ ấu bất hạnh của mình. Chắc là đi chỉ vì chiều lòng vợ?
Khi bị thất sủng, rời chính trường Đức, cùng gia đình đến Thụy Sĩ để bước vào công việc mới thì ông có trở lại Việt Nam khoảng 3-4 lần. Tất nhiên những lần sau này không còn quyền lực chính trị nữa, nghe chừng ông ta có vẻ cởi mở hơn.
Đại sứ Lê Linh Lan và Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ Philipp Rosler. (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN)
Tiến sỹ Philipp Rosler, nguyên Phó Thủ tướng Đức, vừa được chính thức bổ nhiệm vị trí Lãnh sự danh dự đầu tiên của Việt Nam tại Thụy Sĩ.
Cứ theo báo chí Tuyên giáo của Đảng Cộng sản trong nước đồng loạt đưa tin, viết bài tung hô, tụng ca ầm ĩ, nhức nhĩ đau tai, thì ông Philipp Rösler quả là con người tuyệt vời. Rằng ông đã viện trợ thuốc men y tế, rằng ông nhớ tới cội nguồn, rằng ông yêu quê hương, rằng ông thương đất nước, rằng ông ước non sông… những cái rằng ấy chỉ là viển vông con khỉ tiều. Ông ta là người như thế nào? Tư cách ra sao? Thiết tưởng phải nên hỏi người Việt Nam sống ở nước Đức này chứ sao lại là báo Tuyên giáo Đảng.
Đang nói chuyện ông Philipp Rösler “gốc Việt” lòng bỗng vẩn vơ nhớ đến câu chuyện khác. Trường hợp gốc Việt khác, người thực, việc thực là vụ nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn, là người đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin lần thứ 10 năm 1980 tại thủ đô Warszawa (Ba Lan). Cũng lần đầu tiên ấy Sơn, một nghệ sĩ dương cầm Việt Nam tự hào đại diện cho châu Á duy nhất đoạt giải cao tại cuộc thi này.
nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn,
Từ lúc Sơn được thầy giáo dạy nhạc người Nga phát hiện tài năng, đề nghị cho qua Liên Xô học tại Nhạc viện Quốc gia Tchaikovsky ở Moskva, rồi tới Warszawa, giành giải nhất, không hề có sự bảo trợ giúp đỡ nào của nhà nước Việt Nam, chỉ vì lý do Sơn là con trai nhà thơ Đặng Đình Hưng, là người có “vết nhơ” trong vụ Nhân văn – Giai phẩm năm 1958. Nhưng ngay sau khi nhận được tin Đặng Thái Sơn đoạt giải quốc tế, báo Nhân Dân (Cơ quan ngôn luận của đảng CSVN) đưa tin đầu tiên, bài đăng trên trang nhất liên tiếp trong ba ngày. Đến cả con mèo tam thể trong gầm giường nhà Sơn cũng được moi ra tấm tắc ngợi ca. Nhưng tuyệt nhiên không có một chữ nào về người cha đẻ khốn khổ Đặng Đình Hưng của Sơn!
Rồi Ban đây, Bệ kia được lập hội, họp báo rầm rộ, tự hào Việt Nam tôi đấy. Rồi phong danh dự này, tước hiệu nọ, rồi thì là mà bỗng Sơn hóa ra Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn do Đảng phong tự lúc nào không hay. Từ chuyện con mèo tam thể của Sơn đến chuyện mèo mửa này của Tuyên giáo độc đáo làm sao. Sơn ‘nghe giai điệu tổ quốc tôi’ chắc cũng nhàm tai nên chào “gút bai” dọt lẹ sang xứ Canada để ẩn dài dài.
***
Ở Đức, nếu hỏi người Việt ông Philipp Rösler là ông nào thì rất ít người biết, ngoại trừ những kẻ lẩm cẩm như chúng tôi hay coi thời sự. Bởi ông ta có bao giờ tỏ thái độ, hay nghĩa cử, lời nói, cũng như hành động, thể hiện rằng mình rất quan tâm đối với cộng đồng gần tám bẩy ngàn năm trăm người Việt (87.500) sống trên nước Đức này, hay ông hằng ngày âm thầm giúp đỡ họ. Quên đi.
Mà ở đời nó như thế, “có đi có lại mới toại lòng nhau”. Anh không nhớ tới tôi thì lẽ nào tôi lại phải đời đời nhớ anh, không có chuyện đó. Tám bẩy ngàn người Việt đâu có ít, họ hiện hữu ở ngay trên quê hương anh mà anh, một người “gốc Việt” ở cương vị cao không quan tâm lại bảo anh để tâm tới người nước Việt cách Đức những gần mười nghìn (9.339) cây số, thì bố ai tin. Đó là chưa nói đến việc ông ta luôn ủng hộ chính phủ Trung Quốc, kẻ thù nước Việt của ông.
Ta dễ dàng nhận thấy cảm tình của người dân Tây Berlin hò reo hân hoan, vỗ tay dậy trời vang đất khi Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy tới thăm Tây Đức, trước Tòa thị sảnh Schöneberg, tháng 6 năm 1963 với lời chào ngắn gọn “Ich bin ein Berliner” có nghĩa: “Tôi là một người Berlin”, mặc dù ông là người Mỹ chính hiệu.
Các đời Tổng thống Mỹ, dù họ không nói được tiếng Việt nhưng chí ít họ cũng tỏ thái độ thiện cảm bằng tiếng Anh, để dân nước Việt mát lòng như Bill Clinton khi lần đầu đến thăm Việt Nam tháng 11 / 2000 đã lẩy hai câu trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:
“Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân”.
Hoặc như ông Phó Tổng thống Mỹ Joe Binden, tại buổi gặp tháng 7/2015 tiếp lão Bí Tổng Nguyễn Phú Trọng viếng thăm Mỹ trong Bộ Ngoại giao:
“Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”.
Hay như ông Barack Obama tới Trung tâm Hội nghị Quốc gia – Hà Nội tháng 5/2016:
“Rằng trăm năm cũng từ đây.
Của tin gọi một chút này làm ghi”.
Rất biết dù đó chỉ là hình thức ngoại giao nhưng dẫu sao vẫn gây chú ý để lòng ta lâng lâng nao nao cảm động. Bởi có người ngoại quốc lại thuộc văn chương nước mình, tiếng mẹ đẻ của mình. Vậy thì ông cựu Phó Thủ tướng Đức Philipp Rösler người Đức “gốc Việt”, kẻ chưa từng một lần nhận mình là người gốc Việt Nam. Không có một nghĩa cử nào đối với thường dân Việt sinh sống trên đất nước Đức của ông ta, mà ta (báo chí Tuyên giáo Đảng) cứ nhận vơ vào để tự hào đến mức vô liêm sỉ, huyễn hoặc lố bịch viển vông, há cái mặt Việt ta nếu không phải tro thì cũng mặt mo, mặt trấu.
Dương Tự Lập