|
Chính quyền Morrison được yêu cầu phải nỗ lực hơn cho người công dân Úc 70 tuổi bị bắt giữ tại Việt Nam
Cộng đồng người Úc gốc Việt phát động lời kêu gọi lớn nhất từ trước giờ về tình trạng của một công dân Úc bị bắt giữ tại Việt Nam, qua cuộc thắp nến cầu nguyện tại trung tâm thành phố Sydney hôm thứ Sáu.
Ông Châu Văn Khảm, 70 tuổi, bị bắt giữ tại Tp. Sài Gòn vào tháng Giêng trong một chuyến đi “thu thập dữ kiện” và sau khi bị giam giữ tám tháng không có luật sư bảo vệ, ông sắp sửa bị đưa ra xét xử với tội “khủng bố chống phá chính quyền nhân dân”.
Vụ xử này sẽ diễn ra trong vòng hai-ba tháng, theo hồ sơ của lãnh sự Úc mà hãng thông tấn SBS đã xem được.
Bà Châu Trang, vợ của ông Khảm, cho biết tại buổi thắp nến, “Chúng tôi được biết là chồng tôi sẽ bị đưa ra tòa và chúng tôi lo ngại là nếu không cho dư luận biết thì ông sẽ bị kết án nặng nề.”
Ông Khảm đã về hưu, là thành viên của tổ chức dân chủ Việt Tân, bị cáo buộc theo điều 113 của Bộ luật hình sự Việt Nam và nhà cầm quyền Việt Nam còn đang điều tra xem có buộc tội ông vi phạm điều 341, sử dụng giấy tờ giả.
Nhà cầm quyền Việt Nam cho rằng ông dùng giấy tờ giả để vào Việt Nam từ Cam Bốt.
Ông Châu Văn Khảm.
Trong buổi thắp nến, tại Quảng trường Martin ở Sydney, các tham dự viên cầu nguyện cho ông Khảm và hát những bài ca mang niềm hy vọng.
Bà Võ Hồng, một người trong ban tổ chức và cũng là thành viên Việt Tân cho SBS biết là bà đồng cảm với trường hợp của ông Khảm vì chính bà cũng từng bị bắt giữ tại Việt Nam vào năm 2010.
“Tôi hiểu sự cô đơn như thế nào và những đòn phép tâm lý tác động đến người tù… Vì vậy tôi rất quan tâm đến tình trạng của ông ấy. Những cảm giác này vẫn còn đọng trong người tôi mặc dầu nó đã xảy ra cách đây mười năm về trước.”
Bà Võ Hồng bị bắt giữ ở phi trường Tân Sơn Nhất, Tp. Sài Gòn vào năm 2010 khi tham dự vào một cuộc biểu tình chính trị ôn hòa về các biển đảo đang tranh chấp trong vùng Biển Đông.
Mặc dầu được thả ra sau mười ngày giam giữ, bà cho biết là bị răn đe và hù dọa trong lúc bị giam. “Lúc đó, tôi cảm thấy bất lực vì không biết chuyện gì xảy ra bên ngoài. May mắn cho tôi là thời gian giam giữ không lâu, nhưng dầu vậy, cũng đủ tồi tệ cho tôi.”
Ông Benedict Kerkvliet, một nhà nghiên cứu chính trị và tác giả quyển sách Lên Tiếng tại Việt Nam (Speaking out in Vietnam) nhận định rằng không phải là điều gì ngạc nhiên cho ông Khảm khi mà nhà nước Việt Nam có phản ứng mạnh. Theo ông thì đảng Việt Tân bị cấm hoạt động tại Việt Nam.
Ông nói thêm, “Nếu tôi là ông ấy thì tôi cũng sẽ biết đây là phần rủi ro khi đi Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay.”
Theo tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch), có ít nhất 131 người bị giam giữ tại Việt Nam chỉ vì thực thi quyền căn bản của họ.
Hy vọng có sự hỗ trợ nhiều hơn từ chính quyền Úc
Anh Dennis Châu, con trai của ông Khảm, hiện đang làm việc tại London, gần đây có gửi lá thư dài 33 trang về trường hợp của cha mình đến văn phòng Bộ Trưởng Ngoại Giao Marise Payne tại Sydney.
Anh cho biết đây là nỗ lực chót để chính quyền Úc quan tâm. “Chúng tôi không muốn cha tôi bị bỏ quên. Tôi được văn phòng Bộ Ngoại Giao cho biết là sẽ hồi âm nhưng đến nay thì chưa thấy gì hết.”
Bà Châu Trang cũng cho biết gia đình rất thất vọng với việc Thủ Tướng Úc không lên tiếng một cách mạnh mẽ về trường hợp của ông Khảm.
Thủ tướng Scott Morrison viếng thăm Việt Nam vào cuối tháng Tám vừa qua và có gặp Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Bà Châu Trang nói thêm, “Chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng, nhưng không thấy chỉ dấu gì là ông ấy đề cập đến trường hợp của chồng tôi. Chúng tôi hy vọng là chính quyền Úc nỗ lực hơn nữa, nhất là khi chồng tôi sẽ bị đưa ra tòa xét xử trong một xứ cộng sản độc đảng.”
Phát ngôn nhân của Thủ Tướng Morrison nói với SBS rằng, “Chúng tôi có nêu các vấn đề nhân quyền với nhà cầm quyền Việt Nam. Chúng tôi không thể tiết lộ chi tiết về các cuộc đối thoại riêng giữa các nhà lãnh đạo.”
Bộ Ngoại Giao Úc thì cho biết là họ sẽ không bình luận gì về việc có làm gì hơn nữa để thúc đẩy trường hợp của ông Khảm ngoài việc hỗ trợ từ Lãnh sự quán Úc.
“Vì lý do riêng tư chúng tôi không thể cung cấp thêm chi tiết.”
SBS đã liên lạc với Bộ Ngoại Giao Việt Nam và chờ lên tiếng về vụ việc.
Lin Evlin, SBS News